Văn hóa nghệ thuật

Đầu xuân mạn đàm những đồng tiền cổ Việt Nam: Gửi gắm khát vọng và bày tỏ quan điểm chính trị

Cập nhật lúc 15:50 26/02/2019
Ông Nguyễn Ngọc Khôi giới thiệu với ông Vũ Thành Nam, TBT Báo NGCVN và ông Vũ Dương Châu - Trưởng ban Dân tộc Ủy ban Trung ương MTTQVN về những đồng tiền cổ độc đáo ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Cường
Ông Nguyễn Ngọc Khôi giới thiệu với ông Vũ Thành Nam, TBT Báo NGCVN và ông Vũ Dương Châu - Trưởng ban Dân tộc Ủy ban Trung ương MTTQVN về những đồng tiền cổ độc đáo ở Việt Nam. Ảnh: Phạm Cường
Mồng Sáu Tết Kỷ Hợi vừa qua, tôi tới chúc Tết ông Nguyễn Ngọc Khôi, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQVN (chồng bà Maria Nguyễn Thị Nga Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam), bên chén trà ngày xuân, chúng tôi mạn đàm về những đồng tiền cổ. Ông Khôi giới thiệu cho tôi cuốn sách THE HISTORICAL CASH COI OF VIỆT NAM, tạm dịch là: “Những câu chuyện về đồng tiền cổ Việt Nam” của Dr. R. Allan Barker người Đức. Tôi xem tâm đắc, khai bút đầu xuân và bàn với độc giả về những đồng tiền cát tường của cổ nhân, mong cho mình và độc giả một năm mới khang an, tốt tươi, phú quý!

Đồng tiền cổ đúc bằng kim loại, có dạng hình tròn-lỗ vuông đã xuất hiện ở Trung Quốc khoảng 300 năm trước Công Nguyên vào thời Chiến Quốc, thời của các chư hầu lớn mạnh lấn áp triều Chu. Nước Tần đã không dùng các thứ đao tiền, thuẫn tiền, mà đúc thứ hoàn tiền có dạng hình tròn để mua bán. Khi vua Tần Doanh Chính gồm thu sáu nước, thống nhất Trung Quốc và tự xưng Tần Thủy Hoàng Đế, ông cũng thống nhất cả hệ thống tiền tệ, đo lường, chữ viết. Đồng tiền với dạng hình tròn, lỗ vuông được sử dụng và đã trở thành dạng thức kiểu mẫu suốt 2300 năm về sau trong lịch sử tiền tệ Trung Quốc. Vào thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên, dạng thức này đã có ảnh hưởng sâu rộng trong việc đúc tiền của các nước lân cận của Trung Quốc, từ Hàn ở miền bắc, Nhật ở phương Đông và sau này, cả Việt Nam, Chân Lạp ở phương Nam.

“Giữa các nước láng giềng của Trung Quốc đã chịu ảnh hưởng văn hóa Khổng Mạnh, chỉ có Việt Nam xứng đáng là đối thủ của Trung Quốc trên phương diện sáng tạo cũng như sản xuất loại tiền cổ dạng tròn lỗ vuông này”- đó là khẳng định trong Lời mở đầu cuốn THE HISTORICAL CASH COI OF VIỆT NAM.

Suốt một ngàn năm, từ ngày Đinh Tiên Hoàng Đế dựng nước, những đồng tiền cổ do người Việt đúc ra qua các triều đại từ Đinh đến Nguyễn với nét đẹp riêng biệt, thư pháp độc đáo, kỹ thuật tinh xảo cùng một kích thước bề thế, đầy đặn nói lên nền độc lập chính thống của một cõi trời Nam. Thật vậy, mặc dù chịu ảnh hưởng sâu xa của nền văn hóa Trung Hoa, nhất là hệ thống chữ viết như một phương tiện truyền thông chính thức; “Tuy nhiên rất nhiều thư pháp đơn nhất đã được sáng chế và chỉ được tìm thấy trên những đồng tiền cổ của Việt Nam”- tinh thần này được tái khẳng định trong cuốn sách đã dẫn ở trên.

Khảo cứu tiền cổ Việt Nam là một công trình không giản dị cho các nhà nghiên cứu. Nhiều trăm đồng tiền cổ Việt Nam đã được tìm thấy với những thư pháp, tiêu bản hoàn toàn khác nhau; tuy nhiên chỉ khoảng một trăm đồng tiền được chứng nhận là do triều đình hoặc những thế lực chính trị chống đối đúc ra mà thôi, số lượng lớn còn lại, cho dù có cùng một tên hiệu, nhưng dựa trên nét viết, hợp kim, dạng thức khác biệt hoàn toàn, mà không thể gán ghép vào một triều đại nào. Một số nhỏ có thể tạm thời quy vào một thời khoảng hay một khu vực; nhưng phần lớn thì người nghiên cứu đương thời không đưa đến một kết luận nào vững chắc. Nếu dựa trên sự phức tạp về khảo cứu nguồn gốc, thì phải nói rằng tiền cổ Việt Nam hơn hẳn tiền Trung Quốc. Và chính phương diện nguồn gốc phức tạp này, nhiều nhà khảo cứu đã tìm thấy sự say mê thích thú trong việc nghiên cứu tiền cổ Việt Nam.

Như trên đã dẫn: Rất nhiều đồng tiền bày tỏ quan điểm chính trị, khát vọng vươn tới và thư pháp đơn nhất đã được sáng chế và chỉ được tìm thấy trên những đồng tiền cổ của Việt Nam. Dưới đây là những dẫn chứng:

• Một vài phân tích:

Đã quá rõ, đồng Thiệu Trị Thông Bảo “QUỐC PHÚ- BINH CƯỜNG- NỘI AN- NGOẠI TĨNH” mang quan điểm lớn lao phạm vi quốc gia đại sự. Liên hệ ngày nay ta càng thấy giá trị, mang ý nghĩa chính trị: Quốc phú- mong đất nước giàu có, phồn thịnh là khát vọng muôn đời; Binh cường- quân đội phải mạnh để bảo vệ chủ quyền; Nội an- đất nước ngoài giàu có, còn cần phải có an ninh tốt, chẳng thế mà cường quốc như Mỹ chọn Việt Nam làm nơi tổ chức cuộc gặp lần 2 giữa Tổng thống Mỹ Donal Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un ngay trong tháng này, thật là một vinh dự; Ngoại tĩnh- khi trong phồn thịnh, êm ấm, binh cường… thì biên cương chắc chắn là tĩnh (ngoại tĩnh), không một quốc gia nào lại đi xâm chiếm, chiến đấu với kẻ mạnh.

Đồng Minh Mạng Thông  Bảo “ĐẮC VỊ- ĐẮC DANH - ĐẮC LỘC- ĐẮC THỌ” có tứ đắc ý. Bốn đắc ý, mong muốn ở đây là mong muốn của kẻ quân tử, học hành thi cử tử tế, học để làm người, làm việc, để thỏa sức cống hiến với giang san “Làm trai sống ở trên đời phải có danh gì với núi sông”. Cũng thật vô tình trong tứ đắc đó, được phân làm bốn cặp (tám chữ), vô tình tôi cũng có sưu tập được cặp lộc bình cổ Vạn Ninh, phía trước vẽ cảnh “TƯỚC LỘC PHONG HẦU”, mặt sau cũng có bốn cặp (tám chữ) có nội dung khá gần với các chữ ghi trên tiền cổ Minh Mạng. Tám chữ đó là: PHONG HẦU- TƯỚC LỘC- CAO THỌ- ĐẠI HỮU. Sau phong hầu; được lộc vua ban lộc; chất lượng cuộc sống nâng cao, tăng thọ; và có vai vế xã hội, có quan hệ với các đấng bậc… 

Nghiền ngâm từ tiền xu (đồ đồng) đến bình cổ (trên sứ) thấy được cha ông ta chọn dùng, gửi gắm những khát vọng, niềm vui; bội phục sự thâm thúy, ý nhị mà giàu ngữ nghĩa!

VŨ QUÝ VƯỢNG

 
STT ĐỒNG TIỀN
NIÊN HIỆU
NỘI DUNG ĐÚC
TRÊN TIỀN
 
SÁCH ĐÃ DẪN TẠI TRANG
1 Thiệu Trị Thông Bảo QUỐC PHÚ- BINH CƯỜNG- NỘI AN- NGOẠI TĨNH 291
2
Minh Mạng Thông Bảo
ĐẮC VỊ- ĐẮC DANH
ĐẮC LỘC – ĐẮC THỌ
272
3 Minh Mạng Thông Bảo PHÚC NHƯ ĐÔNG HẢI -
THỌ TỈ NAM SƠN
278
4 Tự Đức Thông Bảo TRỊ CÔNG ĐỈNH THỊNH 311
 
Thông tin khác:
Kim Sơn riêng một góc trời (26/02/2019)
Một mẻ cá được nhiều (26/02/2019)
Lễ hội chốn linh thiêng (25/02/2019)
Loài hoa chúa xuân trong thi tứ, gốm sứ (20/02/2019)
Làng gốm cổ Thổ Hà (18/02/2019)
Ngọn giáo đâm sườn Chúa giờ ở đâu? (15/02/2019)
Một dân tộc để khám phá (15/02/2019)
Nơi chôn cất các thánh tông đồ (21/01/2019)
Vội vã trở lại tìm người (17/01/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log