Sau khi được truyền chức linh mục, cha được cử sang giúp xứ Nam Vang bên Campuchia 6 tháng rồi được gọi về làm mục vụ ở xứ Sơn Miêng suốt 10 năm. Đến đời Đức cha J.B Longer (tên Việt là Gia) chia xứ Kẻ Vồi làm hai thì cha Luca được cử coi sóc xứ Kẻ Sổ. Cha Luca ở đó cho đến ngày bị bắt.
Cha Luca có tiếng là đạo đức. Khi cha cầu nguyện, người ta như thấy cha xuất thần. Mắt cha ngước lên trời, hai tay lần hạt sốt sắng, không còn thấy gì bên cạnh nữa. Có lần, người phụ trách xứ muốn cha dâng lễ mau hơn để mọi người về còn đi làm. Cha bảo, sống ở trần gian đúng là phải lao động để sống, nhưng đến nhà thờ tham dự thánh lễ thì phải nghiêm trang, chu đáo, không thể vội vã được. Cứ xong lễ, cha còn quỳ đọc kinh cám ơn một lúc lâu mới trở về. Ăn uống của cha rất đạm bạc, đồ dùng chẳng có gì mới. Người giúp việc muốn bỏ đi những đồ cũ, cha can ngăn: Cái đó gắn bó với cha đã lâu, còn dùng được, đừng bỏ đi kẻo hoài. Vì vậy, Đức cha Chales Hubert Jantet (Khiêm) hết lời ca ngợi: Cha Loan là người đạo đức, thánh thiện, khôn ngoan, tôi chưa thấy ai có thể sánh được với cha.
Nhà thờ giáo xứ Chuôn Thượng. |
Ở Kẻ Vồi, có hai người đang bị án giam hậu là bá hộ Kiểng và ký lục Cang. Những người này muốn lập công nên trong lúc triều đình cấm đạo liền đưa người xuống Chuôn Thượng bắt cha Luca đưa đi trình quan. Bổn đạo thấy vậy liền ngỏ ý xin chuộc. Chúng đòi hai nghìn quan. Cha Luca bảo: Hai chục thì chúng tôi còn lo được, chứ hai nghìn chúng tôi kiếm sao cho đủ. Vả lại, bá hộ Kiểng và ký lục Cang muốn lập công với quan trên nên chúng cũng quyết không cho chuộc. Chúng còn tịch thu đồ lễ, áo lễ về làm bằng chứng. Có chuyện truyền rằng, một người nhà của bá hộ Kiểng thấy khăn lễ màu trắng định lấy làm khăn mặt, vừa đưa ra bể để giặt thì một tiếng nổ lớn làm vỡ cả bể nước, làm cho mọi người sợ hãi vô cùng. Tuy nhiên, vì muốn thoát tội, chúng vẫn giải cha Luca lên quan huyện Phú Xuyên, rồi đưa tiếp lên Hà Nội. Quan tỉnh Hà Nội mắng chúng thậm tệ vì đã ngược đãi một cụ già hơn 80 tuổi. Tuy nhiên, quan cũng không che giấu được mà phải tra khảo để làm án trình lên vua.
Quan lệnh giam cha vào ngục chờ lệnh xử của triều đình. Thấy cha già yếu nên lính canh cũng chỉ cùm nhẹ và không bắt đeo gông. Quan cũng cho phép người vào thăm cha. Nhiều giáo dân vào thăm cha và biếu quà bánh. Cha lại chia cho bạn tù và lính canh nên ai cũng quý mến cha. Có hai bà giáo dân ở Chuôn Trung và Chuôn Thượng xin cha làm di chúc để được mang xác cha về sau khi thi hành án. Cha bảo: Xác tôi là bùn đất, sau khi chết thì làm thức ăn cho giun dế, xin xác tôi làm gì? Nhưng họ cứ nằn nì: Cha được phúc tử đạo thì xác cha là báu vật, chúng con phải giữ gìn cho con cháu chúng con. Vậy là cha cũng phải ký vào di chúc họ đã soạn sẵn. Mấy tháng sau, cha bị bệnh hen suyễn nặng, thở khó khăn. Quan sợ cha chết trước khi lệnh xử tới, còn cha thì lo phải chết trước khi được làm chứng đức tin nên xin được có người nhà vào chăm sóc. Luật lúc đó, không được phép tử hình những người trên 60 tuổi nên họ khai rút tuổi của cha và cha cũng đồng ý xác nhận.
Cha Luca Vũ Bá Loan trước giờ bị xử trảm. |
Trước ngày xử trảm, một linh mục được phép đưa Mình Thánh vào cho cha Luca. Quan vẫn muốn cứu cha lần cuối nên đặt ảnh Chuộc Tội trên áo lễ để cha bước qua. Cha đã khước từ và án được thi hành ngày 5/6/1846. Xác cha được đưa về đặt ở xứ Kẻ Chuôn (Chuyên Mỹ, Phú Xuyên, Hà Nội ngày nay).
Ngày 27/5/1900, Đức Giáo hoàng Lêô XIII đã tôn phong ngài lên bậc chân phước và ngày 19/6/1988, Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô II nâng ngài lên hàng hiển thánh tử đạo Việt Nam.
BÍCH HẢI