Gương điển hình

Rộng mở yêu thương với những sinh linh bé nhỏ

Cập nhật lúc 14:00 14/02/2020
Đến nhà ông Phúc, bạn không thể phân biệt được ai là con nuôi con đẻ. Ảnh: Nguyễn Chung
Đến nhà ông Phúc, bạn không thể phân biệt được ai là con nuôi con đẻ. Ảnh: Nguyễn Chung
Có những sinh linh bé nhỏ, vì điều kiện đặc biệt của cha mẹ mà phải chia lìa sự sống trước khi ra đời. Bằng lòng thương yêu rộng mở, ông Tống Phước Phúc gom nhặt những thai nhi bị bỏ đi ấy, chôn cất tử tế suốt bao năm qua. Đến giờ, khu nghĩa trang của ông đã có hơn 20 nghìn nấm mộ nhỏ. Cùng với việc âm thầm chôn cất xác thai nhi, ông Tống Phước Phúc quyết định nhận nuôi dưỡng những bà mẹ lỡ lầm và những đứa trẻ bị bỏ rơi. 

Khu vườn của những thiên thần

Khu nghĩa trang của những thai nhi không có vẻ gì là cô quạnh. Xen giữa những ngôi mộ nhỏ được xây dựng ngay ngắn, là những hàng cây xanh tỏa bóng. Nhiều loài cây đơm hoa khoe sắc. Nhìn xa, không khác gì một công viên. Ông Tống Phước Phúc gọi đó là khu vườn của những thiên thần.

Hơn 15 năm trước, ông Phúc đưa vợ đến bệnh viện sinh con. Tại đây, ông chứng kiến nhiều cô gái trẻ xếp hàng trước khoa sản chờ phá thai. Trong lòng ông day dứt mãi. Và rồi, khi đã mẹ tròn, con vuông, trong niềm vui của cá nhân, ông chạnh lòng chứng kiến người ta bỏ lại một xác thai nhi bên gốc cây ở bệnh viện, chỉ cắm một nén hương. Những tình cảm trào lên trong lòng. Phải làm gì đó để đem đến niềm an ủi cho những sinh linh bé nhỏ không may phải lìa đời khi chưa kịp sinh ra. Đó cũng là khi ông quyết định gom những thai nhi về chôn cất.

Những năm ấy, người ta chưa biết ông Phúc là ai. Chỉ biết một người đàn ông đứng tuổi, đến các bệnh viện xin… xác thai nhi về. Thật kỳ quặc. Thứ mà người ta đã tìm cách bỏ đi, lại có người gom góp. Có những bác sĩ, điều dưỡng thấy lạ, nghĩ ông Phúc làm điều gì mờ ám. Nhưng sau biết mục đích, mọi người mới cảm thông, chia sẻ với tấm lòng của ông. Số thai nhi cứ ngày một tăng lên. Ông Phúc dành dụm tiền mua miếng đất đồi để có nơi chôn cất các bé. Ông Phúc vốn sống bằng nghề thợ xây. Vợ ông buôn bán nhỏ, kinh tế không lấy gì làm dư dả. Bởi vậy, khi thấy ông Phúc làm cái việc kỳ lạ này, nhiều người bảo ông là dạng “vô công, rồi nghề”, hay là “khùng”. Dư luận thế nào ông cũng mặc. Miệt mài như thế qua năm tháng. Những ngôi mộ nho nhỏ cứ nối nhau tỏa ra khắp khu đất đồi ông mua được.

Cứu vớt những mảnh đời 

Một lần, ông Phúc chứng kiến một cô gái trẻ đến tìm mộ con trong nghĩa trang của ông. Ông tự nhủ: “Nếu mình chỉ chôn cất thai nhi như thế này mãi, thì không làm được gì để cứu vớt sự sống cho các bé”. 

Sau lần ấy, ông lại tự “mua thêm việc” vào mình. Ông Tống Phước Phúc quyết định nhận nuôi dưỡng những bà mẹ lỡ lầm và những đứa trẻ bị bỏ rơi. Ông Phúc đã đến những bệnh viện, nhà hộ sinh, để tâm sự nhẹ nhàng với những bà mẹ đang suy sụp tinh thần, đứng trước ý định cắt bỏ phần ruột thịt máu mủ. Ông từng động viên một cô gái rằng gia đình ông sẽ nuôi đứa trẻ cho đến khi cô đủ điều kiện nhận lại, để ngăn cô không phá thai. Kết quả là cô gái ấy theo ông về nhà, được vợ chồng ông chăm sóc cho đến khi mẹ tròn con vuông. 

Từ đó đến nay, mỗi khi gặp những trường hợp “bụng mang dạ chửa” trong cảnh éo le, ông Phúc lại sẵn sàng cưu mang. 15 năm qua, vợ chồng ông đã giúp hơn 250 bà mẹ lầm lỡ tá túc tại nhà mình, chăm sóc như người thân. “Có những bé vừa sinh ra còn đỏ hỏn thì mẹ bé đã bỏ đi. Nhưng mình tự an ủi là dù sao cũng đã cứu vớt được một bé thơ, đem lại cho bé một sự sống. Và vẫn luôn tin rằng, một ngày nào đó mẹ bé sẽ quay lại đón bé về”, ông Phúc nói. Lại có những cô gái sinh xong, bỏ đứa con đi. Ông nhận về. Ít ngày sau, tình mẫu tử sống dậy, họ đến xin lại con. Được làm sợi dây kết nối tình mẫu tử khiến ông hạnh phúc. Đã không ít lần, ông Phúc dẫn những cô gái có ý định hủy thai đến “khu vườn của những thiên thần” - nơi chôn cất hàng chục ngàn xác thai nhi, để những người mẹ lầm lỡ dũng cảm hơn, thương con mình nhiều hơn, thấy có trách nhiệm với các bé.

15 năm qua, gia đình ông Phúc đã nhận nuôi dưỡng hơn 50 cháu bé bị bỏ rơi. Có thời điểm cùng lúc trong nhà số trẻ đông, ông đã liên hệ với nhà tình thương ở TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) cùng nuôi dưỡng. Những đứa trẻ mồ côi đều được lấy họ của bố nuôi. Con gái ông Phúc đặt tên Tâm, con trai đặt tên Vinh, chỉ khác nhau tên lót, được đặt theo các tên gợi mở để sau này, mẹ các bé quay lại sẽ tìm đúng con mình.

Ông Phúc cho biết: “Có những lúc phải chạy vạy vay mượn, ký nợ để mua sữa cho các bé. Về sau, thấu hiểu được việc làm của mình, các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã hết sức tạo điều kiện. Nhiều tấm lòng hảo tâm, các mạnh thường quân đã đến thăm hỏi, giúp đỡ các cháu, cùng chung tay với vợ chồng mình. Hiện nay, bằng sức lao động của mình, mình cũng nuôi thêm bò, heo, gà. Tất cả mình làm là dành cho các con. Một số bán lấy tiền mua sữa, đồ dùng cho các con, một số thì là nguồn cung đảm bảo bữa ăn đầy đủ chất cho các con được khỏe mạnh, phát triển bình thường”.

Từ chỗ bị coi là kỳ quặc, người dân trong vùng trìu mến gọi ông là người cha của hàng trăm đứa trẻ. Cũng có người bảo ông là người “viết lại trang đời” cho những số phận không may
PV
(Báo Người Công giáo Việt Nam)
Thông tin khác:
Dù liệt toàn thân, cha Manuel João vẫn lạc quan và yêu quý sự sống (13/01/2020)
Vinh danh nghĩa cử cao đẹp (09/01/2020)
Giám đốc với biệt danh "Kiều Rác" (27/12/2019)
Ấm áp những ngôi nhà tình nghĩa (26/12/2019)
Tri ân những gia đình đã tình nguyện hiến tặng mô, tạng (16/12/2019)
Phòng khám di động dành cho người nghèo (29/11/2019)
Một gia đình giáo dân neo đơn xin thoát nghèo (18/11/2019)
Một gia đình giáo dân vượt khó làm giàu (13/11/2019)
Nhà nông sáng chế (07/11/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log