Suy tư - Chia sẻ

266 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội

Cập nhật lúc 11:53 02/06/2023
LTS: Theo yêu cầu độc giả, tòa soạn báo Người Công giáo Việt Nam cho đăng quyển sách “266 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội”.
CÁC GIÁO HOÀNG 
THUỘC THẾ KỶ THỨ III


15. THÁNH GIÁO HOÀNG ĐÊPHIRINÔ 
(ZEPHIRINUS 199-217)



Đức Đêphirinô sinh tại Rôma, nước Ý, ngài làm Giáo hoàng từ năm 199-217. Công việc đầu tiên của ngài bổ nhiệm nhân sĩ Calixtô làm thư ký riêng và lo việc quản lý tiền của dâng cúng cho Giáo hội để trùng tu nghĩa trang mang tên ngài. Đức Đêphirinô là vị Giáo hoàng đã ra luật buộc các tín hữu từ 14 tuổi trở lên phải giữ luật rước lễ mùa Phục sinh. Triều đại Giáo hoàng của ngài nổi bật với những cuộc tranh luận thần học gay gắt. Ngài là người ra vạ tuyệt thông cho Tertulianô. Tuy nhiên, theo Hyppôlytô, Đức Giáo hoàng Đêphirinô là một người đầy đức độ, nhưng yếu kém về kiến thức thần học. Ngay cả về văn hóa, ngài thiếu hiểu biết và thiếu cương quyết đối với Lạc giáo Nhất chủ. Ngài đã bênh vực đặc tính bất khả phân ly của hôn nhân Công giáo và là người khởi xướng việc dùng đĩa thánh và chén thánh bằng thủy tinh.
Đức Giáo hoàng Đêphirinô chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Septime-Sévere. Thi hài của ngài được bảo tồn trong thánh đường Sylvestrô tại Rôma.

16. THÁNH GIÁO HOÀNG CALIXTÔ I 
(CALIXTUS 217-222)



Sinh tại Rôma trong một gia đình quý tộc thuộc dòng họ Domitiens. Tuổi thanh niên, ngài đã trải qua một cuộc sống buông thả, phạm pháp, bị tù ngục và lưu đày. Sau đó ngài được phóng thích thay đổi hẳn cuộc sống đến nỗi Đức Giáo hoàng Dêphirinô đã chọn ngài làm thư ký riêng. Giáo triều của Đức Calixtô I đồng thời với một Ngụy Giáo hoàng là Hyppôlytô (217-235), đây là Ngụy Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sử Giáo hội, được bầu lên bởi một số Giám mục và linh mục. Ông chống đối Đức Giáo hoàng Calixtô I trên bình diện kỷ luật Giáo hội vì cho rằng Đức Calixtô quá mềm mỏng. Ông đã lôi kéo và thiết lập một cộng đoàn tồn tại suốt 3 triều đại Giáo hoàng Calixtô I, Urbanô I và Pontianô. Ngụy Giáo hoàng Hyppolytô bị lưu đày ở Sardaigne và qua đời năm 235. Trước khi chết, Hyppolytô đã hòa giải lại với Giáo hội và được Giáo hội công nhận là thánh Hyppolytô.
Về phần Đức Giáo hoàng Calixtô, ngài đã nỗ lực xây dựng nhiều công trình cho Giáo hội như ngài cho khai quật hang toại đạo nổi tiếng trên đường Via Appia, nơi có nhiều vị tử đạo được an táng. Ngài đã xây dựng nơi đây hầm mộ mang tên mình, đã chôn cất 46 vị Giáo hoàng và trên 170.000.000 vị tử đạo. Ngài cũng xây cất Vương cung thánh đường Sainte Marie du Transtevere, thánh đường đầu tiên được cung hiến cho Đức Trinh Nữ Maria với rất nhiều đường nét nghệ thuật.
Đức Giáo hoàng Calixtô chịu tử đạo trong một cuộc nổi loạn chống Kitô giáo. Họ đã ném ngài qua cửa sổ và ngài được an táng trong nghĩa trang Calêpôdiô nằm ở đường Aurêlienô.

17. THÁNH GIÁO HOÀNG URBANÔ I
(URBANUS 222-230)



Đức Giáo hoàng Urbanô I sinh tại Rôma, được bầu làm Giáo hoàng năm 222 dưới triều hoàng đế Alexandre Sévère. Đây là thời kỳ Giáo hội được hưởng một nền hòa bình nhờ sự bảo trợ của Hoàng thái hậu Giulia Mamea. Chính Đức Giáo hoàng Urbanô I đã rửa tội cho thánh Cêcilia. Nhờ ngài mà Valêrianô, chồng sắp cưới của thánh Cêcilia và em rể Maxime cùng Tiburziô trở lại đạo Công giáo. Năm 230, sau cuộc tử đạo của thánh Cêcilia ở Trastevere, ngài đã cho xây một nhà thờ làm nơi đặt thi hài thánh nữ ngày nay. Ngài đã chấp thuận việc Giáo hội có quyền sở hữu bất động sản. Ngài bị chém đầu bởi viên thị trưởng Turcinô Almêniô. Thi hài của ngài đã được Hoàng thái hậu Giulia Manea thu hồi và cho an táng trong hầm mộ Saint Calixtô. Ngài nay, một phần hài cốt của ngài được lưu giữ trong thánh đường Saint Praxède ở Rôma và một phần khác được lưu giữ tại Pháp.     
ST
Thông tin khác:
Thánh Thần: Đấng hiệp thông và canh tân (02/06/2023)
Nói với Đức Mẹ (02/06/2023)
266 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội (18/05/2023)
Chúa Giêsu lên trời, ta hãy ái mộ những gì trên trời (18/05/2023)
Những gì Chúa đã làm cho tôi (18/05/2023)
266 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội (09/05/2023)
266 triều đại Giáo hoàng trong dòng lịch sử Giáo hội (05/05/2023)
Sức sống thần linh trong Giáo hội (05/05/2023)
Xin thương đỡ nâng con (05/05/2023)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log