Tin tức - Hoạt động

Hình ảnh con trâu, con nghé trong thơ Huy Cận

Cập nhật lúc 15:16 24/02/2021
Em bé cưỡi trâu, thả diều (Tranh dân gian Đông Hồ). Ảnh: CTV
Em bé cưỡi trâu, thả diều (Tranh dân gian Đông Hồ). Ảnh: CTV
Huy Cận là nhà thơ chuyên viết cho người lớn, hơn 60 năm làm thơ, ông đã cho ra mắt bạn đọc gần 20 tập thơ. Trong đó ông dành hẳn một tập thơ viết riêng cho trẻ em- tập thơ “Hai bàn tay em”, do Nhà xuất bản Văn học, xuất bản năm 1967, dày 160 trang, gồm 40 bài thơ. Cố thi sĩ Xuân Diệu, bạn ông viết một bài tiểu luận khá công phu dài 30 trang để ca ngợi, bình luận những bài thơ hay, câu hay trong tập này.
Huy Cận là nhà thơ, đồng thời là nhà hoạt động văn hoá có tầm quốc gia và quốc tế. Ông sinh ngày 31/5/1919, trong một gia đình nhà nho lớp dưới, quê làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh (mất ngày 19/2/2005 tại Hà Nội). Vốn tốt nghiệp trường cao đẳng canh nông, nên ông rất am hiểu về nông học, sinh học. Thơ ông viết nhiều về đồng ruộng nông lâm ngư nghiệp là lẽ đương nhiên, không chỉ có người lớn thích mà trẻ em cũng thích như bài: Con tôm, Tổ ong, Con chim chiền chiện, Con cá. Với “Con trâu” ông viết:
“Trâu sừng cong lại
Như hai vầng trăng”.
Thật giàu hình tượng. Phải là người trong cuộc, mới thấu hiểu cảnh trâu nằm lạnh trong đêm đông như thế này:
“Người ta đi ngủ gối chăn
Con trâu đi ngủ thân trần đêm đông...
Trâu không có gối trâu kê
Suốt đêm ngển cổ mỏi tê cái đầu...”
(Trang 90 tập “Hai bàn tay bàn em”)
Trong bài thơ “Thi nghé”, câu chữ, thi tứ, bút pháp tài hoa của Huy Cận thể hiện rõ nét:
“Bú no, day vú mẹ
Như trẻ nhỏ khác chi
Nó cười theo kiểu nghé
Vuốt mượt cỏ bờ đê”.
Từ “vuốt” vừa đẹp, vừa hóm, tả thực, vì nghé chưa có răng thấy cỏ non ngon mắt chỉ dùng mồm, lưỡi, vuốt vuốt:
“Lông nó đen lay láy
Mẹ nó liếm càng đen
Mặt trời làm bàn chải
Những tia sáng vuốt thêm”.
Nhà thơ quan sát khá tinh vi, mẹ nó vuốt càng đen, vì liếm là có nước, một vật đen có nước càng đen, cái đen do chải chuốt âu yếm của mẹ chú nghé:
“Mặt trời làm bàn chải
Những tia nắng vuốt thêm”.
Thì quả nhà thơ viết như vẽ- vẽ bằng ngôn ngữ của thi ca tinh khiết và chọn lọc, không bút nào tả và vẽ được bằng Huy Cận, như:
“Lô nhô đàn nghé mượt
Như sóng nhẹ ban mai
Đồi bên cỏ còn ướt
Nằm phơi như vú dài”.
Đúng là vừa hư, vừa thật, trữ tình, viết cho trẻ con như thế mà người lớn đọc cũng thích. Tôi có cảm tưởng đấy là Huy Cận vẽ bức tranh bình minh trên sườn đồi, đẹp một cách tinh khôi của buổi sáng ở miền Trung du vậy.
Đọc thơ Huy Cận viết về trâu, về nghé, ta càng hiểu thêm những con vật bạn chí cốt của nhà nông, bạn của trẻ mục đồng, càng trân trọng, yêu quí tài thơ Huy Cận viết về các loài vật. Viết về các loài vật, không phải dễ mấy ai cũng viết hay được như Huy Cận. Qua thơ Huy Cận viết về con trâu, con nghé, chẳng những làm ta có cái nhìn thẩm mỹ về con vật này, càng yêu thơ Huy Cận và càng yêu trâu và nghé hơn.
Lê Hồng Thiện
Thông tin khác:
Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ (24/02/2021)
Sức sống mới ở giáo xứ Cốc Thành (23/02/2021)
Xuân sớm về trên quần đảoTrường Sa (23/02/2021)
Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần (23/02/2021)
Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió” (23/02/2021)
Để Tết nay vui như Tết xưa (23/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch (22/02/2021)
Nét đẹp văn hóa trong phong tục mừng tuổi ngày Tết? (17/02/2021)
Người Nam Bộ đón Tết (17/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log