1. Từ lâu rồi, và nhất là những ngày này, tôi cảm thấy đau đớn hoành hành dữ dội trong thân xác già yếu này, còn trong tâm hồn tôi thì bơ vơ ngao ngán. Tôi như bị lưu đày ở một chốn hoang vu.
2. Tôi cầu nguyện với Đức Mẹ. Mẹ cho tôi nhớ lại lời Chúa hứa xưa: “Ý định của Ta là làm cho các ngươi được bình an, chứ không phải đau khổ. Bấy giờ các ngươi cầu cứu Ta, và Ta sẽ nhận lời. Ta sẽ đưa các ngươi trở về từ khắp chốn lưu đày” (Gc 29, 11, 12, 14).
3. Được gợi ý trên đây, tôi nhìn lên Chúa, xin Chúa thương cứu tôi. Chúa đang nhận lời tôi.
4. Tôi thấy thế này:
Bất cứ giây phút nào tôi nhận thức mình đang cần được cứu, và Đấng có thể cứu tôi chính là Chúa, thì Chúa cứu tôi.
5. Nếu có lúc nào tôi như coi mình không cần được cứu, hoặc coi người cứu là ai đó, chứ không phải là Chúa, thì tôi lập tức rơi vào cảnh lưu đày cùng cực.
6. Do vậy, cuộc sống của tôi hiện nay là luôn nhận mình cần được cứu, và chỉ có Chúa mới cứu được tôi.
7. Một cuộc sống như thế khiến tôi khiếp sợ sâu sắc về những ảo tưởng coi mình là một quyền lực nào đó, và càng khiếp sợ sâu xa những chương trình đón rước những kẻ có chức nọ quyền kia như đấng có thể cứu tôi khỏi cảnh khốn cùng.
8. Khiếp sợ đó là lành mạnh. Nó giúp tôi xa tránh những gì mà Phúc âm gọi là những lừa dối. Chúa Giêsu phán: “Các con hãy ý tứ kẻo bị người ta lừa dối. Vì chưng, sẽ có nhiều kẻ mạo danh Thầy đến, mà tự xưng rằng: Chính ta đây và thời giờ đã gần đến. Các con chớ đi theo chúng” (Lc 21, 18).
9. Lừa dối, đó là hiện tượng đang xảy ra khắp nơi trong mọi lãnh vực, kể cả trong lãnh vực đạo đức.
10. Thánh Gioan tông đồ đã rất lo cho Hội Thánh trước cảnh lừa dối về đạo đức. Ngài gọi những kẻ lừa dối đó là phản Kitô, là ngôn sứ giả. Ngài thấy những loại người đó xuất hiện rất nhiều. Có lúc ngài quả quyết: “Chúng lan tràn khắp thế gian” (1 Ga 4, 2).
11. Thiết tưởng lời cảnh giác trên đây của thánh Gioan tông đồ nên được nhắc lại tại nhiều nơi trên thế giới hôm nay. Riêng tại Việt Nam, lời cảnh giác đó càng cần được nhắc lại lúc này. Bởi vì Hội Thánh chúng ta đang bị thử thách nặng nề bởi phong trào tục hóa và phân hóa.
12. Điều làm tôi rất quan ngại là chúng ta cứ tưởng mình đang được chọn và sai đi, để cứu đồng bào mình, đang khi thực sự chính chúng ta là những kẻ cần được cứu trước. Bởi vì chúng ta đang xa Chúa và có khi cũng đang phản lại Chúa.
13. Tình hình hiện nay là rất phức tạp.
Tôi nghĩ cách sống đạo bảo đảm nhất là xin Chúa cứu chúng ta khỏi tội lỗi, và những nguy hiểm đưa ta xuống hỏa ngục.
Do vậy, nên phải rất khiêm nhường.
14. Khiêm nhường, mà Chúa muốn, đã được Đức Mẹ nhắc lại tại Fatima:
- Hãy sám hối
- Hãy cầu nguyện bằng kinh Mân Côi
- Hãy tôn sùng Trái tim Mẹ
15. Riêng tôi, tôi rất hy vọng vì thấy những gì Đức Mẹ nhắc bảo ở Fatima đang được thực thi tại rất nhiều gia đình Công giáo ở Việt Nam chúng ta lúc này.
16. Nhưng tôi cũng thấy điều này:
Nhiều người, nhiều nơi trong Hội Thánh Việt Nam, vốn hay tự hào cho mình là đạo đức, sốt sắng. Nhưng đã đến lúc chúng ta cần nhận ra chúng ta rất cần được cứu khỏi những tự hào sai lầm đó
17. Tôi có kinh nghiệm đó ngay nơi bản thân tôi. Dần dần Đức Mẹ dắt tôi vào con đường “Xin Chúa xót thương con, xin Chúa cứu con”. Và bây giờ, thì tôi thấy ứng nghiệm lời Chúa đã hứa: “Các ngươi cầu cứu Ta, và Ta nhận lời.”
Chúa đang cứu tôi.
18. Cuộc sống của tôi đang trở thành một thánh lễ chỉ tập trung vào tâm tình nhìn lên Chúa là Đấng cứu độ.