Văn hóa nghệ thuật

Người Công giáo Việt Nam với Tết Cổ truyền Dân tộc

Cập nhật lúc 13:45 19/01/2014
Người Công giáo Việt Nam, hòa mình vào khối đại đoàn kết dân tộc, mang trong mình những giá trị của Đức Tin, nhưng không phôi phai hay đứng ngoài những giá trị truyền thống dân tộc.
Việt Nam là một quốc gia có lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời. Người dân trên dải đất hình chữ S này vẫn luôn tự hào về lịch sử hơn 4000 năm của công cuộc dựng nước và giữ nước. Suốt hành trình lịch sử lâu dài đó, biết bao giá trị văn hóa tốt đẹp đã được thiết lập, có những giá trị bền vững mãi với thời gian, trở nên những giá trị cổ truyền thật đáng trân trọng. Trong đó, văn hóa đón Tết âm lịch đã trở nên nét cổ truyền thật đẹp. Ngày Tết trở nên một giá trị sinh hoạt không thể thiếu trong tiềm thức và văn hóa của các dân tộc Việt Nam.
Người Công giáo, hòa mình vào khối đại đoàn kết dân tộc, mang trong mình những giá trị của Đức Tin, nhưng không phôi phai hay đứng ngoài những giá trị truyền thống dân tộc. Đến mức, trong kho tàng ca dao hò vè của dân tộc, nhiều người thuộc lòng bài vè thật ý nghĩa, nói lên diễn tiến ngày lễ tết của người Công Giáo theo niên lịch dân tộc:
Tháng giêng ăn Tết  ở nhà
Tháng hai ngắm đứng, tháng ba ra Mùa.
Tháng tư tập trống rước hoa,
Kết đèn làm Tạm, chầu giờ tháng Năm.
Tháng sáu, kiệu ảnh Lái Tim,
Tháng bảy chung tiền  đi lễ Phú Nhai.
Tháng tám đọc ngắm Mân Côi
Trở về tháng chín xem nơi chồng mồ
Tháng mười mua giấy sao tua,
Quay qua một, chạp, sang mùa ăn chay
Ngày Tết Nguyên Đán là lễ hội chung của cả dân tộc, đối với người Việt Nam Công Giáo cũng là một dịp sum họp rất ấm áp tình nghĩa. Ngay từ những bước khởi đầu của công cuộc truyền giáo, Cha A. Rhodes mô tả ngày Tết cổ truyền ở kinh thành Thăng Long năm 1627 trong cuốn “Lịch sử vương quốc đàng ngoài” như sau: “Tới ngày đầu năm, theo tục lệ lương dân, thường có những cúng bái mê tín dị đoan trong ba ngày Tết. Chúng tôi truyền cho giáo dân làm những việc đạo đức trong ba ngày này. Để thay thế cái hộp treo ở đầu cây nêu cao dựng ngay ở cửa nhà, như chúng tôi đã nói ở trên, thì chúng tôi khuyên họ đặt cây Thánh giá. Họ làm theo. Thế là trong khắp phố phường trong kinh thành người ta xem thấy biểu hiệu đáng kính của việc cứu rỗi được dựng cao chót vót qua mái nhà làm cho ma qủi sợ hãi và các thiên thần vui mừng…Trong ba ngày đầu, chúng tôi đã cho huấn dụ và cho giữ như sau: Ngày mồng một Tết kính công việc tạo thành và gìn giữ muôn loài, kính dâng Thiên Chúa Cha. Ngày mồng hai, nhận biết ơn cứu chuộc, cao cả khôn sánh, kính dâng Con Thiên Chúa và ngày mồng ba, khiêm tốn cảm tạ Chúa Thánh Linh vì ơn được gọi vào đạo Kitô. Và không ai là không hăm hở làm các việc này, không ai là không vui mừng sung sướng”.
Như thế, cùng mọi người vui đón một mùa xuân với ngày Tết cổ truyền, nhưng người Công giáo, bên cạnh những nét chung, vẫn có những sắc thái riêng của mình. Thiết nghĩ, trong không khí của những ngày giáp Tết, chúng ta cùng điểm lại một vài nét trong cách đón Tết nguyên đán mang màu sắc của người Công giáo. Từ xưa đến nay, người Việt vẫn có quan niệm "mùng 1 Tết cha, mùng 2 Tết mẹ, mùng 3 tết thầy". Vẫn giữ được phong tục đẹp đó, tuy nhiên, với người Công giáo thì còn thêm cả việc kính nhớ và cầu nguyện cho linh hồn tổ tiên trong những ngày đầu năm.
Dọn nhà: Người Việt Nam có thói quen dọn dẹp trong những ngày cuối năm, điều này xuất phát từ quan niệm “tống cựu nghinh tân”, Tết là dịp tiễn cái cũ đi để đón cái mới đến, là dịp để thay đổi cho tươi mới hơn chính cuộc sống với những tiện nghi vật chất và con người của mình. Có những căn nhà được sửa lại khang trang, được tô sơn hay quét vôi mới, có những con đường hay lối ngõ được dọn dẹp thật sạch sẽ,… tất cả làm nên sự thay đổi dịp Tết thật sôi động và náo nhiệt.
Người Công giáo tại Việt Nam cũng vậy, mỗi dịp Tết đến, xuân về, cùng với mọi người, họ cũng dọn dẹp nhà cửa, vườn tược, mua sắm đồ mới, chỉnh trang nhà cửa… Nhưng có một nét tâm linh thật đáng nhắc tới. Năm mới, bên cạnh việc dọn dẹp những giá trị vật chất, người Công giáo cũng cần dọn dẹp chính tâm hồn mình. Xua tan đi những giận hờn, ghen ghét, oán than, tội lỗi trong năm cũ để chuẩn bị lòng mình đón một mùa Xuân với bao phúc lành của Chúa Xuân.
Đó là sự khao khát chính Thiên Chúa là hạnh phúc đích thực, là sự đổi mới toàn vẹn nhất. Mọi người chuẩn bị cho mình một tâm hồn bình an thư thái, một đời sống hài hòa trong yêu thương, tình liên đới để đón Tết.
Mua sắm: Ngày Tết, mọi người nô nức sắm sửa cho mình, hay cho gia đình, những tiện nghi vật chất mới, tùy theo khả năng kinh tế. Có những đồ đạc cũ được thay bằng những đồ đạc mới, có những áo quần hết mốt được thay bằng những bộ đồ thời trang hơn… Tất cả làm nên không khí mua sắm thật sôi nổi. Khắp thành thị hay làng xóm, mọi người nô nức sắm sửa đón Tết.
Người Công Giáo, hòa mình vào không gian sắm sửa ngày Tết, nhưng luôn vươn lên những giá trị cao hơn, gắn với niềm tin mà mỗi người theo đuổi. Xác tín Lời Chúa Giêsu dạy: của cải vật chất chỉ là phương tiện để giúp con người chứ không phải làm chủ đời sống, mỗi người phải biết sống những giá trị Tin Mừng, đem vật chất chia sẻ cho nhau, nâng đỡ nhau. Hoạt động thăm viếng, giúp đỡ người nghèo trong mỗi dịp Tết đã trở nên nét đẹp của người Công giáo. Những món quà vật chất có thể không lớn, nhưng chất chứa bao tình nghĩa, sự đồng cảm và yêu thương.
Quà tết: Ngày Tết, mọi người trao tặng cho nhau những món quà. Tùy điều kiện, hoàn cảnh hay khả năng kinh tế, những món quà mang những giá trị vật chất khác nhau. Quà Tết luôn là đề tài được nói đến rất nhiều trong những ngày này. Khắp các cửa hàng, chợ hay siêu thị, những giỏ quà tết được bày bán thật nhiều, thật lôi cuốn và đẹp mắt.
Người Công giáo cũng giữ thói quen tặng quà tết cho nhau. Nhưng với ánh sáng Tin Mừng và những giáo huấn của Giáo hội, mọi người chia sẻ cho nhau bằng tất cả tình nghĩa và bác ái Kitô. Hy sinh một chút những món quà xa xỉ để dành phần giúp đỡ người nghèo luôn là một điều đáng trân trọng và khích lệ.
Điều này cũng được thể hiện trong việc ăn Tết. Người ta thường mời nhau gặp gỡ và liên hoan mỗi khi Tết đến. Người Công giáo không chỉ mời những anh chị em thân thiết hay trong gia đình, nhưng được mời gọi chia sẻ cho cả những anh chị em gặp khó khăn, không phân biệt lương giáo hay địa vị xã hội.
Đón Giao thừa: Giao thừa luôn được coi là một giây phút vô cùng ý nghĩa, khép lại một năm cũ và mở ra những thời khắc đầu tiên của một năm mới. Đó là giây phút linh thiêng. Đó là giây phút chan chứa nghĩa tình. Vì vậy, mọi người quy tụ bên nhau dưới mỗi mái ấm gia đình, để trao cho nhau những lời cầu chúc, những tình cảm thân mật, những sự quý mến từ đáy lòng. Trong giờ phút giao thừa, mọi người chúc cho nhau những điều tốt đẹp nhất.
Người Công giáo đón giờ phút Giao thừa trong niềm vui và cảm tạ. Cảm tạ Thiên Chúa vì muôn hồng ân Người đã thương ban trong một năm đã qua, dâng lên Người tất cả những niềm vui, nỗi buồn, những thành công, thất bại. Giờ phút Giao thừa, mỗi gia đình dâng lên Thiên Chúa những kinh nguyện, những phút hồi tâm lắng đọng. Lời cầu chúc không chỉ là sức khỏe, làm ăn phát đạt, nhưng còn cầu chúc sự bình an, ơn phúc và hồng ân trong Năm mới.
Hái Lộc xuân: Mùa xuân là mùa của muôn hoa, mùa của cây cối đơm chồi này lộc. Những ngày đầu xuân mới, mọi người thường có truyền thống hái cho mình những lộc xuân, để cầu mong sự may mắn và phát đạt trong năm mới. Vào đêm Giao thừa hay sáng mùng một Tết, mọi người hái những chồi non, những nhánh cây nhỏ nhắn xinh xinh và nâng niu trân trọng.
Truyền thống hái lộc xuân được người Công giáo Việt Nam trân trọng, gìn giữ và thực hiện. Không có tục xông đất hay hái lộc cây xuân, những người Giáo dân đón năm mới theo một cách rất riêng. Tuy nhiên, thay vì hái lộc bằng nhánh cây hay chồi non, người Công giáo hái cho mình những lộc Lời Chúa. Đó thật là một nét đáng trân trọng, thể hiện sự tôn trọng thiên nhiên, giữ gìn cảnh quan, nhưng lại thấm đượm niềm tin tôn giáo. Lộc Thánh đầu xuân chính là những câu được trích dẫn từ Kinh Thánh, sẽ trở nên chỉ nam cho đời sống mỗi tín hữu trong suốt năm mới, bởi “Lời Chúa là ngọn đèn soi cho con bước, là ánh sáng chỉ đường con đi” (Tv.118,18).
Không ít người Công giáo Việt Nam vẫn thuộc lòng câu vè thân thương: “Sinh Nhật, Đặt Tên, Ba Vua, Lễ Nến, Tết đến sau lưng, ông vải thì mừng, con cháu thì lo” nói lên tương quan giữa những ngày lễ của Đạo với văn hóa Tết của dân tộc. Đồng hành cùng văn hóa dân tộc, người Công giáo đã và đang làm cho văn hóa Kitô giáo của mình trở nên thật gần gũi, thân thương và gắn bó với văn hóa dân tộc. Ngày Tết trở nên chứa đựng những nét đẹp thật đáng trân trọng. Đó là nét đẹp của sự gặp gỡ. Đó là nét đẹp của niềm sẻ chia, sự đồng cảm. Đó là nét đẹp của tình liên đới, của tình nghĩa chân thành.
Đối với truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, tết quả thật là thời gian của đoàn tụ, của tạ ơn: tạ ơn Thiên Chúa, tạ ơn trời đất, tạ ơn tổ tiên, ông bà, cha mẹ vì những ơn lành và những hy sinh các ngài đã dành cho chúng ta. Thời gian tết cũng là thời gian của nghỉ ngơi, văn hóa Việt Nam là một văn hóa giàu lòng nhân ái: sau một năm vất vả, con người cần nghỉ ngơi, để lấy lại sức hầu có thể tiếp tục ơn gọi làm chủ mặt đất mà Chúa đã trao phó khi tạo dựng. Đất đai cũng phải được nghỉ ngơi để hút lấy hạt sương, đón nhận giọt mưa giọt nắng, để cho đất được màu mỡ hơn, hầu có thể cho những mùa gặt bội thu trong năm tới.
Cầu chúc mọi người một mùa Xuân tươi vui thánh thiện, và Năm Mới Giáp Ngọ 2014 tràn đầy phúc lành của Thiên Chúa, dạt dào sự khang an và thịnh vượng.
Thiên Ân
Thông tin khác:
Hội thảo, tĩnh tâm, cầu nguyện Mùa Vọng: Quyền được sống và được yêu. (20/12/2013)
Mở đường đón Chúa trong hành trình sa mạc (14/12/2013)
Chúa đã gọi Người về ! (15/10/2013)
Hoán cải ! (30/08/2013)
Cô đơn ! (03/08/2013)
Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới lần thứ 28 (22/07/2013)
CHÚA DẮT DÌU TÔI (22/05/2013)
RAO GIẢNG THIÊN CHÚA BA NGÔI CHO NGƯỜI VIỆT (21/05/2013)
THƯ GỬI BÁC (13/05/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log