Văn hóa nghệ thuật

Bảo tồn văn hóa truyền thống của người Sán Dìu ở Thái Nguyên

Cập nhật lúc 11:15 26/11/2018
Người Sán Dìu là một trong những dân tộc ít người sinh sống lâu đời trong cộng đồng 11 dân tộc anh em và quần cư chủ yếu ở các huyện Phú Lương, Đồng Hỷ, Võ Nhai, vùng ven thành phố Thái Nguyên, thị xã Phổ Yên thuộc tỉnh Thái Nguyên.
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất. Ảnh: Minh Đỗ Ảnh: CTV
Ngày hội Văn hóa các dân tộc Sán Dìu tỉnh Thái Nguyên lần thứ Nhất. Ảnh: Minh Đỗ Ảnh: CTV

Cũng như các dân tộc ít người khác, thuở “Khai sơn lập địa”, người Sán Dìu lập làng trên một khoảnh đất thích hợp và thường cách biệt với tộc người khác. Cuộc sống, chủ yếu là làm nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm, hái lượm sản vật của rừng núi. Do tập quán canh tác “tự cung tự cấp” nên đời sống của người Sán Dìu có một thời gian dài hàng nhiều thập niên ở thế kỷ trước vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, người Sán Dìu vẫn gữi gìn được nét văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc. Đó là lễ cấp sắc, hát Sọong Cô và trang phục bản địa….

Ngày nay người Sán Dìu không còn định cư… “toàn tòng” và trong hôn phối, từ lâu cũng không quá câu nệ “Trâu ta ăn cỏ đồng ta”. Vì vậy, phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa truyền thống của người Sán Dìu cũng có sự giao thoa.
 
Một buổi giao lưu Soọng cô của người dân tộc Sán Dìu xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Ảnh: Thu Hà Ảnh: CTV
Một buổi giao lưu Soọng cô của người dân tộc Sán Dìu xã Tân Lợi (Đồng Hỷ). Ảnh: Thu Hà Ảnh: CTV
Tiếp xúc với ông Đặng Văn Lâm, Trưởng xóm Khuôn I, xã Phúc Trìu thành phố Thái Nguyên (tỉnh Thái Nguyên) một khu dân cư có 95% hộ gia đình là người Sán Dìu và được coi là một trong những điểm sáng bảo tồn các giá tri văn hóa truyền thống của người Sán Dìu ở vùng quê, đã cho biết: “Người Sán Dìu có lễ hội truyền thống lâu đời, hàng năm được tổ chức vào tiết thanh minh (tháng 3 âm lịch). Với nghi thức đầu tiên là dâng cúng sơn thần thổ địa, thành hoàng,bằng một con lợn to, béo, được mổ sẵn, đặt trên một cái chõng tre, do bốn trai làng khiêng rước, để cầu phúc cho dân làng luôn có cuộc sống an lành, hanh thông, hạnh phúc; một năm mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt; mùa màng bội thu; nhà nhà no đủ. Sau đó, mọi người hòa mình vào những bài hát Sọong Cô. Đây là hình thức hát dân gian bằng những câu thơ không vần,không nhịp, nói lên cảnh đẹp của quê hương,làng bản, ca ngợi người có công với dân với đất nước. Hát Sọong Cô của người Sán Dìu có rất nhiều làn điệu và nhiều chủ đề. Ví như hát chào hỏi; mời trầu; mời nước; chúc thọ người cao tuổi, răn dạy lớp trẻ; mừng nhà mới; lúa mới; đám cưới.v.v. Những người tham gia hát Sọong Cô được chia ra đội nam, đội nữ để hát đối, giao duyên…”. Ông Trưởng xóm này cho biết thêm: “Trước đây, lễ hội chỉ “ bó hẹp” trong cộng đồng người Sán Dìu ; các hoạt động giao tiếp, đều bằng tiếng Sán Dìu. Giờ đây, lễ hội đã mở rộng, thu hút các dân tộc anh em trên địa bàn trong tỉnh và du khách thập phương đến tham gia giao lưu”.

Tìm hiểu về trang phục truyền thống của người Sán Dìu, theo một số bậc cao niên cho biết. Quần áo truyền thống của người Sán Dìu là loại vải “diềm bâu” do “giao thương” với dân tộc khác mà có, rồi đem về nhuộm đồng nhất màu chàm.

Trang phục của người Sán Dìu không thêu thùa những họa tiết hoa văn cầu kỳ và “gam màu” không sặc sỡ như một số dân tộc thiểu số anh em khác. Phụ nữ thường mặc váy dài ngang đầu gối, xẻ nhiều lớp, bắp chân quần xà cạp trắng; đầu đội khăn chít mỏ quạ; áo dài gần chớm chiều dài váy; có lớp áo ngắn bên trong; ngực đeo yếm trắng; lưng thắt dải lụa xanh, đỏ, đeo xà tích bạc bên sườn trái và đeo nhiều vòng bạc ở cổ tay. Với nam giới áo được cắt may ống tay thụng, có hai túi rộng (như kiểu áo bà ba của cư dân Nam Bộ). Quần dài, ống rộng để thuận tiện việc đi lại qua đèo, núi và lao động trên rẫy nương… Ngày nay, mặc dù trang phục mới đã “ xâm nhập” vào đời sống của người Sán Dìu, nhưng trang phục truyền thống vẫn được duy trì ở những người lớn tuổi. Đặc biệt, dịp lễ hội truyền thống, người Sán Dìu rất tự hào khi sở hữu trên mình bộ trang phục bản địa.

Theo lời bà Triệu Thị Lừu, chủ nhiệm câu lạc bộ hát Sọong Cô của xóm Khuôn I, xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên): “ Từ năm 2017, câu lạc bộ ra đời và duy trì hoạt động thường xuyên vào tối thứ 7 hàng tuần. Các hội viên ôn lại các bài hát và cách biểu đạt “âm vực” từng nội dung những bài hát truyền thống… Những ngày đầu thưa vắng; được lãnh đạo địa phương quan tâm: làm tốt công tác tuyên truyền, nên người dân trong xóm hiểu rõ về ý nghĩa, vai trò, trách nhiệm của mình trong việc bảo tồn, gữi gìn tiếng dân tộc và những nét văn hóa bản địa. Vì vậy, các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ thu hút nhiều người dân tham gia; trong đó, đáng mừng là có nhiều trẻ em, được cha mẹ đưa đến tập hát Sọong Cô bằng tiếng Sán Dìu”.

Trao đổi với ông Trịnh Văn Xuyên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Phúc Trìu (thành phố Thái Nguyên), ông khẳng định: “ gữi gìn và phát triển những giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trên địa bàn, không chỉ riêng cộng đồng dân cư xóm Khuôn I mà còn là trách nhiệm của lãnh địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc bảo tồn văn hóa các dân tộc.

TRẦN QUỐC VIỆT
Thông tin khác:
Biết có ngày tận thế (26/11/2018)
Đền thánh Đức Mẹ Pompei (15/11/2018)
Ấn tượng Quảng Bình (08/11/2018)
Nét vàng trên gốm Bát Tràng (06/11/2018)
Tiểu chủng viện Làng Sông và dấu ấn văn hóa Đàng Trong (06/11/2018)
Batimê kêu lớn (05/11/2018)
Bỏ của đòi theo Chúa (30/10/2018)
Vị trí ghế ngồi của linh mục chủ tế trong nhà thờ hiện nay dưới góc nhìn văn hóa Việt Nam (22/10/2018)
Chiến tích Đồng Lộc và Truông Bồn (09/10/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log