Văn hóa nghệ thuật

Làng gốm cổ Thổ Hà

Cập nhật lúc 10:28 18/02/2019
Mấy tháng không về quê Yên Lư, Yên Dũng, Bắc Giang, lần này về tôi ngạc nhiên thấy có người khai thác đất sét trên cánh đồng làng.
Làng gốm Thổ Hà bình yên nghiêng mình bên dòng sông Cầu thơ mộng… Ảnh: Trần Thi
Làng gốm Thổ Hà bình yên nghiêng mình bên dòng sông Cầu thơ mộng… Ảnh: Trần Thi
Quang cảnh gợi cho tôi nhớ một thời trên bến dưới thuyền chở đất sét đến làng gốm Thổ Hà và Phù Lãng cách nay đến 60 năm. Hỏi ra mới biết họ khai thác đất sét bán cho làng Phù Lãng, còn nghề gốm làng Thổ Hà thì đã thành quá khứ rồi. Bồi hồi nhớ lại cảnh xưa tôi bèn làm một chuyến đến thăm làng gốm cổ Thổ Hà.

Cách Hà Nội khoảng 35km về phía Bắc có khúc cong trái chiều của dòng sông Cầu phân chia địa phận huyện Việt Yên tỉnh Bắc Giang với huyện Yên Phong và thành phố Bắc Ninh tạo thành một doi đất hẹp mà dài, hai mặt Đông Tây và mặt Nam là bờ sông, mặt Bắc là dãy đồi thấp, nằm gọn trong doi đất là làng Thổ Hà, bên bờ Bắc sông Cầu, một trong ba trung tâm gốm sứ từ thế kỷ thứ XII. Địa thế ba mặt giáp sông nên giao thông đường thủy rất thuận tiện, thuyền bè đi lại tấp nập, tầu thuyền có tải trọng lớn cũng có thể cập bến, đi xuôi ra đến biển Đông, đi ngược lên đến tỉnh Thái Nguyên. 

Làng ở ngoài đê, đến mùa nước thường bị ngập lụt, những nhà ở gần đê thì ngập tới sân hoặc nền nhà, những nhà ở sát bờ sông có thế ngập tới cả mét, dân làng đã quen nên không cảm thấy phiền toái mà còn lợi dụng lụt để nước rửa trôi bùn rác đọng lâu ngày trong làng. Về mùa nước lụt người ta đi lại trong làng bằng thuyền thúng, chẳng may có đám tang cũng phải đưa bằng thuyền, kèn trống vang một khúc sông, cảnh tượng tuy buồn nhưng khá độc đáo.

Làng Thổ Hà được xây dựng bám theo bờ Bắc sông Cầu. Cổng làng cổ kính ở mạn Bắc và ba bến đò ở mạn Nam là những lối đi chính vào làng. Trong làng có đường trục chạy dọc theo bờ sông, thông với đường trục là các ngõ xương cá hẹp dài hun hút. Ngày xưa tường hai bên ngõ được xây bằng mảnh gốm và tiểu sành phế phẩm, thường do nung quá lửa nên hình dạng bị méo mó nên người ta đem đi xây tường, chất kết dính là vôi cát hoặc bùn sông. Hồi còn bé theo bà lên đây nhìn thấy tường xây bằng tiểu sành tôi sợ bủn rủn chân tay. Ngày nay người ta thay tường cũ bằng tường gạch, tuy nhiên vẫn còn sót lại một số đoạn tường cũ. Kiến trúc cổ còn giữ được là cổng làng, đình, chùa và một số ngôi nhà cổ của người dân. 

Đình Thổ Hà là một ngôi đình nổi tiếng của xứ Kinh Bắc. Đình thờ Thân Cảnh Phúc, là tướng nhà Lý, có công lớn trong kháng chiến chống quân Tống. Đình nằm trên thửa đất rộng gần ba mẫu, là công trình nghệ thuật điêu khắc độc đáo. Đình đã từng được chính quyền Pháp xếp hạng trong Viện bảo tàng Viễn Đông Bác Cổ, năm 1960 được nhà nước công nhận là di tích lịch sử văn hóa. Người ta khởi công xây dựng đình năm 1685 theo lối chữ công, đến năm 1807 xây dựng tiền tế và hai nhà tả vu, hữu vu. Mái đình lợp ngói mũi hài to bản, bốn góc là những đầu đao cong vút. Kết cấu gỗ chạm trổ tinh vi, rồng, mây, nghê, thú rất trau chuốt, nhiều cảnh trí sinh động. Đặc biệt có khá nhiều hình thiếu nữ mặc váy dài, yếm, tóc búi hoặc chít khăn với nét mặt rạng rỡ trong tư thế cưỡi phượng, đè rồng, hoặc đang nhảy múa giữa các lớp mây bồng bềnh. Các hoạt động trong kháng chiến chống Pháp và lũ lụt làm cho đình xuống cấp nhiều. Năm 2006 Vương quốc Bỉ tài trợ trùng tu, phục chế đình theo những bức ảnh chụp còn lưu trữ bên Pháp. Trong đình có ba tấm bia to: Thủy tạo đình miếu bi nói về việc xây dựng đình, Cung sao sự tích thánh (Lão Tử) nói về sự tích thành hoàng Thái thượng lão quân, Bia sao sắc phong sao các đạo sắc của các triều đại trước phong tặng. Ngoài ra còn có các bia khác nói về những điều lệ hương ước.

Chùa Thổ Hà có tên là Đoan Minh Tự, được nhà nước công nhận di tích lịch sử văn hóa 1996. Niên biểu chính thức của chùa chưa tìm thấy. Giòng chữ ghi trên đôi rồng đá ở cửa chùa nói rằng nhà chùa mua đôi rồng năm Giáp Thân 1580, như vậy suy đoán chùa được xây trước năm 1580. Chùa xây dựng theo kiểu nội công ngoại quốc, có quy mô lớn, bao gồm cổng tam quan, gác chuông và tiền đường. Tam quan chùa nằm sát sau đình. Qua tam quan một quãng xa mới tới gác chuông (nay không còn), phía trước cửa chùa có hai sấu đá, bên phải là bia chùa hình trụ vuông khắc chữ cả bốn mặt. Gác chuông và tiền đường chạm trổ lộng lẫy rồng mây, hoa lá. Thời kháng chiến quả chuông to bị đem đi đúc vũ khí. Trong chùa có tượng Phật tổ Như Lai to lớn, tượng Phật bà Quan Âm ngồi trên tòa sen. Từ tòa tam bảo theo hai dãy hành lang vào tới Động Tiên, đó là một công trình kiến trúc hiếm có. Động Tiên mô tả đầy đủ hình ảnh Thích Ca từ lúc mới sinh ra, lúc trưởng thành và khi lìa bỏ kinh thành vào động tu hành đến đắc đạo. Tiếp theo đi qua sân rộng tới nhà tổ, nơi đây thờ sư tổ và các vị sư đã trụ trì ở chùa. 

Văn chỉ là nơi thờ Thánh Khổng Tử, ghi dấu tích các bậc tiên nho, tiên hiền, những người thi đỗ qua các triều đại của làng. Văn chỉ làng Thổ Hà được công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia năm 1999. Văn chỉ trước ở gần chùa, đến năm Bính Thìn 1856 được di chuyển về cuối làng, lại xây thêm 5 gian tiền điện. Trong văn chỉ có 8 tấm bia đá lập từ 1680 đến 1856, còn nguyên vẹn, trong đó ghi số thí sinh trúng tuyển 75 người. Vào những ngày lễ tết, sóc vọng, sắp thi cử, các gia đình có con học hành hay sắp đi thi thường đến Văn chỉ làm lễ mong cho con học hành tiến bộ và thi đỗ.

Thổ Hà có bề dầy văn hóa đáng kể thể hiện qua các công trình kiến trúc và những lễ hội hàng năm. Lễ hội mở vào ngày 20 - 22 tháng Giêng âm lịch để tri ân Thành Hoàng làng. Hội làng gồm có lễ rước, tế lễ, hát chầu văn, bơi thuyền hát quan họ trên sông, đấu vật, cờ tướng, chọi gà, chèo thuyền bắt vịt, cầu lông, bóng bàn vào ban ngày, diễn tuồng ban đêm. Năm nào cũng tổ chức lễ hội nhưng hai năm một lần mới mở hội lớn có lễ rước, vật phẩm rước là bò hay lợn quay đặt trên kiệu, thủ tục rước và tế lễ rất phức tạp. 

Thổ Hà không có ruộng, dân sinh sống bằng nghề thủ công hoặc buôn bán, “gạo chợ nước sông”. Từ thế kỷ XII nước ta có ba trung tâm sản xuất gốm lớn nhất, đó là Thổ Hà, Phù Lãng (Hải Dương) và Bát Trang (Hà Nội). Tương truyền ông tổ nghề gốm làng Thổ Hà là tiến sĩ Đào Trí Tiến. Vào cuối thời Lý (1009 - 1225) ba ông Đào Trí Tiến, Hứa Vĩnh Cảo và Lưu Phong Tú được triều đình cử đi sứ Bắc Tống (960 - 1127). Trên đường trở về nước qua Thiều Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc gặp bão ba ông phải nghỉ lại. Ở Thiều Châu hồi đó có lò gốm nổi tiếng, ba ông đến thăm và tranh thủ học được bí quyết làm gốm. Về nước Đào Trí Tiến truyền nghề làm gốm nâu sẫm cho dân Thổ Hà, Lưu Phong Tú truyền nghề làm gốm vàng thẫm cho dân Phù Lãng và Hứa Vĩnh Cảo truyền nghề làm gốm trắng cho dân Bát Tràng, Cả ba ông được suy tôn là ông tổ nghề gốm, hàng năm được các nhà làm nghề gốm ở Thổ Hà luân phiên nhau tế lễ tại gia đình. 

Đồ gốm Thổ Hà nổi tiếng khắp vùng, kể cả tại kinh thành Thăng Long. Người ta kể rằng vào thời vua Lê Hy Tông (1680-1705) có hai người dân Thổ Hà đến buôn bán đồ gốm ở chùa Hà (Hà Nội), buôn bán phát đạt hai gia đình đã công đức một số tiền lớn cùng dân sở tại xây dựng lại chùa Hà theo quy mô lớn bằng gạch ngói như hiện nay, trong chùa hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật cổ bằng gốm như bát hương, chĩnh, ang, vại là những tế vật của người Thổ Hà xứ Kinh Bắc xưa kia.

Đất làm gốm Thổ Hà phải là đất sét xanh, sét vàng có độ tinh khiết cao, đất được nhào nặn kỹ nên rất dẻo, rất dễ tạo hình. Điều độc đáo là người ta không tráng men mà chỉ nung gốm mộc ở nhiệt độ cao cho tới khi hóa sành, men tự chảy ra, nên gốm Thổ Hà đanh mặt, gõ kêu coong coong như chuông, đựng nước và rượu không bao giờ rò rỉ, sắc gốm không bao giờ phai.

Thổ Hà không có đất sét nên người ta phải mua đất sét từ Choá và Xuân Lai ở huyện Yên Phong, cách Thổ Hà hơn chục cây số. Về phía Đông cũng có một mỏ đất sét nằm gần bến đò Cung Kiệm, xã Võ Giàng, Quế Võ, Bắc Ninh. Trước đây mỏ này cung cấp đất sét đỏ pha trắng cho cả Thổ Hà và Phù Lãng. Hồi Cải cách ruộng đất gia đình tôi bị quy sai địa chủ, mất hết ruộng đất, nhờ đi gánh đất thuê cho các chủ thuyền mà mấy mẹ con tôi tồn tại được cho đến khi nhà nước sửa sai. Hồi đó thuyền đinh buồm nâu chạy ngược xuôi trên sông Cầu chở đất sét và than tới Thổ Hà, quang cảnh thật thơ mộng thanh bình.

Nghề gốm Thổ Hà phát triển mạnh cho tới những năm 60 thế kỷ trước thì suy tàn dần. Do đất chật người đông, nhiều lò gốm gây ô nhiễm khói bụi nên người ta di chuyển lò gốm lên vùng đồi thấp ở làng Lát cách đó ba cây số về phía Bác để thành lập Xí nghiệp gốm Đá Vang, dân Thổ Hà thành công nhân ăn lương nhà nước. Đến những năm 80 thì sản xuất sa sút nên công nhân bỏ về làng làm nghề nấu rượu lậu. Sau này đồ nhựa trở nên thông dụng nên chum, vại, vò sành vừa to nặng dễ vỡ khó bán vì thế người ta giải thể Xí nghiệp gốm Đá Vang đặt dấu chấm hết cho nghề gốm gần 900 năm của làng Thổ Hà. Nay có một số người trẻ tuổi muốn khôi phục lại làng nghề gốm nhưng xem chừng khó hưng thịnh trở lại vì nhiều khó khăn, nhất là vốn đầu tư.

Người dân Thổ Hà rất năng động, khi nghề gốm mai một người ta chuyển sang nấu rượu, rồi làm bánh đa nem như ngày nay. Ngoài sản phẩm chính là bánh đa nem còn có mỳ gạo và bánh đa vừng. Mỳ gạo Thổ Hà nấu chín dai mà không nát. Bánh đa vừng Thổ Hà có thể sánh với bánh đa Kế. Trước đây người làm bánh đa phải quạt lò than và tráng bánh thủ công nên rất vất vả, năng suất thấp. Nay có điện, tráng bánh bằng máy cho năng suất tăng gấp ba bốn lần. Một gia đình một ngày có thể làm được 250 kg mỳ gạo. Bánh đa nem của Thổ Hà không chỉ bán trong nước mà còn xuất khẩu sang Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản. Làm bánh đa kết hợp chăn nuôi đã giúp dân Thổ Hà có đời sống khá giả không kém người thành phố.

Làng Thổ Hà ngày nay cũng là một điểm du lịch hấp dẫn cho những người muốn tìm hiểu trung tâm gốm cổ. Đứng trên bến đò nhìn nước sông Cầu lững lờ trôi tôi tưởng như còn nhìn thấy từng đoàn thuyền buồm chở đất sét đang tấp nập ngược xuôi về Thổ Hà một thuở và văng vẳng đâu đây câu ca:
 
"Vạn Vân có bến Thổ Hà,
Vạn Vân nấu rượu Thổ Hà nung vôi.
Tưởng rằng đá nát thì thôi,
Nào ngờ đá nát nung vôi lại nồng".

 
Nguyễn Văn Trung
Thông tin khác:
Ngọn giáo đâm sườn Chúa giờ ở đâu? (15/02/2019)
Một dân tộc để khám phá (15/02/2019)
Nơi chôn cất các thánh tông đồ (21/01/2019)
Vội vã trở lại tìm người (17/01/2019)
Nét đẹp Công giáo (11/01/2019)
Từ nhà đạo đến đờn ca tài tử (11/01/2019)
Di tích quốc gia đặc biệt (05/01/2019)
Hội ngộ đầy hoành tráng (04/01/2019)
Ngày hội giao lưu văn hóa các dân tộc Tây Bắc (28/12/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log