Gương điển hình

Nữ tu dòng Ảnh Phép Lạ ở Kontum phục vụ người dân tộc thiểu số

Cập nhật lúc 11:52 04/07/2018
Ngày 27/11/2017, tại nhà thờ Chính tòa giáo phận Kontum, dòng các nữ tu Ảnh vảy Phép Lạ, hội dòng duy nhất ở Việt Nam dành cho các người nữ thuộc các sắc tộc thiểu số ở Việt Nam, đã kỷ niệm 70 năm thành lập.
Dòng Ảnh vảy Phép lạ được Đức cha người Pháp Gioan Sion Kham, Giám mục Kontum, thành lập năm 1947 tại miền cao nguyên Việt Nam, để đưa Kitô giáo đến với những nhóm dân thiểu số. 
 
Dòng Nữ tu Ảnh vảy Phép Lạ  có 153 nữ tu thuộc 8 nhóm sắc tộc khác nhau, chăm sóc và cung cấp chỗ ăn ở, chăm sóc sức khỏe và giáo dục cho 800 trẻ em mồ côi và khuyết tật tại 6 trung tâm. Các sơ dòng Ảnh vảy Phép lạ cũng điều hành các cư xá dành cho các sinh viên học sinh của những làng xa xôi. Các sơ dạy giáo lý cho các phụ nữ người dân tộc và giáo dục trẻ em làm người Công giáo tốt. Các sơ cũng hoạt động chăm sóc mục vụ cho các giáo xứ và làng mạc và trồng trọt để tạo thu nhập cho cộng đoàn. Đặc biệt, các sơ giúp các nhóm sắc tộc gìn giữ văn hóa và truyền thống của họ đang dần bị mai một. Dạy các phụ nữ cách may trang phục truyền thống, chơi các loại nhạc cụ dân tộc và sử dụng các loại thuốc từ cây cỏ để chữa bệnh.

Ya Catherine Y Dem. Trong tiếng Bana, ya có nghĩa là nữ tu. Sơ Y Dem thuộc sắc tộc Sê đăng, tỉnh Kontum. Học hết cấp 2, Y Dem phải nghỉ học vì gia đình không thể chi trả học phí cho cô. Năm 1999, một nữ tu có họ hàng với Y Dem đã mời cô chăm sóc cho các trẻ mồ côi tại một trung tâm. Y Dem yêu thương các trẻ em sống trong tình cảnh nghèo khổ và vì thế cô đã muốn tận hiến đời mình để phục vụ các em. Năm 1995, khi Y Dem 27 tuổi, cố được nhận vào nhóm các người nữ tìm hiểu đời sống tu trì. Đây là nhóm đầu tiên mà dòng Ảnh vảy Phép lạ triệu tập sau năm 1975. Vào thời gian đó, dòng chỉ có 58 nữ tu cao niên, vì các làng người dân tộc sống trong hoàn cảnh vô cùng nghèo khổ và không quan tâm nhiều đến việc cho con em mình vào dòng. Y  Dem cùng với 8 chị em khác được khấn lần đầu vào năm 2001.

Hiện nay sơ Catherine Y Dem đang phụ trách xưởng dệt của dòng. Sơ Y Dem chia sẻ: “Chúng tôi dạy kỹ năng dệt cho các phụ nữ trẻ dân tộc như là cách để bảo vệ kỹ năng dệt truyền thống, đó là một phần của cuộc sống của người dân tộc. Chúng tôi cũng sản xuất trang phục dân tộc, túi xách, ví và các đồ lưu niệm khác với thổ cẩm truyền thống dân tộc. Chúng tôi cũng cung cấp các đơn đặt hàng đặc biệt cho du khách. Tôi hạnh phúc đóng góp vào việc phục vụ của dòng và phục vụ những dân làng của chúng tôi”.

Ya Marie Gérard Grier cũng thuộc sắc tộc Sê đăng, sinh năm 1991. Trong thời gian đi học, Grier trú ngụ trong cư xá do các nữ tu dòng Ảnh vảy Phép Lạ điều hành. Sau khi học xong trung học, Grier gia nhập dòng và được khấn lần đầu vào năm 2015. Sơ Grier chia sẻ: “Chúng tôi phục vụ 80 học sinh dân tộc đến từ các làng xa xôi trong ký túc xá cạnh nhà thờ Chính tòa. Các em học ở các trường địa phương. Chúng tôi dạy các em giáo lý, Thánh kinh và các kỹ năng sống cũng như giúp các em ôn bài học ở trường. Chúng tôi cũng trồng rau cho các bữa ăn hàng ngày. Chúng tôi dạy học sinh chơi cồng chiêng và các nhạc cụ dân tộc truyền thống khác và biểu diễn các vũ điệu truyền thống để phục vụ các sự kiện tôn giáo được tổ chức tại nhà thờ. Các học sinh rất yêu thích âm nhạc…”.

Sơ Grier cũng chia sẻ những khó khăn trong sứ vụ, sơ nói: “Chúng tôi phải cố gắng để bảo vệ trẻ em khỏi bị nghiện game trên vi tính và lơ đãng việc học hành. Chúng tôi muốn các em có một cuộc sống tốt hơn trong tương lai. Tôi là một nữ tu trẻ nên tôi còn rất nhớ nhà. Các phụ nữ dân tộc thường có mối liên hệ mật thiết với gia đình và làng quê của họ và không bao giờ sống xa nhà xa làng. Tôi phó dâng cuộc sống của tôi cho Chúa, do đó điều tôi có thể làm là cầu nguyện cho gia đình tôi được bình an”.

Ya Louis Y Eu là một người thuộc dân tộc Jolon và 78 tuổi. Sơ Y Eu cho biết: “Khi còn là một đứa trẻ, tôi đã muốn vào dòng, nhưng mẹ tôi không đồng ý vì tôi chưa từng đi học. Tôi nói với mẹ tôi: “Con sẽ vào dòng và các sơ sẽ dạy con cách đọc và viết”. Sau đó, tôi xin các nhà truyền giáo người Pháp ở địa phương nói giúp để mẹ tôi cho phép tôi gia nhập dòng và mẹ tôi đã đồng ý. Khi tôi 20 tuổi, tôi gia nhập dòng và phải làm việc cách kiên nhẫn tại xưởng dệt 3 năm. Tôi kiên trì cầu nguyện với Chúa cho việc học của tôi và rồi tôi đã được học căn bản. Tôi đã phụ trách xưởng dệt trong nhiều chục năm cho đến khi tôi nghỉ hưu vào năm 2017”.

Sơ Y Eu kể tiếp: “Tôi dùng các quần áo cũ để may thành quần áo mới cho các người dân làng nghèo. Trong những tháng gần đây, tôi đã không làm được gì vì tôi bị đau chân. Tôi cảm thấy thật đau lòng khi người dân làng nói với tôi là họ không có quần áo. Khi tôi còn trẻ, các chàng trai yêu thương và gửi thư tình cho tôi. Đó là đã lâu lắm rồi. Tôi đã và đang theo Chúa. Năm ngoái tôi đã mừng 50 năm khấn dòng, tạ ơn Chúa..
 
Ngọc Yến
Thông tin khác:
“Nhà cho Chúa” dành cho trẻ em mồ côi ở Nigieria (03/07/2018)
Dòng Đức Mẹ Lên Trời mở cửa lưu xá đón Sinh Viên Nam (25/06/2018)
Những ơn gọi lạ kỳ (14/06/2018)
Một gia đình bỏ hàng chục tỉ đồng xây khách sạn cho người vô gia cư (13/06/2018)
Ông cha "hốt rác" (08/06/2018)
Người đi gieo hạt ở Doi Lầu (23/05/2018)
Giáo dân tốt cũng là công dân tốt (09/05/2018)
Thần đồng William Maillis (08/05/2018)
Vị tướng bản lĩnh và khiêm nhường (08/05/2018)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log