Văn hóa nghệ thuật

Ấp ủ về một thư viện văn hóa Công Giáo Việt Nam

Cập nhật lúc 10:48 28/11/2017
“Kinh nghiệm về hoạt động thư viện và đóng góp xây dựng thư viện văn hóa Công giáo Việt Nam” là chủ đề của hội thảo do Ủy ban Văn hóa (UBVH) trực thuộc HĐGMVN tổ chức ngày 9.11.2017 ở văn phòng HĐGMVN.

Tham dự hội thảo có Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân, Giám mục GP Ðà Nẵng, Chủ tịch UBVH; Ðức cha Giuse Ðỗ Mạnh Hùng và Ðức cha Louis Nguyễn Anh Tuấn (Giám mục phụ tá TGP.TPHCM); Ðức cha GP Vinh Phaolô Nguyễn Thái Hợp; cùng các chuyên viên thư viện, đại diện các dòng tu, thành viên Ban văn hóa các giáo phận.

Đức cha Giuse Đặng Đức Ngân. Chủ tịch UBVH đúc kết hội thảo (ảnh: L.G)

Thư viện trong hoạt động văn hóa

Qua bài thuyết trình “Thư viện như một kho báu”, ông Augustinô Vương Ðình Chữ, người từng có kinh nghiệm đi thu thập tư liệu ở các thư viện trong và ngoài nước, đã điểm qua các thư viện danh tiếng thế giới với quy mô lớn, trong đó có thư viện Vatican (hình thành từ năm 1450 và chính thức hoạt động năm 1475); kho lưu trữ của Hội Thừa sai Paris (MEP)…, để cho thấy từ rất xa xưa, các kiến thức của nhân loại đã được quan tâm, sưu tầm, quy tập, phục vụ con người. Theo ông, vai trò của thư viện trong hoạt động văn hóa và tâm linh đã quá rõ bởi thực tế, hầu như các quốc gia, đại học, các tổ chức, chủng viện, nhà dòng đều có thư viện, nhiều cá nhân cũng có những tủ sách riêng. Vị diễn giả còn đưa ra những lý do khẩn thiết của việc cần lập một thư viện văn hóa Công giáo: Trước hết, để sưu tầm và bảo tồn di sản tiền nhân, đang nằm rải rác nhiều nơi. Kế đến, để bày tỏ lòng tôn kính và tri ân tổ tiên trong đức tin theo sự thúc bách của đạo lý “ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Và cuối cùng là phục vụ cho việc truyền giáo mà ngày nay, truyền giáo bằng văn hóa là một trong các phương cách hữu hiệu.

Trong phần trình bày của mình, Ðức cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp cũng đưa ra những quan điểm của Giáo hội về văn hóa, cho thấy mối tương quan giữa đức tin và văn hóa. Ðức cha Phaolô ví von văn hóa là chìa khóa, là câu thần chú mở ra kho tàng tri thức, giúp con người tiếp cận với gia tài truyền thống của dân tộc. Ngài nhìn thấy vai trò của thư viện trong văn hóa: “Tự cổ chí kim, thư viện vẫn là nơi lưu trữ kho tàng văn hóa của nhân loại”. Trước bối cảnh xã hội hôm nay, khi mà không ít người cho rằng thư viện chỉ là một thế giới ảo, xa rời thực tại, Ðức cha Phaolô nhận định: “Nếu thế giới ấy có thể tác động đổi dòng một con sông, đổi chiều một cuộc sống, cải hóa con người, thăng tiến cả xã hội..., thì thư viện vẫn rất thực, rất thiết yếu cho cuộc đời, cho mỗi người”. Ngài cũng đặt vấn đề cần suy nghĩ về cách thức tổ chức thư viện, để mọi người có thể tiếp cận nguồn tri thức nhằm phục vụ hữu ích cho đất nước và Giáo hội.

Linh mục Giuse Trịnh Tín Ý thư ký UBVH dẫn dắt chương trình 

Một thư viện hiện đại

Ngày nay, việc lập thư viện không chỉ theo cách quản lý truyền thống mà còn phải xây dựng chương trình cho phù hợp với công nghệ số. Với kinh nghiệm làm thư viện ở nhà dòng, linh mục Phanxicô Xaviê Phó Ðức Giang, dòng Anh Em Hèn Mọn (OFM) đã bàn đến việc quản lý thư viện trong thời đại mới, bằng các phần mềm điện tử. Theo cha, thư viện hiện đại phải làm sao xây dựng được các phần mềm, làm chủ được mã nguồn phần mềm để bảo đảm an ninh. Thư viện điện tử sẽ giúp chúng ta liên kết được với các thư viện nước ngoài. Ngài cũng nói thêm về các kỹ thuật áp dụng vào việc mượn trả sách, giúp nhận biết, cung cấp thông tin nhanh chóng như việc thực hiện các mã vạch; đồng thời giới thiệu sơ lược về sách điện tử (ebook), các loại tài liệu đọc trên sách nói (audio book) không thể thiếu trong một thư viện hiện đại…

Về mô hình thư viện văn hóa Công giáo Việt Nam, cha Giuse Trịnh Tín Ý, thư ký UBVH cho biết, trong cuộc họp thường niên của HÐGMVN vào tháng 4.2015, HÐGMVN đã chuẩn nhận đề xuất của Ðức cố Giám mục Giuse Vũ Duy Thống, Chủ tịch UBVH, thành lập một Trung tâm văn hóa Công giáo, trong đó có thư viện văn hóa Công giáo và trao cho UBVH chịu trách nhiệm thành lập và điều hành. Hiện Ðức cha Giuse Ðặng Ðức Ngân tiếp nối công việc của cố Giám mục Giuse, triển khai dự án thư viện này.

Thư viện hướng tới việc sưu tầm và bảo tồn mọi loại hình di sản liên quan đến Công giáo Việt Nam, từ tư liệu, sách báo đến văn bản, bút tích… nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu của các độc giả và cả cho công cuộc truyền giáo. Nguồn sử liệu được thu thập từ trong nước qua văn khố các giáo phận, tủ sách của các Ðại chủng viện, dòng tu, các tổ chức văn hóa Công giáo và tư nhân; và ngoài nước từ các Trung tâm lưu trữ thuộc Rôma, các dòng tu từng hoạt động truyền giáo tại Việt Nam. Với tài liệu đương đại, sẽ quy tụ các bản sao luận án tiến sĩ, các tác phẩm của linh mục, tu sĩ, giáo dân trong nước liên quan tới tư tưởng và văn hóa Công giáo; cũng như sẽ đặt mua thêm nguồn từ nước ngoài dưới dạng sách giấy hay sách điện tử. Còn về tác quyền của mọi tài liệu văn bản, thư viện sẽ không nhân bản, trừ trường hợp tác giả đồng ý.

Bưu thiếp do các vị thừa sai sưu tầm về những vùng truyền giáo ở châu Á tại thư viện lưu trữ của hội thừa sai Paris (ảnh: MEP)

Chung tay xây dựng

Thay mặt UBVH, cha Giuse Trịnh Tín Ý mời gọi các dòng tu, tín hữu từ khắp nơi góp phần vào dự án này bằng việc chia sẻ các nguồn tài liệu, sách, bản sao… Cha thông tin thêm, với những tủ sách tư nhân sở hữu các văn bản về lịch sử hoặc văn hóa Công giáo, UBVH có kế hoạch gặp gỡ chủ nhân hay người kế thừa, thương thảo để xin nhượng lại hoặc nhân danh chủ nhân để bảo quản và lưu trữ. Hiện thư viện đón nhận sách điện tử, sau đó tới sách truyền thống, ngay khi có cơ sở và phòng ốc thích hợp, sẽ thiết lập thư viện giấy, tổ chức thực hiện theo phương pháp quản trị thư viện, phân loại sách theo hệ thống thập phân và hệ thống đề mục.

Một số tham dự viên cũng góp thêm ý kiến tại hội thảo, trong đó nhiều người đồng tình với việc “kỹ thuật số hóa” các văn bản, tài liệu, sách… để độc giả khắp nơi đều có thể tiếp cận. Về việc tìm tài liệu liên quan đến Công giáo Việt Nam ở nước ngoài, từ những gì đã trải nghiệm, ông Vương Ðình Chữ tin rằng, kho lưu trữ dòng Tên hay kho lưu trữ ở Hội Thừa sai Paris sẽ sẵn sàng hỗ trợ HÐGMVN.

Ðúc kết chương trình, Ðức cha Chủ tịch UBVH ước mong dự án về thư viện này sẽ sớm được thực hiện để có một nơi lưu giữ, bảo tồn tất cả sách, báo liên quan đến văn hóa Công giáo Việt Nam sau hơn 400 năm đón nhận Tin Mừng.

 

Ngoài những bài thuyết trình, các tham dự viên còn được đọc thêm các bài viết, bài dịch phong phú về hoạt động thư viện trong tập tài liệu hội thảo như Thư viện: Triết lý và thực hành (Antôn Uông Ðại Bằng dịch); Từng bước hình thành và phát triển thư viện điện tử (Gioan Baotixita Vũ Ðức Bảo); Thư viện văn hóa Công giáo Việt Nam - Ðiểm hẹn của nền văn hóa đọc và văn hóa lướt web hiện nay (Nữ tu Maria Ngọc Lan, fmm); Thư viện lưu trữ MEP (Maria Gioanna Nguyễn Ngọc Lan Chi); và một số bài khác do UBVH chuyển ngữ.

 

LIÊN GIANG
Nguồn tin: Báo Công giáo và Dân tộc

Thông tin khác:
Ngôi nhà thờ mang tên “7 tinh tú” trên trời (21/11/2017)
Cô giáo lên vùng cao (21/11/2017)
Nén bạc ông chủ trao (20/11/2017)
Tháp Bà Ponagar (16/11/2017)
Tam giáo đồng nguyên (16/11/2017)
Nhà thờ giáo xứ Hà Dừa (15/11/2017)
Dụ ngôn người trinh nữ (14/11/2017)
Viện Bảo tàng Thánh Kinh kỳ vỹ đang được xây dựng ở Washington, D.C. (10/11/2017)
Tranh dân gian Hàng Trống và Đông Hồ (09/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log