Gương điển hình

Vị mục tử: "Sống vì mọi người"

Cập nhật lúc 07:21 05/04/2021
Ngày 21/01/2021, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước đã truyền chức cho 9 thầy Phó tế tại nhà thờ Chánh tòa Phú Cường.
Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn.
Linh mục Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn.
Ngày 21/01/2021, Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước đã truyền chức cho 9 thầy Phó tế tại nhà thờ Chánh tòa Phú Cường. Hai ngày sau đó, theo thiệp mời của cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn là nghĩa phụ gửi, tôi có dịp về giáo xứ Kỉnh Nhượng thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Dương tham dự thánh lễ tạ ơn của tân linh mục Yoakim Nguyễn Duy Ngọc, một người con của giáo xứ, chung vui với cha xứ, gia đình ông bà cố và giáo dân, chúc mừng cha Riễn, có 4 nghĩa tử, trong đó hai vị đã là linh mục và hai thầy Phó tế năm 2021 này cũng sẽ bước lên bàn Thánh. Hôm ấy, ngày 23/01/2021, thánh lễ diễn ra rất long trọng với đông đảo giáo dân từ các nơi thầy Ngọc từng phục vụ, giáo dân trong giáo xứ, cả những người đã từng một thời cư ngụ nơi đây nay dời đi nơi khác. Được gặp những vị cựu trào trong giáo xứ từ khi cha cố Đaminh Đinh Khắc Túc còn làm chánh xứ, tôi có dịp hiểu thêm nhiều về cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn trong thời gian hơn 30 năm phục vụ nơi đây, giúp nâng cao đời sống nhân dân trong vùng, đổi mới bộ mặt giáo xứ, từ chỗ chỉ vài trăm giáo dân nghèo những năm 90 đến hơn hai ngàn bổn đạo, với cơ sở vật chất khang trang như ngày nay. 

Cha Gioan Baotixita Nguyễn Văn Riễn thụ phong linh mục vào năm 1987 và được bổ nhiệm làm phó xứ Kỉnh Nhượng cho đến năm 1994, sau khi linh mục chánh xứ Đaminh Đinh Khắc Túc nơi đây qua đời thì ngài trở thành chánh xứ, Hạt trưởng Phước Thành cho đến năm 2013, thời gian dài 26 năm. Trước đó, linh mục Gioan Baotixita đã có 6 năm làm thầy và là phó tế tại giáo xứ Kỉnh Nhượng.

Kỉnh Nhượng là một giáo xứ nhỏ thuộc huyện Phú Giáo, một huyện nghèo của Bình Dương. Đây là huyện vùng sâu vùng xa, nên đời sống người dân đầy khó khăn như đường sá nhỏ hẹp, điện thắp sáng không đều, trường học ít. Nhiều giáo dân ở Vĩnh Hòa cho biết, cha Riễn là người nhân hậu và rất quan tâm đến bà con. Những bài giảng của cha trong các buổi lễ luôn đi sâu vào việc họ đạo, việc xã hội và đặc biệt là việc chăm lo đời sống cho nhân dân…

Nhớ lại những ngày đầu, khi mới về huyện Phú Giáo, cha kể: Phú Giáo lúc đó nghèo lắm, lại là vùng sâu vùng xa, nên đời sống người dân rất khó khăn. Đường sá nhỏ hẹp, điện thắp sáng thì chỗ có chỗ không, trường học thì rất ít. Nhìn thấy cảnh ấy, tôi thấy thương bà con quá… và quyết tâm lao động, hướng dẫn họ sản xuất cải thiện cuộc sống. 

Nhìn thấy cảnh ấy, cha đã cố gắng giúp người dân cải thiện cuộc sống bằng nhiều cách thiết thực. Cha đã vận động các nhà hảo tâm trong và ngoài nước giúp kinh phí mở đường từ ngã ba Cống Triết đến ấp 5 của xã Vĩnh Hòa. Con đường mới làm đã không chỉ giúp các em học sinh đến trường nhanh hơn, mà còn giúp người dân đi lại làm ăn thuận tiện hơn.. Ngần ấy thời gian ở bên dân, cúi xuống gần với nỗi khổ, cái khó của bà con rồi chia sẻ và giúp đỡ, cha dường như đã trở thành một người thân trong gia đình họ. Anh Phêrô Đào Xuân Thu, một giáo dân xứ Kỉnh Nhượng chia sẻ: “Tôi luôn nhớ về hình ảnh thân thương của cha ngược xuôi trên khắp các nẻo đường bằng chiếc xe máy cũ cọc cạch để đến thăm từng nhà. Nơi nào có người khó khăn, khổ sở là nơi đó có cha Riễn. Bản thân tôi lúc bấp bênh, suy sụp tinh thần cũng tìm đến cha để được an ủi, động viên… Giữa ngài với dân hầu như không có khoảng cách, bởi thế mà giờ về Phú Giáo hỏi cha Riễn không ai là không quý không thương…”. Vì năng thăm viếng, để ý quan tâm, cha dường đã nhớ hết từng nhà trong xứ. Nhà có bao nhiêu người, tên họ từ ông bà, cha mẹ, đến con cháu cha đều nằm lòng hết. Cha vui vẻ nói thêm: “Bà con nhà mình nhiều khi tôi còn quên chứ nhà giáo dân dám tôi thuộc tên hết đấy!”. Cha đã từng hiến tặng 4.500m2 đất xây dựng một xóm tình thương cho hơn 22 hộ gia đình. Trong đó có 14 nhà tình thương được hỗ trợ kinh phí xây dựng hoàn toàn. Mỗi năm, cha tìm các nguồn tài trợ, tiết kiệm chi phí của giáo xứ để dành tiền cấp học bổng cho trên 20 em học sinh nghèo hiếu học (500.000 đồng/em/tháng), giúp bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội. Những việc làm nghĩa tình của cha luôn được đông đảo người dân tín nhiệm và yêu mến. 

Năm 2013, cha được giao phụ trách giáo điểm trên đường Huỳnh Văn Lũy thuộc thành phố Thủ Dầu Một, Bình Dương.Tấm lòng của cha trải rộng lúc còn ở Kỉnh Nhượng ra sao thì khi về phụ trách giáo điểm trên đường Huỳnh Văn Lũy lại mở ra bấy nhiêu. Về xứ mới, sự nhiệt thành lại thắp ngọn lửa tình thương để cha tiếp tục đến gần với dân. Thời gian chưa dài nhưng mối dây gắn kết giữa cha và giáo dân lại càng thêm bền chặt rất nhiều.  

Giáo điểm năm 2013 nay đã là một giáo xứ với ngôi nhà thờ đẹp trên thành phố mới Bình Dương được cung hiến năm 2018. Nhà thờ dài 50 mét, ngang 24 mét với hai hành lang hai bên mỗi bên 3 mét gồm 2 tầng. Tầng trệt là nhà sinh hoạt dành cho các sinh hoạt hội họp của hạt, giáo phận, các khu giáo, đoàn thể, hội nhóm và còn dành cho các gia đình giáo dân trong xứ khi có nhu cầu tổ chức hiếu hỉ. Tầng trên là nơi cử hành phụng vụ. Về quá trình hình thành giáo xứ và nhà thờ mới, Cha Riễn nhớ lại: “Qua mong ước của các tôn giáo, tỉnh Bình Dương đồng ý cấp cho Tòa Giám mục một khu đất diện tích 8999 m2 (dài 100m rộng 90 m) để thành lập một giáo điểm từ năm 2013. Tòa Giám mục trao cho tôi phụ trách giáo điểm từ ngày13/8/2013. Ngày 01/4/2015 giáo phận có giấy phép xây dựng nhà thờ và các công trình phụ. Ngày 12/9/2015 Đức Giám mục Giuse Nguyễn Tấn Tước làm lễ đặt viên đá đầu tiên trong niềm hân hoan của mọi người. Vượt qua giai đoạn khó khăn bước đầu. Từ việc thông tin, qui tụ giáo dân đến việc cử hành thánh lễ tại nhà thờ tạm mỗi ngày. Rồi từ một giáo điểm, ngày 28/6/2016, khi giáo dân đã đông dần lên, tỉnh cho phép thành lập giáo xứ Thánh Giuse. Về mặt Giáo hội, Đức Giám mục giáo phận có nghị định thành lập giáo xứ Thánh Giuse. Ngày 9/10/2016, mình (cha GB Nguyễn Văn Riễn) được chánh thức bổ nhiệm là chánh xứ tiên khởi. Thành phố mới ngày một đông cùng với số công nhân tại các khu công nghiệp và người di dân đổ về. Hiện nay, ngày Chúa nhật có 4 thánh lễ. 

Ngoài bổn phận là một linh mục chánh xứ, cha còn tham gia công tác xã hội là Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Bình Dương. Trong kỳ đại hội toàn quốc diễn ra tại Hà Nội năm 2018, cha được suy cử là Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam nhiệm kì 2018-2023. Ngoài ra, cha còn được tín nhiệm là đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Dương và là đại biểu Quốc hội nhiệm kì 2016-2021. Hỏi thăm cha về những điều đáng nhớ khi đảm nhiệm vai trò người đại biểu của nhân dân tại nghị trường Quốc hội, cha Riễn tâm tình: “Trong vai trò là đại biểu Quốc hội, tôi nhận thấy mình đã chu toàn trách nhiệm vừa là đại biểu của giới Công giáo, vừa là đại biểu của nhân dân tỉnh Bình Dương, qua việc tham dự đầy đủ các kỳ họp Quốc hội, các buổi tiếp xúc cử tri trước và sau các kỳ họp. Cùng với đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương, tôi đã ghi nhận và phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri trong đơn vị, thông qua các cuộc họp của đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, các ủy ban và của Quốc hội. Trong tư cách là một linh mục của Giáo hội, tôi thường xuyên liên hệ với Tòa Giám mục Phú Cường, với Ủy ban Đoàn kết Công giáo các tỉnh thành, ghi nhận các ý kiến, các kiến nghị để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, góp phần xây dựng tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc ngày càng vững mạnh. Điều đáng nhớ nhất là các dịp lễ trọng của Giáo hội, các vị lãnh đạo và văn phòng Quốc hội đều gặp tôi chúc mừng và thông qua tôi chuyển lời thăm hỏi đến bà con giáo dân.”.

Mỗi năm, hai lần ra họp Quốc hội dài ngày tại Hà Nội, cha Riễn không ở tại nhà khách Quốc hội mà về nghỉ tại một căn phòng nhỏ, với cuộc sống thanh đạm, tại cơ quan của Trung ương Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam (số 34 Ngô Quyền, Hà Nội) dùng cơm trưa, cơm tối nhờ chú tài xế cơ quan nấu.  

Với những nỗ lực vì cuộc sống ấm no của đồng bào, của giáo dân, cha đã được khen thưởng Huy chương “Vì sự nghiệp giáo dục”, Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp khuyến học”, “Vì hạnh phúc người mù”, “Vì sự nghiệp chữ thập đỏ”, “Đồng hành cùng dân tộc”. Mới đây, ngày 5/11/2020 cha được trao tặng Huân chương “Đại Đoàn kết dân tộc” cùng nhiều bằng khen của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và của tỉnh Bình Dương.

FX. ĐỖ CÔNG MINH
Thông tin khác:
Giáo dân Hùng Sơn đoàn kết xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu (03/04/2021)
Người giáo dân 45 năm làm tổ trưởng dân phố (01/04/2021)
Đôi tay diệu kỳ (29/03/2021)
Nhiều bạn trẻ rủ nhau đi hiến máu chiều 30 Tết (27/03/2021)
Hai nhạc sĩ tài hoa (27/03/2021)
"Tấm lòng vàng" của một người dân xứ đạo (26/03/2021)
Người hồi sinh:những mảnh đời bất hạnh (22/03/2021)
Đầu năm nói chuyện khởi nghiệp cùng “vua cá vược” (25/02/2021)
Đời ta là những chuyến đi (23/02/2021)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log