Văn hóa nghệ thuật

Năm Giáp Ngọ Nói Chuyện Ngựa Trong Kinh Thánh

Cập nhật lúc 17:01 23/01/2014
Năm mới âm lịch Giáp Ngọ 2014 đã gần đến, là những người Việt Nam Công Giáo, trong khi hoà mình vào bầu khí chung đón Tết của cả dân tộc, chúng ta cùng lật lại những trang Kinh Thánh để thấy được những trình thuật về những chú ngựa, để từ đó có thêm một chút ý nghĩa khi đón Năm mới này.
Ca dao, tục ngữ và thành ngữ nói nhiều về Ngựa. Người ta dùng Ngựa để ví von nhiều thứ. Về sự thẳng thắn: “Thẳng như ruột Ngựa”; về tình đoàn kết: “Một con Ngựa đau, cả tàu bỏ cỏ”; về sự nhanh nhẹn:“Nhanh như Ngựa vía”; về sự bất lương: “Đầu Trâu, mặt Ngựa”; về sự phú quý: “Lên Voi, xuống Ngựa”; về sự không trung thành: “Thay Ngựa, đổi chủ”; về sự tham lam: “Được đầu Voi, đòi đầu Ngựa”; về sự may rủi: “Tái ông mất Ngựa”; về sự bền chí: “Muốn đi xa phải giữ sức Ngựa” (ngạn ngữ Pháp); về sự lãnh đạo: “Cầm cương, nảy mực”; về sự cẩn trọng: “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn Ngựa đuổi không kịp)…
Người ta cũng rút được kinh nghiệm này: “Ở đời có ba cái dại: Một là đứng trước con ngựa, hai là đứng sau con bò, ba là đứng bên cạnh đàn bà”. Có thật vậy không? Phàm điều gì cũng vậy, có phần đúng và phần không đúng, tùy trường hợp.
Kinh thánh có nhiều chuyện về Ngựa, nhiều lần đề cập con Ngựa. Trong các vũ khí quân đội ngày xưa, ngựa được dùng như một vũ khí lợi hại nhất. Người Mông cổ làm mưa làm gió nơi bao đất nước là nhờ những đoàn kỵ binh kiêu hùng. Lịch sử châu Âu như Ai cập hay La mã cũng cho ta thấy sức tai hại của những đoàn kỵ binh và những chiến xa của họ. Trong sách ông Gióp, Kinh Thánh mô tả về ngựa trận và sức mạnh phi thường của nó:
"Tiếng ngựa hí vang, gây kinh hoàng tán đởm.
Nó lấy chân bới đất,
tự hào vì sức mạnh, nhắm phía trước lao mình,
chẳng màng chi vũ khí.
Nó coi thường sợ hãi, bất chấp cả khiếp binh,
trước mũi gươm, nhất định không lùi bước.
Trên đầu nó, tên bay vùn vụt, giáo và lao sáng quắc.
Giận điên lên, nó nuốt chửng không gian,
nghe tiếng kèn thúc quân, nó không cầm mình nỗi.
Mỗi lần kèn thúc, nó kêu: A ha!
Từ đàng xa nó đã đánh hơi được mùi chinh chiến,
nghe được tiếng tướng lãnh quát vang và tiếng hò xung trận" (G 39:20-25).
Sách Sáng Thế nói: “Người ta đưa các đàn vật của họ đến cho ông Giuse, và ông đã cho họ bánh, đổi lấy ngựa, lấy đàn chiên dê, đàn bò và lấy lừa. Năm đó, ông cung cấp bánh cho họ, đổi lấy tất cả những đàn vật của họ” (St 47:17).
Sách Xuất Hành cho biết: “Nếu ngươi không chịu thả cho chúng đi, mà cứ cầm giữ lại, thì này tay của Đức Chúa sẽ giáng ôn dịch rất nặng xuống trên súc vật của ngươi ở ngoài đồng, trên ngựa, lừa, lạc đà, bò bê và chiên cừu” (Xh 9:2-3).
Sách Đệ Nhị Luật kể lại: “Người cho nó phóng ngựa trên các vùng đất cao trong xứ, nó được ăn hoa màu đồng ruộng; Người cho nó nếm mật ong chảy ra từ hốc đá, nếm dầu từ tảng đá hoa cương” (Đnl 32:13).
Sách Giô-suê tường thuật: “Chúng ra đi, chúng và tất cả các binh sĩ của chúng, một đám dân đông đảo, nhiều như cát ngoài bãi biển, cùng với vô số ngựa xe” (Gs 11:4).
Chiến mã oai hùng làm quân thù khiếp sợ. Trong chiến trận xưa kia, ngựa thật quan trọng, nhiều khi có ý nghĩa rất lớn đối với thành bại của một lực lượng. Tuy nhiên, ngựa cũng chỉ mang sức mạnh và thực hiện được trọn vẹn nhiệm vụ của nó, khi đoàn quân biết cậy dựa vào ơn của Thiên Chúa nữa.
Chúng ta đã đọc và nghe nhiều lần về biến cố Xuất Hành của dân Do Thái được giải thoát khỏi ách nô lệ Pharaon bên Ai cập, khởi đầu cuộc tiến về đất hứa. Sau khi ông Mô-sê, nhờ quyền năng Chúa, làm nhiều phép lạ gây bao thiệt hại cho Pha-ra-ô và toàn dân Ai-cập, vua đã nhượng bộ và lệnh cho Mô-sê dẫn dân nô lệ Do thái rời khỏi Ai-cập. Toàn dân Do thái ra đi ngày đêm để thoát khỏi cảnh nô lệ. Khi toàn dân đến gần bờ Biển Ðỏ thì Mô-sê cho đóng trại ở đó. Trong lúc đó, Pha-ra-ô và bề tôi của ông đã thay lòng đổi dạ vì luyến tiếc những người nô lệ Do thái, những người trước đây cung cấp gạch để xây các mồ mã khổng lồ cho Pha-ra-ô và xây dựng các thành phố Ai-cập. Nhà vua cấp tốc cho thắng chiến xa của mình. Vua mang theo mình sáu trăm chiến xa tốt nhất và hàng ngàn chiến mã để đuổi theo dân Do thái (Xh 14:9). Chiến xa Ai-cập được mắc vào hai con ngựa và có thể mang được hai chiến binh. Một chiến binh được trang bị tấm lá chắn và có nhiệm vụ điều khiển ngựa. Chiến binh còn lại được trang bị đầy đủ khí giới. Một rừng chiến xa với giáo mác hùng mạnh đang đuổi theo dân Do thái.
Trước nỗi kinh hoàng của dân Do thái, ông Mô-sê đã trấn an họ và nói cho họ biết là Đức Chúa sẽ chiến đấu cho họ, và họ không cần phải chiến đấu. Trước tiên, thiên sứ của Chúa trong cột mây đã làm mịt mù khoảng cách giữa quân Ai-cập và dân Do thái khiến hai bên không thể xáp vào nhau. Sức mạnh Thiên Chúa ở cùng cây gậy của Mô-sê. Ông giơ gậy lên trên mặt biển, và Chúa đã cho một luồng gió mạnh thổi suốt đêm, dồn biển lại, khiến biển hóa thành đất khô cạn. Dân Do thái đi giữa lòng biển khô cạn ấy và vượt qua bên kia bờ biển. Chiến xa và kỵ binh Ai-cập đuổi theo và tiến vào lòng biển. Sau khi toàn dân Do thái vượt thoát được bên kia bờ, thì Thiên Chúa truyền cho Mô-sê giơ gậy trên biển để nước ập lại như củ. Nước đã ập xuống, và toàn thể chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô bị vùi dập trong biển cả (Xh 15:19).
Chứng kiến bàn tay oai hùng của Đức Chúa, dân Do thái từ đó đặt trọn niềm tin nơi Ngài. Khi chiến đấu với quân thù, họ chiến đấu trong và vì danh Thiên Chúa, và Thiên Chúa đã đặt mọi quân thù dưới chân họ. Họ không tin vào sức mạnh của chiến mã và kỵ binh nữa, vì nơi Biển Ðỏ họ đã chứng kiến sức mạnh của chúng đã bị vùi dập trong lòng biển. Từ lúc đó dân Do thái không dùng ngựa để làm thành các chiến mã, nhưng họ sử dụng một ít ngựa trong các công việc đồng áng nặng nhọc và đi đường. Sách Ðệ nhị luật đã ban hành một đạo luật cho các thủ lãnh Do thái là họ không được có nhiều ngựa, và không được đưa dân về Ai cập để có nhiều ngựa (Ðnl 17:16). Đức Chúa đã muốn như vậy là bởi vì trong việc buôn bán ngựa với người Ai-cập, người Do thái sẽ dễ bị tiêm nhiễm việc thờ lạy tà thần của họ. Thứ hai là người Do thái sẽ cậy nhờ vào sức mạnh chiến xa và kỵ binh mà quên đi sức mạnh quan phòng của Thiên Chúa.
Và thật thế, dân Do thái đã không dùng ngựa trận, họ chiến đấu với sự hộ trì của Thiên Chúa. Trong cuộc tiến chiếm vùng Ðất Hứa, Đức Chúa đã giúp họ chiến thắng bao quân thù. Thủ lãnh Do thái lúc ấy là ông Giô-suê đã cùng với quân đội của ông vượt sông Gio-đan và tiến chiếm toàn bộ phía nam. Các vua ở phía Bắc hoảng sợ, tìm cách liên quân với nhau để chống cự dân Do thái. Kinh thánh mô tả sự liên quân đông đảo như cát ngoài bãi biển và cùng với vô số ngựa xe. Thiên Chúa đã ở cùng dân Do thái và Ngài truyền dạy cho ông Giô-suê là Ngài sẽ nộp thây địch thù cho dân Do thái. Chúa truyền cho ông Giô-suê là khi chiến thắng quân thù xong, ông phải chặt nhượng chân ngựa và phóng hỏa đốt chiến xa của quân địch. Quả đúng như lời Thiên Chúa đã hứa, ông Giô-suê và quân đội ông đã chiến thắng lẫy lừng khối liên quân phía Bắc. Ông ra lệnh chặt nhượng chân ngựa và phóng hỏa đốt chiến xa (Gs 11:6-9).
Vào thời vua Ða-vít cũng vậy. Vua chiến đấu vì danh Thiên Chúa hằng sống. Khi ông làm vua trị vì toàn thể đất nước Do thái, ông đã đánh bại quân Phi-li-tinh, quân Mô-áp, và quân nước Xô-va. Trong trận chiến với quân nước Xô-va ở trên vùng Sông Cả, vua Ða-vít đã bắt được một ngàn bảy trăm kỵ binh và hai mươi ngàn bộ binh. Giống như Giô-suê trước đây, vua cho cắt gân chân tất cả chiến mã (2 Sm 8:4).
Tại sao Thiên Chúa lại truyền dạy cắt gân chân của những con ngựa chiến bại? Ðó là vì Thiên Chúa muốn dân Người tuyển chọn không giữ những con ngựa trận của địch quân để rồi cậy vào sức mạnh của chúng mà quên đi sức mạnh Thiên Chúa. Trong công cuộc gìn giữ giang sơn, Thiên Chúa muốn họ cậy vào sức mạnh của Ngài là đấng mang lại cho họ chiến thắng.
Tuy nhiên, vào thời hoàng đế Sa-lô-môn, tất cả đã bị đảo lộn. Mặc dù Thiên Chúa ban sự giàu có và khôn ngoan cho vua, nhưng vua đã làm nhiều điều tồi bại. Thứ nhất là việc vua có quá nhiều hậu phi người ngoại bang; ngoài ái nữ của Pha-ra-ô, còn có các bà thuộc dân Mô-áp, Am-mon, Ê-đôm, Xi-đôn, và Khết. Ðây là những dân mà Thiên Chúa cấm dân Do thái không được đi lại với chúng. Vua có đến bảy trăm bà vợ chính và ba trăm cung phi. Các bà này đã làm chao đảo lòng vua Sa-lô-môn trong việc thờ tà thần của họ và trong việc giao thương với các nước đó. Vua đã cố tình quên đi luật cấm về chiến xa và chiến mã trong sách Ðệ nhị luật. Vua đã mua chiến xa và ngựa chiến từ nước Ai-cập và Cơ-vê (1 V 10:28-29). Mỗi một chiến xa của Ai-cập, vua trả sáu trăm se-ken bạc, và một con ngựa là một trăm năm mươi. Tổng cộng vua đã mua là một ngàn bốn trăm chiến xa, và mười hai ngàn con ngựa. Như vậy vua đã trả một số bạc khổng lồ là hai triệu sáu trăm bốn mươi ngàn se-ken. Một se-ken bạc nặng vào khoảng 34 ounces. Tính theo đơn vị kí-lô-gam, vua đã trả toàn bộ vào khoảng tám mươi ngàn kí-lô-gam bạc. Từ lúc đó vua dần dần xa rời sự trông cậy vào Thiên Chúa mà chỉ trông cậy vào sức mạnh của quân đội và ngựa xe. Chiến tranh nội bộ xảy ra, và đất nước chia làm hai miền: miền Bắc là Giu-đa và miền Nam là Ít-ra-en.
Kể từ lúc đó, quân đội Do thái được trang bị kỵ binh và chiến xa. Nhưng vì họ không được chuyên môn trong việc huấn luyện kỵ binh, vả lại đa số còn bị ảnh hưởng luật cấm dùng ngựa chiến trong sách Ðệ nhị luật, nên kỵ binh Do thái rất ít về quân số và nghèo kỹ thuật trong tác chiến. Chẳng hạn như miền Bắc Giu-đa trước nạn ngoại xâm của vua Xan-khê-ríp người Át-sua. Toàn quân đội Giu-đa không kiếm nổi hai ngàn kỵ binh (2 V 18:23).
Ðiều đáng nói ở đây là dân Do thái lần lần mất niềm tin vào sức mạnh Đức Chúa. Họ quên rồi bàn tay oai hùng của Ngài đã vùi lấp chiến xa và kỵ binh của Pha-ra-ô nơi lòng Biển Ðỏ. Họ quên rồi tổ tiên họ là Giô-suê và Ða-vít chỉ chiến đấu nhân danh Thiên Chúa và Ngài đã đặt để quân thù dưới chân các vị đó. Họ quên rồi luật cấm dùng ngựa trận trong sách Ðệ nhị luật. Họ đã quên điều này là:
"Chiến mã được chuẩn bị cho ngày giao tranh,
nhưng thắng bại thuộc quyền Ðức Chúa" (Cn 21:31).
Chỉ có Thiên Chúa là Cứu Chúa. Ngài là đấng vượt trên mọi sức mạnh của trần gian bởi vì Ngài là Chúa. Bao lâu dân Do thái giữ một lòng trung tín với Ngài, thì Ngài luôn hộ phù gìn giữ. Bao lâu họ rời xa Thiên Chúa, thì họ bị quân thù chà đạp trên họ. Và vì thế, chiến sĩ cậy trông vào sức mạnh nơi con ngựa chiến của mình thì đó là sự trông cậy hão huyền. Bởi vì:
"Vua thắng trận đâu phải bởi hùng binh,
tráng sĩ thoát nguy đâu nhờ dũng lực.
Hão huyền thay mong thắng nhờ chiến mã,
nó mạnh đến đâu cũng không cứu nổi ngươi" (Tv 33:16-17).
Quả đúng như vậy, binh hùng tướng mạnh ư? Quân đội kỷ cương ư? Những cái đó có quả quyết phần thắng thuộc về người Do thái đâu. Hay lịch sử của họ chỉ minh định một điều là khi họ cậy nhờ sức mạnh Cứu Chúa của họ thị họ sẽ chiến thắng quân thù của họ một cách dễ dàng. Dân Do thái sống giữa những nước giàu có. Họ tiêm nhiễm lối sống trụy lạc của dân ngoại. Ðến nỗi trong thời tiên tri I-sai-a, ông đã lên án rằng:
"Vâng, Chúa đã bỏ rơi dân Ngài là nhà Gia-cóp,
vì họ chứa đầy thầy bói phương Ðông và thầy chiêm
như những người Phi-li-tinh;
họ thỏa hiệp với người ngoại quốc.
Ðất nước họ đầy những tà thần" (Is 2:6-8).
Và vì thế, tiên tri I-sai-a tiên đoán tai họa và sự trừng phạt sẽ giáng xuống trên dân Do thái, cho những ai cậy vào sức mạnh con người hơn là vào Thiên Chúa. Thật thế, Thiên Chúa đã để cho quân thù Át-sua từ phương xa đến xâm lăng dân tộc Do thái. Họ tấn công bất thần và ngoạn mục. Chiến binh họ hung dữ và tàn nhẫn. Họ tấn công dân Do thái như thế nước vỡ bờ. Vó ngựa chúng giày xéo khắp đất nước. Chiến xa của họ mạnh hơn chiến xa của người Ai-cập xưa, vì họ trang bị ba con ngựa cho một chiến xa, và ba chiến binh trên xe.
"Tên của chúng mài nhọn, cung của chúng đều giương,
vó ngựa chúng khác nào đá lửa,
bánh xe chúng dường như gió lốc.
Tiếng chúng rống như sư tử cái, chúng rống lên như sư tử con,
chúng gầm lên, bắt mồi, tha đi mà không có ai giật lại" (Is 5:28-29).
Trước họa ngoại xâm của quân Át-sua, dân Do thái đã không nhớ đến Cứu Chúa của họ, Cứu Chúa đã giúp tổ tiên họ là Giô-suê đánh bại liên quân phương Bắc đông như cát ngoài bãi biển. Thay vì ngước nhìn lên Đức Chúa, họ cho người xuống Ai-cập cầu viện vì tin vào chiến mã và kỵ binh của họ. Họ quên là Thiên Chúa quyền năng đang sẵn chờ nghe họ kêu xin. Sức mạnh Ngài sẽ có thể cứu họ mà họ chẳng cần ra tay. Dân Do thái bưng tai, bịt mắt liên kết với quân Ai-cập, mà tổ tiên họ đã dùng ngựa trận mà rượt đuổi cha ông Do thái thưở xưa. Và vì thế mà tiên tri I-sai-a nguyền rủa họ:
"Khốn thay những kẻ xuống Ai-cập cầu viện,
những kẻ cậy dựa vào chiến mã,
tin tưởng vì có lắm chiến xa,
vì kỵ binh hùng mạnh,
mà không chịu ngước nhìn Ðức Thánh của Ít-ra-en,
không kiếm tìm Ðức Chúa" (Isa 31:1).
Hết nạn giặc Át-sua thì đến nạn giặc Ba-by-lon. Ðế quốc Ba-by-lon hùng cường dưới thời hoàng đế Na-bu-cô-đô-nô-xo đã đánh tan quân đội Ai-cập. Chúng ào ạt tấn công vào miền Bắc Giu-đa. Sức mạnh của chúng vô địch và thế chúng tràn lan như nước vỡ bờ. Tiên tri Giê-rê-mi-a đã thốt lên rằng:
"Này nó ùn ùn kéo lên như mây, xe của nó khác nào vũ bão,
ngựa của nó lẹ hơn phượng hoàng.
Khốn cho chúng tôi, chúng tôi chết mất" (Gr 4:13).
"Từ Ðan người ta nghe rõ tiếng ngựa hí vang trời.
Khi nghe tiếng ngựa hí, cả mặt đất run rẩy kinh hoàng" (Gr 8:16). 
Trước bước tiến như vũ bão của quân thù, dĩ nhiên vua Giu-đa đã ra lời kêu gọi quân đội và trai tráng khắp đất nước đứng lên chống giặc. Ngày xưa, mỗi lần vua Ða-vít xông trận, vua hỏi ý kiến Thiên Chúa trước, rồi vua thi hành tất cả những chỉ thị của Chúa. Miền Bắc Giu-đa lúc này không còn kính Chúa nữa mà chỉ thờ lạy các tà thần của dân ngoại bang. Thật vậy, vua Giơ-hô-gia-kim không thỉnh cầu sức hộ phù nơi Đức Chúa, ông thỉnh cầu quân đội và dân Giu-đa vì ông tin tưởng nơi sức mạnh con người.
"Hãy chuẩn bị mang khiên thuẫn, mang lá chắn
mà xông ra chiến địa!
Kỵ binh hỡi, nào thắng ngựa, lên yên,
Nhập hàng ngũ, đội mũ chiến lên đầu;
lau chùi giáo mác cho sạch bóng,
rồi mặc áo giáp vào" (Gr 46:3-4).
Nhưng hỡi ôi! Khiên thuẫn và áo giáp trận nào có thể đỡ được mũi tên nhọn của quân thù. Kỵ binh nào có thể so được với "của chúng ùn ùn như vũ bão. "Mũ chiến nào có thể chịu được "ùngựa xẹt như đá lửa" của quân thù. Quân Giu-đa thất trận là không tránh khỏi. Họ đã bị đánh tơi bời, như lời tiên tri Giê-rê-mi-a nói:
"Mà sao tôi lại thấy chúng sợ hãi rút lui?
Dũng sĩ của chúng bị đánh tơi bời,
trốn chạy tứ tán không dám quay nhìn lại.
Tứ phía kinh hoàng, sấm ngôn của Ðức Chúa!
Người nhanh chân chẳng sao chạy trốn.
Cả người hùng cũng không thể thoát thân" (Gr 46:5-6).
"Hão huyền thay mong thắng nhờ chiến mã.
Nó mạnh đến đâu cũng không cứu nỗi ngươi."
Quân đội tan tác, gia đình tan hoang. Người người hãi sợ cho mạng sống của mình. Ðến nỗi khi vó ngựa quân thù xông đến thì tất cả đều rụng rời.
"Tiếng vó ngựa lộp cộp, tiếng chiến xa vang rền,
tiếng bánh xe ầm ĩ, khiến người cha, hai tay bủn rủn,
chẳng còn màng đến con" (Gr 47:3).
Người cha quá hãi sợ bỏ chạy lấy thân mà chẳng màng quay đầu nhìn lại xem người con của mình có trốn thoát hay không. Bởi vì sức mạnh và lòng can đảm của người cha đã không còn nữa. Ai không trông cậy vào Thiên Chúa thì hậu quả là bị ngựa chiến và địch thủ nạp đến không dám quay đầu lại để cứu con. Còn ai trông cậy vào Ngài thì Ngài giao ngựa địch thủ để "cắt t nhượng chân" và giao người cỡi nó vào tay. Vì ai trông cậy vào Chúa thì Ngài biến người đó thành binh khí của Ngài.
"Ngươi như cái búa, như binh khí của Ta.
Ta dùng ngươi để đập các dân,
Ta dùng ngươi để hủy các nước,
Ta dùng ngươi để đập ngựa và người cỡi,
Ta dùng ngươi để đập xe và người đánh xe" (Gr 51:20-21).
Ngựa dùng trong giao tranh thì Chúa không thích, người cậy vào sức mình thì Chúa không ưa. Nhưng Ngài yêu thích những ai có tâm hồn chân thật, những ai biết khiêm nhường trông cậy nơi Ngài. Và Chúa đã thẳng thừng tuyên bố như vậy:
"Vó ngựa phi Chúa không ưa chuộng,
chẳng thích gì chân kẻ chạy nhanh.
Nhưng Ngài yêu thích tâm hồn chân thật"
Ngựa dùng trong chiến tranh, ngựa bị sự dữ. Ngựa dùng trong việc thờ phượng, ngựa được sự lành. Một ngựa nhưng hai hình ảnh khác nhau. Ngựa dùng trong chiến tranh thì bị "cắt nhượng chân." Ngựa dùng trong việc thờ phượng thì trên lục lạc của nó được ghi "thánh hiến cho Ðức Chúa" (Dcr 14:20).
Khi dân xin một ông vua, Sa-mu-en nói: “Đây là quyền hành của nhà vua sẽ cai trị anh em. Các con trai anh em, ông sẽ bắt mà cắt đặt vào việc trông coi xe và ngựa của ông, và chúng sẽ chạy đàng trước xe của ông” (1 Sm 8:11).
Sách Sa-mu-en cho biết: “Vua Đa-vít bắt được của vua ấy một ngàn bảy trăm kỵ binh và hai mươi ngàn bộ binh; và vua Đa-vít đã cắt gân chân tất cả những con ngựa kéo xe, chỉ chừa lại một trăm” (2 Sm 8:4).
Sách Sa-mu-en tường thuật: “Áp-sa-lôm đóng cho mình một cỗ xe, với những con ngựa và năm mươi người hộ tống” (2 Sm 15:1). Áp-sa-lôm đã thưa với vua: “Xin cho phép con đi Khép-rôn để con giữ trọn lời đã khấn hứa với Đức Chúa, vì khi còn ở Gơ-sua miền A-ram, tôi tớ ngài đã có lời khấn hứa rằng: Nếu quả thực Đức Chúa cho con trở về Giêrusalem, thì con sẽ thờ phượng Đức Chúa” (2 Sm 15:7-8). Vua chúc y đi bình an. Y lên đường đi Khép-rôn nhưng đã tạo phản và lên ngôi tại Khép-rôn (2 Sm 15:10).
Hoàng tử A-đô-ni-gia, con của bà Khác-ghít, tự xưng vương mà rằng: “Ta sẽ làm vua!”. Chàng sắm xe,ngựa, và kiếm được năm mươi người chạy đàng trước mình (1 V 1:5).
Sách các Vua cho biết: “Vua Sa-lô-môn có bốn ngàn ngăn chuồng cho ngựa kéo và mười hai ngàn con ngựa cưỡi” (1 V 5:6). Hoặc nhắc tới Ngựa theo cách khác: “Tất cả các thành làm kho dự trữ mà vua Sa-lô-môn sẵn có, các thành giữ xe trận, các thành nuôi ngựa và tất cả những gì vua Sa-lô-môn muốn xây cất ở Giêrusalem, ở Li-băng và trong toàn lãnh thổ thuộc quyền vua” (1 V 9:19).
Nói về xa mã của Vua Sa-lô-môn, sách các Vua cho biết: “Mỗi vị đều mang lễ vật: đồ bạc, đồ vàng, y phục, vũ khí, hương liệu, ngựa và lừa. Cứ thế từ năm này qua năm khác.26 Vua Sa-lô-môn tập trung xe và ngựa, xe có một ngàn bốn trăm cỗ, và ngựa có mười hai ngàn con. Vua để chúng ở các thành có xe, bên cạnh vua tại Giêrusalem” (1 V 10:25-26).
Và cũng nói tới giá mua Ngựa: “Ngựa của vua Sa-lô-môn được nhập từ Ai-cập và Cơ-vê. Các thương gia của vua đến tận Cơ-vê mua ngựa theo đúng giá. Một chiếc xe bán ra từ Ai-cập là sáu trăm se-ken bạc, và một con ngựa là một trăm năm mươi. Đối với tất cả các vua Khết và các vua A-ram, nhờ các thương gia làm trung gian mua vào, thì cũng thế” (1 V 10:28-29).
 Sách Công Vụ cho biết: “Phải có sẵn ngựa cho ông Phaolô, để đưa ông ấy an toàn đến với tổng trấn Phê-lích” (Cv 23:24). Còn Thánh Gia-cô-bê dùng hình ảnh con Ngựa để nói về con người: “Nếu ta tra hàm thiếc vào miệng ngựa để bắt chúng vâng lời, thì ta điều khiển được toàn thân chúng. Nói về ngựa để nói về con người: “Anh em cũng hãy nhìn xem tàu bè: dù nó có to lớn, và có bị cuồng phong đẩy mạnh thế nào đi nữa, thì cũng chỉ cần một bánh lái rất nhỏ để điều khiển theo ý của người lái.5 Cái lưỡi cũng vậy: nó là một bộ phận nhỏ bé của thân thể, mà lại huênh hoang làm được những chuyện to lớn. Cứ xem tia lửa nhỏ bé dường nào, mà làm bốc cháy đám rừng to lớn biết bao!” (Gc 3:3-5).
Hình ảnh Ngựa được sách Khải Huyền của Thánh Gioan nhắc tới nhiều nhất trong Kinh thánh: “Tôi thấy một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang cung. Người ấy được tặng một triều thiên và ra đi như người thắng trận, để chiến thắng” (Kh 6:2). “Một con ngựa khác đi ra, đỏ như lửa, người cỡi ngựa nhận được quyền cất hoà bình khỏi mặt đất, để cho người ta giết nhau; người ấy được ban một thanh gươm lớn. Khi Con Chiên mở ấn thứ ba, thì tôi nghe Con Vật thứ ba hô: ‘Hãy đến!’. Tôi thấy: kìa một con ngựa ô, và người cỡi ngựa cầm cân trong tay” (Kh 6:4-5); “Tôi thấy một con ngựa xanh nhạt, và người cỡi ngựa mang tên là Tử thần, có Âm phủ theo sau” (Kh 6:8); “Hình dạng châu chấu giống như ngựa sẵn sàng vào trận; trên đầu chúng có cái gì như thể triều thiên bằng vàng, còn mặt chúng thì như mặt người” (Kh 9:7); “Ngực chúng khác nào áo giáp sắt, và tiếng cánh chúng đập, như tiếng xe nhiều ngựa kéo đang xông vào trận” (Kh 9:9); “Trong thị kiến, tôi thấy ngựa và người cỡi ngựa như thế này: chúng mặc áo giáp màu lửa, màu huỳnh ngọc và diêm sinh; đầu ngựa như đầu sư tử, và mõm chúng phun ra lửa, khói và diêm sinh. Một phần ba loài người bị ba tai ương ấy giết, tức là lửa, khói và diêm sinh từ mõm ngựa phun ra. Quả thế,quyền phép của ngựa thì ở mõm và ở đuôi chúng, vì đuôi chúng như rắn, có đầu, và chúng dùng đầu ấy mà làm hại” (Kh 9:17-19); “Người ta đạp nho trong bồn đặt ở ngoài thành, máu tự bồn trào ra ngập đến hàm thiếc ngựa và lan đến một ngàn sáu trăm dặm” (Kh 14:20); “Hàng hoá đó là: vàng, bạc, đá quý, ngọc trai; vải gai mịn, vải đỏ tía, tơ lụa, vải đỏ thẫm; gỗ trầm, đồ bằng ngà, đồ bằng gỗ quý, bằng đồng, bằng sắt, bằng cẩm thạch; quế, sa nhân, hương thơm, mộc dược, nhũ hương; rượu, dầu, tinh bột, lúa mì, súc vật, chiên cừu, ngựa, xe, thân xác, và cả linh hồn người ta nữa” (Kh 18:12-13); “Tôi thấy trời rộng mở: kìa một con ngựa trắng, và người cỡi ngựa mang tên là Trung thành và Chân thật, Người theo công lý mà xét xử và giao chiến” (Kh 19:11); “Các đạo quân thiên quốc đi theo Người, họ cỡi ngựa trắng, mặc áo vải gai mịn trắng tinh” (Kh 19:14); “Tôi lại thấy Con Thú và vua chúa trên mặt đất, cùng với các đạo quân của chúng, tụ tập lại để giao chiến với Đấng cỡi ngựa và đạo quân của Người” (Kh 19:19)l; “Những người còn lại bị thanh gươm phóng ra từ miệng Đấng cỡi ngựa giết chết, và mọi loài chim được ăn no thịt của chúng” (Kh 19:21).
Nói về Ngựa trong Kinh thánh, có lẽ đặc biệt nhất là “cú ngã ngựa chí mạng và nhớ đời” của Thánh Phaolô, nhờ cú ngã ngựa đó mà ông “nên người”. Khi ông hăng hái và hung hãn phi ngựa đi khắp nơi lùng bắt những người “cả gan” dám tin theo Chúa Giêsu, ông ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với ông: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 9:4). Thánh Phaolô kể lại: “Tất cả chúng tôi đều ngã nhào xuống đất, và tôi nghe có tiếng nói với tôi bằng tiếng Híp-ri: “Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta? Đá lại mũi nhọn thì khốn cho ngươi!” (Cv 26:14). Thật may cho ông, vì ông được Thiên Chúa bảo vào thành và được ông Kha-na-ni-a đặt tay và nói: “Anh Sa-un, Chúa đã sai tôi đến đây, Người là Đức Giêsu, Đấng đã hiện ra với anh trên đường anh tới đây. Người sai tôi đến để anh lại thấy được và để anh được đầy Thánh Thần” (Cv 9:17). Từ đó, một Sao-lê bạo ngược đã biến thành một Phaolô nhân chứng nhiệt thành của Đức Kitô. Và mỗi khi có thể, Thánh Phaolô vẫn vui vẻ hay nhắc lại “kỷ niệm” cũ: “Tôi ngã xuống đất và nghe có tiếng nói với tôi: Sa-un, Sa-un, tại sao ngươi bắt bớ Ta?” (Cv 22:1). 
Năm âm lịch Giáp Ngọ đang dần mở ra cho chúng ta. Ước mong chúng ta trở nên những chú ngựa hiền lành thuần thục trong vòng tay quan phòng của Chúa, để chúng ta trở nên những người nhiệt thành và mau mắn đem Tin Mừng Chúa cho mọi loài thọ tạo, cùng thẳng bước tiến về hạnh phúc Nước Trời.
 
Thiên Ân
Tổng hợp
Thông tin khác:
Người Công giáo Việt Nam với Tết Cổ truyền Dân tộc (19/01/2014)
Hội thảo, tĩnh tâm, cầu nguyện Mùa Vọng: Quyền được sống và được yêu. (20/12/2013)
Mở đường đón Chúa trong hành trình sa mạc (14/12/2013)
Chúa đã gọi Người về ! (15/10/2013)
Hoán cải ! (30/08/2013)
Cô đơn ! (03/08/2013)
Đại hội giới trẻ Công giáo thế giới lần thứ 28 (22/07/2013)
CHÚA DẮT DÌU TÔI (22/05/2013)
RAO GIẢNG THIÊN CHÚA BA NGÔI CHO NGƯỜI VIỆT (21/05/2013)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log