Văn hóa nghệ thuật

Vịnh Hạ Long trên vùng Bảy Núi

Cập nhật lúc 14:59 04/08/2020
Có thể nói, hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều có mặt Thiền Viện Trúc Lâm (TVTL) đáp ứng được nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của phật tử cả nước như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang…
Thiền Viện Trúc Lâm An Giang tọa lạc tại Khu Du Lịch lòng hồ số 2, Núi Sập, Thoại Sơn. Ảnh: CTV
Thiền Viện Trúc Lâm An Giang tọa lạc tại Khu Du Lịch lòng hồ số 2, Núi Sập, Thoại Sơn. Ảnh: CTV
Có thể nói, hầu hết các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều có mặt Thiền Viện Trúc Lâm (TVTL) đáp ứng được nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng của phật tử cả nước như: Cần Thơ, Sóc Trăng, Hậu Giang, Trà Vinh, Tiền Giang…trong đó TVTL An Giang tuy mới hình thành nhưng đã được nhiều người tìm đến tham quan, thưởng lãm bởi cảnh quan thiên nhiên rất đẹp, sông núi, ao hồ rất hữu tình nên thơ, tạo cảm giác rất thư thái, thanh tịnh, sâu lắng, nhẹ nhàng cho những ai đã có dịp đến đây. Nhiều người đã gọi đây là “vịnh Hạ Long” vùng Bảy Núi quả không hổ danh.

Chốn uy thiêng giữa thiên nhiên tuyệt tác

TVTL An Giang tọa lạc tại Khu du lịch lòng hồ số 2 thuộc ấp Đông Sơn 1, thị trấn Núi Sập, Thoại Sơn khởi công từ năm 2017 và đến nay cơ bản đã hoàn thành. Đây là vị trí vô cùng lý tưởng bởi được thiên nhiên ban tặng rất nhiều yếu tố khá thuận lợi như: có hồ Thoại Sơn với làn nước trong xanh rất to rộng nằm bên cạnh núi Ông Thoại được kết cấu bằng đá vôi cao sừng sững, bên cạnh là khu di tích hồ Thoại Sơn với nhiều cảnh quan đẹp nên thu hút rất nhiều khách đến đây. Một yếu tố thuận lợi khác là TVTL An Giang chỉ cách TP Long Xuyên ( trung tâm tỉnh An Giang) 27 km; cách TP Cao Lãnh (trung tâm tỉnh Đồng Tháp 70 km); cách TP Cần Thơ và TP Rạch Giá 90 km nên rất thuận lợi về thời gian cho nhiều du khách có thể đi về trong ngày. 

Ông Trần Văn, ngụ TP Cần Thơ phấn khởi nói: “ So với các TVTL đã có mặt tại đồng bằng sông Cửu Long thì thiền viện này có diện tích lớn hơn rất nhiều, qui mô xây dựng rất đẹp, tao nhã, hài hòa; địa hình rất lý tưởng, đặc biệt là có đủ nhiều yếu tố thiên nhiên mà những thiền viện khác không có như: núi đá vôi, ao to thiên nhiên, cây cối che mát khá nhiều, chắc chắn sẽ thu hút nhiều du khách đến đây”.

Theo thiết kế chung, tổng diện tích xây dựng TVTL An Giang là 11 ha với 16 hạng mục công trình xây dựng gồm: cổng tam quan, chánh điện, tổ đường, trai đường, thiền đường, lầu chuông, lầu trống, tăng đường 1, tăng đường 2, nhà khách ni, nhà khách tăng, giảng đường, nhà sư phụ, nhà hòa thượng, tháp thờ Xá lợi Phật, tượng Quan Âm. Ngoài ra còn 1 ha đất trên đỉnh núi Sập đang được xây dựng ngôi chùa được xem là lớn nhất miền Tây dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2021. Điểm nhấn của ngôi chùa nầy là sẽ có tượng Phật bà Quan Âm cao 63 mét được xem là kỳ tích tượng phật bà cao nhất Việt Nam. Cạnh đó là bảo tháp 13 tầng được thiết kế rất công phu đậm tính nghệ thuật văn hóa Việt Nam.

Vừa đáp ứng nhu cầu tâm linh, vừa phát triển tiềm năng du lịch

Nhìn trên bình diện chung, tỉnh An Giang được xem là nơi có nhiều cơ sở thờ tự với rất nhiều tôn giáo khác nhau như: Phật giáo, Công giáo, Phật giáo Hòa Hảo, Cao Đài, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tin Lành…trong đó các chùa Phật giáo chiểm tỉ lệ trên 90%. Nét rất riêng của An Giang là những ngôi chùa đều có xuất xứ hàng trăm năm với nhiều câu chuyện tâm linh về thời kỳ khai hoang mở cõi. Có rất nhiều chùa xây dựng công phu mất rất nhiều thời gian, công sức do địa hình đồi núi trắc trở. Từ những khó khăn trên, An Giang đã rất linh động khi tạo nhiều điều kiện để duy tu, nâng cấp các cơ sở thờ tự để đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân bản địa lại vừa phát triển nền kinh tế không khói là tiềm năng du lịch vốn rất hấp dẫn ở địa phương. Việc hình thành TVTL An Giang đã góp thêm một nét chấm phá rất độc đáo, lý thú, hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.
 
Một góc Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Ảnh: CTV
Một góc Thiền viện Trúc Lâm An Giang. Ảnh: CTV
Ông Vương Bình Thạnh, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho rằng: “Đây là công trình xây dựng cơ sở tôn giáo có qui mô lớn nhất từ trước đến nay tại An Giang, góp phần mang lại vẻ mỹ quan hiếm có về mặt kiến trúc, nghệ thuật, văn hóa cho địa phương. Song song đó góp phần lớn vào bản đồ các di tích văn hóa, lịch sử của tỉnh nhà, phát triển tiềm năng kinh tế, thúc đẩy lĩnh vực du lịch chuyển động theo hướng tích cực. 
 
Thiền viện Trúc Lâm An Giang còn được các bạn trẻ gọi là “vịnh Hạ Long” giữa vùng Bảy Núi. Ảnh: CTV
Thiền viện Trúc Lâm An Giang còn được các bạn trẻ gọi là “vịnh Hạ Long” giữa vùng Bảy Núi. Ảnh: CTV

Thơ mộng lắm, thi vị lắm nếu du khách được đứng trên đỉnh núi Sập (còn gọi là núi Ông Thoại) ngắm nhìn mây trắng bay lơ lững giữa bầu trời; nhìn các hạng mục uy thiêng của thiền viện e ấp nép mình bên vách núi cao sừng sửng giữa hồ nước xanh trong đẹp đến nao lòng; được nghe tiếng chuông trầm mặc thong dong vang vọng như khuyên nhủ mọi người bỏ đi những tham vọng toan tính trong cuộc đời để sống tốt hơn, đẹp hơn.

Về An Giang xin chớ quên đến với “vịnh Hạ Long” ở vùng Bảy Núi- An Giang bạn nhé.
PHAN THỊ ANH THƯ
Thông tin khác:
Cảnh đẹp núi Bài Thơ và Non Nước (04/08/2020)
Kho báu hạt ngọc lưới (30/07/2020)
Đan viện Biển Dức Thiên Bình (28/07/2020)
Tượng Chúa cứu thế dưới biển sâu (28/07/2020)
Nét văn hóa mới trên khu phố đi bộ quanh bờ hồ (28/07/2020)
Cỏ lùng hạt cải men (27/07/2020)
"CỒN" Mỹ Phước gọi mời (24/07/2020)
Lưu giữ cổ vật quý hiếm (24/07/2020)
Chuyến đi kỳ thú khám phá dãy tường thành dưới đáy biển (24/07/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log