Văn hóa nghệ thuật

Gốm Đồng Nai Biên hòa

Cập nhật lúc 14:47 06/06/2019
Gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Ảnh: CTV Ảnh: TL Ảnh; YL
Gốm Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) đã từng vang danh trên làng gốm thế giới vào những năm cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX. Ảnh: CTV 
Gốm Đồng Nai Biên Hòa (gọi chung là gốm Biên Hoà) được sản xuất tại hai cụm sản xuất chính. Một là tập trung tại các phường Bửu Long, Tân Vạn, xã Tân Hạnh và Hóa An bên hữu ngạn sông Đồng Nai, kéo dài khoảng 6km từ cầu Hóa An đến cầu Đồng Nai. Cụm sản xuất gốm thứ hai nằm bên tả ngạn sông Đồng Nai đối diện với khu sản xuất gốm bên hữu ngạn, đó là trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai ngày nay. Suốt thế kỷ XVII - XVIII, các lò gốm ở đây chỉ chuyên làm các mặt hàng gốm gia dụng để phục vụ đồng bào vùng Tây và Đông Nam Bộ. Song cuối thế kỷ XIX, và nhất là đầu thế kỷ XX, người Pháp đã thành lập trường Mỹ thuật thực hành Biên Hoà có Ban gốm đã thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của giòng gốm mỹ nghệ tạo bước ngoặt cho gốm Biên Hòa. 

Sự khác biệt cơ bản giữa gốm Biên Hòa và các dòng gốm phía Bắc là ở nước men rực rỡ. Trong khi gốm miền Bắc sử dụng men lam, men ngọc, men da lươn, men rạn vv thì gốm Đồng Nai sử dụng men với các màu cơ bản như xanh, đỏ, vàng, tím nên màu sắc gốm Biên Hòa không thâm trầm mà rực rỡ như hoa lá phương Nam bốn mùa tươi thắm. Về hình dáng và hoa văn trang trí gốm Biên Hòa có vẻ đẹp phóng khoáng, không gò bó trong ước lệ cổ điển nên rất đa dạng. Đó là vẻ đẹp của gốm kế thừa các tinh hoa của gốm miền Bắc, gốm Trung Hoa và gốm Chăm hòa quyện lẫn nhau.

Cũng có thể nói gốm Biên Hòa mang cả dáng dấp của gốm Cây Mai Sài Gòn xưa kia. Những năm cuối thế kỷ XVIII, đầu thế kỷ XIX, gốm Cây Mai rất hưng thịnh, phát triển nhiều chủng loại, như gốm mỹ nghệ, gốm gia dụng, gốm xây dựng. Nhưng phát triển nhất vẫn là gốm mỹ nghệ. Ngày đó, các lò gốm Cây Mai làm cả đồ sứ, đồ sành. Người ta vẫn còn nhắc tới sản phẩm lu đựng nước của gốm Cây Mai làm ra có phủ men màu đen rất đẹp và rất đặc biệt. Theo một tư liệu, năm 1882, mỗi lò Cây Mai nung được 2.000 sản phẩm kích thước vừa, 700 sản phẩm kích thước lớn. Có lò gốm, một năm làm ra được trên 1.000 lu đựng nước lớn. Bước sang đầu thế kỷ XX, các cơ sở sản xuất gốm Cây Mai thu hẹp dần nhường chỗ cho phát triển phố xá, thương mại, thợ gốm Cây Mai đã chuyển ra Đồng Nai và Sông Bé sinh sống tiếp tục hành nghề.

Năm 1903, Trường dạy nghề Biên Hòa (École Professionnelle de Bien Hoa) thành lập, được xem là trường dạy nghề gốm đầu tiên của Đông Dương. Đến khoảng năm 1913, Trường đổi tên thành Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa (École d’Art indigène de Bien Hoa). Nay là Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai.

Năm 1923 ông Robert Balick (Hiệu trưởng) và vợ ông, bà Mariette Balick (Trưởng Ban gốm) lãnh đạo trường, có thể được coi là mốc lịch sử làm thay đổi về chất của gốm Biên Hòa. Bà Balick đã vạch hướng đi riêng cho Ban gốm. Đó là tập trung vào các dòng sản phẩm gốm trang trí nhiều màu sắc, hoa văn chạm khắc đặc sắc, màu men lạ. Đa số những men này được chế tạo từ nguyên liệu tự nhiên của địa phương như tro rơm, tro lò, mảnh thủy tinh, cát Đà Nẵng… trở thành sản phẩm men đặc trưng riêng của gốm Biên Hòa.

Gốm mỹ nghệ Biên Hòa trở thành thương hiệu gốm lớn nổi danh châu Âu, châu Á. Năm 1925, các sản phẩm gốm của Trường Mỹ nghệ Bản xứ Biên Hòa tham dự cuộc triển lãm quốc tế tổ chức tại Paris đã gây tiếng vang lớn. Tất cả hàng gốm Biên Hòa đã bán hết và còn nhận được nhiều đơn đặt hàng. Chính phủ Pháp đã tặng bằng khen danh dự và Ban tổ chức triển lãm tặng huy chương vàng. Sau đó, ở cuộc triển lãm quốc tế tại Paris năm 1933, sản phẩm gốm Biên Hòa đã thực sự chiếm lĩnh vị trí của mình ở Pháp và thị trường gốm quốc tế. Sản phẩm của Trường đã liên tục tham gia nhiều cuộc triển lãm lớn ở trong và ngoài nước như: Nagoya (Nhật Bản - 1937), Hà Nội (1938), Sài Gòn (1942), Bangkok (Thái Lan - 1953 và 1955), PhnomPenh (Campuchia - 1957). Từ đây bắt đầu cho một thời kỳ hưng thịnh và tiếng tăm của gốm Biên Hòa đến cuối thế kỷ XX.

Vẻ đẹp của gốm Biên Hòa thể hiện trong màu men tươi tắn và hình thức đa dạng, mộc mạc nhưng tinh tế, đơn giản nhưng cầu kỳ là sự giao thoa giữa gốm miền Bắc. gốm Trung Hoa, gốm Chăm được thể hiện bằng phương pháp cổ truyền kết hợp với nét hiện đại phương Tây, cụ thể là Pháp. 

Nói đến gốm mỹ nghệ Biên Hòa là nói đến sự kết hợp khéo léo nghệ thuật giữa Tây và ta, giữa cũ và mới, là sự kết hợp giữa kinh nghiệm làm gốm thủ công cổ truyền điêu luyện với kỹ thuật hiện đại của công nghệ Pháp. Tuy nhiên, hồn cốt vẫn nằm ở nguyên liệu đất bản địa đặc trưng và men thực vật truyền thống do các nghệ nhân Biên Hòa tạo nên gốm Biên Hòa còn mang giá trị thẩm mỹ, nghệ thuật cao.

Cách đây hơn 20 năm, các nghệ nhân gốm Biên Hòa đã thành công khi vẽ, khắc tranh dân gian trên gốm, hình thành một giòng tranh gốm phát triển cho đến ngày nay. Các sản phẩm gốm mỹ thuật ở Đồng Nai phong phú, từ trường phái khai thác văn hóa Chăm như hình ảnh tượng thần Vixnu, thần Siva đang nhảy múa đến các loại tượng dân gian Việt Nam như Mục đồng, Tố Nữ...
Hai yếu tố quan trọng tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của gốm Biên Hòa là nguồn nguyên liệu cao lanh và đất sét màu chất lượng cao cộng với trình độ của đội ngũ thợ gốm có tay nghề. Có thể nói, tài nghệ của thợ gốm Biên Hòa chính là ở chỗ họ đã tiếp thu, hòa nhập được những nét tinh hoa của các nền văn hóa trong các sản phẩm của mình. Độ lửa, chấm men và kỹ thuật khắc đã làm nên sự hấp dẫn kỳ lạ, độc đáo cho gốm Biên Hòa. Chỉ tiếc rằng, các kỹ thuật men truyền thống như trắng tàu, đỏ đá và đặc biệt là men xanh trổ đồng và loại gốm đất đen ở Biên Hòa xưa giờ đây đang có nguy cơ bị mai một, rất cần được tập hợp, nghiên cứu và lưu giữ.
 
Nguyễn Văn Trung
Thông tin khác:
Cử Thánh Thần dạy dỗ (06/06/2019)
Tuyệt đẹp cầu thang núi Bueren (22/05/2019)
Nghề rèn và nghề mộc (22/05/2019)
Hãy yêu mến tương thân (17/05/2019)
Vài cảm nhận về tác phẩm Tấm Cám (16/05/2019)
Chiên được sống muôn đời (15/05/2019)
Giáo xứ Cổ Định (08/05/2019)
Vương cung thánh đường Thánh Máccô (08/05/2019)
Bỗng nhớ một thời rồng rắn phiếu tem (08/05/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log