Suy niệm Lời Chúa
Bài giảng nơi đồng bằng trong Luca và bài giảng trên núi ở Matthêu rất giống nhau. Vì thế, đôi khi người ta muốn gọi bài giảng khai mạc nơi thánh Luca là “Bài giảng dưới đồng bằng” để phân biệt với “Bài giảng trên núi” của thánh Mátthêu (Mt 5, 1 – 12).
Qua bài giảng, Chúa Giêsu bày tỏ ý nghĩa của một cuộc đời phước hạnh. Đúng ra, đây là tiêu chuẩn thông thường đã bị đảo ngược; nhưng đó chính là thái độ sống mà người môn đệ cần phải có để đạt hạnh phúc đích thực.
Những lời chúc phúc hay chúc dữ vốn là những công thức cổ điển trong truyền thống Kinh Thánh, cũng như trong truyền thống Do Thái giáo nhằm diễn tả:
- Lời loan báo của một ngôn sứ về niềm vui sắp đến (Đn 12, 12; Is 30, 18; 32, 10).
- Lời hứa ban phần thưởng (Tv 1, 1; 2, 12).
- Lời tạ ơn vì niềm vui hiện có (Tv 32, 1 – 2; 33, 12).
Nói chung những lời như thế luôn hướng đến một niềm vui được Thiên Chúa ban cho.
* “Phúc cho anh là những người nghèo khó… những kẻ bây giờ đang phải đói… những kẻ bây giờ đang phải khóc… những kẻ mà vì Chúa , bị người ta bách hại…” Vì sao những người nghèo, đói khát, khóc lóc, bị bách hại vì lẽ công chính lại là những người có phúc ? Thực ra, điều Chúa Giêsu muốn dạy các môn đệ cũng như những kẻ theo Ngài không phải là “đựơc gì” hay là “làm gì” nhưng “là gì”. Ở đây nhấn mạnh đến bản tính giống Thiên Chúa. Bài giảng này có giá trị ứng dụng vào cuộc sống hôm nay, nó bày tỏ đức tính thiêng thượng chúng ta cần phải có khi làm con cái Thiên Chúa sống giữa thế gian. Chúa mô tả một tình trạng sống với đời sống nơi trần gian, bởi nó bao gồm cả nước mắt, khổ sở, bắt bớ, đói khát... Mục đích của Chúa là nhắm vào thái độ của chúng ta đối với hoàn cảnh. Tình trạng thuộc linh là tình trạng cao quí và vô cùng quan trọng.
* “ Nhưng khốn cho các ngươi là những kẻ giàu có…” Chúa Giêsu không hề dạy rằng, giàu có, no đủ, vui cười, được người ta ca tụng là điều bất hạnh. Nhưng Ngài muốn dạy những kẻ muốn theo Ngài, nếu chỉ muốn chọn con đường dễ dãi, con đường đưa tới thú vui và lợi lộc ngay trước mắt mà quên đi hạnh phúc đích thực, mục đích tối hậu của kiếp người, thì thật là bất hạnh.
Sự giàu sang dễ trói buộc con ngừơi vào một thực tại trần thế, làm cho con không thể vươn tới thực tại thiên quốc: người giàu có thật khó sống thanh thoát để buông mình trong sự tín thác trọn vẹn trong bàn tay yêu thương của Thiên Chúa.
Những người nghèo khổ, những môn đệ của Chúa Kitô, được Người bảo đảm rằng: mọi niềm hy vọng của họ không phải là vô căn cứ, hão huyền. Niềm hy vọng của họ về một cuộc sống hạnh phúc sẽ được thực hiện cách tròn đầy trong Nước Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói: “ Vì sự hoạn nạn nhẹ và tạm của chúng ta mang đến cho chúng ta sự vinh hiển cao trọng đời đời, vô lượng vô biên” (2Cr 4, 17).
Là người bước theo Chúa, chúng ta luôn được nhắc nhở để sống tỉnh thức: Tỉnh thức để tìm kiếm và xây dựng hạnh phúc với những giá trị vĩnh cữu.
Mẹ Têrêsa Calcutta là một phụ nữ sống cho tha nhân. Suốt đời Mẹ sống với Phúc Tám Mối của Chúa Giêsu. Mẹ phục vụ cho những người nghèo khó nhất trần gian là để bắt chước lòng nhân từ của Chúa Giêsu. Ngay cả những ngừơi không phải là Kitô hữu đã nhìn vào Mẹ và thấy Mẹ có một điều gì giống như Thiên Chúa và có thể nối kết với Ngài. Một người ăn xin đang nằm hấp hối bên vệ đường thành phố Calcutta, sau khi được cứu sống đã nói với Mẹ: “Trên trần gian này, có điều gì giống với Thiên Chúa không ?” Mẹ trả lời: “ Không, tôi đang cố gắng là một cái gì đó giống như Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa.”
Bài học áp dụng
Sống tinh thần Hiến chương Nước Trời cách vẹn toàn. Hãy luôn sống trong tinh thần tín thác và tỉnh thức.