Suy tư - Chia sẻ

Tỉnh thức và sẵn sàng đón Chúa

Cập nhật lúc 08:47 29/11/2019
Giáo hội vẫn luôn nhắc nhớ đoàn dân con Chúa hãy tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày mà Thiên Chúa chúng ta quang lâm. Ai trong chúng ta cũng cảm nhận được những ngày tháng khốn khó rong ruổi nơi gian trần của chúng ta hôm nay, cũng giống như năm xưa dân Ixraen đã phải qua con đường hoang địa đầy những thử thách để vào đất hứa


Giáo hội vẫn luôn nhắc nhớ đoàn dân con Chúa hãy tỉnh thức và sẵn sàng chờ đợi ngày mà Thiên Chúa chúng ta quang lâm. Ai trong chúng ta cũng cảm nhận được những ngày tháng khốn khó rong ruổi nơi gian trần của chúng ta hôm nay, cũng giống như năm xưa dân Ixraen đã phải qua con đường hoang địa đầy những thử thách để vào đất hứa.Năm xưa, dân Ixraen đã được đưa vào đất hứa, còn chúng ta hôm nay vẫn đang chờ đợi Chúa sẽ xuất hiện và kéo chúng ta qua khỏi sự khốn khó của trần gian và vào miền đất hứa của sự sống hạnh phúc và vinh quang vĩnh cửu. Nhưng, chúng ta cũng cần nhớ: rất nhiều con dân Ixraen đã phơi thây trong hoang địa thế nào, chỉ vì họ thiếu lòng tin. Chắc chắn ngày nay bi kịch đó cũng sẽ bám theo loài người chúng ta mãi mãi nếu chúng ta cũng đang cư xử giống như họ, thiếu niềm tin với Đấng là Thiên Chúa ban sự sống vĩnh hằng cho chúng ta.

Lời tiên báo của tiên tri Isaia

“Núi nhà Chúa được xây đắp trên đỉnh các núi, và núi ấy sẽ cao hơn các đồi. Và các dân nước sẽ đổ về đó. Nhiều dân tộc sẽ đến và nói rằng: “Hãy, đến, chúng ta hãy lên núi Chúa và lên nhà của Giacob. Người sẽ dạy chúng ta đường lối của Người, và chúng ta sẽ đi theo ý định của Người: vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem. Người sẽ xét xử các dân ngoại và nhiều dân tộc” (Is 2:1-4). Điều này cho chúng ta thấy lời của Tiên tri Isaia đã muốn răn dạy và nhắc nhở chúng ta rằng: loài người sẽ trở về với Chúa, nhưng trước hết chúng ta phải thực hiện được điều cốt yếu nhất là “chúng ta sẽ đi theo ý định của Người: vì luật pháp sẽ ban ra từ Sion, và lời Chúa sẽ phát ra từ Giêrusalem” (Is 2:3); rồi khi thời khắc cuối cùng đến thì chính Người sẽ xét xử chúng ta. Vậy, không còn cách nào khác, con người chúng ta phải luôn sống và chờ đợi trong một tinh thần tỉnh thức, chờ đợi trong một niềm trông cậy, cùng với một niềm tin mãnh liệt, đó chính là tấm vé thông hành duy nhất để chúng ta tiến vào nước của Thiên Chúa, nơi không còn khổ đau hay chết chóc nhưng thay vào đó là hạnh phúc và vinh quang muôn đời.
Lời nhắc nhở từ tình yêu của Đức Kitô

Con người vẫn khắc khoải mong ngóng và chờ đợi Đấng cứu thế sẽ kết thúc chuyến hành trình của trần thế và dẫn đưa loài người về quê Trời, nơi họ sẽ được hưởng một niềm vinh phúc đích thực. Nhưng có vẻ vốn bản tính của con người là thụ tạo bị giới hạn trong không gian và thời gian (St Augustino, Tự Thuật) thế nên con người gặp một chứng bịnh là hay quên, họ quên rằng họ sẽ phải sống thế nào, họ quên là họ phải sống ra sao để đạt được niềm mong ước chính đáng đó. Thiên Chúa đã nhận ra sự quên này nơi con người chúng ta nên Đức Kito đã nhập thể làm người để nhắc nhớ cho chúng ta về con đường phải đi của mình. “Quả thế, thời ông Nôê thế nào, thì ngày Con Người quang lâm cũng sẽ như vậy” (Mt 24,37), điều này Đức Kitô đã nhắc nhớ cho chúng ta về biến cố của nạn lụt hồng thủy thời ông Nôê, một biến cố lớn để thanh tẩy con người. Chúng ta cũng sẽ phải trải qua một cuộc thanh tẩy gắt gao để trở thành những người được tuyển chọn và được đem đi cùng Thiên Chúa. Khi đó ai nấy trong chúng ta đều sẽ phải chịu lấy trách nhiệm của chính cuộc đời mình trước Chúa, không ai có thể lẩn tránh cuộc phán xét cuối cùng này, “Bấy giờ, hai người đàn ông đang làm ruộng, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại; hai người đàn bà đang kéo cối xay, thì một người được đem đi, một người bị bỏ lại” (Mt 24,40-41).

Và cũng chính vì sự hay quên của con người chúng ta nên Chúa biết chúng ta sẽ quên mất những gì mình phải làm trong khi chờ đợi, chúng ta không còn nhớ chúng ta từ đâu đến, với mục đích gì, chúng ta sẽ đi về đâu… Chính lúc này đây, con người chỉ sống với cái mà họ thấy trước mắt, đó là thế gian, thế gian là tất cả những gì họ nhớ, thế gian là mục tiêu duy nhất của họ, mà thế gian cũng đồng nghĩa với lỗi tội và sự chết. Chúa biết chúng ta sẽ đi đến điểm này, thế nên Đức Kito đã phải cảnh giác con người chúng ta rằng phải luôn tỉnh thức trong khi chờ đợi ngày Chúa sẽ đến, tỉnh thức cũng đồng nghĩa với việc luôn trong tư thế chuẩn bị sẵn sàng, không ỉ y cho rằng: còn lâu Chúa mới đến; tỉnh thức cũng là việc phải tỉnh táo và đừng để mình mất trí và mất đi niềm tin của chính mình chỉ vì bã phù hoa của thế gian, đừng để mình quên đi mục đích duy nhất của cuộc đời mình, đó chỉ có thể là nước của Thiên Chúa, là nơi duy nhất mang đến cho con người hạnh phúc đích thực, “Vậy anh em hãy canh thức, vì anh em không biết ngày nào Chúa của anh em đến. Anh em hãy biết điều này: nếu chủ nhà biết vào canh nào kẻ trộm sẽ đến, hẳn ông đã thức, không để nó khoét vách nhà mình đâu. Cho nên anh em cũng vậy, anh em hãy sẵn sàng, vì chính giờ phút anhem không ngờ, thì con người sẽ đến, (Mt 24,42-44).

Lời cảnh tỉnh của Thánh Phaolô

Chúng ta đã biết vì tình yêu đối với con người, Đức Kitô đã không quên chúng ta khi Ngài về cùng Chúa Cha, và vì yêu thụ tạo của Ngài nên Ngài hiểu thụ tạo của Ngài, rằng chúng ta sẽ lại quên mất con đường mà chúng ta phải đi, bởi trên đường đi của chúng ta có quá nhiều lời gọi hấp dẫn của trần thế, đó là: chè chén say sưa, chơi bời dâm đãng, cãi cọ ghen tương…và muôn vàn điều khác nữa. Chúa biết điều đó thế nên Thánh Phaolô đã thi hành theo tình yêu của Chúa và cảnh tỉnh một cách mạnh mẽ với chúng ta rằng “Đêm sắp tàn, ngày gần đến. Vậy chúng ta hãy loại bỏ những việc làm đen tối, và cầm lấy vũ khí của sự sáng để chiến đấu. Chúng ta hãy ăn ở cho đứng đắn như người đang sống giữa ban ngày: không chè chén say sưa, không chơi bời dâm đãng, cũng không cãi cọ ghen tương. Nhưng anh em hãy mặc lấy Chúa Giêsu Kitô, và đừng chiều theo tính xác thịt mà thỏa mãn các dục vọng” (Rm 13:12-14)

Thái độ sống của người Kitô hữu

Thánh Phaolô và chỉ dạy cho chúng ta bằng những điều thực tế mà chúng ta đang đối diện trong thế giới hàng ngày, để chúng ta nhận ra những gì là cần tránh và những gì chúng ta cần phải làm để vượt qua được ngày phán xét cuối cùng để trở về Thiên Quốc.

Chính Chúa Thánh Thần, Thần Chân Lý “Thầy sẽ xin Chúa Cha, và Người sẽ ban cho anh em một Đấng Bảo Trợ khác đến ở với anh em luôn mãi: đó là Thần Khí sự thật” (Ga 14:16-17). Chúa Thánh Thần chính là Đấng dạy dỗ chúng ta, mỗi khi chúng ta cần nhận biết điều gì, cần biết chúng ta đúng hay sai thì chỉ cần chúng ta chạy đến Người, nhưng Người ở đâu? Tất cả chúng ta đều xác tín rằng Ngài ngự ngay trong tâm hồn của mỗi người chúng ta, và khi cần tỉnh thức chúng ta chỉ cần thinh lặng và tìm vào sâu trong tâm hồn mình, chúng ta sẽ gặp Ngài ở đó.
Tĩnh lặng và hồi tâm chính là việc duy nhất để tìm thấy Thánh Thần Chân Lý, chính khoa học cũng đã một cách vô tình chứng minh cho chúng ta về sức mạnh của sự tĩnh lặng và hồi tâm này, trong sách giáo khoa Tâm Lý Học của Tiến sĩ Tâm lý Võ Doãn Nhẫn có nói đến “phương pháp Tâm lý học Ngôi Thứ Nhất”: ở đó khi con người tĩnh lặng, bỏ rơi thế giới bên ngoài để quay trở về với nội tâm thì chính chủ thể sẽ có khả năng để hiểu chính mình, hiểu được hiện trạng của mình và hiểu luôn cả người đối diện là khách thể nữa; hay trong phương pháp thiền của Phật giáo cũng cho ta thấy điều này, một sự hiện hữu của một Đấng Chân Lý ở sâu bên trong tâm hồn mình. Chúa Thánh Thần ở đó và chờ đợi chúng tavà bây giờ điều chúng ta cần làm duy nhất là thực hiện nó, sống vuivẻ và bình an trong sự tĩnh lặng của nội tâm, trong bầu khí của Mùa Vọng để nhận lấy những lời giáo huấn từ Thần Chân Lý và từ đó tìm thấy con đường đi hay phong cách sống đích thực của một con người đang chờ đợi Chúa sẽ giáng lâm vinh hiển và đưa ta về vương quốc Tình Yêu của Ngài.
Lm Giuse Nguyễn Thanh Tú
Thông tin khác:
Đôi chút về xót thương và khiêm nhường (28/11/2019)
Đức Giêsu Kitô cứu chuộc đời ta (22/11/2019)
Sống trong sự khao khát của Đức Mẹ (18/11/2019)
Danh thánh Chúa Giêsu là tất cả đời sống Kitô hữu (14/11/2019)
Danh thánh Chúa Giêsu là tất cả đời sống Kitô hữu (13/11/2019)
Khi nước trong nguồn thôi chảy (12/11/2019)
Sự sống vĩnh cửu (11/11/2019)
Đôi chút tâm tình về ngày truyền giáo (07/11/2019)
Đón Chúa - Đổi mới cuộc đời (31/10/2019)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log