Lê Tấn Phát tìm thấy niềm vui trong những mô hình xe |
1. Ngôi nhà giản đơn Phát đang ở
, từ ngoài sân đã lỉnh kỉnh đủ thứ, không khác lắm một gánh ve chai, nào là ống nước, dây điện, vỏ xe…; nào là sơn, màu
, giấy, gỗ…; và cũng rất nhiều cờ-lê, mỏ-lết, tút-vít đan xen lộn xộn; cùng vô số những thứ vụn vặt không tên. Nhà bề bộn như vậy là vì trước khi có thể kiếm tiền từ chuyện bán các loại xe mô hình do mình làm ra, Phát từng mưu sinh qua ngày bằng nghề sửa xe đạp, bơm vá xe máy.
Cái cột mốc “trước khi” mới nhắc chỉ cách đây hơn hai năm thôi, nếu lấy thời điểm nó làm ra chiếc xe mô hình đầu tiên và bán được 250 ngàn
. Ông Lê Bá Phước, chú ruột của Phát kể:
“Từ lúc mới sinh Phát đã không nghe và không nói được, cũng không thể chữa trị. Tuổi thơ tật nguyền, lại là anh lớn trong nhà, Phát vất vả nhưng luôn tỏ ra lạc quan, chăm chỉ làm những việc trong khả năng của mình để phụ giúp cha mẹ. Không có điều kiện đi học, không biết viết nên nó chỉ còn cách trao đổi với mọi người bằng ngôn ngữ ký hiệu, mà cũng là theo cảm tính chứ không bài bản lớp lang gì cả, do có học trường khiếm thính ngày nào đâu. Mấy năm gần đây, ai đó cho cái “điện thoại quẹt” cùi cùi, dù không thể nghe hay đọc chữ, nhưng lại là niềm an ủi lớn của thằng nhỏ. Nó coi hình, biết chuyện Đông chuyện Tây trên thế giới nhờ cặp mắt và cảm quan cá nhân, kiểu chắp nối rồi suy luận. Tất nhiên là nhiều cái biết đó, thấy đó nhưng chẳng hiểu mô tê gì cả. Và, có lẽ cũng nhờ xem được nhiều thứ liên quan đến sở thích tìm tòi, lắp ráp của mình mà Phát có hứng thú chế tạo xe mô hình. Lúc đầu là làm chơi, sau có người hỏi mua thì bán, thấy “sống được” nên lại càng đam mê hơn…”.
2.
Cuộc sống của đứa trẻ thiệt thòi này, theo người nhà cho biết thì 20 năm qua gần như có rất ít bạn bè. Lầm lũi một mình nên nó chỉ bầu bạn với mấy món đồ điện, máy móc đã hư xin được đâu đó về ngồi tháo lắp, mày mò tìm niềm vui. Người nhà cũng không để ý và để cậu bé tùy nghi với đam mê riêng, vậy mà nhiều lần nó xào xếp “lấy cái lành của món kia ráp vô chỗ hư của món nọ” kiểu gì mà thành ra cái hoạt động được. Chỉ vậy thôi mà đôi khi vui cả tuần lễ. Ngay công việc trở thành thợ sửa xe đạp cũng do Phát tự tìm tòi
, lần hiểu tất cả các chi tiết của xe và đồ nghề sửa chữa. Sau đó là… hành nghề, kiếm đôi ba đồng tiêu vặt.
Phát khó nhọc ra dấu, rồi nhờ thêm người nhà “thông dịch, hiệu đính”, kể lại đoạn thời gian khoảng hơn hai năm trước, khi bước đầu làm ra chiếc xe mô hình
. Thật ra không có gì là ghê gớm hay khác biệt so với ngày cũ, thì cũng chỉ là những vật liệu lượm về, cũng là mải mê hàn hàn gắn gắn, sắp đặt như bao lần. Khác chăng là lần đó nó quyết tâm làm cho được mấy cái xe nhìn thấy trên mạng, những chiếc vespa hay honda 67, 72 của những ngày xưa lắm rồi, nay gần như chỉ còn trong ký ức của người lớn, nhưng lại là sự mới lạ của đứa bé tật nguyền 18 tuổi lúc ấy.
Với cách quan sát tinh tế, khiếu thẩm mỹ trời phú, cộng với sự cần mẫn và tỉ mỉ, trong niềm đam mê lớn lao, không ngờ Phát đã khéo léo tạo ra được những mô hình xe. Ai thấy cũng không ngớt lời tán thưởng vì các chi tiết rất giống thật và lại tinh xảo, đẹp mắt. Một người biết rồi 10 người bàn, chuyện thằng bé câm làm được những chiếc xe mô hình từ đồ phế liệu nhanh chóng lan rộng. Địa phương đã khuyến khích em tham gia cuộc thi ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp tỉnh An Giang lần thứ 8 năm 2024, và dự án chế tạo xe mô hình từ vật liệu tái chế của Lê Tấn Phát đạt giải Khuyến Khích. Khỏi phải nói, người thân, hàng xóm, những người quen hoặc chưa quen mà chỉ mới nghe đến hoàn cảnh của em…, hết thảy đều hết sức vui mừng. Mừng không chỉ vì giải thưởng là sự ghi nhận, mà hơn hết là mừng vì sự miệt mài thực hiện đam mê, khát vọng của Phát đã thành tựu. Và thấp thoáng đâu đó, có những gợi ý tốt lành
“nói thằng nhỏ làm bán đi, biết đâu nghề này đem lại tương lai cho cuộc đời nó”. Mỗi chiếc xe đều có nhiều chi tiết nhỏ phức tạp |
3.
Cũng lạ, như một cơ duyên trong đời, từ ngày được nhiều người biết đến, Phát bận rộn hơn bởi những đơn hàng từ nhiều nơi đổ về. Phát ra dấu, nói đây là áp lực nhưng cũng là động lực để bản thân cố gắng và sáng tạo hơn trong từng sản phẩm. Theo ông Phước - chú của Phát - thì em phải mất khoảng 4-5 ngày mới hoàn thành được một chiếc xe, bởi “nó kỹ tính lắm, chăm chút từng li từng tí, chưa vừa ý là tháo ra trau chuốt lại…”. Có một điều đặc biệt nữa là ngoài những mẫu xe cổ như honda 67, 72 hay vespa kể ở trên, Phát còn nhận làm xe theo yêu cầu của khách hàng, chỉ cần gởi mẫu là em sẽ làm giống hơn 80%, nào là Cup 50, Cup 70, Dream, môtô phân khối lớn... Do đó mà nhiều người có chiếc xe ưng ý, muốn có mô hình làm kỷ niệm, đã nhờ Phát thực hiện. Mỗi chiếc xe kích cỡ vào khoảng 28cm chiều dài, 18cm chiều cao, Phát lấy công từ 300-500 ngàn đồng, tiền vật liệu gần như không đáng kể. Vị chi thu nhập mỗi tháng của em tròm trèm 3 triệu, dễ dàng sống ở nhà quê. Thỉnh thoảng có người nhận hàng ưng bụng, lại cho thêm, Phát cất để dành phòng thân. Khá ổn.
Tôi thật sự “mê mệt” với những chiếc xe bé xíu Phát làm ra. Mê những cọng dây điện có vỏ ngoài màu đỏ màu đen được uốn thành khung thành sườn, những con ốc chụp dùng làm cốp, những cọng inox làm ghi-đông, những thanh mút nhỏ được hơ lửa cho co lại rồi sơn đen làm yên xe… Tạo hóa như trả đền cho Phát sự thiệt thòi trong nghe nói bằng bàn tay tài hoa và sự cần mẫn khó ai bì. Thường Phát sẽ làm một loạt nhiều chiếc cùng chủng loại. Sau khi tạo khung, làm sườn sẽ gắn yên và bổ sung các chi tiết nhỏ khác, sau cùng là sơn màu theo ý thích và gắn biển số. Từng công đoạn được gia công cẩn thận, từ phần khung, đệm, bánh, động cơ đến hệ thống đèn chiếu sáng. Xe có thể di chuyển phần bánh xe một cách linh hoạt.
Nhìn vóc người gầy gò cùng mớ đồ nghề cõng niềm đam mê bản thân của Phát, tôi nhận ra ở đó cũng lấp lánh những gam màu tươi sáng. Những gam màu ước mơ, những gam màu khát vọng, những mảng long lanh đang phủ dần góc còn lu mờ vô lối hôm qua. Phát đang có nền tảng, động lực để bước lên phía trước, để thực thi được điều bao năm đọng mãi trong trái tim chàng trai đang trưởng thành nhưng vướng quá nhiều trở ngại do “lực bất tòng tâm”: “Làm gì để tự lực cánh sinh, để phụ giúp gia đình, để cùng cha mẹ nuôi em?. Giờ thì em có quyền hy vọng.
Tôi hỏi Phát câu cuối cùng: “Với nghề nghiệp vừa hình thành và xã hội ghi nhận, hiện em có cần chia sẻ thêm điều gì?”. Em ra dấu nhờ chú mình chuyển ngữ: “Khách đặt hàng là đang nuôi sống em, em cảm ơn nhiều. Có một số cô chú, anh chị ở xa gởi tặng máy móc, thiết bị, đồ nghề để em thuận lợi hơn trong công việc, em rất biết ơn”.
MINH HẢI
Nguồn cgvdt.vn