Tin tức - Hoạt động

Chợ Tết ở đầu sông

Cập nhật lúc 16:50 25/02/2021
Hai bên bờ sông Hồng có rất nhiều nơi họp chợ, nhưng chắc chắn chợ Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai) là nơi họp chợ đầu tiên trên đất Việt vì từ ngã ba Lũng Pô nơi sông Hồng bắt đầu làm đường biên giới Việt - Trung chỉ nơi đây là có chợ.
Bà con dân tộc từ các bản làng xa xôi mang các sản vật xuống chợ bán và sắm Tết.
Bà con dân tộc từ các bản làng xa xôi mang các sản vật xuống chợ bán và sắm Tết.
Chợ Trịnh Tường nằm ở trung tâm vùng Đông Bắc Bát Xát, trước đây họp vào ngày Tý và ngày Ngọ, sau này họp vào ngày chủ nhật để thuận tiện cho mọi hoạt động chung như ngày nay. Đường xa, đi lại khó khăn nên người ở xa thường xuống từ chiều hôm trước, nghỉ nhờ nhà bà con trong phố để ngày mai mua bán hàng. Lâu dần, cha già chân đau không đi chợ được dặn con, bà bảo cháu đi chợ Trịnh Tường thì vào nghỉ nhà pò Dín, mè San, tuy không phải người Mông mình nhưng là tình anh em thân thích đấy!   
Trước đây đời sống còn nghèo nên hàng hóa ở chợ Trịnh Tường cũng chỉ lèo tèo hàng nông lâm sản. Ngày bị giặc Pháp cai trị, những mặt hàng thiết yếu nhất là muối ăn… do người nhà quan châu Sề Cồ Tỉn buôn bán vừa để làm giàu nhưng là nắm chắc quyền sinh quyền sát dân đen. 
Từ năm 1960, mọc lên hai ngôi nhà làm cửa hàng thương nghiệp và cửa hàng lương thực của nhà nước. Những ngày ấy nước ta còn nghèo, lại phải chi viện cho tiền tuyến đánh Mỹ nên cửa hàng thương nghiệp bán phân phối cho cán bộ nhân dân những mặt hàng thiết yếu. Cửa hàng lương thực bán ghi sổ cho cán bộ, giáo viên theo tiêu chuẩn hàng tháng. Hàng hóa thiết yếu dù ít ỏi được nhà nước phân phối cho tạm đủ dùng, không có bán ngoài chợ nhưng chợ phiên vẫn họp đều đặn để bà con mua bán sắn khoai, rau đậu…dần sàng, gùi, thúng không thuộc hợp tác và nhà nước quản lý. 
Sản xuất phát triển, hàng hóa trong vùng và các nơi đổ về, chợ họp trên phố tường đất trở thành chật chội nên một khu đất rộng hơn 1.000m2 được xây dựng đàng hoàng, có quy củ nhưng vào những ngày Tết, vẫn không đủ chỗ nên chợ họp tràn ra khắp dãy phố dài bốn năm trăm mét. 
 Theo dòng chảy của nền kinh tế thị phiên chợ ngày thường cũng như ngày Tết, hàng hóa bày bán tràn ngập chợ Trịnh Tường. Hàng gạo phiên chợ ngày Tết có tới ba bốn chục người bán. Có đủ loại gạo nếp, gạo tẻ, mỗi loại đều mang ưu thế riêng nên người mua tha hồ lựa chọn. Bày bán nhiều nhất là gạo nếp, không riêng của Trịnh Tường mà có cả nếp Điện Biên, hay Tú Lệ, mỗi loại đều có ưu thế riêng khác nhau. Vừa trả tiền gạo nếp cho chị người Giáy, bà lão người Dao vừa nói: “Làm bánh chưng cúng Tết phải chọn gạo nếp quê mình thì tổ tiên mới phù hộ cho mọi điều tốt!” Đời sống được nâng lên, nhu cầu ăn uống cũng thay đổi nên chợ ngày Tết đâu chỉ có thịt lợn mà vẫn có cả thịt trâu, bò, ngựa, cá tươi… góp phần cho bữa ăn ngày Tết thêm phong phú. 
Những ngày Tết ai cũng muốn diện cho mình bộ trang phục đẹp nhất nên ở những quầy quần áo rất nhộn nhịp. Cánh thanh niên bàn nhau phải chọn mua bộ “complê” hợp với màu da và dáng người để các bạn gái tưởng người nơi khác. Những đứa bé gái chỉ cho mẹ chiếc áo hoa có gắn nơ hồng trên ngực. Bận rộn với ruộng nương nên không còn thời gian may thêu nên mấy chị phụ nữ H’Mông chọn mua bộ áo váy thổ cẩm được may sẵn vẫn rực rỡ sắc màu hoa văn truyền thống. Người đàn bà người Dao đỏ mở xem tấm chăn màu đỏ in hình hoa đào đinh mua để hết tháng Giêng cưới vợ cho con út. 
Về chợ mua sắm cho ngày Tết, nhưng người người mua sắm luôn những thứ cần cho cho công việc nhà nông. Trong gùi của chị người Hà Nhì, cùng với hàng Tết là cá khô, súp, mì tôm để xong Tết ở trên nương chừng nửa tháng, dẫy cỏ và tra ngô xuân. Người đàn ông dân tộc Dao đỏ trên bản Phìn Ngan chọn mua được chiếc lưỡi cày ưng ý, để khi hết hoa đào đi cày ải ruộng kịp cho cấy lúa mùa. Chị người Kinh ở thôn Trung Tiến mua mấy trăm mét vuông lưới ni lon để ngoài Tết ngăn ao ươm cá bột. Lo sau Tết phải đào mấy trăm hố trồng chuối mô, anh thanh niên ngoài thôn Tân Tiến mua luôn hai lưỡi xẻng đào, phòng khi chiếc xẻng cũ bị hỏng.               
Là thời đại công nghệ, sóng vô tuyến phủ khắp nơi nên chỉ cần có chiếc máy điện thoại di động là ở đâu xa đến mấy cũng nói chuyện hoặc nhìn thấy nhau, vậy mà những người đến chợ Trịnh Tường vẫn giữ nền nếp cũ là xuống chợ cùng với mua bán còn gặp nhau trò chuyện hay bàn việc riêng tư. Ông già thương binh, người khai hoang kéo ông bạn người Dao vào quán ngồi nhâm nhi chén rượu. Men say đưa họ trở về cuộc tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968: “Đêm mồng hai tết đánh nội thành Huế, tao bị thương nặng không có mày cõng thì bây giờ tao tan trong đất ở đó rồi!” Hai bà lão người Dao đỏ cùng ngồi bán giấy bản tự làm thủ công, cùng vui cười ôn lại chuyện cũ: “Cùng đi chợ Tết Trịnh Tường này, ông chồng bà hát giao duyên với tôi, mà chả hiểu sao lại nhờ ông mối đến hỏi bà làm vợ!”. Mấy chàng trai Hà Nhì đứng cạnh quầy bán điện thoại di động, thi nhau giơ chiếc điện thoại Iphone thay máy ảnh chụp lia lịa các cô bạn người đồng tộc. Cẩn thận chụp xong ảnh cánh nam thanh nữ tú này vào máy ảnh, ông phóng viên già ở tận thành phố Hồ Chi Minh, rơm rớm nước mắt nói với bà vợ đi cùng: “Ngày trước, đóng quân ở đồn biên giới này, tôi có cô bạn người Hà Nhì cũng nhang nhác như cháu gái thắt đáy lưng ong đang cười e thẹn kia. Vì tôi phải về quê miền Nam chiến đấu rồi bị thương, không ra đây được nên chẳng biết bà ấy bây giờ ra sao?” 
Trong nắng trưa ấm áp, người người tản về các ngả đường. Đi khắp phố không tìm thấy ngôi nhà nào tường đất, mà chỉ có nhà tầng xây san sát để chợ đầu sông biên giới tươi đẹp mãi như mùa xuân!.
Nguyễn Xuân Mẫn
Thông tin khác:
Năm Tân Sửu nói chuyện về con trâu! (24/02/2021)
Cách nay gần 80 năm có một đám tang được tổ chức theo hai nghi lễ (24/02/2021)
Chuyện làng đạo (24/02/2021)
Xuân về trên quê hương tôi (24/02/2021)
Hình ảnh con trâu, con nghé trong thơ Huy Cận (24/02/2021)
Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ (24/02/2021)
Sức sống mới ở giáo xứ Cốc Thành (23/02/2021)
Xuân sớm về trên quần đảoTrường Sa (23/02/2021)
Độc đáo phiên chợ mỗi năm họp một lần (23/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log