Tin tức - Hoạt động

Khoảng lặng trong lòng đô thị

Cập nhật lúc 17:09 25/02/2021
Tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhà thờ Lớn Hà Nội có kiến trúc cổ kính, uy nghiêm.
Tọa lạc tại số 40 phố Nhà Chung, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, nhà thờ Lớn Hà Nội có kiến trúc cổ kính, uy nghiêm.
Sự giao lưu văn hóa Đông - Tây
Khu đất xây dựng nhà thờ Lớn ngày nay trước vốn là chùa Báo Thiên, tên đầy đủ là Sùng Khánh Báo Thiên tự. Chùa được dựng năm 1057, dưới triều vua Lý Thánh Tông (1023 - 1072), thuộc thôn Tiên Thị, huyện Thọ Xương (xưa gọi là phường Báo Thiên). Suốt hai triều Lý - Trần (gần 400 năm), chùa Báo Thiên là trung tâm Phật giáo của kinh đô Đại Việt.
Đầu thế kỷ XV, chùa Báo Thiên bị giặc Minh phá hủy nặng nề, nhiều bảo vật quý bị thất lạc, trong số đó có tháp Báo Thiên - một trong “An Nam tứ đại khí” (4 bảo vật của nước Nam). Đến thời Lê, chùa Báo Thiên được phục dựng, trùng tu. Cuối thế kỷ XVIII, một trận hỏa hoạn lớn đã hủy hoại chùa. Các nhà sư chuyển sang nơi khác. Chùa Báo Thiên trở nên hoang phế.
Năm 1882, quân Pháp chiếm thành Hà Nội lần thứ hai. Năm 1883, Tổng đốc Nguyễn Hữu Độ giao khu chùa cũ này cho Giám mục Puginier để kiến tạo công trình nhà thờ. Công trình được xây dựng từ năm 1884 và khánh thành đúng dịp Noen năm 1887. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách Gothique, chịu ảnh hưởng của công trình nhà thờ Đức Bà Paris (Pháp), có chiều dài 64,5m, chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m.
Công trình được chia làm 3 phần: Hai bên là hai tháp chuông cao vút, ở giữa là khối thấp hơn, kết thúc bằng đỉnh tường hình tam giác với cây Thánh giá tạo điểm nhấn. Phần lớn các cửa ra vào và cửa sổ đều sử dụng hình thức vòm cuốn nhọn Gothique điển hình. Trước nhà thờ có một quảng trường nhỏ với tượng Đức Mẹ làm tăng thêm giá trị cảnh quan.
Bên trong nhà thờ chia làm ba phần: Sảnh đón tiếp phía trên có gác đàn (nơi dành cho ca đoàn). Cung thánh và các ban thờ được trang trí bằng gỗ chạm trổ hoa văn, sơn son thếp vàng, có tính nghệ thuật dân gian độc đáo.
Về tổng thể, công trình mang phong cách kiến trúc Gothique châu Âu nhưng có sự kết hợp với kiến trúc bản địa, thể hiện ở hệ thống mái ngói đất nung cùng hệ thống trang trí nội thất mang đậm tính truyền thống Việt Nam. Do đó, nhà thờ Lớn Hà Nội là sản phẩm của sự giao lưu văn hóa Đông - Tây đặc sắc.
Điểm đến hấp dẫn
Nằm ở trung tâm Thủ đô, nhà thờ Lớn là một điểm nhấn của không gian đô thị và nằm trong quần thể di sản quanh hồ Gươm. Hằng năm, cứ vào dịp Giáng sinh, nhà thờ Lớn lại được trang hoàng rực rỡ và trở thành điểm đến, chốn hành hương của đông đảo tín hữu Công giáo cùng giới trẻ Hà thành. 
Anh Antoine Bertrand, một kiến trúc sư người Pháp đang làm việc tại Hà Nội chia sẻ: “Tôi rất thích không gian phía trước nhà thờ, với dãy quán cà phê giản dị. Đây là một khoảng lặng tuyệt vời trong lòng đô thị...”. Còn chị Bùi Mai Hương, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh nhận xét: “Nếu như thành phố Hồ Chí Minh có nhà thờ Đức Bà thì Hà Nội có nhà thờ Lớn thú vị không kém. nhà thờ Đức Bà có vẻ đẹp lộng lẫy còn nhà thờ Lớn Hà Nội lại mang vẻ giản dị, thâm trầm đặc trưng của Thủ đô”.
Là một điểm tham quan hấp dẫn, nhà thờ Lớn nằm trong chương trình city tour (tham quan thành phố) của nhiều công ty lữ hành, du lịch.
Ông Nguyễn Văn Nở, một giáo dân trong khu vực, nhà thờ bày tỏ: “Chúng tôi ý thức rằng đây là một di sản vô giá. Nhà thờ không chỉ là nơi hành lễ của giáo xứ, và cộng đoàn dân Chúa mà còn là một điểm tham quan đặc biệt của Thủ đô. Vì vậy, chúng tôi luôn cố gắng giữ gìn kiến trúc, cảnh quan để nhà thờ Lớn mãi là một công trình đẹp của Hà Nội”.
MC
Thông tin khác:
Năm mới, mong một chữ “Hòa” (25/02/2021)
Tết Việt hương sắc ba miền (25/02/2021)
Chợ Tết ở đầu sông (25/02/2021)
Năm Tân Sửu nói chuyện về con trâu! (24/02/2021)
Cách nay gần 80 năm có một đám tang được tổ chức theo hai nghi lễ (24/02/2021)
Chuyện làng đạo (24/02/2021)
Xuân về trên quê hương tôi (24/02/2021)
Hình ảnh con trâu, con nghé trong thơ Huy Cận (24/02/2021)
Kỷ niệm 370 năm từ điển khai mở chữ quốc ngữ (24/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log