Văn hóa nghệ thuật

Tượng Chúa bằng gốm từ đôi tay nghệ nhân Chăm

Cập nhật lúc 09:53 31/10/2017
Lần đầu tiên, những sản phẩm tượng, mặt tượng Chúa, Mẹ Maria theo phong cách Bàu Trúc mới mẻ, nghệ thuật và mộc mạc đã ra đời từ đôi bàn tay tài hoa của các nghệ nhân Chăm.

Làm gốm kiểu “đặt tay, xoay quanh”

Hơn 20 năm trước, chủ đề “làng gốm Bàu Trúc” trở nên cuốn hút dư luận sau bài phóng sự trên một nhật báo trong nước. Tác giả bài viết đưa ra cụm từ “làng gốm cổ nhất Ðông Nam Á” để chỉ về làng gốm Chăm Bàu Trúc của Ninh Thuận. Sau cuộc tranh luận, vẫn không ai giải thích được làng gốm Bàu Trúc là cổ nhất Ðông Nam Á bằng những cứ liệu đáng tin cậy. Nhưng “cách làm gốm cổ nhất Ðông Nam Á” để chỉ về gốm Bàu Trúc là một cụm từ dễ hiểu hơn đối với làng gốm này.

Tượng khuôn mặt Chúa Giêsu bằng gốm Bàu Trúc (ảnh: X.H)

Theo đó, người nghệ nhân kiêm nông dân, với bàn tay khéo léo của mình, đã tạo nên những sản phẩm đặc thù. Ðất sét được mang về từng khối, từ những  mảnh ruộng thuộc lưu vực sông Quao gần đó. Người nghệ nhận đào đất, phơi, đánh tơi, sàng, lọc bỏ tạp chất, nhào với nước, trộn với cát theo tỷ lệ nhất định… để tiến hành chế tác. Khác với hầu hết các dòng gốm ở Việt Nam, bàn chế tác của gốm Chăm Bàu Trúc không tự xoay mà người nghệ nhân trong quá trình làm phải tự xoay quanh bàn. Do đó, cách vuốt gốm của Bàu Trúc là vuốt thẳng, không vuốt ngang như nhiều dòng gốm khác. Cũng vì người nghệ nhân tự xoay quanh bàn chế tác mà nhiều người gọi vui, gốm Chăm làm theo kiểu “đặt tay xoay quanh”. Sau khi hoàn thành phần thô, định hình, nghệ nhân tiếp tục vẽ hoa văn, các chi tiết cho sản phẩm như bình, tượng, các đồ lưu niệm…

Cách nung gốm của Bàu Trúc cũng có đặc trưng riêng. Gốm hoàn thiện sau khi vẽ hoa văn sẽ được phơi khô, đem đi xếp chồng thành đống ngoài đồng, bên trên là lớp củi và chất thêm lớp rơm, rồi đốt cháy lộ thiên như thế trong vòng khoảng 6 tiếng đồng hồ. Theo người Chăm: “Phải đợi gốm “ăn” hết rơm, hết củi thì mới chín”. Cách làm này, nếu dùng từ, sẽ gần với “nướng” hơn là nung, như các dòng gốm khác bỏ vào lò.

Do nướng ngoài trời, với khí trời loãng và gió biển Phan Rang khá mạnh, nhiệt độ tối đa của gốm Chăm chỉ đạt khoảng 700-800 độ C. Trong khi đó, nguyên tắc để đạt độ gốm tối thiểu cho bất kỳ dòng gốm nào, là khoảng 1200 độ C trở lên. Nếu nhiệt độ nung lớn hơn 2200 độ C, khả năng gốm sẽ bền chắc, thành sứ. Việc kết men cho gốm, về mặt nhiệt độ, phải đạt tối thiểu 1200 độ C. Do đó, gốm Chăm rõ ràng là gốm non. Không thể kết được men. Ðộ bền chắc không thể đạt như nhiều dòng gốm khác.

Tượng Mẹ Maria (ảnh: X.H)

Tuy là gốm non, nhưng thế mạnh của gốm Bàu Trúc là hỏa biến đẹp, tức là hoa văn từ lửa, một cách ngẫu nhiên, in hằn lên sản phẩm trong quá trình nướng gốm. Ðiều đó giúp cho mỗi sản phẩm Bàu Trúc là duy nhất, không có sản phẩm thứ hai có vết cháy giống nhau. Màu của gốm Bàu Trúc là màu kết hợp giữa nâu đất và các vết khỏi lửa. Thêm nữa, các sản phẩm hoàn toàn làm bằng tay (handmade) nên không có sản phẩm nào giống sản phẩm nào, dù nghệ nhân có cố tình làm giống đi nữa. Chưa kể, khi sản phẩm thô vào lửa, luôn có những độ vênh nhất định, bởi nhiệt độ.

Tượng Công giáo với cách làm Bàu Trúc

Từ thế mạnh là sự mộc mạc gần gũi đó, gần đây anh Nguyễn Xuân Huy, một người Công giáo quê Ninh Thuận, hiện sống tại Sài Gòn, đã thực hiện dự án phục hồi lại một số đặc tính của gốm Chăm truyền thống đang có nguy cơ bị mai một trong nền kinh tế thị trường. Theo anh, đây là một làng nghề có giá trị, cần được hỗ trợ, nhất là đầu ra cho sản phẩm. Xa xưa trước đây, Bàu Trúc là một làng gốm chỉ chuyên cung cấp các dụng cụ nhà bếp cho vương quốc Champa như lò bánh, tộ kho, ấm nước bằng đất… Khoảng 20 năm gần đây, nghệ nhân Chăm đã bắt đầu tạo ra những sản phẩm mỹ nghệ theo cách làm cổ truyền. Khách du lịch đến tham quan làng thường xuyên hơn. Nhưng bên cạnh đó, việc chạy theo thị hiếu của khách du lịch đã làm mất đi một số đặc tính truyền thống của sản phẩm như lạm dụng nước màu đen thái quá (nước hạt điều), kiểu dáng tự phát, thiếu cân đối, rườm rà. Nhiều nghệ nhân không sống được với nghề, phải bỏ đi nơi khác làm công.

Người nghệ nhân làm gốm theo kiểu "đặt tay, xoay quanh"

Trong dự án này, anh Huy sẽ lựa chọn, thiết kế, phục dựng một số giá trị truyền thống, tôn lên sự mộc mạc, có hồn của dòng gốm Bàu Trúc và đặt các nghệ nhân Chăm làm ra các sản phẩm rồi đưa về TPHCM tìm thị trường tiêu thụ. Trong quá trình đưa các mặt hàng gốm đến tay khách hàng, ý tưởng về tượng Công giáo đã nảy ra. Thế là các bức tượng mặt Chúa Giêsu, Mẹ Maria lần đầu tiên ra đời, theo cách làm truyền thống từ đôi tay của nghệ nhân Chăm.

Khó khăn khi làm tượng Chúa là nghệ nhân làng Bàu Trúc, phần lớn theo Hindu giáo, chỉ quen nắn tượng các vị thần như Shiva, Po Naga, Vishnu... Làm tượng Chúa Giêsu là lần đầu, nên anh Huy phải tham khảo kỹ tay nghề của nghệ nhân để “chọn mặt gởi vàng”. Rất may, nghệ nhân Chăm giỏi đã gật đầu. Và những bức tượng “nướng” ngay đợt đầu đã cho thấy độ sắc nét và mộc mạc. “Với cách làm gốm Chăm, với bàn tay tài hoa của nghệ nhân, tượng Chúa không tráng men bóng loáng mà mộc mạc gần gũi với ruộng đồng, sẽ thích hợp với các không gian gia đình yêu thích nghệ thuật. Rất vui vì tôi sẽ góp thêm một lựa chọn cho người Công giáo bên cạnh các tượng bằng chất liệu khác” -  anh Huy chia sẻ và cho biết trong tương lai, sẽ phát triển dòng tượng Công giáo đa dạng, với nhiều kích cỡ, kiểu dáng.

Có thể nhiều người chưa quen sẽ “dị ứng” khi thấy tượng đất nướng theo phong cách Chăm, bởi thông thường người ta vẫn nghĩ tượng Chúa Giêsu thì phải làm bằng gỗ, đúc khuôn thạch cao, composite hay bởi các dòng gốm có men thì mới… trân trọng. Song theo anh Huy, trên thế giới, nhiều nghệ sĩ đã sáng tạo nên hình tượng Chúa chọn lọc với nhiều chất liệu khác nhau, tạo nên những tác phẩm có hồn. Dĩ nhiên, điều mới mẻ với số đông thường phải chấp nhận cái nhìn e dè.

Và anh chủ dự án này tin rằng nhiều người Công giáo sẽ hiểu vấn đề hình ảnh Chúa không phải là bằng gốm men hay gốm không men. Quan trọng là sự trân trọng nằm ở trong tâm hồn mỗi người khi nhìn vào đó. Với tượng đất làm bằng tay, nướng bằng lửa tự nhiên, cái tâm của nghệ nhân đặt vào sản phẩm mộc mạc chắc chắn sẽ hơn những sản phẩm đúc khuôn rất nhiều.

HẠNH TRÍ
Nguồn: 
Báo Công giáo và Dân tộc

Thông tin khác:
Xe thổ mộ trong ký ức một thời (30/10/2017)
Trường đại học truyền giáo Rôma (27/10/2017)
Chào Paris diễm lệ (25/10/2017)
Triển lãm ảnh "Hà Nội trong tôi" lần thứ 12 (25/10/2017)
Ấn tượng Ninh Thuận (24/10/2017)
Tiệc cưới hướng nước trời (23/10/2017)
5 tu viện đẹp nhất thế giới (18/10/2017)
Ấn tượng Phú Yên (12/10/2017)
Bọn tá điền đánh giết (11/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log