Tin tức - Hoạt động

Năm Tân Sửu nói chuyện về con trâu!

Cập nhật lúc 15:26 24/02/2021
Tranh ngày mùa thi đua cày bừa, tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: CTV
Tranh ngày mùa thi đua cày bừa, tranh dân gian Đông Hồ. Ảnh: CTV
Năm nay là năm Tân Sửu, năm con trâu, con trâu còn được gọi là Ngưu theo Hán tự, con trâu chính là người bạn sớm tối đói no cùng người nông dân ngày xưa. Đúng vậy, vì nuôi trâu không phải để làm cảnh, vui chơi ôm ấp…mà để đóng góp cho cuộc sống được sung túc.
Con trâu là đề tài rất quen thuộc trong kho tàng văn học và cũng là nhân vật thường thấy trong kho tràng chuyện cổ tích. Đầu tiên, về sự tích con trâu, người ta kể rằng ngày xưa, Ngọc Hoàng thấy dương gian đói khổ, loài người không có đủ lúa gạo ăn, còn súc vật như lừa, ngựa, bò, cừu … không có đủ cỏ để gặm. Ngài bèn sai Tiên Đồng mang xuống hạ giới một bó lúa và một bó cỏ thần “gieo đâu mọc đấy” để gây giống làm thức ăn cho người và vật. Xuống tới trần gian, Tiên Đồng thấy cảnh đẹp, đàn bà con gái hấp dẫn nên sao lãng nhiệm vụ, quên cả công tác được giao phó, chỉ gieo bó cỏ mà quên mất bó lúa. Do đó cỏ mọc lan tràn mà không có lúa khiến loài người vẫn thiếu thực phẩm. Ngọc Hoàng nổi giận, phạt Tiên Đồng biến thành con trâu, bắt gặm bớt cỏ để chuộc lỗi. Từ đó, loài trâu tuy phải làm việc đồng áng cực nhọc, nhưng chỉ được ăn cỏ để đền tội mê gái xưa.
Con trâu là biểu tượng đẹp về văn hóa Việt Nam, của nền văn minh lúa nước từ thời vua Hùng cho đến ngày nay. Con trâu là con vật gần gũi, thân thương nhất với người nông dân.
1. Con trâu được xếp vị trí thứ 2 trong 12 con Giáp
Nhân ngày sinh nhật của mình, Ngọc Hoàng đã quyết định tổ chức một cuộc thi để con vật tham gia bơi qua sông. 12 con vật cán đích đầu tiên sẽ được chọn làm 12 con giáp trong năm.
Khi tin tức cuộc thi được lan truyền, chú chuột nhanh nhẹn thức dậy thật sớm để tham gia vào cuộc đua. Trên đường đi đến con sông, chuột tình cờ gặp trâu, hổ và ngựa… cũng đến tham gia. Vì “thân hình” nhỏ nhắn mà chuột không thể bơi qua sông được, chú nhanh chóng cầu cứu các anh bạn “to bự”. Nhưng mặc kệ lời nhờ vả của chuột, hổ và ngựa đã từ chối và vờ đi.
Chỉ có con trâu tốt bụng đồng ý giúp chuột. Bơi gần đến đích, chuột nhanh nhẩu nhảy phắt ra khỏi lưng trâu và chạm đích đầu tiên. Tiếp đến là trâu thứ hai,…
Tính theo giờ: Trâu được xếp vào giờ thứ hai vì rạng sáng từ 1 đến 3 giờ trâu thường ăn cỏ đêm. Người nông dân cũng dậy treo đèn cho trâu ăn và chuẩn bị để đi cày. Con trâu biểu trưng cho cần cù, chịu khó.
2. Con trâu trong ca dao,tục ngữ 
Là người Việt Nam, không ai mà không biết đến những câu ca, tục ngữ chan chứa tình cảm yêu thương người với con trâu:
Câu tục ngữ “Con trâu là đầu cơ nghiệp” là “hình ảnh con trâu đi trước cái cày”,
“Làm ruộng không trâu, làm giàu không thóc”.Ý muốn nói không có trâu thì người dân sẽ gặp muôn vàng khó khăn trong sản xuất, qua đó phải biết, người dân quý trọng con trâu và xem nó như là người bạn.
Ca dao: 
“Trâu ơi ta bảo trâu này,
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta.
Cấy cày giữ nghiệp nông gia.
Ta đây trâu đấy, ai mà quản công!
Bao giờ cây lúa còn bông,
thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.
Ý ở đây nói là nông nghiệp còn phụ thuộc vào cây lúa nước thì cần đến trâu nên mới cho trâu ăn cỏ để có sức khỏe giúp nhà nông.
Trong “Lục súc tranh công” kể lại 6 con vật: trâu, bò, dê, lơn, gà, ngựa tượng trưng cho 6 vị quan đầu triều tranh nhau công trạng và ai cũng cho mình đóng góp nhiều công sức hơn cho dân nước. Hãy nghe quan Sửu kể công:
- Trâu mỏi mệt trâu liền thăn thỉ (năn nỉ)
Một mình trâu ghe nỗi gian nan,
Lóng canh gà vừa mới gáy tan,
Chủ đã gọi thằng chăn vội vã….
Từ tháng Giêng cho tới tháng Chạp,
Kế Xuân, Hè, nhẫn đến Thu, Đông,
Việc cầy bừa nông cụ vừa xong,
Lại xe gỗ giầm công liên khói
Nói về thú vui được tham dự lễ hội chọi trâu:
“Dù ai buôn bán nơi đâu
Mồng Mười, tháng Tám chọi trâu thì về”
Nhắn nhủ những người xa quê hương nên nhớ “mồng Mười tháng Tám” hãy về quê để tham gia lễ hội chọi trâu.
Chăn trâu sướng lắm chứ! trong bài hát: Em bé quê của Phạm Duy
“Ai bảo chăn trâu là khổ
Chăn trâu sướng lắm chứ!
Ngồi mình trâu,phất ngọn cở lau
Và miệng hát ngêu ngao,…”
3. Truyện Trạng Quỳnh chọi trâu
 Trong dân gian có truyện Trạng Quỳnh chọi trâu khiến sứ Tàu phải thán phục, chịu thua. Nguyên nước Tàu lúc nào cũng nuôi mộng thôn tính nước ta, nhưng sau nhiều lần bị đại bại nên không giám xua quân xâm lăng như trước. Một hôm, vua Tàu sai sứ sang nước ta, giả tiếng thăm viếng nhưng kỳ thực dò xét xem nước ta có nhiều nhân tài hay không để tùy nghi hành động. Sứ Tàu đem theo một con trâu cổ rất to lớn và hung dữ rồi thách vua ta đưa trâu ra chọi thi, nếu bị thua phải triều cống nước Tàu. Vua ta thấy trâu Tàu khỏe quá nên rất lo ngại, bèn triệu Trạng Quỳnh vào cung vấn kế. Trạng Quỳnh chỉ xin vua một con nghé nhỏ, gầy đói ốm yếu để chọi với trâu Tàu. Đến ngày thi đấu, Trạng Quỳnh bỏ đói con nghé không cho bú sữa nên khi gặp trâu Tàu, con nghé xông vào bụng con trâu lớn để tìm vú mẹ. Trâu Tàu tuy to lớn nhưng chỉ quen chọi với trâu lớn, nay gặp con nghé nhỏ khát sữa cứ lủi đầu vào hai chân sau nên bỏ chạy. Trạng Quỳnh còn dọa sứ Tàu: “Trâu Tàu to lớn như vậy mà còn bị thua một con nghé nhỏ của Việt Nam, nếu đưa trâu Việt ra, chắc trâu Tàu chết mất xác”. Sứ Tàu chịu phục, về tâu với vua Tàu là Việt Nam có rất nhiều nhân tài, không thể xâm lấn được.
4. Hội chọi trâu ở Đồ Sơn
Theo phong tục tập quán, mỗi năm vào ngày mồng Chín tháng Tám âm lịch hằng năm, người dân Đồ Sơn (Hải Phòng) lại tưng bừng bước vào một lễ hội lớn mang đậm bản sắc văn hóa và tinh thần thượng võ: Hội chọi trâu. Để có ngày hội độc đáo này, người dân Đồ Sơn không tiếc công của để đi tìm mua bằng được những trâu ưng ý từ khắp mọi nơi để về làm lễ “ngập tổng” tôn lên thành ông trâu…
Hội chọi trâu Đồ Sơn không biết có từ bao giờ, nhưng truyền thuyết về hội chọi trâu cách đây vài trăm năm và câu ca truyền tụng vẫn còn đến bây giờ:
Dù ai buôn đâu bán đâu
Mùng Chín tháng Tám chọi trâu thì về
Dù ai buôn bán trăm nghề
Mùng Chín tháng Tám thì về chọi trâu
5. Những lời khen ngợi về nông nghiệp và con trâu
- Người tuổi trâu tốt bụng! Thật thà! Cần cù ! Chăm chỉ!
- Khen ai có sức khỏe: “Thân hình vạm vỡ, khỏe như trâu”
- Hình ảnh con trâu còn được dùng để khen người quân tử, chê bai chế giễu bọn tham lam, cơ hội, vị kỷ, cục bộ, lừa dối, năm thê ba thiếp, bảo thủ...
- Con trâu không chỉ góp phần làm ra thóc gạo để an sinh xã hội.
Nghề nông trong quá khứ thì cần phải có sức khoẻ, muốn có sức khoẻ để cày sâu thì phải ăn cho khoẻ. Người nông dân nói với trâu là cũng tự nhủ với lòng mình. Nghề nông là một nghề vất vả nhưng là một nghề cao cả vì nó quyết định đến đời sống của mọi người. Người Đông Nam Á nói chung và người Việt Nam nói riêng, cơm là món ăn chủ đạo hàng ngày. Bài ca sau đây nói về sự lam lũ của nghề nông và lời nhắn gửi với mọi người đừng quên công lao nhọc nhằn của họ”:
Lao xao gà gáy rạng ngày,
Vai vác cái cày, tay dắt con trâu.
Bước chân xuống cánh đồng sâu,
Mắt nhắm mắt mở đuổi trâu đi cày.
Ai ơi! Bưng bát cơm đầy,
Nhớ công hôm sớm cấy cày cho chăng.
Tuy vất vả nhưng người nông dân luôn yêu đời, lạc quan tin tưởng vào tương lai tươi sáng. Họ coi công việc cày cấy là niềm vui và giữa trâu với người cùng hoà bài ca niềm hăng say lao động. Cảnh trâu và người cùng đồng hành trong công việc nhà nông, trâu như một thành viên trong gia đình đầm ấm hạnh phúc, Hình ảnh con trâu được dùng với ý nghĩa hành ngôn có số lượng khá cao trong các bài ca dao tục ngữ nói về con trâu:
Rủ nhau đi cấy đi cày
Bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu
Trên đồng cạn, dưới đồng sâu
Chồng cày vợ cấy, con trâu đi bừa
Lại Văn Miễn
Thông tin khác:
Cách nay gần 80 năm có một đám tang được tổ chức theo hai nghi lễ (24/02/2021)
Chuyện làng đạo (24/02/2021)
Xuân về trên quê hương tôi (24/02/2021)
Hình ảnh con trâu, con nghé trong thơ Huy Cận (24/02/2021)
Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ (24/02/2021)
Sức sống mới ở giáo xứ Cốc Thành (23/02/2021)
Xuân sớm về trên quần đảoTrường Sa (23/02/2021)
Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần (23/02/2021)
Tết nguyên đán của người dân nơi chỉ có “nắng và gió” (23/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log