Suy tư - Chia sẻ

Chúa nhật II Mùa Chay: Niềm tin vào vinh quang Thập Giá

Cập nhật lúc 08:59 06/03/2012

 Chúa Giêsu thường chọn những nơi vắng vẻ, yên lặng và cô tịch để cầu nguyện và suy tư về hành trình Cứu độ trần gian. Chúa Giêsu thường lên núi cao cũng để giảng dạy cho dân chúng, và loan báo những mầu nhiệm của ơn Cứu Độ. Những ngọn núi trở nên như những cột mốc đánh dấu hành trình rao giảng của Ngừoi, chúng đan xen vào nhau như một hành trình: núi của bài giảng Tám Mối Phúc thật, núi Tabo nơi Chúa biến hình, núi Sọ nơi Chúa chịu khổ hình và núi Ô-liu nơi Chúa thăng thiên.

 

Trong bài Tin Mừng hôm nay, ba môn đệ thân tín được Chúa Giêsu đưa lên núi Tabore, để cho họ chứng kiến vinh quang của Người. “Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê và Gioan đi riêng với Ngài”. Người đưa ba môn đệ thân yêu lên núi biến hình và cũng để đem họ vào vườn cây dầu trong cơn hấp hối của Người, chuẩn bị việc trước để giúp họ đón nhận việc sau. Vinh quang và đau khổ đều có sự hiện diện của Chúa. Chúa đưa ba môn đệ đi riêng để các ông là những người theo Chúa cũng được thông phần đau khổ và vinh quang của Người.

 

Trên ngọn núi cao, ba môn đệ còn được chứng kiến một quanh cảnh huy hoàng của Cựu ước khi tiên tri Êlia và Môsê hiện ra đàm đạo với Chúa Giêsu. Thật vậy, Môsê tượng trưng cho lề luật của Chúa được ban cho Dân Thánh, Êlia tượng trưng cho các tiên tri. Việc có mặt của hai ông trở nên dấu chỉ sự liên hệ chặt chẽ và xuyên suốt giữa Cựu ước và Tân ước. Đồng thời, sự có mặt của hai ông với Chúa Giêsu nói lên rằng thời cánh chung đã tới, đây là thời kỳ cứu độ, là thời kỳ đem lại hạnh phúc đời đời cho toàn thể nhân loại tin tưởng vào Thiên Chúa.

 

Giữa cảnh sắc huy hoàng tráng lệ ấy, Phêrô thay lời cho các môn đệ đã thốt lên: “Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm”. Giây phút Phêrô hôm nay đã được hưởng khi nhìn ngắm dung nhan Đức Giêsu biến hình đã trở nên tuyệt vời hạnh phúc. Phêrô đã thốt lên cảm nghiệm bộc trực của ông. Nghĩa là hạnh phúc ở đây thì chẳng đâu bằng, vì thế ông muốn kéo dài cái hạnh phúc này bằng cách xin làm ở đây ba cái lều : một cho Chúa Giêsu, một cho Êlia và một cho Môsê.

 

Tuy vậy, khi chứng kiến Chúa Giêsu biến hình, “Các ông đều hoảng sợ”. Phản ứng của các tông đồ đều hoảng sợ cho thấy việc Chúa Giêsu biến hình để tỏ bày vinh quang của Người vẫn là điều khó hiểu cho các ông. Các ông chỉ hiểu được khi Chúa Giêsu mạc khải một cách trọn vẹn nhờ cuộc phục sinh của Người mà thôi.

 

Các môn đệ đang bị tan nát cõi lòng khi nghe Chúa Giêsu khẳng định rằng Người sắp lên Giêrusalem để chịu khổ nạn, chịu bách hại và chịu chết. Điều này dường như trở nên một sự phủ nhận tất cả những gì họ đã được hiểu về Đấng Cứu Thế. Họ đang bối rối, ngẩn ngơ, kinh ngạc, chẳng hiểu sự việc thế nào. Những gì đã thấy trên núi Biến Hình cho họ một cơ hội để bám chặt lấy ngay khi họ chẳng hiểu gì. Cho dù có thập giá hay không, họ vẫn được nghe chính tiếng nói của Chúa Cha xác nhận Chúa Giêsu là Con của Ngài: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người. Đây là chính tiếng nói của Đức Chúa Cha giới thiệu cho các tông đồ về người con yêu quý của Người là Chúa Giêsu. Đức Chúa Cha đã giới thiệu con của Người trong biến cố biến hình này là để mạc khải mầu nhiệm Chúa Giêsu chịu đau khổ, chịu chết và phục sinh.

 

Trong Mùa Chay, Giáo Hội cho chúng ta suy niệm về những biến cố thật tương phản trong cuộc đời Cứu Thế của Chúa Giêsu: Chúa Giêsu đau khổ và chịu đóng đinh, Chúa Giêsu vinh quang và Phục sinh. Đó là cơ hội để chúng ta suy niệm và khám phá ra hai chân lý hay hai thực tại khác không kém phần tương phản, đó là tội lỗi trầm trọng của nhân loại và lòng yêu thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Đó cũng chính là cơ hội giúp chúng ta phần nào hiểu được về mầu nhiệm của đau khổ và vinh quang. Chúa Giêsu dùng biến cố biến hình để củng cố niềm tin và chuẩn bị cho các tông đồ đón nhận và làm chứng về cuộc khổ nạn của Chúa Kitô.

 

Với bài Tin Mừng của Chúa Nhật hôm nay, Giáo hội muốn dùng biến cố này để mời gọi chúng ta hãy luôn biết tin tưởng và hy vọng vào ơn cứu độ để ta biết thực hành cuộc tử nạn bằng cách sám hối trong việc hy sinh, hãm mình, chay tịnh theo tinh thần mùa chay.

 

Mỗi người chúng ta trong Mùa Chay Thánh này cần biết biến hình theo gương Chúa Giêsu bằng cách cởi bỏ con người cũ, mặc lấy tinh thần mới của chính Chúa bằng đời sống gương sáng và chứng tá Tin mừng. Biến cố Biến hình ngày nay vẫn còn tiếp diễn: Chính Chúa Giêsu hoá thân và trở nên đồng hình đồng dạng trong những phận người nghèo đói, bệnh tật, tù đày, bị bỏ rơi... Mùa Chay là dịp Chúa mời gọi chúng ta hãy thay đổi cái nhìn, kiện toàn cách cư xử của ta với mọi người. Hãy đến với mọi người như chính khi chúng ta đến với Chúa. Hãy biến đổi cuộc đời của mình trở nên ngọn đèn cháy sáng, đem tình yêu Chúa đến cho mọi người.

 
 

Lạy Chúa, xin biến đổi cuộc đời chúng con. Amen

 

 

CB.02-03-2012

Thiên Ân
Thông tin khác:
Hãy có lòng nhân (5.3.2012 – Thứ hai Tuần 2 Mùa Chay) (04/03/2012)
ĐƯỢC BIẾN HÌNH ĐỔI DẠNG (4.3.2012 – Chúa nhật 2 Mùa Chay, Năm B) (04/03/2012)
Yêu kẻ thù (3.3.2012 – Thứ bảy Tuần 1 Mùa Chay) (04/03/2012)
Làm hòa (2.3.2012 – Thứ sáu Tuần 1 Mùa Chay) (01/03/2012)
Ban những của tốt lành (1.3.2012 – Thứ năm Tuần 1 Mùa Chay) (01/03/2012)
Con Người sẽ là một dấu lạ (29.2.2012 – Thứ tư Tuần 1 Mùa Chay) (01/03/2012)
Biết rõ anh em cần gì (28.2.2012 – Thứ ba Tuần 1 Mùa Chay) (01/03/2012)
Làm cho chính Ta (27.2.2012 – Thứ hai Tuần 1 Mùa Chay) (01/03/2012)
Chúa Nhật I Mùa Chay: CHỐNG LẠI NHỮNG CÁM DỖ (27/02/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log