Văn hóa nghệ thuật

Một thoáng Vinh Sơn

Cập nhật lúc 12:16 18/01/2018
Giáo xứ Vinh Sơn Phaolô (hạt Phú Thọ) là điểm đến quen thuộc không chỉ của các tín hữu mà còn của bà con sống quanh khu vực này.

Giáo xứ Vinh Sơn Phaolô nằm ở quận 10, ngay trung tâm thành phố. Nhà thờ tọa lạc trên đường 3/2, con đường tấp nập, nhộn nhịp có tiếng ở Sài Gòn. Nhà cửa mọc san sát, phố xá lúc nào cũng đông đúc xe cộ qua lại… Nhưng ngôi nhà Chúa vẫn tĩnh tại với nét giản dị đáng quý, trở thành điểm chấm phá an bình giữa một khu phố sầm uất.

20 năm cung cấp nước sạch miễn phí

Xứ Vinh Sơn Phaolô được thành lập vào năm 1963, trước đây vốn là một họ lẻ của giáo xứ Bắc Hà gần đó. Cũng trong năm này, ngôi nhà nguyện được xây lên để làm nơi cho các cụ già ngày ngày lui tới đọc kinh, cầu nguyện. Theo thời gian, những khu đất trống liền kề được lấp đầy bởi người dân từ khắp nơi tìm đến định cư, nên đến năm 1970, được nâng lên thành giáo xứ Vinh Sơn Phaolô. Năm 1992, linh mục Giuse Trịnh Tín Ý về coi sóc và sống cùng đoàn chiên cho đến hôm nay. Trong thời gian ở đây, nhận thấy ngôi nhà thờ xuống cấp nên cha đã hai lần cho trùng tu và xây dựng lại tháp chuông, chỉnh sửa mặt tiền nhà thờ. Hiện Vinh Sơn Phaolô có khoảng 2.300 tín hữu và được gọi vui là “xứ hỗn hợp”, do tập hợp người dân đến từ nhiều vùng miền.

Giếng nước đại chúng tại Vinh Sơn

Giáo xứ có khuôn viên thuộc dạng nhỏ hẹp, nhà thờ và nhà giáo lý bên cạnh đã chiếm trọn diện tích, nhưng các hoạt động vẫn rất đa dạng và được tổ chức thường xuyên. Ngoài lễ ngày thường, mỗi Chúa nhật có 4 thánh lễ. Lớp Giáo lý Dự tòng, Giáo lý Hôn nhân mở ra mỗi năm hai khóa, mỗi khóa quy tụ hàng trăm người học. Các học viên được hướng dẫn bởi những chuyên gia, người có kinh nghiệm do giáo xứ mời về. Các đoàn thể hằng tuần vẫn sinh hoạt, và nhiều chuyến đi bác ái đến với vùng sâu, vùng xa được khởi xướng. Thuộc khu vực có khá đông các trường đại học, cao đẳng, nhà thờ vì thế còn là điểm đến thường xuyên của nhiều bạn sinh viên… Vinh Sơn Phaolô còn là một trong số những địa điểm đầu tiên của thành phố có nguồn nước sạch miễn phí hoàn toàn. Ban đầu chỉ là vòi nước nhỏ để người đạp xích lô, bán vé số ghé vô giải khát. Về sau, nhận thấy nhu cầu của người dân ngày một lớn, cha Giuse đã cho thiết kế một hệ thống lọc nước quy mô hơn với 4 vòi nước, mỗi ngày cung cấp nước sạch cho cả trăm gia đình đem về uống.

Thiếu nhi là tương lai

Cũng như nhiều xứ khác, thiếu nhi luôn được ưu tiên hàng đầu, tuy nhiên ở Vinh Sơn, điều này càng đặc biệt hơn khi mọi nguồn lực đều dành cho các em và mọi người xem đây là “đầu tư cho tương lai”. Giáo xứ quan niệm: “Để họ đạo phát triển cách bền vững, hạt giống giới trẻ cần phải được gieo trồng, tưới bón ngay từ ngày đầu”. Vậy nên ngoài nhà thờ, diện tích đất còn lại dành vào việc xây nên dãy nhà giáo lý kiên cố, với phòng học rộng rãi, thoáng mát, trang bị đủ phương tiện cần thiết cho việc học, giúp các em thỏa sức sáng tạo. Song song việc học, xứ Vinh Sơn Phaolô còn tổ chức vui chơi vào nhiều dịp khác nhau như Trung thu, Giáng sinh hay Tết. Nhất là dịp hè hằng năm, cha chánh xứ trực tiếp dẫn các bạn nhỏ đi tắm biển, dã ngoại. Hầu hết các em đều tỏ ra thích thú vì được đi đây đó, trổ tài văn nghệ, đàn hát, được sinh hoạt tập thể… Những kỳ trại của Vinh Sơn Phaolô đã trở thành ký ức đẹp, là những trải nghiệm đầu đời về tinh thần “sống vì mọi người” của nhiều thế hệ thiếu nhi tại đây.

Giới trẻ giáo xứ trong một buổi dã ngoại

Trong việc đào tạo, giảng viên đều là những bạn trẻ, nhiệt thành, sáng tạo, cộng tác lâu năm với giáo xứ. Đội ngũ hạt nhân này khoảng 50 người và mỗi Chúa nhật, cha sở sẽ dành thời gian đào luyện, làm dày thêm kiến thức cho họ. Môi trường giảng dạy giáo lý được xem là “kiểu mẫu”, từ phương pháp dạy học, sự linh động cho học sinh, đến sự tận tụy của người có trách nhiệm nên nhiều em ở xa cũng đến đây sinh hoạt. Có cả những em đã quá tuổi, khuyết tật cũng được cha mẹ gởi gắm vì sự tin tưởng. Do đó, dù xứ chỉ trên 2.000 tín hữu nhưng có khoảng 300-400 thiếu nhi hằng tuần tham gia sinh hoạt.

Từ thiện bác ái cũng là một hoạt động trọng tâm tại xứ Vinh Sơn Phaolô và đối tượng hướng đến là tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo. Dù quỹ bác ái còn hạn hẹp, hằng năm giáo xứ vẫn xây mới lại nhà cho một gia đình nghèo. Đều đặn mỗi tháng và vào dịp Tết đều có phần trợ cấp gởi đến người nghèo trong vùng. Dù phần quà không lớn nhưng thể hiện sự đỡ nâng, tương thân tương ái, giúp nhiều người kém may mắn cảm thấy ấm lòng. Với người trong xứ, món quà hay được gởi trao giáo dân là những chuỗi Mân Côi đặt ngay phía cuối nhà thờ. Đây vừa là quà tặng, vừa để khuyến khích mọi người cầu nguyện, siêng năng giờ kinh gia đình, nhất là trong tháng Mân Côi.

Một thoáng nhìn lại, Vinh Sơn để lại thật nhiều cảm xúc, ẩn sau cánh cổng sắt tĩnh mịch là một họ đạo với những sức sống mạnh mẽ.

ĐÌNH QUÝ
Nguồn: Báo Công giáo và Dân tộc

Thông tin khác:
Thánh giá là trung tâm tại Cung thánh MEP (15/01/2018)
Nhà thờ lớn nhất Bắc Mỹ (12/01/2018)
Anrê Philipphê Simôn (11/01/2018)
Ngôn ngữ nhà đạo trong thi ca và thánh ca (10/01/2018)
Thánh Địa: sắp hoàn thành việc trùng tu Vương cung thánh đường Chúa Giáng sinh tại Bêlem (09/01/2018)
Đào Nhật Tân và Đà Lạt (08/01/2018)
Ngôi sao còn dẫn lối (05/01/2018)
Vương cung thánh đường Têrêsa Hài đồng Giêsu (28/12/2017)
Tranh Giáng sinh của họa sĩ Nguyễn Gia trí (28/12/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log