Suy tư - Chia sẻ

Loan báo tin mừng

Cập nhật lúc 09:03 27/10/2017
Hôm nay, ngày Chúa nhật Truyền giáo, Hội Thánh muốn chúng ta suy nghĩ về việc đem Tin Mừng cứu độ của Chúa Giêsu Kitô đến những người chưa biết Chúa, để làm cho họ cũng trở nên môn đệ của Người.
Chúng ta biết ơn các vị Thừa sai đã đem Tin Mừng đến khắp nơi trên thế giới; cách riêng, các vị đã đem Lời Chúa đến với đất nước Việt Nam chúng ta. Chúng ta nhìn lại chặng đường ông bà ta đã đi qua, để lại cho chúng ta biết bao giá trị cao quí của đức tin. Thế hệ chúng ta phải là chứng tá sống động nối tiếp sứ điệp mà các vị Thừa sai đã gieo vào lòng đất này, ông bà ta đã kế thừa và truyền lại cho chúng ta.

Trước hết, truyền giáo là sứ mạng cao cả của Hội Thánh, tức là loan báo Tin Mừng cho tất cả mọi dân tộc, theo lệnh truyền của Chúa Giêsu. Như vậy, truyền giáo là giới thiệu niềm tin, tình yêu và niềm hi vọng của Hội Thánh vào Thiên Chúa Ba Ngôi; Đấng tạo dựng, hằng luôn yêu thương và cứu độ muôn người. Mục đích tối hậu của truyền giáo là làm cho muôn người được tham dự, hiệp thông trong Tình yêu giữa Ba Ngôi Thiên Chúa và làm cho Tin Mừng của Chúa Giêsu thấm nhập vào trong nền văn hoá các dân tộc. Mời gọi mọi Kitô hữu có bổn phận truyền giáo. Thế nhưng, việc truyền giáo dành riêng cho một số người có ơn gọi đặc biệt để thi hành sứ vụ này. Ngày nay, chúng ta được mời gọi tái Phúc Âm hoá cho nhiều nơi tại Âu - Mĩ.

“Chỉ khi chứng tá của chúng ta vui tươi, chúng ta mới lôi cuốn được người khác đến với Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha Phanxicô đã nói như thế với các tu sĩ của Hàn Quốc trong dịp viếng thăm nước này (13-18/8/2014). Ngài giải thích: “Và niềm vui này là một món quà được nuôi dưỡng bằng đời sống cầu nguyện, suy niệm Lời Chúa, cử hành các bí tích và đời sống trong cộng đoàn. Nếu thiếu những điều ấy, những yếu đuối và khó khăn sẽ xuất hiện và làm giảm đi niềm vui mà chúng ta đã cảm nghiệm rõ khi bắt đầu cuộc hành trình”. Vâng, người rao giảng Tin Mừng với khuôn mặt buồn sầu, thì ai sẽ tin vào lời chúng ta rao giảng. Để lời giảng của chúng ta được sinh hoa kết quả, chúng ta phải nên đồng hình đồng dạng với Đức Kitô, gắn kết với Ngài. Và mỗi chúng ta cần ý thức việc truyền giáo là của Chúa Thánh Thần, còn chúng ta là những sứ giả Tin Mừng, chỉ là những khí cụ, những con người được diễm phúc được mời gọi để cộng tác vào sứ mạng cao cả này thôi. Bởi lẽ, chính Chúa Giêsu cũng đã được Thánh Thần xức dầu để rao giảng Tin Mừng Cứu độ.

Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu - bổn mạng các xứ truyền giáo, chị không đặt chân đến một nơi truyền giáo nào; cũng chẳng đào tạo một lớp tông đồ nào để sai đi. Nhưng người chia sẻ tâm tình cứu thế của Chúa. Người cầu nguyện hy sinh cho việc truyền giáo. Người kêu gọi khuyến khích các tâm hồn tông đồ. Người sống như thể đang ra đi, đang rao giảng, đang chịu đau khổ, đang rửa tội cho lương dân. Giáo hội đặt người làm bổn mạng các xứ truyền giáo để toàn thể Dân Chúa thấy phải tha thiết với việc truyền giáo như thế đó.

Vào bài đọc 1, cho ta thấy việc xức dầu chỉ dấu Thần Khí Đức Chúa thấm nhập một con người, giao cho người này một sứ mạng: làm vua (2Sm 5,3) hoặc làm tư tế (Xh 29,7), hoặc làm ngôn sứ (1V 19,16; Is 61.1). Dĩ nhiên, trường hợp của Kyrô là để ông làm vua. Như vậy, sứ điệp mới của Thiên chúa gửi vua Kyrô chiến thắng. Đây là điều độc nhất vô nhị trong Kinh Thánh: nói về vị vua ngoại đạo này, sách ghi là ông đã được Đức Chúa xức dầu, như các vua, dòng dõi vua Đavít, và còn hơn nữa, như Đức Giêsu, Đấng được Thiên Chúa xức dầu tấn phong. Đây cũng là điều không thể tưởng tượng được đối với người Do thái vốn quen nghĩ rằng Đức Chúa chỉ là Thiên Chúa của họ. Lịch sử cho chúng ta hay: Kinh Thánh ghi lại rằng sau khi chiếm Babylon, một trong những sắc chỉ đầu tiên của vua là trả tự do cho những kẻ đang bị lưu đày tại đó (x. Er 1,3). Vậy ngôn sứ kêu mời chúng ta nhìn xem công trình Thiên Chúa được thực hiện trên thế giới qua những kẻ không nhận biết người. Đức Giêsu cũng hành động qua những kẻ không tin vào người. Có những thay đổi về chính trị và văn hoá xem ra như chống lại Hội Thánh.

Bài đọc 2, thánh Phaolô nhắc đôi khi chúng ta khó nhận ra đức cậy nằm giữa đức tin và đức mến. Ở đây, đức cậy (trông đợi) có hai chiều kích: trước hết là những người có đức cậy thì chịu đựng thử thách và bách hại với lòng kiên nhẫn và kiên trì. Kế đến, những người có đức cậy thì trông đợi ngày Chúa Giêsu quang lâm đến xét xử thế giới này và dẫn chúng ta vào một thế giới khác. Và thánh Phaolô vui mừng nhận thấy Giáo hội này khai sinh một cách bất ngờ, một điều hoàn toàn vượt quá khả năng của ngài. Ngài đã hết mình với công cuộc này, và Thiên Chúa đã trợ giúp ngài cách triệt để. Những người đón nhận đó là những người đã được Thiên Chúa chọn để hưởng hồng ân cao quí là đức tin (1Tx 1,4).

Chúng ta biết phe Hêrôđê là nhóm chính trị ủng hộ gia đình Hêrôđê, nghĩa là thân với chính quyền Rôma và có khuynh hướng theo văn hoá Hi Lạp. Vì thế, về cả hai mặt chính trị và tôn giáo, nhóm này hoàn toàn đối lập với nhóm Pharisêu. Hai nhóm liên minh với nhau chỉ để có thể tố cáo Chúa Giêsu, “Họ rình rập và sai một số người giả bộ công chính đến dò la, mong bắt quả tang Đức Giêsu lỡ lời, để nộp Người cho nhà chức trách có thẩm quyền là tổng trấn.” (Lc 20,20). Thời ấy, đất Palettin thuộc về đế quốc Rôma; Xêda bấy giờ là hoàng đế Tiberiô. Thuế đây là thuế thân, mọi người Dothái trọn 14 tuổi trở lên và chưa đến 65 tuổi đều phải nộp, không kể các thứ thuế khác. Người Dothái coi đây là một dấu hiệu của sự thần phục bỉ ổi dân tộc phải bày tỏ đối với Rôma; cho nên nhóm Quá Khích cấm các thành viên của nhóm không được đóng. Người Do thái, kể cả nhóm Pharisêu vẫn dùng đồng tiền Rôma trong thị trường chung Palettin hồi đó. Đồng tiền này mang hình và danh hiệu hoàng đế Rôma, bởi vì đúc tiền là quyền của người nắm quyền tối thượng trên một dân tộc. Cho nên dùng tiền Rôma là nhận quyền hoàng đế trên dân tộc mình. Vậy thì tất nhiên phải nộp thuế cho hoàng đế Rôma.

Thế nhưng, Chúa Giêsu nói thêm, bên trên quyền lợi của hoàng đế là quyền lợi của Thiên Chúa, cũng phải trả về Người. Có hai quyền lợi: của Thiên Chúa và của người ta; không phải song song với nhau, và cũng không đối nghịch nhau; nhưng quyền Thiên Chúa ở trên và bao gồm quyền của người ta, liên quan tới mọi dân, mọi thời. Quyền lợi của con người cũng là do Thiên Chúa mà có, nhưng trực tiếp do con người nắm giữ để phục vụ lợi ích trần thế này. Nghĩa vụ của con người đối với Thiên Chúa và với chính quyền không phải là không dung hoà được với nhau, nếu hiểu cho đúng. Nói khác đi, khi người ta phục vụ quyền lợi chính đáng của nhà nước, của dân tộc... thì đó là phục vụ chính Thiên Chúa.

PHÊRÔ LORENSÔ  VÕ QUÍ AN
Thông tin khác:
Dấu chỉ người thuộc về Chúa Giêsu là yêu thương nhau (25/10/2017)
Ơn cứu độ cho muôn người (24/10/2017)
Mẹ Maria muốn chúng ta sám hối (23/10/2017)
Tản mạn chuyện nhà đạo : Sau một ngày lễ (18/10/2017)
Canh tác vườn nho đời mình (12/10/2017)
Khiêm nhường và hiền lành (11/10/2017)
Lặng để nghe... (06/10/2017)
Thực thi lời Chúa dạy (05/10/2017)
Ơn gọi là một chuyến đi (03/10/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log