Văn hóa nghệ thuật

Chơi ghế

Cập nhật lúc 13:07 10/06/2017
Đơn giản chỉ là những chiếc ghế nhưng qua đó người ta có thể hiểu được, biết được về nghệ thuật, lịch sử, quan niệm, tập tục, thói quen, văn hóa của những giai đoạn khác nhau.
       Cứ là phải đẹp trước đã. Chứ hễ cái gì cũng tiện lợi, “hiệu quả”, dễ sử dụng thì... Những cái ghế cũng cần phải đẹp ngay cả khi không ngồi. Thậm chí là ngồi xổm dưới đất để ngắm một cái ghế vì nó đẹp quá. Là ghế nhưng đồng thời nói cũng là một tác phẩm điêu khắc. Trong nội thất và đặc biệt là trong nội thất hiện đại thì ghế không chỉ là để ngồi. Nó là một yếu tố trang trí, không nên bó hẹp ý nghĩa của ghế.

       Tôi có chị bạn tốt bụng, tính tình dễ dãi. Chị vừa xây sửa nhà xong nhưng chả biết nghe ai xui mà lại thiết kế theo “xì tai” nửa như doanh trại, nửa như của mấy người hay đi picnic. Đồ đạc trong nhà từ bàn ghế, giường tủ cái gì cũng có thể gấp gọn, xếp nhỏ lại được. Tôi đã vài lần lựa lời khuyên chị rằng sẽ rất có hại cho các cháu nếu sống trong một môi trường nội thất vừa thực dụng, vừa xấu như vậy.

       Tôi lại có một anh bạn nữa công tác ở ngành lâm nghiệp. Anh này làm nhiều mà chơi cũng nhiều. Nhưng sức người có hạn. Bỗng dưng một ngày anh chợt bừng tỉnh, anh tự rút gọn lại chỉ còn chơi mỗi một món, chơi ghế. Bộ sưu tập ghế của anh ta vô cùng phong phú. Đúng là quý hồ tinh. Nhưng tại sao không phải là chơi các thứ khác? Trong một buổi trà suông với anh theo kiểu Nhật ngồi ngay trên sàn nhà tôi hỏi. Anh chia sẻ: Đơn giản chỉ là những chiếc ghế nhưng qua đó người ta có thể hiểu được, biết được về nghệ thuật, lịch sử, quan niệm, tập tục, thói quen, văn hóa của những giai đoạn khác nhau. Qua những cái ghế ta còn thấy được bàn tay tài hoa khéo léo của những người thợ thủ công xưa, thấy được tin thần lao động của người xưa, tỉ mỉ, cầu kỳ, kỹ lưỡng, khó tính. Thấy được tình cảm của họ, lương tâm của họ với sản phẩm mà mình làm ra, cũng chính là trách nhiệm của họ với xã hội. Bất giác ta lại thầm so sánh để thấy phần lớn những sản phẩm thời nay không còn có giá trị đó. Cuộc sống xưa thật sang trọng và đúng nghĩa là sống.



       Người xưa làm một món đồ thật lâu, thật chậm, thật kỹ, thật ít đến mức gần như đơn bản. Có phải chính vì vậy mà những món đồ đó đẹp mãi, sống mãi. Cuộc sống hiện đại với nhịp sống nhanh đến chóng mặt toàn những fastfood và express. Hàng hóa cái gì cũng phải sản xuất thật nhanh, thật nhiều, giống nhau như đúc, thật lạnh lẽo, vô hồn và tuổi của chúng thì ngắn lại. Ngày xưa ta được sống trong môi trường toàn những đồ làm bằng tay và làm bằng nguyên liệu tự nhiên. Bây giờ thì ngược lại. Cái không nhìn thấy của đồ xưa chính là yếu tố nhân văn đầy ắp trong từng món đồ. Anh bạn tôi không muốn nghiện đồ xưa nhưng nếu cứ suy nghĩ như trên thì phải thông cảm với anh thôi. Vì sự tẻ nhạt của đồ nay thì ai mà nghiện nổi.

       Có cảm tưởng rằng anh đang chơi với những cái ghế. Họ đang chơi với nhau. Nếu không đẹp, không thân thuộc thì làm sao có thể quấn quýt hằng ngày với nhau như vậy. Hình ảnh anh quỳ tên sàn nhà ngắm cái ghế thật lâu không chớp mắt, trông vừa cao ngạo, vừa chất chứa đam mê. Tôi biết là anh đang chuyện trò với ghế.

 
Lê Thiết Cương
Thông tin khác:
Mạc khải Chúa Thánh Thần (08/06/2017)
Đức Giêsu là Đấng toàn năng (05/06/2017)
Bảo tàng Vatican và Bảo tàng Do Thái tại Roma cùng triển lãm Menorah (03/06/2017)
Tre trúc Xuân lai (02/06/2017)
Việt Nam, Rôma, máu chảy về tim (02/06/2017)
Đấng bảo trợ ủi an (01/06/2017)
"Chợ âm phủ" thành không gian sách (25/05/2017)
16 tuyệt tác về Đức Mẹ trong nghệ thuật (24/05/2017)
Việt Nam - Rôma, máu chảy về tim (22/05/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log