Văn hóa nghệ thuật

Nha Trang - Thành phố biển yên bình

Cập nhật lúc 13:12 12/12/2017
Tạm gác lại những ồn ào bon chen náo nhiệt của cuộc sống, tôi đắm mình trong không gian thành phố Nha Trang yên bình, trong màu xanh ngọc bích của nước biển Nha Trang để tận hưởng những phút giây thư thái, êm đềm.
Tháp Trầm Hương biểu tượng du lịch của thành phố Nha Trang. Ảnh: Đăng Huỳnh
Tháp Trầm Hương biểu tượng du lịch của thành phố Nha Trang. Ảnh: Đăng Huỳnh
Một Vinpearl Land lung linh, huyền ảo như một viên ngọc lấp lánh giữa trời mây, non nước. Một Hòn Tằm thơ mộng, hiền hòa với dải cát trắng chạy dài như một thiếu nữ đang vồng căng sức sống. Một Tháp Bà Pônaga uy nghiêm, cổ kính và đầy sức hút… Tất cả khiến lòng mình như chùng lại, bình yên hơn trong nhịp sống chầm chậm của đời thường.

Bình minh, mặt trời nhú lên phía chân trời, những tia nắng rọi xuống như đánh thức mặt biển sau đêm dài mộng mị. Sắc đỏ, sắc vàng, ánh bạc quyện vào nhau rực rỡ cả vùng trời. Cảm giác thật thú vị khi được ngắm mặt trời mọc ở nơi được du khách đánh giá là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Thật đúng với lời nhận xét của anh bạn người Nga cùng đi với tôi: "Đến Việt Nam, chỉ ở Nha Trang mới có điều kiện ngắm bình minh và biển đêm một cách đúng nghĩa nhất".

Ngồi trên chiếc xích lô chạy dọc theo con đường Trần Phú, bác tài điềm đạm, chân tình giới thiệu một cách rất say sưa về con đường "vàng" chạy dọc bờ biển này. Theo lời bác, đây được mệnh danh là con đường đẹp nhất thành phố và có thể đẹp nhất Việt Nam.

Không phải ngẫu nhiên mà con đường dài hơn 15km này được nhắc đến nhiều trong các cuốn cẩm nang du lịch quốc tế. Nhờ bàn tay tôn tạo của con người, một công viên biển được xây dựng hoàn chỉnh đan xen giữa các nhà hàng, khu vui chơi giải trí. Hai bên đường những hàng cây rợp bóng, xanh mướt. Mùa thu tiết trời thanh mát, sắc hoa cũng như bồng bềnh, tỏa sắc hơn. Mặt phố sôi động với hệ thống khách sạn sang trọng của những cái tên nổi tiếng đã được xếp hạng quốc gia và châu lục như Lodge, Ana Mandara, Yasaka, Hải Yến… cùng với những quán bar của người nước ngoài khi về đêm. Còn ở các ngã tư, ngã rẽ gần như không bóng áo vàng của cảnh sát giao thông, áo xanh của công an dẹp trật tự. Tôi đem thắc mắc này ra hỏi, bác xích lô trả lời: “Dân tự làm giao thông, tự ý thức rồi tự phân luồng, phân tuyến đó chú ơi”. Có lẽ vì ý thức tự giác đó mà tôi hoàn toàn không thấy cảnh kẹt xe hay chèo kéo, chào mời đeo đẳng, tranh giành khách như một số điểm du lịch khác trên đất nước. Có chăng là vài người chạy xe chở trái cây đứng bán bên xế cửa khách sạn nào đó. Nhưng họ rất có ý thức với việc giữ vệ sinh môi trường, nhẹ nhàng mời khách mua, nếm thử trái cây và luôn kèm theo bịch nilon để bỏ vỏ, hạt.

Cũng theo lời kể của bác xích lô, đến Nha Trang ngoài thăm thú cảnh vật mà không thưởng thức một số món ăn ở đây thì chưa hẳn đã tận hưởng Nha Trang. Từ cháo vịt, xôi bảy màu đến nem nướng Ninh Hòa hay bánh canh cá dầm, bánh căn, bún sứa… ai ăn một lần đều không thể quên được mùi vị đặc trưng của vùng đất này. Tất cả đều tạo nên một thứ vị giác mà khi rời xa, chỉ cần nhắc đến thôi lưỡi mình cũng phải đánh láo liên trong miệng. Ví như nem nướng Ninh Hòa, một chút ngọt, một chút chua, một chút cay, mùi thơm của thịt lụi quyện trong miếng bánh tráng đã chiên giòn tan, hấp dẫn thực khách ngay từ ánh nhìn. Hoặc bánh canh cá dầm với những sợi bánh canh to gấp 3 - 4 lần sợi bún thông thường và vị cá thu đúng chất, dù có dầm nát miếng cá thì nước dùng cũng không có mùi tanh. Hay như bún sứa với cách chế biến rất riêng của người dân miền biển, ngon không thể chê, về TP. Hồ Chí Minh có kiếm mỏi chân cũng không tìm được quán nào như vậy.

Nha Trang - thành phố không chỉ có cảnh đẹp, thức ăn ngon. Mà con người ở đây cũng rất hiếu khách, cởi mở, chân thành. Ví như bác xích lô kia chẳng hạn. Hay như một chị bán xoài và chôm chôm dạo ven đường. Chị đon đả mời mua hàng, nhưng sau khi thử một trái, mấy anh em không mua vì đang trên đường đi chơi, không muốn xách lỉnh kỉnh. Vậy mà chị không hề tỏ ra khó chịu như mấy người bán dạo ở biển Vũng Tàu mà vẫn mỉm cười nhỏ nhẹ: "Khi nào mua, nhớ ghé lại chỗ em nhé mấy anh". Rồi khi vào chợ Đầm - chợ trung tâm của thành phố, mua một cái áo giá 50.000 đồng nhưng luýnh quýnh thế nào tôi lại rút luôn tờ 200.000 đồng trả cho cô bé bán hàng. Quay đi được mấy bước chân, cô bé gọi với theo: “Chú ơi, tiền thừa của chú". Tôi giật mình quay lại thì đã thấy cô bé chạy sát bên. Không đợi tôi nói cảm ơn, cô bé đã nhanh nhảu: "Lần sau chú lại ghé hàng cháu mua quần áo chú nhé”. Nhận 150.000 đồng tiền thừa, tôi ngỡ ngàng nhìn cô bé. Nếu như ở nơi khác, có lẽ tôi đã mất luôn số tiền đó rồi.

Thành phố biển Nha Trang với tất cả cảnh vật và tình người như thế, khiến cho những du khách như tôi đến một lần là muốn đến thêm những lần sau nữa. Xin được mượn một câu trong lời bài hát của nhạc sĩ Vũ Vĩnh Phúc để kết thúc cho bài viết của mình:
 
Bạn bè hỡi! Hãy đến đây với Nha Trang
Một thành phố biển xanh dưới nắng vàng
Nha Trang ngàn câu hát,
Nha Trang trời xanh ngát
Ơi Nha Trang, Nha Trang mãi trong lòng tôi…

 
Phạm Văn Ba
 
Thông tin khác:
Chúa Giêsu mới xứng (11/12/2017)
Bảo tàng Vatican phục hồi thành công tượng quý (08/12/2017)
Triển lãm mỹ thuật phật giáo đương đại 2017 (07/12/2017)
Hai bảo tàng tư nhân độc đáo (07/12/2017)
Nét văn hóa Khmer Nam Bộ (06/12/2017)
Phải tỉnh ở sẵn sàng (05/12/2017)
Trải nghiệm ơn thiêng (01/12/2017)
Xét thưởng phạt tùy theo (30/11/2017)
Ấp ủ về một thư viện văn hóa Công Giáo Việt Nam (28/11/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log