Người mục tử đất Quảng |
Cha Bênêdictô Nguyễn Tấn Khóa sinh 31/10/1935 tại Quảng Nam, Đà Nẵng. Ngài nguyên là Hạt trưởng giáo hạt Tam Kỳ, chánh xứ Tam Kỳ; Quản nhiệm giáo họ Tam Mỹ (xã Tam Mỹ Ðông, huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam). Cùng với nhiều anh em linh mục, cha đã chấp nhận dấn thân phục vụ đồng bào Công giáo theo một cách riêng của mình là: tích cực tham gia vào hoạt động đồng hành cùng dân tộc, trong vai trò là Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VI, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam khóa VII;, Ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng khóa I và II; Ủy viên UBÐKCG Việt Nam khóa I, II, III, Chủ tịch UBÐKCGViệt Nam khóa IV, Chủ tịch Ủy ban Ðoàn kết Công giáo Việt Nam tỉnh Quảng Nam - Ðà Nẵng khóa I và II; đại biểu HÐND tỉnh Quảng Nam khóa VI; đại biểu Quốc hội khóa XI.
Với 49 năm linh mục, gần 40 năm ngài mục vụ tại Tam Kỳ (Quảng Nam), với biết bao hy sinh và lòng khiêm nhường để đem tình thương của Chúa đến với mọi người. Cha lắng nghe tâm tư nguyện vọng của bà con, làm chứng nhân cho tình thương của Chúa Kitô, ở đó biết bao người đã nhận ra Chúa Kitô là Đường, là Sự thật và là sự sống.
Trong cương vị là Hạt trưởng, cha nỗ lực để qui tụ nhóm tín hữu sống rải rác hình thành những giáo họ mới, mời gọi giáo dân tham gia công tác tông đồ, dạy giáo lý và đào tạo nhân sự; thăm viếng mục vụ và cử hành Bí tích ở giáo xứ, nhất là tại những nơi đang gặp nhiều khó khăn về đức tin.
Nhận thấy cuộc sống của bà con giáo dân còn vất vả, lam lũ, ngài chủ chương xóa bỏ các tục lệ tốn kém như: “vô tửu bất thành lễ” ), “đầu trọng nọng hèn” (phải có rượu bánh, đầu heo biếu cha sở khi làm lễ hôn phối)… Cha đã làm tròn bổn phận của người mục tử, giúp kẻ khó, kẻ liệt không kể thời gian, điều kiện ra sao? Cha cùng vui, cùng buồn, giúp bà con trải qua vất vả mưu sinh. Đầu năm 1968, chính cha đã thành lập Ban tiếp cư và quản trại Phước Hà để giúp đỡ giáo dân chạy tị nạn, lo cho họ từng bữa ăn, giấc ngủ.
Câu chuyện về trại tị nạn Phước Hà đến nay nhiều người còn nhớ. Đó là khi nghe tin có đoàn kiểm tra của Bộ Xã hội đến thăm, cha đã cho treo biển lùi giờ phát sữa để đoàn được tận mắt thấy số lượng người đến xin sữa, trưng bày sổ sách ghi chép cẩn thận, khu nấu sữa, sạch sẽ đảm bảo vệ sinh. Những việc làm đó đã khiến đoàn kiểm tra thán phục, quyết định tặng thêm rất nhiều bánh sữa, đồ dùng giúp đỡ bà con trong trại và các vùng lân cận. Cũng nhờ tài trí của ngài, Bề trên giáo phận điều ngài về Tòa Giám mục làm Quản đốc Nhà máy nước đá. Trong vai trò quản đốc, cha nghiên cứu, tìm ra nguyên nhân thua lỗ và đưa ra biện pháp khắc phục. Dần dần, nhà máy đi vào hoạt động ổn định, thu nhập của công nhân cũng nhờ vậy mà được cải thiện. Cha còn cho thực hiện chế độ khoán để khuyến khích công nhân làm việc có hiệu quả, cải thiện đời sống.
Với ai từng được tiếp xúc với cha Bênêdictô thì ấn tượng đầu tiên chắc hẳn là khuôn mặt hiền lành với nụ cười tủm tỉm, dễ mến; đôi mắt trầm tư nhưng luôn ánh lên sự thông minh, hài hước. Ngay cách nói chuyện, cha cũng luôn pha nhiều câu nói đùa khiến người đối diện quên đi sự căng thẳng, mệt nhọc. Trong tập hồi ký kỷ niệm 45 năm linh mục, tự tay ngài đã chú thích những bức ảnh rất hài hước nhưng không làm vơi đi thông điệp muốn gửi gắm như: “Bạn đồng lớp mà đã ra đi trước”, “chương trình ra đi có trật tự”, “vui buồn có nhau”…
Quý Đức cha cùng cộng đoàn đang dâng hương trước bàn thờ cha cố Bênêđictô. Ảnh: Nguyễn Sam |
Khi là Uỷ viên Uỷ ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cha có điều kiện tham gia đóng góp nhiều dự thảo luật, trong đó có Luật Người khuyết tật khẳng định quyền và nghĩa vụ của người khuyết tật; trách nhiệm của Nhà nước, gia đình, xã hội đối với người khuyết tật; từng bước luật pháp hóa các quan hệ chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và các chính sách liên quan đến người khuyết tật, tạo môi trường pháp lý, điều kiện và cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với người khuyết tật.
Là người đứng đầu tổ chức Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam, cha xác tín rằng: “Tôi là linh mục không có chức tước gì lớn trong Giáo hội Công giáo, song tôi chỉ là người đại diện cho giới Công giáo Việt Nam trong khối đại đoàn kết dân tộc... Ủy ban chúng ta phải có hoạt động thật xứng đáng là những người Công giáo tiêu biểu chân chính, hội nhập vào xã hội hiện tại, đồng hành cùng dân tộc, với phương châm sống tốt đạo, đẹp đời”.
Với những đóng góp to lớn xây dựng củng cố vào sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc, cha đã được Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Ðộc lập hạng Ba, Huân chương Ðại đoàn kết dân tộc.
Với 79 năm làm con Chúa, 49 năm linh mục, cha Bênêdictô đã hoàn tất sứ vụ loan báo Tin Mừng nơi trần thế, Chúa nhật ngày 14/4/2013 cha đã được Chúa đón rước về quê Trời trong niềm thương của những người người ở lại.
Hẹn gặp lại cha Bênêdictô trên Nước Trời!