Trong ngày lễ hôm nay, qua việc tưởng niệm biến cố Chúa Giêsu Giáng Sinh tỏ mình ra cho các đạo sĩ đến thờ lạy, chúng ta được mời gọi chiêm ngắm và suy niệm về biến cố Đấng Cứu Thế xuất hiện, tỏ mình cho thế gian, với tư cách là Thiên Chúa Nhập Thể làm người và ở cùng nhân loại. Qua đó nhắc nhở chúng ta rằng: Muốn tìm thấy Chúa và gặp được Ngài phải can đảm lên đường và theo sự soi dẫn của Chúa qua vì những sao lạ như ba vị Đạo Sĩ phương Đông.
Ngày Lễ Hiển Linh theo nguyên ngữ Hy Lạp là Epiphaneia, có nghĩa là tỏ mình hay xuất hiện ra bên ngoài. Trong tiếng Hy Lạp cổ cũng gọi là Τheophaneia, có nghĩa là thị kiến Thiên Chúa. Lễ Hiển Linh được cử hành vào ngày 6 tháng Giêng hàng năm hay Chúa nhật thứ hai sau lễ Chúa Giáng Sinh.
Lễ Hiển Linh có nguồn gốc là một ngày lễ cổ xưa của người Kitô giáo tương tự với ngày lễ Giáng Sinh. Từ Đông phương, lễ Hiển Linh lan sang Châu Âu vào khoảng thế kỷ thứ IV và được nói đến lần đầu tiên tại vùng Gaule vào năm 361; ngược lại, Đông phương cũng đã chấp nhận ngày lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Chạp. Đến cuối thế kỷ này, hầu hết các Giáo Hội đều cử hành hai ngày lễ trọng bổ túc cho nhau này.
Giáo Hội Công Giáo Tây Phương cử hành Lễ Hiển Linh với ý nghĩa quan trọng là ghi nhớ việc Chúa tỏ mình ra cho ba vị Đạo Sĩ đến từ Phương Đông đến thờ lạy Người. Giáo Hội Công Giáo Đông Phương cử hành lễ này qua các biến cố: Giáng Sinh – Chúa tỏ mình cho Ba Đạo Sĩ Phương Đông – Chúa lãnh phép rửa ở Sông Gio-đan và cả việc Chúa làm phép lạ đầu tiên tại tiệc cưới Cana. Đối với Giáo Hội Đông phương, lễ Hiển Linh đã trở thành đại lễ mừng thiên tính của Chúa Cứu Thế; mầu nhiệm Nhập Thể và sự thờ lạy của các Đạo Sĩ vì thế được cử hành vào ngày lễ Giáng Sinh. Thế rồi sau đó lễ Hiển Linh ngày càng được hiểu như là lễ Đức Giêsu Chịu Phép Rửa, đây là do chịu ảnh hưởng của Ai Cập vì phụng vụ này đã sáp nhập biến cố này vào lễ ngày 6 tháng Giêng để nhấn mạnh đến thiên tính thật sự của Đức Kitô ngay từ khi sinh ra. Do đó mà ở Đông phương thường cử hành nghi thức làm phép nước rửa tội, nước giếng rửa tội, các nguồn nước và sông suối vào dịp lễ Hiển Linh.
Truyền thống thường trình bày các Đạo Sĩ như là những vị vua, cưỡi trên lưng lạc đà, đầu đội vương miện, có cả đoàn tuỳ tùng đi theo, hình ảnh này là do ngôn sứ Isai đã loan báo rằng người ta sẽ thấy các vị vua lên đường đến thờ lạy Thiên Chúa thật tại Giêrusalem: “Chư dân sẽ đi về phía ánh sáng của ngươi, vua chúa hướng về ánh bình minh của ngươi mà tiến bước. Lạc đà từng đàn che rợp đất, lạc đà Mađian và Êpha; tất cả những người từ Saba kéo đến, đều mang theo vàng với trầm hương và loan truyền lời ca tụng Chúa”.
Ngày lễ Hiển Linh hôm nay mang nhiều ý nghĩa. Đó là dịp để chúng ta chiêm ngắm chính Chúa Giêsu trong thân phận Hài Nhi thơ bé, được mạc khải như là Vua, Thiên Chúa Nhập Thể và cũng là con người như chúng ta. Được Ngôi sao đưa đường đến tận nơi Hài Nhi Thánh mới hạ sinh, đến với Đấng là Thiên Chúa ở cùng nhân loại, qua những lễ vật dâng tiến, Ba vị Đạo Sĩ muốn bày tỏ cho mọi người biết Đấng mà họ thờ lạy là ai: với vàng thì đó là Vua mà triều đại của Ngài không bao giờ chấm dứt; với mộc dược thì đó là Đấng phải chết và chịu mai táng vì nhân loại phải chết; với nhũ hương thì đó là Thiên Chúa được nhìn nhận ở xứ Giuđê đồng thời cũng là Đấng tỏ mình cho muôn dân đang mong chờ Ngài.
Các vị Đạo Sĩ đến khiêm nhường quỳ gối trước vị vua của đất trời. Vị Vua mà họ chiêm bái ấy đến không phải bằng sức mạnh và vinh quang cá nhân mà bằng tình yêu dấn thân trọn vẹn qua việc phục vụ và tự hiến chính mình trong thân phận con người hèn yếu. Như vậy các Đạo sĩ đã nhìn nhận chính thiên tính của Hài Nhi Thánh ngay từ khi hạ sinh, trước khi Người bày tỏ cho con người bằng các phép lạ. Khi nhập thể làm người, Con Thiên Chúa đã hoàn toàn thông phần vào thân phận của con người, chia sẻ vận mệnh của mỗi người từ khi sinh ra cho đến lúc chết đi, ngoại trừ tội lỗi. Người đến đồng hóa và trở nên tất cả như con người, để cảm thông chia sẻ với thân phận khổ đau của con người, và để nhờ Người mà mối dây liên kết tình thân với Thiên Chúa được nối kết.
Trong ngày lễ hôm nay, chúng ta được mời gọi mau mắn nhận ra những dấu chỉ của Thiên Chúa trong cuộc đời mình, trong thời đại này. Chúng ta được mời gọi khám phá để rồi biết đón nhận Thiên Chúa với tất cả trí óc và con tim nhiệt thành. Lễ Hiển Linh là mầu nhiệm ánh sáng, được diễn tả qua biểu tượng ngôi sao hướng dẫn cuộc hành trình của các nhà đạo sĩ. Chúa Kitô chính là nguồn sáng thật, Người đã tỏ mình cho dân ngoại, cho các Đạo Sĩ từ phương đông xa xôi lặn lội đi tìm Chúa. Họ chiêm ngắm vì sao và theo sự hướng dẫn của ánh sáng vì sao tìm thấy Chúa.
Thấy ánh sao báo điềm thiêng dấu lạ, Ba Đạo Sĩ mau mắn lên đường để kiếm tìm Đấng Cứu Thế mới hạ sinh. Giữa đêm trường đầy hiểm nguy trắc trở, họ đã không chần chừ, không ngần ngại khi đối diện bao thách đố để lên đường. Các Đạo sĩ đã lên đường để nhận biết Đức Kitô là vị Vua thật, Thiên Chúa thật và là Con Người thật. Họ là những người thông thái, học thức, được mọi người trong đất nước mình nhìn nhận khả năng. Chính nhờ kiến thức, tính toán mà họ có thể khám phá ra Ngôi Sao dẫn đưa họ đến tận hang đá. Nhưng một khi đặt chân đến Giêrusalem, những con người khoa học này không còn cậy dựa vào kiến thức của mình nữa: họ dò hỏi các luật sĩ và tiến sĩ Luật, các nhà chuyên môn về Kinh Thánh là chính Mạc Khải của Thiên Chúa. Cũng thế, kiến thức của chúng ta không đủ để giải thích tất cả: như các đạo sĩ, mỗi người cần phải lắng nghe lời Chúa, lắng nghe những giáo huấn của Giáo Hội để có thể mau mắn nhận biết diện mạo đích thực của Thiên Chúa và tình yêu của Người.
Ngày nay, Chúa vẫn không ngừng mời gọi con người tìm kiếm và mau mắn đón nhận Người. Chúa vẫn đến và không ngừng bày tỏ qua nhiều dấu chỉ của thời đại. Và Người vẫn đến với chúng ta, khiêm nhường đơn sơ và ẩn thân nơi bí tích Thánh Thể. Chúng ta được mời gọi tỉnh thức và sẵn sàng đón nhận Chúa, để chiêm bái và tôn thờ Người.
Lạy Chúa, xin cho chúng con mau mắn nhận ra Chúa cùng thực thi thánh ý Chúa trong cuộc đời. Amen.