Văn hóa nghệ thuật

Bí ẩn cuộn giấy da Laurentius Loricatus ở Vatican

Cập nhật lúc 09:47 29/09/2017
Nhờ vào công nghệ hiện đại, một nhóm chuyên gia Ý đã giải mã bí ẩn đang hủy hoại dần các cuộn giấy da cổ xưa, bao gồm nhiều tài liệu quý đang được lưu giữ trong thư viện Tòa Thánh.

Các nhà khoa học đã giải mã được chuyện gì đang xảy ra đối với những tài liệu cổ từ thế kỷ 13 về Chân phước Laurentius Loricatus, và góp phần mở ra hướng giải quyết mới có thể giúp bảo vệ những cuộn giấy da lưu truyền từ nhiều ngàn năm trước đang được Vatican bảo quản.

Cuộc đời khổ hạnh của Chân phước

Cách đây khoảng 800 năm, người lính chưa tròn 20 tuổi tên Laurentius Loricatus đã vô tình giết chết một người đàn ông. Vô cùng hối hận trước hành vi ngộ sát của bản thân, anh ta đã buông bỏ vũ khí, bôn ba trên đường hành hương đến Santiago de Compostela, Tây Ban Nha. Và trong suốt 34 năm sau đó, ngài đã tự nhốt mình vào một hang động ở Ý, phá hủy khuôn mặt bằng thanh sắt nóng và khoác lên cơ thể chiếc áo kết bằng những vòng kim loại có móc nhọn trực tiếp vào da như một hình thức sám hối trong nỗi khổ đau của cơ thể.

Câu chuyện của Chân phước Loricatus được truyền đến ngày nay, nhờ vào công của các dân làng sống gần nơi ẩn dật của người lính. Biết rõ về những gì đã diễn ra trong cái hang đó, họ cùng nhau viết lời kêu gọi Giáo hội tuyên thánh cho ngài, và phải cần đến cuộn giấy da dài 5m mới trình bày hết những tình tiết về cuộc đời đặc biệt của Chân phước Loricatus, mà theo tư liệu của Vatican, đã mất vào năm 1243. Ngài đã được tuyên Chân phước năm 1778, tức 5 thế kỷ sau đó. Hiện cuộn giấy trên vẫn nằm trong Kho lưu trữ bí mật của Vatican. Tuy nhiên, phần lớn cuộn da đã bị hủy hoại bởi những chấm màu tím bí ẩn, giống như tình trạng của vô số cuộn giấy khác làm từ da động vật trên toàn thế giới, theo Live Science dẫn lời bà Luciana Migliore, chuyên gia độc học của Đại học Rôma Tor Vergata ở thủ đô Ý.

Dựa trên cuộn giấy da mượn từ kho lưu trữ của Tòa Thánh, bà Migliore và đồng sự cuối cùng đã xác định được thủ phạm phá hủy những tài liệu quý, đó là các dòng vi khuẩn biển ưa muối. Đây là phát hiện gây sốc, vì cuộn giấy Loricatus chưa bao giờ xuất hiện gần biển. Điều này càng làm tăng thêm bí ẩn xung quanh sự xuất hiện “từ trên trời rơi xuống” này.

Ẩn số vi khuẩn

Phát hiện đáng ngạc nhiên trên là kết quả cuộc nỗ lực áp dụng công nghệ mới nhằm giải quyết vấn đề gây đau đầu từ lâu, theo chuyên san Nature. Các tài liệu cổ được ghi trên da thuộc đều hiếm, quý và dễ hỏng. Dù giới chuyên gia có nỗ lực bảo vệ chúng đến mức nào, những cuộn da cứ lần lượt hóa tím, trước khi rách vụn hoàn toàn. Bất kỳ tài liệu cổ nào được tìm thấy trong tình trạng được bảo quản tốt đều không phải nhờ vào công của giới nghiên cứu thời nay, mà tự bản thân chúng, bằng cách nào đó đã tồn tại được nhờ vào điều kiện môi trường xung quanh, chẳng hạn như sa mạc. Bộ sưu tập các cuộn giấy Biển Chết là một ví dụ điển hình. Chúng được tìm thấy trong sa mạc Judah. Một khi được khai quật và phơi bày, giấy da có khuynh hướng bị hư hại nhanh chóng, và một số bắt đầu bằng việc xuất hiện các chấm tím nhạt. Hậu quả là sau một thời gian các lớp da bị tách ra, phá hủy phần chữ viết bên trên.

Trong nỗ lực nhằm cứu lấy các văn bản cổ đại, bao gồm những tài liệu vô cùng quý giá đang được lưu trữ tại Vatican, nhóm do chuyên gia Migliore dẫn đầu đã thử cách tiếp cận mới, theo đó sử dụng kỹ thuật xâu chuỗi gien di truyền thế hệ kế tiếp để thử xác định loại vi khuẩn đang ăn mòn những cuộn giấy cũ. Họ đã chọn khôi phục cuộn giấy Laurentius Loricatus vì nội dung thú vị của câu chuyện mà nó mang theo, cũng như tình trạng của tài liệu này. Cuộn giấy bằng da dê, có niên đại năm 1244, chứa nhiều chấm tím dọc theo tài liệu, và trang đầu lẫn trang cuối đều bị xóa nhòa bởi màu sắc bí ẩn. Sau khi cẩn thận lấy mẫu, họ gởi đến một phòng thí nghiệm ở Mỹ, yêu cầu thiết lập chuỗi gien di truyền hoàn chỉnh về nhóm vi khuẩn đang “hoành hành” trên tấm da, với hy vọng có thể tìm ra chân tướng.

Theo kết quả phân tích, loại vi khuẩn ưa mặn gọi là halophilic xuất hiện đầu tiên. Kế đến, các vi khuẩn chịu muối, cụ thể là Gammaproteobacteria “tiếm quyền” kiểm soát, dần dần phá hủy cấu trúc của giấy da. Theo giải thích của nhóm chuyên gia, những loại vi khuẩn trên đã tiếp cận được tài liệu thông qua quy trình xử lý da thuộc nhằm loại trừ các vi khuẩn ăn thịt. Khi các cuộn giấy được đọc và bảo quản qua nhiều thế kỷ tại vô số tu viện khác nhau, những thay đổi về nhiệt độ và độ ẩm cho phép vi khuẩn chịu mặn sinh sôi và phát triển. Nhiều loài trong số này tạo ra sắc tím, thể hiện lên bề mặt cuộn giấy. Theo thời gian, các halophilic chết sạch, và xác của chúng tạo ra nguồn thực phẩm cho giai đoạn “thống trị” mới của Gammaproteobacteria. Nhóm này không những ăn xác vi khuẩn halophilic mà còn tiêu hóa collagen trong những lớp giấy da. Dần dà, tài liệu bị bong tróc và bị phá hủy vĩnh viễn.

Từ phát hiện trên, các chuyên gia hy vọng có thể tìm được biện pháp mới giúp bảo quản lâu dài nhiều tài liệu quý của Vatican và nhân loại.

LING LANG
Theo Báo Công giáo và Dân tộc​

Thông tin khác:
Bí Ẩn 10 Phép Lạ Tôn Giáo Khoa Học không thể giải thích (28/09/2017)
Hành hương Lisieux (26/09/2017)
Ông chủ vườn nho (25/09/2017)
Những hình ảnh cổ nhất về Chúa Giêsu (22/09/2017)
Thánh lễ tại giáo xứ Việt Nam – Paris (21/09/2017)
Ảnh "Film & Hà Nội" vẫn còn chỗ đứng (20/09/2017)
Tha hết cho mọi lần (19/09/2017)
Những câu chuyện xung quanh hang Massabielle - Lộ Đức (14/09/2017)
Thăm tháp Eiphel (13/09/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log