Gương điển hình

Cách tri ân đặc biệt với các anh linh liệt sỹ ở một vùng giáo ven biển

Cập nhật lúc 16:22 25/07/2009

 

Đó còn là một vùng quê Công giáo có giáo xứ Thịnh Long (thuộc giáo phận Bùi Chu), một giáo xứ mà gần như 100% tham gia làm kinh tế biển kết hợp làm du lịch. Nơi mà nhiều năm qua, đặc biệt là đầu năm ngoái nhiều gia đình trở nên khá giả nhờ đánh bắt đặc sản sứa đỏ và cuối năm lại trúng đậm về đánh bắt cá khoai, nhiều gia đình có thu nhập từ 4-5 triệu đồng/buổi; cái hay là phương tiện đầu tư thật đơn giản chỉ là chiếc mủng tre đan và những tấm lưới cước đơn giản không phải đầu tư là bao; có những giáo dân đánh bắt tận hăm tám- hăm chín Tết và vừa mới mồng hai đầu xuân đã có giáo dân “ra quân” đánh bắt tiếp... Tuy nhiên, trong bài viết này tôi không chọn để viết về kinh tế biển, tôi viết về cách tri ân đặc biệt của họ với các anh hùng liệt sỹ, với những người đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Đây là một mô hình mới, hay, sâu sắc… cần nhân rộng.
Cách làm được đánh dấu từ ngày 27/7 năm vừa ngoái (2008), cha xứ Thịnh Long Giuse Hoàng Văn Tuấn, tổ chức các đoàn hội và bà con giáo dân trong giáo xứ ra thăm viếng và tham dự thánh lễ cầu hồn cho các anh linh liệt sỹ cả lương lẫn giáo, tại nghĩa trang thị trấn. Nghĩa trang thị trấn Thịnh Long có tổng số liệt sỹ an nghỉ là 240, trong đó có 24 liệt sỹ là người Công giáo, có những gia đình Công giáo có đến hai liệt sỹ như gia đình cụ Soạn. Buổi lễ cầu nguyện được xem là buổi lễ đầu tiên tại vùng giáo (tám giáo họ có tám vòng hoa kính viếng), thể hiện niềm tri ân đặc biệt với các Anh hùng liệt sỹ, thương binh,với đạo với đời. Qua nghĩa cử cao đẹp trên càng tăng thêm tình cảm giữa các chức sắc, chức việc với các ban ngành xã hội, đặc biệt làm tăng thêm tình cảm, nghĩa vụ, trách nhiệm của thế hệ trẻ với quê hương, đất nước; tự hào thế cha anh là người Công giáo cũng đã có người ngã xuống vì nền độc lập cho Tổ quốc... Cũng vì thế mà trong dịp Noel năm 2008, bên cạnh các đoàn hội trong giáo xứ, còn có cả ban Văn hóa xã, tổ dân phố, các cháu mẫu giáo, thanh niên nam nữ ... tôn giáo bạn cũng đến chia vui, chúc mừng, giao lưu biểu diễn văn nghệ mừng Chúa giáng sinh thật quy mô. Phía bà con giáo dân như cởi tấm lòng được tôn giáo bạn đến chung vui chia sẻ; thanh niên tôn giáo bạn và các bậc cha mẹ đều nhận thấy một diễn đàn vui vẻ, lành mạnh nên tham gia.
Kế thừa cách làm tốt đẹp từ năm ngoái, kỉ niệm Ngày Thương binh- Liệt sĩ năm nay (linh mục xứ tổ chức vào đúng 8 giờ sáng ngày 27/7, tức thứ Hai), sẽ được tổ chức trang trọng hơn, qui mô hơn, có sự tham dự của đại diện Uỷ ban TƯ. MTTQVN, Uỷ ban Đoàn kết Công giáo VN và đại diện các ban ngành địa phương. Nét đặc biệt của năm nay là có sự tham dự của 5 linh mục trẻ đã từng phục vụ tại quân ngũ. Cụ thể là linh mục Giuse Hoàng Văn Tuấn- chánh xứ Thịnh Long từng tham gia chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Bắc; linh mục: Giuse Phạm Văn Tứ- hạt Trưởng Tứ Trùng, kiêm chánh xứ Phương Chính; linh mục Giuse Trần Văn Phán- chánh xứ Long Châu; linh mục Giuse Mai Hồng Châu- quản lí Toà Giám mục Bùi Chu; và đặc biệt có linh mục Vinh sơn Nguyễn Đức Hiệp- Phó Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo VN, nguyên chánh xứ Thịnh Long, nguyên đại biểu Quốc Hội các khoá IX, X… Linh mục Nguyễn Đức Hiệp được biết đến nhiều qua những hoạt động tiêu biểu trong phong trào “Tốt đời đẹp đạo”, là linh mục nghĩa phụ của hai linh mục Tuấn và linh mục Châu. Hiện linh mục Nguyễn Đức Hiệp đã nghỉ hưu tại nhà nghỉ hưu dưỡng của Toà Giám mục Bùi Chu (tại Thịnh Long) theo giáo luật; linh mục Hiệp đã và đang làm Chủ tịch Uỷ ban Đoàn kết Công giáo tỉnh Nam Định nhiều khoá… Nghi thức diễn tiến trong ngày tri ân năm nay: Các linh mục, các hội đoàn của tám giáo họ thuộc ba xứ: Thịnh Long, Trung Châu và Phú Hoá rước (nghi thức Công giáo) từ nhà thờ giáo xứ Thịnh Long ra nghĩa trang liệt sĩ thị trấn; đại diện chức việc nhà xứ có lời tri ân các anh hùng liệt sĩ; bốn đội nhạc đồng đồng loạt tấu lên, toàn thể toả đi thắp hương cho các anh hùng; kết thúc bằng thánh lễ đồng tế cầu nguyện tại nghĩa trang do linh mục Tuấn chủ sự, linh mục Châu phụ trách bài giảng.
Nam Định không chỉ nổi tiếng trong lịch sử là nơi đầu tiên đạo Công giáo được truyền vào Việt Nam, mà kể cả ngày nay, nét sống đạo của người Công giáo Nam Định vẫn nổi tiếng với nhiều mô hình hay, cách làm mới, trong đó có sự đóng góp đáng kể của người Công giáo Hải Hậu. Trong kháng chiến chống Mỹ, cả nước có bốn anh hùng LLVT là người Công giáo, riêng ở Hải Hậu đã có hai anh (anh Giuse Đỗ Văn Chiến và Giuse Nguyễn Quang Hạnh… cũng là hai thương binh); đài liệt sỹ cấp huyện tại Hải Hậu hiện nay được thiết kế quy mô, đẹp nhất toàn quốc. Sau giải phóng Miền Nam, Nam Định có nhiều Chủ nhiệm hợp tác xã là người Công giáo có nhiều cách làm sáng tạo về bèo hoa dâu nhất miền Bắc, cung cấp lượng phân bón hữu cơ đáng kể cho nông nghiệp... Trong những năm gần đây, giới Công giáo quyết tâm không để ma tuý tấn công con em mình, đã kết hợp, ghi nhận sự giúp đỡ của MTTQ, Công an tỉnh… xây dựng xứ họ không ma tuý, không tội phạm- theo đánh giá của cơ quan bảo vệ pháp luật tỉnh, hiện 657/657 giáo xứ, giáo họ chưa có người phạm tội đặc biệt nguy hiểm; đồng bào Công giáo ven biển tham gia tích cực vào bảo vệ biên giới, biển đảo.
Cách tri ân đặc biệt của linh mục Tuấn chánh xứ Thịnh Long và các linh mục trẻ đã từng là người lính là một cách sống đạo sáng tạo, đặc sắc… cần được nhân rộng trong đồng bào Công giáo cả nước. “Gián tiếp giáo dục thế hệ trẻ lòng yêu nước, biết đến công lao của thế hệ cha anh đã ngã xuống để có ngày nay”- linh mục Tuấn tâm tình.
Vũ Thành Nam
Thông tin khác:
NGHỊ QUYẾT (24/07/2009)
KINH NGHIỆM CỦA NHỮNG NGƯỜI XỬ DỤNG LIỆU PHÁP NHAI DẦU ( LPND ) (21/07/2009)
BÁO CÁO SƠ KẾT (24/07/2009)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log