Văn hóa nghệ thuật

Lễ hội chốn linh thiêng

Cập nhật lúc 16:06 25/02/2019
Lễ hội chùa Hương diễn ra trong khu thắng cảnh Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội, được xem là hành trình về miền đất Phật – nơi Quan Thế Âm Bồ Tát ứng hiện tu hành.
Đầu xuân hành hương Lễ hội núi Bà Đen. Ảnh: Quỳnh Hoa
Đầu xuân hành hương Lễ hội núi Bà Đen. Ảnh: Quỳnh Hoa
Lễ hội lớn nhất miền Bắc này diễn ra trong 3 tháng, bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng đến tháng Ba âm lịch, đỉnh cao của lễ hội là từ rằm tháng Giêng đến 20 tháng Hai (chính hội). Khu thắng cảnh Hương Sơn ngoài Suối Yến có 4 tuyến. Tuyến Hương Tích có đền Trình, chùa Thiên Trù, động Tiên Sơn, chùa Giải Oan, đền Trần Song, động Hương Tích, chùa Hinh Bồng. Tuyến Thanh Sơn có chùa Thanh Sơn, động Hương Đài. Tuyến Long Vân có chùa Long Vân, động Long Vân, hang Sũng Sàm. Tuyến Tuyết Sơn có chùa Bảo Đài, động Chùa Cá, động Tuyết Sơn. Tạo hóa bày đặt nơi đây núi non sông nước hiền hòa để con người thổi hồn vào đó. Năm 1770, Chúa Trịnh Sâm tuần thú Hương Sơn có đề khắc năm chữ lên cửa động Hương Tích “Nam Thiên Đệ Nhất Động” (Động Đẹp Nhất Trời Nam), sau đó là Hồ Xuân Hương, Chu Mạnh Trinh, Cao Bá Quát, Xuân Diệu. Chế Lan Viên, Nguyễn Nhược Pháp vv. Hiện tại, Ban quản lý đã xây dựng hệ thống cáp treo, từ ga Thiên Trù lên động Hương Tích, tạo thuận lợi cho du khách hành hương.

Lễ hội xuân núi Bà Đen tại tỉnh Tây Ninh được khai mạc đúng mùng 4 Tết Nguyên đán và kéo dài đến hết tháng Giêng. Đây là lễ hội truyền thống lớn nhất ở phía Nam, ngoài hành hương lễ Phật, khách thập phương còn lên núi Bà Đen với độ cao 968m, bắt nguồn từ truyền thuyết, một người con gái tên là Ðênh (sau gọi chệch sang là Ðen) sùng đạo Phật, con một viên quan trấn thủ người Miên. Do từ chối ép duyên với con quan trấn vùng Trảng Bàng, nàng Ðênh bỏ nhà trốn lên núi xuất gia cầu đạo và qua đời ở đó. Sau này triều đình nhà Nguyễn đã cho đúc tượng đồng đen và sắc phong cho bà là “Linh Sơn Thánh Mẫu”. Từ chân núi, khách trẩy hội phải đi bộ và leo núi. Ðến lưng chừng núi, khách vào lễ đền Linh Sơn Thánh Mẫu rồi nghỉ ngơi. Ai khoẻ chân lại tiếp tục đường mòn leo núi. Lên gần đỉnh núi là Miếu Sơn Thần, và ngắm toàn cảnh hồ nước Dầu Tiếng - một công trình thuỷ lợi đẹp và lớn ở nước ta. Đến với lễ hội núi Bà Đen, khách hành hương tâm niệm sẽ được thần linh phù hộ, che chở, có sức khỏe, niềm vui, hạnh phúc và đồng thời cũng là dịp để mọi người cùng ngắm phong cảnh hùng vĩ của núi Bà.
 
Hải Vân
Thông tin khác:
Loài hoa chúa xuân trong thi tứ, gốm sứ (20/02/2019)
Làng gốm cổ Thổ Hà (18/02/2019)
Ngọn giáo đâm sườn Chúa giờ ở đâu? (15/02/2019)
Một dân tộc để khám phá (15/02/2019)
Nơi chôn cất các thánh tông đồ (21/01/2019)
Vội vã trở lại tìm người (17/01/2019)
Nét đẹp Công giáo (11/01/2019)
Từ nhà đạo đến đờn ca tài tử (11/01/2019)
Di tích quốc gia đặc biệt (05/01/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log