Văn hóa nghệ thuật

Nét đẹp văn hóa Vu Lan

Cập nhật lúc 15:09 30/11/2020
Ngày lễ Vu lan nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: CTV
Ngày lễ Vu lan nhắc nhở về đạo lý “uống nước nhớ nguồn”. Ảnh: CTV
Vu Lan vào rằm tháng Bảy âm lịch hàng năm, từ lâu đời, gắn liền chữ hiếu. Như thế, Vu Lan không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà còn là nét đẹp văn hóa trong truyền thống đạo đức dân tộc.
Nhà sư Ấn Độ Dharmaraksa sang Trung Quốc vào đời Tây Tấn và dịch Ullambana Sutra ra chữ Hán đã rất tinh tế khi chuyển âm tiết lam (trong ullambana) ra lan. Ngoài nghĩa hoa lan, lan còn mang ý nghĩa thơm tho, thanh tao, tinh tuyền trong sạch.
Âm tiết ul (trong ullambana) chuyển thành vu (chậu, cái bát). Vi sao dùng nghĩa này?
Sau khi đắc quả a la hán, ông Mục Kiện Liên dùng mắt thần tìm kiếm hồn mẹ và thấy bà đang đọa địa ngục, đói khát. Tuy có phép thần thông hạng nhất, ông vẫn không thể cứu mẹ; thậm chí, muốn cho mẹ đói được ăn cũng đành thúc thủ. Ông về hỏi Phật. Nhân đó, Phật thuyết kinh Vu Lan (Ullambana Sutra), dạy Mục Kiện Liên vào ngày rằm tháng Bảy âm lịch dâng bát (vu) cúng dường chư tăng, nhờ tập thể chúng tăng cầu nguyện mới có thể cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Từ đấy có lễ Vu Lan, hội Vu Lan để phận làm con báo ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha.
Người Trung Quốc còn gọi hội Vu Lan là hoan hỷ hội, gọi ngày Vu Lan là hoan hỷ nhật bởi lẽ đây là dịp vui của những người con hiếu thảo và của những linh hồn được cứu rỗi.
Vu Lan là nét đẹp văn hóa, phù hợp truyền thống đạo đức dân tộc, góp phần duy trì căn bản đạo đức gia đình, đề cao chữ hiếu, nhắc nhở đạo làm con. Ở Trung Quốc, dù Vu Lan là lễ của đạo Phật nhưng người theo đạo Khổng, đạo Lão đều chấp nhận, bởi lẽ Vu Lan phù hợp truyền thống thờ cúng tổ tiên.
Châu Âu không có tục thờ cúng tổ tiên. Hiếu ở phương Tây dường như không được nâng lên thành đạo. Tuy vậy, ở Mỹ có tập quán chọn hai ngày để nhớ ơn cha mẹ. Ngày của Mẹ (Mother’s Day) nhằm Chủ Nhật thứ hai của tháng Năm và Ngày của Cha (Father’s Day) nhằm Chủ nhật thứ ba của tháng Sáu. Chọn Chủ nhật phải chăng để gia đình dễ đoàn tụ? Với tập quán “lady first”, ưu tiên cho phụ nữ, Ngày của Mẹ trước Ngày của Cha năm tuần.
Đạo làm con đối với cha mẹ là cả đời chứ đâu phải đợi đến ngày N tháng T mới biết thương tưởng, kính nhớ. Tuy nhiên, nếu đặt ra một ngày lễ chung cho cả một nước, một dân tộc sẽ rất hay.
Trong lúc Việt Nam chưa có Ngày của Mẹ, của Cha thì Vu Lan là dịp duy nhất để trong một năm con cái biết xếp lại việc đời bề bộn mà nhớ thương, kính dưỡng các bậc cốt nhục sinh thành dưỡng dục.
Đừng nghĩ rằng Vu Lan là để báo hiếu cha mẹ quá vãng. Vu Lan nên là dịp nghĩ đến mẹ cha đang còn sống giữa đời mình, là dịp phận làm con sẽ thấy hạnh phúc trọn vẹn khi còn đủ cha đủ mẹ, hay sẽ ngậm ngùi vì thiếu vắng hình bóng từ thân.
Yêu nhau, người ta hay chọn hoa hồng. Yêu cha kính mẹ, nên dâng hoa gì? Hay là dâng lên một cành lan tinh khiết thoảng hương?
HUỆ KHẢI
Thông tin khác:
Ông chủ trao nén bạc (26/11/2020)
Sập đá bảo vật quốc gia (26/11/2020)
Phải hướng về Thiên Chúa (25/11/2020)
Thánh lễ Ngày thế giới người nghèo: tuân thủ luật lệ thôi thì chưa đủ (16/11/2020)
"Ba Đình" tên lịch sử (12/11/2020)
"Ba Đình" tên lịch sử (03/11/2020)
Trung tâm hành hương Đền Thánh Phêrô Lê Tùỳ (29/10/2020)
Kinh sư không chu đáo (28/10/2020)
Hai giới răn trọng nhất (23/10/2020)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log