Văn hóa nghệ thuật

Giáo xứ Cổ Định

Cập nhật lúc 14:47 08/05/2019
Vùng đất Cổ Định vốn nổi tiếng với địa danh núi Nưa, nơi bà Triệu Thị Trinh - nữ anh hùng dân tộc, đã cầm quân khởi nghĩa chống giặc Ngô.
Thánh lễ bế mạc tuần Chầu lượt thay mặt địa phận tại giáo xứ Cổ Định. Ảnh: CTV
Thánh lễ bế mạc tuần Chầu lượt thay mặt địa phận tại giáo xứ Cổ Định. Ảnh: CTV
Nơi đây cũng được thiên nhiên ưu đãi khi có được những mỏ khoáng sản lớn, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế và đời sống văn hóa. Trên vùng đất ấy, giáo xứ Cổ Định đã được hình thành và phát triển với đời sống đức tin vững mạnh, bền chặt. Khí phách được truyền lại cho đến hôm nay chính là gia tài quý báu để xây dựng nên một giáo xứ đoàn kết và hiệp nhất, dù đã trải qua bao thăng trầm, biến đổi.

Giáo xứ Cổ Định thuộc địa bàn xã Tân Ninh, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa, cách Tòa Giám mục 30 km về phía Tây.

Lịch sử hình thành và phát triển

Trước năm 1914, nơi đây xảy ra cuộc tranh chấp giữa hai làng Mậu Thôn và làng Giáp với các làng xung quanh. Nguyên nhân là do ông Cử Nghị muốn sát nhập các làng để dễ cai trị, nhưng dân làng không đồng ý nên chia thành bè pháo xô xát lẫn nhau. Cha Độ đứng ra hòa giải nên mọi chuyện đều ổn thỏa. Từ đó, rất đông bà con ở các làng phấn khởi xin tòng đạo: 211 người ở làng Mậu Thôn, 245 người ở làng Giáp cùng học giáo lý và được rửa tội vào ngày 24/6/1915.

Sau 3 năm coi sóc giáo dân, cha Độ nhận bài sai chuyển đi nơi khác. Cha Cần về tiếp tục củng cố đức tin và mở rộng việc truyền giáo. Khi cha Cần chuyển đi, cha Nhung về thay, số người xin theo đạo ngày càng gia tăng. Cha Nhung đã làm thêm nhà phòng để có nơi học giáo lý.

Năm 1932, ngôi nhà thờ xứ được xây dựng. Số giáo dân lúc này lên đến 3.000 người, phân bổ trong 28 họ đạo, sống rải rác từ chân núi Nưa qua Quán Giắt đến tận Quán Chua.

Số giáo dân mỗi ngày một đông, nên cuối năm 1934, giáo xứ Cổ Định tách ra thành 2 xứ để tiện cho giáo dân tham dự thánh lễ và sinh hoạt cộng đồng. Sau giáo họ phía Bắc được cắt ra lập thành xứ Hà Nhuận.

Năm 1947, tại Mậu Thôn xảy ra cuộc bắt bớ người Kitô hữu, nhiều người sợ hãi bỏ đạo, đời sống đức tin bị thử thách.

Năm 1948, cha Quỳnh về nhận xứ cũng bị bắt.

Từ năm 1952-1957, giáo xứ không có linh mục coi sóc. Năm 1957, cha Bùi Trương Ngũ được bổ nhiệm quản cả 3 giáo xứ là Hà Nhuận, Phú Bình và Cổ Định.

Năm 1977-1988, giáo xứ một lần nữa không có linh mục. Các cha chỉ về dâng lễ Chúa nhật tại nhà thờ xứ hàng tuần rồi di chuyển đến xứ khác. Qua một thời gian dài, giáo xứ bị bỏ trống, nhà thờ dột nát, cỏ mọc đầy sân, một số tĩn hữu quên lãng niềm tim. Chính quyền đã có ý muốn lấy nhà thờ làm kho chứa vật liệu, và dùng nhà xứ làm nhà trẻ, nhưng không được sự đồng tình của bà con (nhất là ông chánh trương Hứa Khắc Ngân và ông trùm Lê Đăng Vĩnh). Vì vậy, nhà thờ và nhà xứ vẫn giữ được cho đến ngày nay.

Đây là một giai đoạn đầy cam go và gian khổ, nhưng người dân nơi đây vẫn giữ được niềm tin. Lửa đức tin của họ vẫn âm ỉ cháy và có cơ hội lại bùng lên để minh chứng lòng trung kiên của những giáo dân nhiệt thành.

Ngày 29/6/1988, Toà Giám mục cử cha Giuse Trần Xuân Mạnh về quản xứ. Đời sống đạo của Cổ Định lúc bấy giờ không mấy sôi nổi, số giáo dân chỉ còn lại 670 người. Cha Mạnh tìm cách khắc phục, mở đường, củng cố lại việc đạo, việc đời. Trong vòng 4 năm, cha rửa tội được trên 200 người, nối dài thêm 6m nhà thờ xứ và gây dựng lại tinh thần sống đạo trong giáo xứ.

Nhà thờ xứ hiện nay do cha Giuse Vũ Thanh Long xây dựng lại và được Đức cha Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm cung hiến ngày 28/11/2000.

Giáo xứ Cổ Định hiện nay

Giáo xứ hiện nay có 5 giáo họ là: Sở Tại, Nhân Chính, Niệm Thôn, Giáp Lai và Quần Nham. Chỉ 2 giáo họ Sở Tại và Nhân Chính là có nhà thờ, nhà phòng để sinh hoạt. Số giáo dân hiện nay là 1.225 người (theo số tất niên giáo phận năm 2011), sống rải rác tại 5 xã Tân Khang, Thái Hòa, Khuyến Nông, Đồng Lợi và Tân Ninh của huyện Triệu Sơn.

Trước đây, phần đông giáo dân trong giáo xứ sống bằng nghề khai thác quặng boxit, kinh tế có phần khá đồng đều. Hiện nay, nghề này đã bị cấm nên kinh tế của giáo dân có phần suy giảm hơn trước. Tuy nhiên, nhìn chung đời sống của bà con giáo dân tương đối ổn định so với một số vùng lân cận. Chỉ một số ít giáo dân ở giáo họ Giáp Lai và Niệm Thôn đang còn nằm trong diện khó khăn.

Giáo dân trong xứ vốn có truyền thống hiếu học, cộng với sự đôn đốc, nhắc nhở, động viên của phụ huynh, đặc biệt là sự quan tâm của Đức cha giáo phận và các cha xứ từ trước tới nay nên trình độ văn hóa của con em Cổ Định được nâng cao. Các cha đã xin học bổng cho giáo xứ để cac em học sinh - sinh viên phần nào an tâm học tập. Nhờ đó, con số học sinh - sinh viên trong giáo xứ đến nay đã tăng lên một cách rõ rệt.

Đời sống đức tin nơi đây đang được ổn định và phát triển. Sinh hoạt tôn giáo diễn ra đều đặn. Các hội đoàn của giáo xứ và các giáo họ đã được gây dựng lại và hoạt động ngày càng có chiều sâu hơn.

Các hoạt động tôn giáo và đời sống đạo đức của giáọ dân tại giáo xứ Cổ Định cũng đã thu hút được nhiều lương dân theo đạo. Sự sốt sắng, hy sinh và tinh thần hiệp nhất đã làm nên một điểm sáng về đức tin trên vùng đất được ban nhiều hồng ân này.


 
Thông tin khác:
Vương cung thánh đường Thánh Máccô (08/05/2019)
Bỗng nhớ một thời rồng rắn phiếu tem (08/05/2019)
Người hiện đến ba lần (07/05/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm: Cây thông (06/05/2019)
Tám ngày sau hiện hình (04/05/2019)
Quần thể tu viện Meteora (23/04/2019)
Gốm Bát Tràng thăng trầm theo dòng lịch sử (23/04/2019)
Chúa Giêsu sống lại (23/04/2019)
Cảm nhận về tác phẩm: Rừng bạt phong (22/04/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log