Tin tức - Hoạt động

Long đong phận “lao động chui”

Cập nhật lúc 15:59 24/03/2021
Với mong muốn đổi đời, nhiều người dân ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã rời nhà, bỏ bản vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui”. Và dưới đây là sự thật!
Đường vào thị trấn Mù Cang Chải. Ảnh: Hà Nguyên
Đường vào thị trấn Mù Cang Chải. Ảnh: Hà Nguyên
Nghe theo những lời dụ dỗ qua điện thoại của kẻ môi giới bên kia biên giới, với mong muốn đổi đời, nhiều người dân ở xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải đã rời nhà, bỏ bản vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui”, rồi trở về tay trắng...

Mộng tưởng thoát nghèo

Nậm Có là xã đặc biệt khó khăn, đời sống của người dân chủ yếu chỉ dựa vào sản xuất nông nghiệp, thu nhập bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn. Mong muốn có thu nhập tốt hơn, nhiều người dân nghèo ở Nậm Có đã bị kẻ xấu dụ dỗ vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui”.

Lợi dụng trình độ, nhận thức hạn chế của người dân, kẻ xấu đã vẽ ra một viễn cảnh nhiều điều tốt đẹp để dụ dỗ người dân: công việc nhàn hạ, thu nhập cao, mỗi ngày làm việc được chủ sử dụng lao động trả từ 260.000 đồng đến 300.000 đồng, bình quân mỗi tháng thu nhập từ 8 - 9 triệu đồng; còn được bao nơi ăn, chỗ ở; nơi làm việc không phải đi xa, chỉ làm quanh khu vực giáp biên; thời hạn hợp đồng lao động tùy thuộc vào người lao động lựa chọn, muốn làm việc một tháng hay nhiều tháng cũng được, làm bao nhiêu công, chủ sẽ trả bấy nhiêu tiền; công việc không khó, chủ yếu là trồng rừng, trồng chuối, chăm bón cây trồng, chăm sóc vật nuôi…

Kẻ xấu còn bảo, khi đi không cần mang theo giấy tờ gì cả, chỉ mang số tiền đủ mua vé tàu, xe đi đến trung tâm tỉnh Lào Cai là được. Khi đến đó, sẽ có người đón đưa sang bên kia biên giới.

Nghe vậy, nhiều người dân đã rỉ tai nhau, rồi hào hứng khăn gói cùng vượt biên sang Trung Quốc làm thuê với mộng tưởng kiếm được nhiều tiền. Có gia đình đi một người, có những gia đình đi hai người, ba người, thậm chí có gia đình còn đi 4 người là hai anh em, hai bố con, hai vợ chồng...

Ông Thào A Giàng ở bản Có Mông kể lại: “Lúc ý, tôi nghĩ gia đình mình nghèo, công việc bên kia đơn giản nên tôi muốn đi thử một chuyến xem sao, biết đâu có cơ hội kiếm tiền để thoát nghèo. Vậy là tôi đi”.

Ông Mùa A Vàng ở bản Nậm Pẳng cũng suy nghĩ vậy nên đã cho cả con trai và con dâu cùng đi. Ông Vàng tâm sự: “Nghe nói đi sang bên Trung Quốc làm thuê thu nhập cao nên tôi đã để cho hai con dâu cùng hai con trai mang cả đứa cháu nội mới hơn một tuổi đi theo”.

Sự thật công việc

Theo lời kể của những người ở Nậm Có trở về sau khi đi “lao động chui”, khi đã sang bên kia biên giới, họ bị đưa đi sâu vào nội địa của Trung Quốc.

Ông Sùng A Tủa ở bản Thào Xa Chải cho biết: “Đợt tôi đi có 8 người. Khi mới đến thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai, có một đội xe ôm chờ sẵn đón chúng tôi. Từ bến xe Lào Cai đi vào một đoạn thì hết đường nhựa, họ cho chúng tôi xuống xe, rồi dẫn chúng tôi theo con đường mòn rộng chưa đầy nửa mét, vượt qua suối, xuyên qua rừng sang bên kia biên giới. Tới nơi lại có ô tô chờ sẵn, họ đưa chúng tôi lên xe đi liền một mạch không nghỉ trong 2 ngày đêm mới tới nơi rồi giao cho người chủ mà chúng tôi làm việc cho”.

Nhiều người bị đưa đến tận các tỉnh Quảng Đông, Quảng Châu, Quảng Tây (Trung Quốc) để làm việc. Và sự thật thì công việc khác hẳn với lời dụ dỗ trước đó.

“Chúng tôi bị bắt làm việc từ 12 tiếng đến 13 tiếng đồng hồ trong mỗi ngày. Buổi sáng, mới 6 giờ đã phải đi làm rồi, buổi chiều thì cũng 6 giờ mới được nghỉ” - anh Mùa Pao Dê ở bản Nậm Pẳng kể lại.

Làm việc quá sức, ăn uống không bảo đảm, nhiều người đã bị sinh bệnh nhưng chủ sử dụng lao động không cho ra ngoài mua thuốc uống. Do đó, nhiều người đã bị ốm nặng, nằm liệt giường nhiều ngày, có người nằm đến hàng tháng trời.

Anh Hàng A Sì ở bản Tà Ghênh cho biết: “Nhiều khi chúng tôi chậm giờ làm, thiếu tập trung trong công việc hay nói chuyện riêng là bị chủ sử dụng lao động cho ăn đòn luôn. Có những người còn bị ông chủ, bà chủ cho ăn roi, ăn tát vô cớ”.

Anh Sùng A Chư ở bản Thào Xa Chải uất ức: “Chỉ vì nghi ngờ bỏ trốn, ông chủ lôi tôi và anh Hàng A Sì ra đánh một trận nhừ tử. Do bị đánh đau mà đến giờ hai chân của tôi vẫn còn chưa bước đi được. Đặc biệt, chủ không cho những người là vợ chồng, anh em ruột thịt, cha con làm việc và ở gần nhau mà bị tách ra mỗi người làm một nơi cách nhau hàng chục cây số, thậm chí hàng trăm cây số vì họ sợ rằng những người này dễ cùng nhau bỏ trốn”.

Trở về tay trắng

Sau ba tháng làm việc cực nhọc, nhiều người làm thuê xin thanh toán tiền để về nhưng chủ sử dụng lao động nói chưa được về, vì người môi giới đã hợp đồng với chủ từ 6 tháng đến 12 tháng.

Tiếp tục làm việc hết 6 tháng, chủ bảo phải 9 tháng mới được về, bây giờ chưa có tiền để thanh toán. Nếu ai xin về nhiều thì chủ cho “ăn tát” luôn. Có những người bị ốm, đau nhất quyết không chịu ở lại thì chủ chỉ đưa cho số tiền vừa đủ mua vé tàu, xe về đến biên giới tỉnh Lào Cai.
Ông Sùng Sí Di ở bản Thào Xa Chải bức xúc nói: “Làm được 6 tháng, tôi xin về, ông chủ bảo chưa có tiền nên cố gắng làm đến 8 tháng, được thanh toán tiền rồi mới về. Làm tiếp một tháng nữa tôi yêu cầu thanh toán tiền để tôi về. Chủ nhất trí cho tôi và anh Thào A Giàng ở bản Có Mông về nhưng chủ viện ra lý do không thanh toán tiền cho chúng tôi”.

“Chủ bảo: “Lúc nắng đi làm được tiền nhưng lúc mưa lại nghỉ ở nhà ăn. Chúng ta đã ăn hết số tiền mà chúng ta đã làm rồi, không còn tiền để thanh toán nữa”. Vậy là ông chủ chỉ đưa số tiền đủ cho chúng tôi mua vé xe về đến biên giới huyện Si Ma Cai của tỉnh Lào Cai. Tôi phải vay tiền của anh em họ hàng ở huyện Bắc Hà mua vé xe về tiếp mới tới nhà được” - Ông Di ấm ức chia sẻ.

Anh Sùng A Chư - một thanh niên trẻ, khỏe ở bản Thào Xa Chải mới cưới vợ, với hy vọng qua bên kia làm thuê để có tiền về xây dựng nhà cửa, thanh toán nợ nần nhưng niềm mơ ước đó vụt tắt khi mới sang tới nơi được nghe một số anh em đi trước than phiền: “Chúng tôi muốn về mà không về được đây, các anh lại sang đây làm gì?”. “Làm việc được vài tháng là tôi bị ông chủ đánh vô cớ vào chân, vào lưng khiến tôi nằm liệt giường nhiều tháng liền. Thấy tôi bị đau lâu quá không dậy nổi, ông chủ đưa tôi ra bến cho lên xe về nhà. Khi về đến biên giới tỉnh Lào Cai, tôi mới gọi điện cho người nhà lên đón” - anh Chư đau xót kể nhắc chuyện.

Xót xa hơn là trường hợp Mùa Pao Dê ở bản Nậm Pẳng. Tưởng sang bên kia lao động có thu nhập như ý, anh đưa cả vợ, con đi cùng. Trong 9 tháng lao động cực nhọc, anh thường xuyên bị ông chủ đánh đập không thương tiếc, còn vợ con anh bị người Trung Quốc lừa đưa đi đâu không rõ.

Cuối cùng, một mình anh về nhà với đôi bàn tay trắng. Anh Mùa Pao Dê ân hận: “Do nhẹ dạ cả tin nên chẳng những không được tiền mà tôi còn đánh mất cả vợ lẫn con. Giờ tôi đau khổ lắm!”. 
Những người vượt biên trái phép sang Trung Quốc “lao động chui” đi nhiều đợt, đợt ít từ 7 người đến 9 người, đợt nhiều thì 15, 16 người.

Câu chuyện từ những người đi “lao động chui” ở Nậm Có chính là bài học cảnh tỉnh cho nhiều người còn ảo tưởng về chuyện này.

Thực tế đó cũng đòi hỏi các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức cho người dân hiểu rõ việc vượt biên trái phép đi “lao động chui” không những là vi phạm pháp luật mà bản thân còn phải chịu những hệ lụy xấu.
 
Chí Sinh - Hạnh Quyên
Thông tin khác:
Người vun đắp khối đại đoàn kết toàn dân tộc (22/03/2021)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng và phát động phong trào Tết trồng cây (22/03/2021)
Ba lần Chúa gọi (18/03/2021)
Đừng để nội thương ách tắc (20/03/2021)
Hoạt động kiểm tra, giám sát bầu cử phải kịp thời, hiệu quả (19/03/2021)
Nhớ mãi Đức Tổng Phaolô (18/03/2021)
Vị mục tử hết lòng vì đoàn chiên (18/03/2021)
Đền Thờ (19/03/2021)
Linh mục đoàn giáo phận Qui Nhơn tĩnh tâm năm 2021 (18/03/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log