18. Thánh Giáo hoàng Pontianô
(PONTIANUS 230-235)
Đức Giáo hoàng Pontianô sinh tại Rôma, được bầu làm Giáo hoàng ngày 21/7/230. Giáo triều của ngài gặp phải một vài cuộc bách hại dưới triều các hoàng đế Alexandrô Sêvêrê, và Maximianô I ngay khi ngài lên ngôi vào năm 235. Đức Pontianô là vị Giáo hoàng đầu tiên thiết lập việc hát Thánh Vịnh, đọc kinh Cáo Mình trước giờ lâm chung và dùng lời chào “Chúa ở cùng anh chị em” trong cử hành phụng vụ.
Theo các tài liệu lịch sử ghi lại, Đức Pontianô đã từ chức khi bị lưu đày, vì ngài muốn có một vị Giáo hoàng khác điều hành Giáo hội và hiện diện tại Rôma. Ngài bị bắt, bị lưu đày tại hòn đảo nhỏ Sarđiniavà chết cách đau đớn vì kiệt sức do những hình phạt nặng nề mà ngài phải gánh chịu vào ngày 30/10/235. Thi hài của ngài được bảo quản trong nhà thờ thánh Praxêđê tại Rôma, Giáo hội xem cái chết của ngài như là một cuộc tử đạo. Đây là vị Giáo hoàng đầu tiên trong lịch sửa Giáo hội Công giáo đã từ nhiệm.
19. Thánh Giáo hoàng Antêrô
(ANTERUS 235-236)
Đức Antêrô sinh tại Manha Grêcia, Hy Lạp. Giáo triều của ngài chỉ kéo dài trong 6 tuần lễ, từ 21/11/235 đến 3/1/236. Dù vậy chỉ trong thời gian ngắn, ngài đã thu thập và lưu trữ tất cả những tài liệu lịch sử gồm văn thư và thánh tích trong văn khố đầu tiên của Giáo hội gọi là Scrinium. Những văn khố này đã bị thiêu rụi dưới triều hoàng đế Điôclêsiô.
Đức Giáo hoàng Antêrô chịu tử đạo dưới thời hoàng đế Maximinô. Thi hài ngài được chôn cất bên cạnh mộ các Giáo hoàng trong hầm mộ thánh Calixtô. Những thánh tích về ngài vẫn còn được bảo quản trong nhà thờ thánh Sylvestrô ở Rôma.
20. Thánh Giáo hoàng Fabianô
(FABIANUS 236-250)
Đức Giáo hoàng Fabianô sinh tại Rôma. Là một người giáo dân bình thường, ngài sống tại Rôma lúc Đức Giáo hoàng Antêrô qua đời năm 236. Truyền thuyết kể lại rằng, trong cuộc bầu cử Giáo hoàng ngày 10/01/236, đang lúc bàn cãi vì không tìm ra được người tiếp nối ngôi vị Giáo hoàng, một con chim bồ câu bay ngang qua và đậu trên đầu ngài. Sự kiện này được giải thích như một dấu chứng bày tỏ ý chỉ từ trời. Vì thế, mọi người đồng lòng chọn Fabianô làm Giáo hoàng. Ngài lên ngôi ngày 10/01/236.
Là một nhà quản trị tài ba, Đức Fabianô bắt tay vào việc tổ chức lại giáo phận Rôma theo như dự án của Đức Giáo hoàng Êvaristô (97-105). Ngài phân chia giáo phận Rôma thành 7 vùng như những giáo xứ, bổ nhiệm các phó tế đứng đầu để quản nhiệm các cộng đoàn và lo việc bác ái từ thiện. Ngài quan tâm đặc biệt đến việc bảo trì các hầm mộ, nơi chôn cất các Giáo hoàng và các vị tử đạo. Ngài tiếp tục công trình biên soạn cuốn Lịch sử các thánh tử đạo đã được bắt đầu từ thời Đức Giáo hoàng Antêrô. Ngài được xem là vị tông đồ xứ Gallô, nơi ngài đã gửi 7 Giám mục đến truyền giáo tại đây. Ngài cũng lưu tâm đến những quan điểm bất đồng trong Giáo hội. Nhờ ngài mà Origênê quay trở lại khi có những xung đột với Đêmêtriô, Giám mục Alexanđria.
Năm 249, dưới triều hoàng đế Đêciô (Decius), một cuộc bách hại khốc liệt đã xảy ra, khiến các Kitô hữu phải trốn chạy khỏi Rôma và các thành phố lớn, đến trú ẩn trong các vùng sa mạc xứ Ả rập và Thêbaiđê. Nhiều người suốt đời sống ẩn dật, chuyên sám hối và cầu nguyện. Từ đó phát sinh đời sống tu trì với những nhân vật nổi tiếng như Phaolô ẩn sĩ, Hilariô, Pacômô… trong lịch sử Giáo hội.
Suốt thời gian bách hại, Đức Fabianô vẫn ở lại Rôma, ngài đã bị bắt và chịu tử đạo ngày 20/01/250, ngài được an táng trong hầm mộ thánh Calixtô. Năm 1915, những nhà khảo cổ đã tìm được quan tài bằng đá của ngài. Hiện nay, thi hài ngài được lưu giữ tại nhà thờ thánh Praxêđê ở Rôma.