Văn hóa nghệ thuật

Ngọn giáo đâm sườn Chúa giờ ở đâu?

Cập nhật lúc 16:38 15/02/2019
Theo Kinh Thánh tường thuật, khi Chúa Giêsu chịu đóng đinh trên Thánh giá lúc gần sinh thì, thì có một tên lính lấy giáo đâm vào cạnh sườn Ngài (Ga, 19, 34).
Tu viện Geghard tọa lạc tại tỉnh Kotayk, miền trung của Armenia. Ảnh: CTV
Tu viện Geghard tọa lạc tại tỉnh Kotayk, miền trung của Armenia. Ảnh: CTV
Nhưng ngọn giáo đó bây giờ ở đâu, vẫn là câu hỏi của nhiều người. Đã có nhiều nơi tuyên bố mình sở hữu thánh tích linh thiêng đó. Nhưng tu viện Geghard Armenia thông tin đáng tin cậy hơn. Armenia là một trong 15 nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, tồn tại từ năm 1920 đến năm 1991.

Theo truyền thuyết, chính thánh Giuda Tadeo đã mang mũi giáo đó về Armenia và cất giữ trong một tu viện miền Trung nước này. Đó là tu viện Geghard nằm ở Kotayk miền Trung Armenia. Nó ở phần đầu của thung lũng Azat. Tu viện được xây dựng hồi thế kỷ thứ IV bởi thánh Gregory- người đã khai sinh ra Giáo hội Armenia. Tu viện được xây bên cạnh dòng suối linh thiêng nằm cạnh một hang động theo tương truyền của dân cư ở dây. Vì vậy tu viện Geghard còn được gọi là tu viện Ayvirank có nghĩa là tu viện Hang Động khi Armenia chuyển sang Công giáo năm 301. 

Tu viện này bị người Ả Rập phá hủy vào thế kỷ thứ IX. Khi Hồi giáo thống trị Armenia, tu viện được phép xây dựng lại. Phần cổ kính nhất là nhà nguyện thánh Gregory- Người khai sáng Armenia ở phía đông của tu viện. Các nét hoa văn trang trí trong tu viện được xác định niên đại là năm 1177. Dự án định mở rông tu viện bằng cách đào sâu vào núi đá nhưng do thiếu kinh phí nên không thực hiện được. Đầu thế kỷ XIII, do sự bảo trợ về kinh phí của anh em nhà Zakare và Ivane- những vị tướng tài ba dưới thời nữ hoàng Tamar di Georgia, nên công trình xây dựng nhà thờ chính (Kathoghike) diễn ra rất thuận lợi. Nhà thờ chính được xây dựng năm 1215 và hoàn thành năm 1250. Nhà thờ vì đục vào núi đá nên các bức tường, xà, bàn thờ, tranh tượng đều khắc vào đá nguyên khối rất sắc nét và nghệ thuật. Người ta không khỏi ngạc nhiên khi ngắm những chùm nho, bông lúa miến đến con dê uống nước bên suối thật sống động như thật.
 
Mũi giáo tương truyền từng cắm vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Ảnh: CTV
Mũi giáo tương truyền từng cắm vào cạnh sườn Chúa Giêsu. Ảnh: CTV

Không lâu, sau đó ít lâu, các hoàng tử triều đại Preshyan mua lại toàn bộ tu viện trên. Dưới sự bảo trợ của các hoàng tộc Armenia, tu viện tiếp tục được xây cất mở rộng thêm. Một nhà thờ Hang Động thứ hai được xây dựng. Ngoài ra còn có thêm những nhà nguyện và cả nhà trao đổi nghiên cứu học thuật nữa. Thành ra tu viện còn có tên:Tu viện 7 nhà thờ với 40 bàn thờ. Nhà thờ chính được xây dựng bằng đá, có tháp nhọn cao vút. Xung quanh là các nhà nguyện tạo thành hai lớp như thiết kế một thành lũy phòng thủ. Xung quanh tu viện có rất nhiều cây xanh cổ thụ. Tu viện được gọi tên là Geghard là viết tắt của từ Geghardavante, có nghĩa là tu viện Ngọn Giáo. Không biết do nhà thờ chính có tháp nhọn như ngọn giáo hay là nơi lưu giữ ngọn giáo đâm cạnh sườn Chúa Giêsu. Hoặc có cả hai nghĩa. Nhiều thành viên của Hoàng gia khi qua đời được chôn cất ở khu vực của tu viện. Người ta dễ dàng nhận ra phần mộ cuả từng người qua các biển hiệu trên bia mộ.

Tu viện Geghard nổi tiếng vì lưu giữ nhiều thánh tích như thánh tích thánh Tông đồ Andre, Gioan đặc biệt là mũi giáo đâm cạnh sườn Chúa Giêsu nên hàng năm thu hút rất nhiều khách hành hương. Mũi giáo này nay được bọc trong một hộp bằng bạc, mạ vàng chế tác rất tinh xảo năm 1867. Mũi giáo được bảo quản rất tốt, gần hai nghìn năm mà vẫn nhìn rất rõ các họa tiết. Điều ngạc nhiên là mũi giáo được chế tác các rãnh thoát máu lại có hình Thánh giá rất rõ ràng. Di tích lich sử đặc biệt quan trọng này nay đã được chuyển về bảo tàng của tu viện Echmiadzin ở thành phố Vagharhapat. 

Hiện nay, tu viện Geghard vẫn là nơi hấp dẫn khách du lịch. Năm 2000, UNESCO đã xếp hạng tu viện này thành di sản văn hóa thế giới. Ngày nay, mọi người có thể chiêm ngưỡng tu viện này qua ứng dụng in the 360 Great Armenia VR từ năm 2017.

ST
Thông tin khác:
Một dân tộc để khám phá (15/02/2019)
Nơi chôn cất các thánh tông đồ (21/01/2019)
Vội vã trở lại tìm người (17/01/2019)
Nét đẹp Công giáo (11/01/2019)
Từ nhà đạo đến đờn ca tài tử (11/01/2019)
Di tích quốc gia đặc biệt (05/01/2019)
Hội ngộ đầy hoành tráng (04/01/2019)
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (28/12/2018)
Thánh địa Giêrusalem (28/12/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log