ĐIỀU LỆ
ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
(Sửa đổi, bổ sung tại Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam
xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028)
Lời nói đầu
Trải qua các thời kỳ hoạt động với những tên gọi khác nhau, phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, động viên được đông đảo đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước tích cực tham gia cùng toàn dân tộc hoàn thành sứ mạng lịch sử vẻ vang của Tổ quốc: giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Ngày nay đất nước đang thực hiện công cuộc đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước vì mục tiêu: dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, góp phần tích cực vào phong trào hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là một tổ chức xã hội, đại diện phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo Việt Nam, là tổ chức thành viên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, được thành lập ngày 20 tháng 1 năm 1955 để kế tục sự nghiệp các tổ chức tiền thân phong trào yêu nước của người Công giáo nhằm mục đích đoàn kết rộng rãi đồng bào Công giáo Việt Nam trong và ngoài nước, cùng toàn dân xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ hòa bình thực hiện theo tinh thần Thư chung năm 1980 của Hội đồng Giám mục Việt Nam “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào” và Huấn từ của Đức Giáo hoàng Bênêđictô XVI “Người Công giáo tốt cũng là người công dân tốt”.
Chương I
TÊN GỌI - TÔN CHỈ - NHIỆM VỤ
Điều 1: Tên gọi
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, gọi tắt là Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Tên tiếng Anh là: The Vietnam Catholic Solidarity Committee.
Trụ sở Ủy ban đặt tại Hà Nội, Thủ đô nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Điều 2: Tôn chỉ
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là tổ chức xã hội, tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, hoạt động theo Hiến pháp, pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và đường hướng mục vụ của Hội đồng Giám mục Việt Nam: “Sống Phúc âm giữa lòng dân tộc để phục vụ hạnh phúc của đồng bào”.
Điều 3: Nhiệm vụ
1. Tập hợp, tổ chức, hướng dẫn, động viên đồng bào Công giáo Việt Nam trong nước và ngoài nước tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
2. Tuyên truyền, vận động đồng bào Công giáo thực hiện đường lối chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các chương trình hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
3. Góp phần thực hiện đường hướng Giáo hội gắn bó với dân tộc, tăng cường xây dựng và củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, lấy mục tiêu xây dựng đất nước, truyền thống đạo đức và văn hoá của dân tộc; đấu tranh với các âm mưu chia rẽ dân tộc và Giáo hội, giữ gìn sự trong sáng của đạo Thánh Chúa;
4. Tập hợp, phản ánh tâm tư nguyện vọng, tham gia bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đồng bào Công giáo và tổ chức Giáo hội;
5. Cùng với đồng bào trong nước và nhân dân các nước trên thế giới đấu tranh xây dựng và bảo vệ hoà bình, độc lập dân tộc, chủ quyền quốc gia và dân chủ tiến bộ xã hội.
Chương II
NGUYÊN TẮC VÀ HỆ THỐNG TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG CỦA ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM CÁC CẤP
Điều 4: Nguyên tắc tổ chức và hoạt động
Tổ chức và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện, hiệp thương dân chủ và phối hợp hành động trên cơ sở Điều lệ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
Điều 5: Hệ thống tổ chức
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam được thành lập ở Trung ương; các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố khi có đủ điều kiện.
Điều 6: Đại hội
1. Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mỗi cấp là cơ quan hiệp thương cao nhất của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp đó; được tổ chức 5 năm một lần.
2. Số lượng và cơ cấu thành phần đại biểu dự Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc do hội nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ở cấp đó hiệp thương, thống nhất.
Điều 7: Nhiệm vụ và quyền hạn của Đại hội đại biểu toàn quốc Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
1.Tổng kết hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ qua và phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới;
2. Kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của Trung ương Ủy ban, Đoàn Chủ tịch và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ qua;
3. Sửa đổi, bổ sung Điều lệ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
4. Hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, số lượng do Đại hội quyết định, không quá 165 Ủy viên;
5. Quyết định việc suy tôn chức danh Chủ tịch danh dự của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
6. Biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ qua;
7. Thông qua Nghị quyết Đại hội.
Điều 8: Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
1. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ở mỗi cấp là cơ quan chấp hành giữa hai kỳ Đại hội của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam do Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cấp đó cử ra qua hiệp thương dân chủ.
2. Tham gia Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam gồm những linh mục, tu sĩ và giáo dân tiêu biểu được sự tín nhiệm của đồng bào Công giáo tự nguyện thực hiện tôn chỉ, mục đích và tích cực tham gia phong trào yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
3. Số lượng Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp nào do Đại hội đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp đó hiệp thương thỏa thuận và quyết định theo cơ cấu thành phần quy định tại Điều 7 và Điều 13 của Điều lệ này và hướng dẫn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
4. Trong nhiệm kỳ Đại hội, do yêu cầu thực tiễn, Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp có thể quyết định bổ sung Ủy viên thay thế các vị đã khuyết, nhưng không quá 1/4 số Ủy viên do Đại hội hiệp thương dân chủ cử ra.
Điều 9: Nhiệm vụ và quyền hạn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
1. Hiệp thương dân chủ thông qua chương trình hoạt động hàng năm nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
2. Hiệp thương dân chủ cử ra Đoàn Chủ tịch, gồm Chủ tịch, Phó Chủ tịch -Tổng Thư ký, các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Đoàn Chủ tịch có số lượng không quá 30 vị; cử, cử bổ sung, thay thế, cho thôi các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch – Tổng Thư ký, Phó Chủ tịch, Ủy viên Đoàn Chủ tịch và Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
3. Hiệp thương dân chủ cử ra Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (gọi tắt là Ban Thường trực) trong số Ủy viên Đoàn Chủ tịch, số lượng không quá 9 vị;
4. Tập hợp ý kiến của đồng bào Công giáo, tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam để phản ánh, kiến nghị với Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
5. Quyết định kế hoạch chuẩn bị Đại hội đại biểu người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc nhiệm kỳ tiếp theo;
6. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam họp thường lệ ít nhất một năm một lần, họp chuyên đề hoặc bất thường khi cần thiết;
7. Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký, một số Phó Chủ tịch do Ban Thường trực cử chủ tọa các Hội nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
8. Tổ chức Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc 5 năm một lần nhằm đánh giá, tổng kết phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo Việt Nam.
Điều 10: Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
1. Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (gọi tắt là Đoàn Chủ tịch) do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hiệp thương dân chủ cử ra không quá 30 vị trong số Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, là đại diện của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam giữa hai kỳ họp.
2. Đoàn Chủ tịch có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
2.1. Quyết định những chủ trương, công tác để thực hiện chương trình hoạt động và các Nghị quyết của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam do Ban Thường trực trình;
2.2. Tập hợp, phản ánh ý kiến của đồng bào Công giáo Việt Nam và tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam với Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhất là những vấn đề có liên quan đến việc củng cố, tăng cường đoàn kết đồng bào Công giáo trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân, thúc đẩy sự gắn bó để đồng bào Công giáo Việt Nam luôn luôn đồng hành cùng dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
2.3. Khi cần thiết, ra lời kêu gọi đồng bào Công giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước hưởng ứng các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và Chương trình hành động của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh” như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh;
3. Chế độ họp Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam:
3.1. Đoàn Chủ tịch họp thường lệ ít nhất sáu tháng một lần;
3.2. Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng thư ký và một số Phó Chủ tịch được Ban Thường trực phân công chủ trì Hội nghị Đoàn Chủ tịch.
Điều 11: Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
1. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam là cơ quan đại diện của Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam giữa hai kỳ họp.
2. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam gồm có Chủ tịch, Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký và các Phó Chủ tịch.
3. Ban Thường trực có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
3.1. Chuẩn bị các hội nghị của Đoàn Chủ tịch và giúp Đoàn Chủ tịch chuẩn bị các hội nghị của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
3.2. Thay mặt Đoàn Chủ tịch triển khai công tác giữa hai kỳ họp của Đoàn Chủ tịch;
3.3. Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động Ủy ban Đoàn kết Công giáo địa phương về thực hiện chương trình công tác của Ủy ban, Nghị quyết của Đoàn Chủ tịch và Nghị quyết của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
3.4. Giữ mối liên hệ, phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan hữu quan;
3.5. Thường xuyên tập hợp ý kiến, kiến nghị của đồng bào Công giáo, tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam để phản ánh, kiến nghị với Nhà nước và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
3.6. Xét, quyết định việc khen thưởng, kỷ luật;
3.7. Xem xét công nhận việc cử, bổ sung hoặc thay đổi chức danh Chủ tịch, Phó chủ tịch, Ủy viên Thường trực và Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo của cấp tỉnh;
3.8. Tổ chức, chỉ đạo, quản lý điều hành hoạt động của Văn phòng, các ban tư vấn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
4. Chế độ họp Ban Thường trực:
4.1. Ban Thường trực họp thường lệ mỗi tháng một lần; họp chuyên đề hoặc khi cần thiết;
4.2. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch - Tổng Thư ký chủ tọa các hội nghị Ban Thường trực.
Điều 12: Ban Tư vấn
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ủy ban đoàn kết Công giáo cấp tỉnh căn cứ vào điều kiện và nhu cầu thực tế quyết định thành lập cơ quan giúp việc là Văn phòng và một số ban tư vấn (Ban tư vấn pháp luật, Ban phong trào, Ban từ thiện xã hội và Ban Văn hóa thể thao). Tổ chức và hoạt động của Văn phòng và các Ban tư vấn do Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam quy định.
Điều 13: Đại hội đại biểu Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh có nhiệm vụ và quyền hạn sau
Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cấp tỉnh 5 năm tổ chức một lần có nhiệm vụ và quyền hạn sau:
1. Tổng kết hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh, phong trào thi đua yêu nước trong đồng bào Công giáo ở địa phương nhiệm kỳ qua và đề ra phương hướng, nhiệm vụ cho nhiệm kỳ tới;
2. Kiểm điểm, đánh giá kết quả công tác của Ủy ban và Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh nhiệm kỳ qua;
3. Thảo luận, đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện của Đại hội cấp trên;
4. Hiệp thương dân chủ cử ra Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh, số lượng do Đại hội quyết định, từ 50 vị đến 100 vị;
5. Hiệp thương dân chủ đề cử đại biểu dự Đại hội đại biểu toàn quốc theo phân bổ của cấp trên;
6. Quyết định việc suy tôn chức danh Chủ tịch danh dự của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh (nếu có);
7. Biểu dương khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kỳ qua;
8. Thông qua Nghị quyết Đại hội.
Điều 14: Nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh
1. Thảo luận về tình hình phong trào yêu nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo của địa phương, quyết định chương trình công tác của Ủy ban trong thời gian tới;
2. Thảo luận, quyết định đề án Đại hội cấp tỉnh theo sự hướng dẫn của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
3. Hiệp thương dân chủ cử ra Ban thường trực, bổ sung, thay thế hoặc thôi chức danh chủ tịch, các phó chủ tịch, các ủy viên thường trực, ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo cùng cấp. Số lượng theo quy định tại Điều 13;
4. Tham gia đóng góp ý kiến với cấp ủy Đảng, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc có liên quan đến chủ trương, chính sách trên các lĩnh vực của địa phương;
5. Hội nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh mỗi năm họp 2 lần, họp bất thường khi cần thiết.
Điều 15: Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh
1. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh hiệp thương dân chủ cử ra gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực, các Phó Chủ tịch và Ủy viên Thường trực, số lượng tối thiểu từ 05 vị trở lên;
2. Ban Thường trực cấp tỉnh có nhiệm vụ, quyền hạn sau:
2.1. Chuẩn bị nội dung, phân công Chủ tịch, Phó Chủ tịch Thường trực và một số Phó Chủ tịch chủ trì Hội nghị Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp mình;
2.2. Tổ chức thực hiện chương trình công tác sáu tháng, hàng năm của Ủy ban cấp mình và Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam; chủ trương, chính sách của Nhà nước và Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương có liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam địa phương;
2.3. Thường xuyên tập hợp ý kiến, nguyện vọng hợp pháp, chính đáng của đồng bào Công giáo tỉnh, thành phố và tổ chức Giáo hội Công giáo Việt Nam tại địa phương để phản ánh với chính quyền, Mặt trận, Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam. Thay mặt Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam địa phương kiến nghị, góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền và Mặt trận Tổ quốc cùng cấp về những lĩnh vực mà Ủy ban Đoàn kết Công giáo địa phương có liên quan;
2.4. Hướng dẫn, kiểm tra phong trào thi đua yêu nước và hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tại địa phương;
2.5. Công nhận việc cử, bổ sung hoặc thay thế chức danh của Uỷ ban Đoàn kết Công giáo ở huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;
2.6. Tổ chức, chỉ đạo quản lý cơ quan Văn phòng, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo ở quận, huyện và các Ban tư vấn thuộc cấp mình;
2.7 Giữ mối liên hệ với cơ quan Nhà nước, Mặt trận và các tổ chức thành viên của Mặt trận tại địa phương;
2.8. Ban hành các văn bản thuộc thẩm quyền của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh theo quy định của pháp luật;
2.9. Xem xét, quyết định khen thưởng, kỷ luật.
3. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp tỉnh họp thường lệ ít nhất 1 tháng một lần. Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Thường trực được ủy quyền chủ tọa hội nghị cấp mình.
Điều 16: Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố
1. Những huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh có đông đồng bào Công giáo được thành lập Ủy ban Đoàn kết Công giáo khi có đủ điều kiện, gồm các vị Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, Ủy viên Ủy ban Đoàn kết Công giáo của tỉnh, thành phố cư trú tại địa phương (nếu có) và các linh mục, tu sĩ, một số giáo dân tiêu biểu ở cùng địa phương.
2. Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở quận, huyện, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố có nhiệm vụ tổ chức triển khai các chương trình công tác của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh, thành phố.
3. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam quy định phương hướng hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh, thành phố sau khi có ý kiến của cơ quan có thẩm quyền.
Chương III
CƠ QUAN NGÔN LUẬN CỦA
ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Điều 17: Cơ quan ngôn luận
Báo Người Công giáo Việt Nam là cơ quan ngôn luận của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam có nhiệm vụ và quyền hạn:
1. Tuyên truyền, vận động người Công giáo Việt Nam thực hiện tốt chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước; tôn chỉ, nhiệm vụ và đường hướng hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và những sự kiện quan trọng của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Giáo hội Công giáo hoàn vũ.
2. Tuyên truyền, biểu dương các gương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc;
3. Hình thức tuyên truyền của Báo Người Công giáo Việt Nam thể hiện trên Báo viết phát hành hàng tuần và cập nhật thông tin trên trang thông tin điện tử của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam;
4. Ban Thường trực phân công người phụ trách và chịu trách nhiệm trước Ban Thường trực, Đoàn Chủ tịch và Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam về hoạt động của báo Người Công giáo Việt Nam.
Chương IV
KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT
Điều 18: Khen thưởng
1. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp, các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua yêu nước của người Công giáo và có đóng góp tích cực cho hoạt động Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ được khen thưởng bằng các hình thức: Giấy khen, Bằng khen hoặc Kỷ niệm chương “Đồng hành cùng dân tộc” của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam và được đề nghị Nhà nước, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Bộ, ban ngành khen thưởng.
2. Ủy ban Đoàn kết Công giáo các cấp có thẩm quyền khen thưởng cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quy định của pháp luật.
3. Ủy ban Đoàn kết Công giáo cấp tỉnh có thẩm quyền khen thưởng bằng hình thức Giấy khen cho tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc theo quy định của pháp luật.
Điều 19: Kỷ luật
1. Những thành viên của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp có hành động trái với tôn chỉ, mục đích, đường hướng hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, vi phạm pháp luật của Nhà nước, làm mất thanh danh của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, có hại đến phong trào thi đua yêu nước của đồng bào Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc sẽ bị thôi công nhận là thành viên của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam.
2. Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam ở mỗi cấp xem xét kỷ luật thành viên ở cấp mình.
Chương V
KINH PHÍ HOẠT ĐỘNG, TÀI SẢN
CỦA ỦY BAN ĐOÀN KẾT CÔNG GIÁO VIỆT NAM
Điều 20: Kinh phí hoạt động
Nguồn kinh phí hoạt động của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp gồm có:
1. Phần ngân sách do Nhà nước hỗ trợ;
2. Kinh phí được cấp khi tham gia thực hiện các chương trình, dự án;
3. Thu nhập từ hoạt động kinh doanh theo pháp luật;
4. Tổ chức và cá nhân trong nước và ở nước ngoài ủng hộ;
Kinh phí của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp nào do Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam cấp đó quản lý, sử dụng theo quy định của pháp luật và cơ quan chủ quản.
Điều 21: Tài sản
Tài sản của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam các cấp gồm có:
1. Tài sản nhà nước và cơ quan chủ quản giao.
2. Tài sản do các tổ chức, cá nhân trong nước, nước ngoài tặng, cho. Việc nhận, quản lý, sử dung tài sản đó theo quy định của pháp luật.
Chương VI
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 22: Hiệu lực thi hành
1. Điều lệ của Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam gồm Lời nói đầu, 6 chương và 23 điều, được Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2023 - 2028 nhất trí thông qua ngày 12 tháng 10 năm 2023.
2. Những quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bị bãi bỏ.
Điều 23: Hướng dẫn thi hành và sửa đổi Điều lệ
1. Ban Thường trực Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam hướng dẫn thi hành Điều lệ này.
2. Chỉ có Đại hội đại biểu Người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mới có quyền sửa đổi, bổ sung Điều lệ.