Một chiều cuối tuần chúng tôi tới thăm nhà hưu dưỡng dòng Mẹ Chúa Cứu Chuộc (quận Thủ Ðức), bất chợt nghe được câu chuyện về bệnh tình của cha Tịnh. Linh mục Vinhsơn Mai Hữu Tường quản lý nhà hưu cho biết, cha Phanxicô Xaviê vừa xuất viện sau cơn tai biến nhẹ. Thật may mắn vì qua gần hai tuần điều trị sức khỏe ngài đã hồi phục đôi phần.
NGƯỜI CHA NHÂN LÀNH
Là người con gốc Kiên Lao, Bùi Chu, cha Phanxicô Xaviê theo học Tiểu Chủng viện Bùi Chu từ khi 12 tuổi, thụ phong linh mục năm 1953, đến năm 1956 được Ðức Giám mục Phêrô Maria Phạm Ngọc Chi (lúc ấy là đại diện Tông tòa giáo phận Bùi Chu) cử đi du học Pháp về thánh nhạc. Tháng 12.1972, về nước, cha giảng dạy tại các chủng viện và thi hành mục vụ tại xứ Bùi Môn (giáo hạt Hóc Môn) đến năm 2003.
Nghỉ hưu hơn chục năm, vậy mà tình cảm ngài dành cho giáo dân vẫn đậm đà.
- Cha có nhớ Bùi Môn không? Nắm tay cha, tôi hỏi.
- Nhớ chứ!
- Thế cha nhớ gì nhất?
- Nhớ bổn đạo của mình! Vị mục tử chậm rãi.
Với nụ cười trìu mến, ngài kể về thời còn gian khó, giáo dân vừa nhọc nhằn kiếm sống vừa vất vả gầy dựng cộng đoàn, vun đắp đời sống đạo … Ngài chia sẻ: “Bùi Môn dễ thương lắm! Giáo dân hay đến thăm cha. Giáng Sinh, Tết hoặc ngày thường thi thoảng cũng ghé”.Trong tâm trí ngài, giữa những đan xen của hiện thực và quá khứ, từng gương mặt, con hẻm quanh xóm đạo đều rất thân thuộc.
Dù đã nghỉ hưu hơn chục năm, cha vẫn nhớ rất rõ những ngày tháng miệt mài phục vụ giáo dân |
Hơn 30 năm gắn bó, bổn đạo nơi đây xem vị mục tử như người cha kính mến. Ông Nguyễn Mạnh Hùng, từng có thời gian cộng tác cùng cha nhiều năm đầy yêu thương khi nói về ngài:“Cha hiền lành, dân ở đây rất mến. Hồi trước, đời sống ai cũng còn nghèo, cha khích lệ, dặn dò chuyện làm ăn, việc lễ lạc. Người ta thấy cha hay đến từng nhà trong khu chợ, nhất là những nhà tân tòng để trợ giúp, động viên cả tinh thần lẫn vật chất”. Cụ ông 83 tuổi còn từ tốn kể về quãng thời gian giáo xứ xây dựng nhà thờ với những lời cảm xúc về tính cách, tinh thần phục vụ của cha. Cũng trong xóm, nhà ở cạnh nhà thờ, ông Bảy Nghinh hồi tưởng suốt mấy mươi năm ở cùng giáo xứ, cha đã dốc trọn tâm huyết:“Cha xây nhà thờ này để giáo dân có nơi dự lễ khang trang hơn. Các hội đoàn được ngài chú tâm, trong đó ca đoàn Bùi Môn có tiếng hát hay, lễ lớn nhiều xứ mời về hát và giáo dân rất mê say phục vụ. Cũng nhờ cha là nhạc sĩ, cha giáo có nhiều kinh nghiệm”.
NHẠC SĨ GẠO CỘI
Cha từng du học Pháp suốt 16 năm. Gia tài của ngài, ngoài những cống hiến trong việc mục vụ họ đạo, còn là kho tàng nghiên cứu âm nhạc, biên soạn, dịch thuật, sáng tác... Cha là một trong những nhạc sĩ gạo cội có nhiều đóng góp cho nền thánh nhạc Việt Nam. Chia sẻ về công trình của ngài, trong lời tựa quyển “Ðàn hát lên” của cha Phanxicô Xaviê, bản in năm 2014, linh mục Kim Long bày tỏ: “Tôi thực ngỡ ngàng và có ý định thoái thác khi nghe cha giáo Ðinh Quang Tịnh bảo viết lời giới thiệu tập sách của ngài. Tôi xưng ngài là cha giáo vì tôi nhớ rất rõ năm 1956, khi tôi đang học lớp đệ ngũ (bây giờ là lớp 8) tại Tiểu Chủng viện Thánh Phanxicô Xaviê, một buổi chiều, do sự tình cờ, ngài cầm tay tôi so trên phím đàn harmonium rồi khích lệ tôi tập đàn và học nhạc. Mùa hè năm đó, ngài được Ðức cha Phạm Ngọc Chi cho đi Paris để học nhạc. Ngài theo học nhiều môn, trong đó có hòa âm, đối âm, quản cầm. Sau khi tốt nghiệp, ngài còn ở lại Paris nhiều năm để nghiên cứu thêm qua sách giáo khoa về âm nhạc của rất nhiều tác giả. Niên học 1973 - 1974, có cơ hội dạy chung với ngài ở phân khoa sư phạm thuộc Ðại học Ðà Lạt, khi đọc giáo án về hòa âm của ngài, tôi rất thích thú về nhiều chi tiết, nhiều luật miễn trừ đối với những quy luật chính yếu do nhiều tác giả trình bày mà tôi chưa có dịp tiếp cận”.
Nhà thờ giáo xứ Bùi Môn khánh thành và cung hiến ngày 30.12.1996 với nhiều công sức của cha Tịnh (ảnh: HL) |
Lật một bài hát bất kỳ, cha hát một đoạn rồi cười giòn. Tay cầm sách, tay kia run run đánh nhịp, ngài cười thật hạnh phúc! Vị mục tử cao niên ôn tồn: “Những năm 80, cái thời buổi đói khổ, tôi viết nhiều rồi cũng lưu lạc nhiều. Làm gì có giấy mực tốt như bây giờ, có mọi thứ tiện lợi như bây giờ. Một ít bài được lưu tồn nhờ làm ca trưởng tại Ðại Chủng viện Bùi Chu (Quần Phương) được nhiều người biết và phổ biến cho các nơi”.
Nhạc của cha chất đầy những thao thức và dạt dào tình cảm. Nhiều người nhận xét các sáng tác của nhạc sĩ Ðinh Quang Tịnh mang tính hàn lâm, bài hát đòi hỏi ca viên phải có chuyên môn và tập trung cao độ. Tiếp xúc với cha, nhiều người có thể cảm nhận: Trong mục vụ xứ đạo, cha tận tình. Trong lao động nghệ thuật, cha nghiêm túc và dày công. Khi đã về hưu, cha vẫn tiếp tục công việc sáng tác, nghiên cứu. Cả một đời cống hiến.
Giây phút chia tay, vị mục tử bịn rịn. Áp vào tai tôi, ngài dặn dò: “Nhớ cầu nguyện với Ðức Mẹ nhé. Hãy chạy đến cùng Mẹ!”.Tôi ra về và mường tượng căn phòng hưu dưỡng rộn rã trong chốc lát, giờ đây được trả về với không gian tĩnh lặng thường ngày.
ANH NGUYÊN
Cha Tịnh sáng tác nhiều, viết riêng cũng có và không ít bài viết chung với các nhạc sĩ Ðinh Văn Trung, Phạm Liên Hùng, Nguyên Kha. Một số tác phẩm nổi bật có thể kể đến: Ánh huy hoàng Thánh phụ (Thánh Thi kinh chiều lễ Giáng Sinh), Thánh Thi Nào Ca Hát (Pange Lingua), Toàn thân con là của Mẹ, Thánh Thi Ngôi Lời Chúa, Ðời con như lá thu vàng… |
Nguồn tin: Báo Công Giáo & Dân Tộc