Tin tức - Hoạt động

Chuyện làng đạo

Cập nhật lúc 15:21 24/02/2021
Với hơn 100 năm tuổi, nhà thờ chính tòa Phát Diệm chứng minh sự giao thoa hoàn hảo giữa Công giáo và nét kiến trúc đình, chùa truyền thống của Việt Nam. Ảnh: CTV
Với hơn 100 năm tuổi, nhà thờ chính tòa Phát Diệm chứng minh sự giao thoa hoàn hảo giữa Công giáo và nét kiến trúc đình, chùa truyền thống của Việt Nam. Ảnh: CTV
Năm 1991, giáo phận Phát Diệm tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 100 năm ngày khánh thành nhà thờ Chính tòa, quen gọi là nhà thờ đá Phát Diệm. Hàng vạn giáo dân trong ngoài giáo phận nô nức về dự. Ông cụ Sóng cũng hòa trong đoàn người giáo xứ Tâm Đức quê ông. Sinh đúng vào hôm mừng 10 năm xây dựng xong nhà thờ Chính tòa, tính đến nay cụ vừa tròn 90. Con cháu muốn dùng thuyền hay xe máy để chở cụ Sóng đi về Phát Diệm dự lễ, vì đường xa những hơn 10 cây số, nhưng ông cụ không ưng, mà nhất định đi bộ. Cụ bảo còn dư sức đi bộ xa hơn thế. Mà đúng là cụ còn khỏe thật, thân hình vẫn săn chắc, lưng không còng, ăn vẫn đủ ngày 3 bữa, mỗi bữa ba bát cơm, đêm ngủ tốt, cứ đặt mình là ngủ, ông cụ chỉ những cám ơn Chúa ban cho ông khỏe dù nhà luôn trong cảnh nghèo. Nguyên nhân là từ mấy đời rồi, ông nội ông cụ không có cái may mắn là ở trong số những người đầu tiên đến lập ấp ở đây khi Doanh Điền sứ Nguyễn Công Trứ tổ chức cho dân khai hoang, lập lên huyện Kim Sơn nghĩa là núi vàng. Khi cụ đem theo bà vợ và đứa con độc nhất, hơn 10 tuổi sau là ông thân sinh ra ông Sóng cùng người chị gái muộn chồng đến Kim Sơn khai hoang, làng xóm nơi đây kể như đã được hình thành, đi vào ổn định tới vài, ba mươi năm, những chỗ đất đẹp, đất tốt phần nhiều đều đã có chủ, cụ chỉ còn được nhận phần đất địa thể không đẹp lại chật, chỉ ba sào Bắc Bộ thổ cư, quá ít so với một hai mẫu đất những nhà người ta. 
Khi ra đi khỏi một làng quê huyện Xuân Trường tỉnh Nam Định đã là dân quá nghèo, phải bỏ làng cũ tha phương cầu thực, đến nơi cư ngụ mới khai hoang dĩ nhiên là không thể có tiền mà tậu tư điền đành chỉ còn biết trông vào ruộng công điền của làng. Công điền phân theo suất đinh chỉ gồm đàn ông và con trai đã lớn đủ 18 tuổi nhập làng mới được chia cho công điền mà cày cấy, hàng năm phải đóng thuế đinh, thuế điền cùng chịu mọi khoản phu phen, tạp dịch. Lúc đầu số đinh trong làng còn ít mỗi suất đinh còn được chia ba sào. Về sau dân làng cứ đẻ mãi ra, phần ruộng chia của mỗi suất đinh cứ giảm dần, đến ngày ông Sóng được ghi tên vào sổ đinh của làng chỉ còn được chia có một sào công điền. Vì đàn bà, con gái quá lứa lỡ thì không được chia công điền, người chị gái của ông nội ông Sóng xem như là phải ăn bám vào ông em. Không muốn làm khó mãi cho em, bà đành chấp nhận làm kế thất cho một người đàn ông góa vợ ở tổng dưới, hơn bà nhiều tuổi năm ấy bà mới 32, ông kia đã 65, ông em rất cám cảnh cho chị gái, song lòng chị đã quyết đành chỉ còn biết quy cho phận nghèo và vâng theo thánh ý Chúa. Nào ngờ bà chị lại gặp may sinh với ông chồng già một cậu con trai đúng cảnh lão bạng sinh châu, cậu con trai ấy về sau phương trưởng ăn nên làm ra trở thành giàu có, ra Hà Nội lập nghiệp, đứng vào hàng nhất nhì các nhà in lớn của Thủ đô, được bầu vào Quốc hội, làm thứ trưởng trong chính phủ Việt Minh. Nhưng đó là về sau chứ hồi đầu sau khi về làm dâu tổng dưới bà chị cũng chưa giúp được gì cho cậu em cả. Vẫn là cảnh cậu em phải cùng với vợ và con trai nai lưng ra cấy lúa, đơm đó bắt tôm cá đồng gần, đánh cá biển xa. Nói là xa chứ biển ngày đó chưa quá cách xa làng ông Sóng như bây giờ. Bây giờ sau rất nhiều năm phù sa cứ bồi rộng mãi ra, đất liền cứ vươn xa, huyện Kim Sơn đã lập được thêm mấy xã mới mà bãi sa bồi vẫn cứ còn rộng, còn thêm. 
Thời ông Sóng theo cha theo ông nội đi biển, hòn núi Nẹ vẫn còn tít ngoài khơi xa, mọi người đều theo kinh nghiệm truyền đời đêm nằm ở làng mình, nhìn trước biển phía xa nơi hòn Nẹ mà đoán sự mưa nắng, bão giông. Còn bây giờ từ đất liền ra hòn Nẹ, người ta có thể lội bộ. Chứ vào hồi ông lên chín lên mười, theo cha ra biển, từ đất liền thuyền của bố con ông phải đi một thôi thẳng mới chạm chân hòn Nẹ. Hồi ấy thuyền đánh cá của gia đình nhà ông Sóng thường gửi ở ngoài làng chài ven biển. Muốn đi về làng ông, thường đi bằng giẫy cho nhanh, cái giẫy làm bằng tấm gỗ bào nhẵn giống một tấm cánh cửa con bài, giỏ cá đồ dùng đánh cá để cả trên giẫy, người ngồi cuối giẫy đạp chân vào bùn mà đẩy mạnh cho chiếc giẫy trượt nhanh để vượt được độ nhanh của nước thủy triều trào dâng, chứ chạy lội trên bãi thì không thể nào kịp được. 
Người đi kiếm con tôm con cua ngoài bãi biển đều đã có kinh nghiệm nhìn trời, mây đoán mưa nắng, bão dông, nghe tiếng con chim gọi Vịt, vít… vìm vịp để nhận ra dấu hiệu nước biển đang dâng lên là ai nấy phải trèo nhanh lên giẫy đạp cho nhanh về làng. Cứ mãi theo một hướng một lối hằn trên mặt bùn thành những vệt đẩy giẫy, có nơi sau thành sông. 
Cảnh kiếm sống trông trời trông nước trông mây như vậy chỉ đủ giúp cho dân quê ven biển ngày hai lần bếp đỏ lửa khỏi đói, đã khó, nói gì đến sự dư giật khá giả. Mà ở làng đã không là anh có máu mặt tất sẽ lép vế nơi làng xã,người dân làng đạo phải xếp vào hạng cầm cờ, khiêng kiệu, chỉ hơn được mỗi chú mõ làng về danh vị, chỗ ngồi khi hội việc làng... 
Vũ Huy Anh
Thông tin khác:
Xuân về trên quê hương tôi (24/02/2021)
Hình ảnh con trâu, con nghé trong thơ Huy Cận (24/02/2021)
Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ (24/02/2021)
Sức sống mới ở giáo xứ Cốc Thành (23/02/2021)
Xuân sớm về trên quần đảoTrường Sa (23/02/2021)
Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần (23/02/2021)
Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió” (23/02/2021)
Để Tết nay vui như Tết xưa (23/02/2021)
ĐTC gửi sứ điệp cho các nhà tổ chức sáng kiến quyên góp vật tư y tế cho Peru chống đại dịch (22/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log