Văn hóa nghệ thuật

Lịch sử Công giáo Hungary

Cập nhật lúc 09:58 01/07/2019
Để hiểu quá trình hình thành nhà nước Công giáo Hungary chúng ta nên có hiểu biết cơ bản về lịch sử hình thành dân tộc và nước Hungary.
Vương cung thánh đường Esztergom, thủ phủ Công giáo Hungary. Ảnh: CTV
Vương cung thánh đường Esztergom, thủ phủ Công giáo Hungary. Ảnh: CTV
Để hiểu quá trình hình thành nhà nước Công giáo Hungary chúng ta nên có hiểu biết cơ bản về lịch sử hình thành dân tộc và nước Hungary. Nói đến lịch sử Hungary ta hiểu đó là lịch sử phát triển của dân tộc Hungary và lịch sử hình thành nước Hungary. Sự ra đời của vương triều Hungary gắn liền với quá trình chiếm lĩnh Tổ quốc của các bộ tộc tiền Hungary trong lòng chảo Carpat ở Trung Âu. Hơn 1000 năm kể từ ngày chiếm đất xây dựng Tổ quốc lịch sử Hungary chính là lịch sử của lòng chảo Carpat. Từ ngày lập quốc đến năm 1918, lịch sử Hungary cũng là lịch sử vương triều Hungary cùng với cư dân của nó. Vương triều Hungary chủ yếu phát triển ở lòng chảo Carpat trong hơn 900 năm, ngoại trừ 150 năm dưới ách thống trị của Thổ Nhĩ Kỳ.

Từ 1918 khi kết thúc Thế chiến I, nước Hungary trong liên minh Đế quốc Áo-Hung là bên thua trận, chính xác là từ 1920, Hòa ước Trianon đã lấy đi 2/3 lãnh thổ của Hungary để chia cho các nước láng giềng, Hungary chỉ còn lại vùng trung tâm lòng chảo Carpat, kể từ đây lịch sử Hungary chính là lịch sử của nước Hungary ngày nay.

Hungary là một quốc gia ở Trung Âu, do thủ lĩnh Arpad (người đã thống nhất 7 bộ tộc cùng mang dòng máu Hun du mục từ vùng Trung Á sang) thành lập năm 895 sau công nguyên và gia nhập Công giáo khá sớm. Vào năm 381 lòng chảo Carpat bấy giờ thuộc tỉnh Pannonia của Đông La Mã, nhưng xã hội Công giáo lúc đó không dính dáng gì đến lịch sử Công giáo Hungary sau này.

Sau thời kỳ lập quốc là thời kỳ chiến tranh chinh phục liên miên, người Hungary lúc đó vẫn chưa biết đến Công giáo. Cho đến năm 954 mới có ghi chép về việc những giáo sĩ phương Tây đến truyền giáo trong binh lính Hungary vốn nổi tiếng thiện chiến và hung hãn, và trong số binh lính đó đã có nhiều người trở thành tín hữu Công giáo.

Công giáo Tây La Mã và Đông La Mã đều có ảnh hưởng tới Hungary. Các giáo sĩ đã theo chân các cuộc chinh phục của đế quốc Đông La Mã tới phía Đông và Đông Nam lòng chảo Carpat tức là lãnh thổ Hungary ngày nay. Ở thủ đô Constantinop của Đông La Mã có nhiều thủ lĩnh của Hungary trong đó có Tomas là chắt của vua Arpad đã trở thành tín hữu Công giáo. 

Thời Taksony (cháu của Arpad) trị vì, do lo sợ các cuộc chinh phạt của Đông La Mã năm 962 đã yêu cầu Đức Giáo hoàng Gioan XII gửi Giám mục Tây La Mã tới Hungary, nhưng trước mắt không có kết quả. Mãi 10 năm sau, vào 972 thủ lĩnh Geza (con của Taksony) quyết định theo Công giáo phương Tây và Hoàng đế Otto I của Đế quốc Đức-La Mã đã gửi Đức Giám mục Bruno tới Hungary. Đức Giám mục Bruno đã chủ sự thánh lễ nhập đạo cho Geza, hai con trai Vajk (sau này là thánh Istvan và Mihaly) cùng 500 chức sắc và hàng ngàn kẻ hầu người hạ.

Năm 997 Geza qua đời, Vajk kế thừa ngôi thủ lĩnh. Ngài đã cử sứ giả đến nhận vương miện do Đức Giáo hoàng Silvesto II trao ban cho và tấn phong vua Hungary vào ngày 01/01/1001 lấy tên là Istvan I. Ngài chính thức xây dựng nước Hungary thành quốc gia Công giáo phương Tây. Đức Giáo hoàng đã chính thức công nhận nền cai trị độc lập của nước này, đồng thời phê chuẩn vua Istvan I là vua “tông đồ” và lãnh thổ Hungary là một lãnh thổ Công giáo, lấy Esztergom làm thủ phủ tôn giáo và toàn quốc chia làm 10 giáo phận. Nhà vua ra sắc lệnh cứ 10 làng phải xây một nhà thờ, nhà thờ thời kỳ này có dáng hình tròn đặc trưng chứ không phải hình chữ nhật như bây giờ. Nhà vua lại ra sắc lệnh lấy ngày chủ nhật làm ngày nghỉ để thi hành các nghi lễ và cầu nguyện.

Như vậy vua Istvan I đã trở thành vị vua tông đồ đầu tiên của Hungary, và sau này ngài được phong thánh đầu tiên. Kể từ vua Istvan I trở đi cho tới đầu thế kỷ XX các vua Hungary đều chịu sự tấn phong của Hồng y quản lãnh thổ Công giáo Hungary. Chiếc vương miện của Đức Giáo hoàng ban tặng cho vua Istvan I là biểu tượng quyền lực được trao cho các vua được tấn phong. Ngày nay chiếc vương miện đó vẫn được lưu giữ và là quốc bảo bậc nhất. Điều đặc biệt là từ tập hợp các bộ tộc du mục theo tôn giáo đa thần lấy con đại bàng làm vật tổ đã trở thành một nước Hungary Công giáo, quá trình này xảy ra hoàn toàn tự nguyện, người cầm quyền tự nguyện tìm đến Công giáo và tự nguyện xây dựng đất nước mình thành lãnh thổ của Chúa và biến con dân nước mình thành con chiên của Chúa. Quá trình hình thành nước Hungary Công giáo bắt đầu từ năm 895 đến năm 1001 trải qua 5 đời vua và xã hội Công giáo bắt rễ ở Hungary suốt một nghìn năm đến nay vẫn không thay đổi.
 
Nguyễn Văn Trung
Thông tin khác:
Sự gắn kết Ba Ngôi (28/06/2019)
Cầu thang thánh được phục dựng (20/06/2019)
Đến thành phố vắng bóng ô tô tại đảo Hydra – Hy Lạp (20/06/2019)
Giáo xứ Hải Lập (19/06/2019)
Nghề kim hoàn (18/06/2019)
Mạc khải Chúa Thánh Thần (11/06/2019)
Hai tuyến cáp treo kỷ lục thế giới (07/06/2019)
Gốm Đồng Nai Biên hòa (06/06/2019)
Cử Thánh Thần dạy dỗ (06/06/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log