Văn hóa nghệ thuật

Cảm xúc miền đất thánh

Cập nhật lúc 15:01 23/02/2017
NAZARETH

Tôi nhắm mắt như để cố gạt đi hiện tại, đưa tâm trí ngược thời gian về quá khứ để hình dung ngọn núi này 800 năm trước Công nguyên. Một sườn đá nhỏ nhắc nhớ một trái núi hùng vĩ hoang vu nhưng hàm chứa một lịch sử cứu độ tiệm tiến từ Cựu Ước mà ngọn núi này đánh dấu là đã tiến đến thời Elia. Bên ngoài tu viện Carmel là cột tượng đài Đức Mẹ Stela. Tương truyền Đức Mẹ đã hiện ra nơi đây và truyền cho thánh Dominico mầu nhiệm rất thánh Mân côi để trừ được bè rối Catha khi đó đang hoành hành tàn phá Giáo hội. Chúng tôi đã dâng lễ hành hương đầu tiên tại đây.
Thăm Nazareth
Trong bầu khí thanh tĩnh của miền Galile hài hoà môi trường sinh thái tự nhiên. Hình ảnh Nazareth thân thương hiện lên thật rõ nét với chúng tôi. Chúng tôi tiến về nơi đây khi trời vừa tối và nghỉ tại hotel mang tên Gabriel. Thật ngỡ ngàng khi đoàn lên tầng hai của khách sạn để đọc chung kinh tối và phát hiện đây chính là nguyện đường của một tu viện cổ. Chưa ai biết rõ tu viện này đã được bán lại năm nào và trong hoàn cảnh nào. Nhà nguyện còn giữ nguyên vẹn Thánh giá, Nhà tạm, Đàng Thánh giá và những ảnh tượng được tôn kính trong nguyện đường. Chúng tôi đọc kinh mà chạnh lòng xót xa nghĩ về Đất thánh của Chúa mà Chúa vẫn bị tẻ lạnh không biết đã từ bao lâu.

Đêm đầu tiên tại đất thánh thật an lành và hạnh phúc. Chương trình của đoàn là 6h sáng hôm sau tập trung ăn sáng và đi thăm các thánh địa vùng Galile. Giật mình thức giấc xem đồng hồ: 5h58', tôi vội đánh thức người anh em cùng phòng. Vệ sinh cá nhân xong tôi mới chợt nhận ra đó là giờ Việt Nam, giờ Inraen đi sau 4 tiếng nên lúc này mới có 2h sáng, anh em chúng tôi lại ngoan ngoãn nằm ngủ lại!

Tạm gọi ngày đầu tiên là ngày của Cựu Ước vì lên núi Carmel với Elia, ngày thứ hai trong hành trình chính thức đi vào Tân Ước, chúng tôi hăm hở tiến vào Đền thờ Truyền tin. Đưa tâm trí hình dung về làng Nazareth bé nhỏ xưa, tôi chợt có cảm nhận một nét gì phảng phất giống Việt Nam theo khuôn lệ Cây đa - Giếng nước - Đình làng. Chúng tôi không được đến với Vương cung thánh đường Truyền Tin ngay, nhưng được dẫn tới giới thiệu giếng nước cổ xưa của Nazareth. Vết tích còn đó nhưng nước đã cạn khô. Theo các nhà nghiên cứu thì có một mạch nước ngầm đã chảy từ sông Jordan tới đây và giếng này là nơi lấy nước cho cả làng, và đương nhiên thiếu nữ Maria ngày ấy cũng thường xuyên tới đây kín nước.

Vẫn là xoay quanh việc giếng nước, chúng tôi đi bộ một khoảng không xa thì tới một đền thờ nhỏ của Hồi giáo có tên là nhà thờ Sứ thần Gabriel. Nơi đây cũng được coi là giếng nước Nazareth và Thiên Thần đã truyền tin cho Đức Mẹ tại đây. Tại sao lại có tới hai địa điểm khác nhau như vậy? Thì ra Hồi giáo theo ngụy thư của Phúc Âm Giacobê đã cho rằng Thiên Thần truyền tin cho Đức Mẹ ngay khi Đức Mẹ đang kín nước. Tôi nhớ lại lời Đức cha giáo phận Giuse Nguyễn Năng dặn tôi trước khi đi: "Những địa danh tự nhiên như hồ Galilê, núi Tabor, sông Jordan... thì còn nguyên bản. Các địa danh, thánh tích khác, về sự kiện thì chính xác nhưng người ta giới thiệu thì "tin ít thôi" vì địa lý trải qua 2000 năm đã có biết bao xáo trộn!".

Giờ đây chúng tôi mới thực sự đến với Vưong cung thánh đường Truyền Tin, đây là một trong những nhà thờ lớn và nguy nga nhất vùng thánh địa được cung hiến vào năm 1969. Nhà thờ hai tầng với vòm mái khổng lồ hiện đại, bao trùm tầng dưới là một nhà nguyện nhỏ trông như một cái hang, bao bọc quanh là những di tích còn sót lại của nhà thờ thời Thập Tự Chinh và thời Byzantine đã được các cha dòng Phanxicô tái tạo vào thế kỷ XVIII. Rất nhiều những tranh cẩm ngọc quý, những tượng dát vàng, những tranh nghệ thuật Mosaique. Hình ảnh Đức Mẹ được nhiều họa sĩ các nước diễn tả độc đáo, trong đó có cả Đức Mẹ Nữ Vương Việt Nam do họa sĩ Nguyễn Khắc Nhân khắc họa năm 1989.

Tôi quỳ xuống trước cửa Vưong cung thánh Đường, vừa hôn kính Đất Thánh, vừa là hôn kính giây phút mầu nhiệm Truyền Tin Chúa Nhập Thể là giây phút đã mở đầu cho kỷ nguyên cứu độ đời đời trong Đức Giêsu Kitô.

Bước vào trong Vương cung thánh Đường, tôi tìm đến điểm trung tâm là bàn thờ được đặt đối diện với hàng chắn bằng hoa văn sắt, bên trong là tàn tích của những phiến đá nhỏ mang cấu trúc của một nền nhà cổ xưa, đây là chính nhà Đức Mẹ và Tổng lãnh Thiên Thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Mẹ tại nơi đây. Bất giác tôi lại nhớ tới lời Đức cha căn dặn và quỳ gối nhắm mắt cố làm biến mất cả Vương cung thánh Đường đi để chỉ hình dung lại một ngôi nhà bé nhỏ cổ xưa của Đức Mẹ. Điều chắc chắn nhất là chính trên mảnh đất này, biến cố Truyền Tin đã xảy ra. Muôn ngàn đời phải khắc ghi giây phút huyền diệu "Chốc ấy Ngôi thứ Hai xuống thế làm người" và lời Đức Mẹ: "Này tôi là tôi tớ Đức Chúa Trời, tôi xin vâng như lời Sứ thần truyền"(Lc 1,38).

Ngang qua nhà Đức Mẹ, đoàn còn đến với nhà thánh Giuse để gắn liền công phúc của một vị thánh trên các vị thánh đã đồng công trong chương trình cứu độ của Chúa. Đoạn đường từ Vương cung thánh Đường Truyền Tin đi biển hồ Galile dài khoảng 30 km về phía tây bắc. Bảng chỉ đường ở đây cũng chính là những địa danh Thánh Kinh quen thuộc, xe qua Tiberia đưa đoàn tới biển hồ Galilea.
 
(còn nữa)

Linh mục Phêrô  NGUYỄN HỒNG PHÚC
 
Thông tin khác:
Thánh nữ Cartarina thành Siena (22/02/2017)
Cảm xúc miền Đất thánh (20/02/2017)
Thánh Vinhsơn (13/02/2017)
Nhà thờ Thất Tinh với những dấu ấn Chúa làm (10/02/2017)
Dòng sứ trứ danh một thời (18/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NGHI THỨC RẢY (06/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: MÀU SẮC TRONG PHỤC VỤ (05/01/2017)
Ý nghĩa biểu tượng Công giáo: NHẪN NGƯ PHỦ (04/01/2017)
Thánh Gioan Tiền hô (03/01/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log