Suy tư - Chia sẻ

Đấng bị đóng đinh đã sống lại

Cập nhật lúc 17:08 27/03/2024
Chúa nhật Phục sinh, năm B; Bài đọc 1: Cv 10,34a.37-43; Bài đọc 2: Cl 3,1-4; Tin Mừng: Ga 20, 1-9
“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).
“Phúc cho ai có tâm hồn trong sạch vì họ sẽ được nhìn thấy Thiên Chúa” (Mt 5,8).

"Chúa đã sống lại rồi”, đó là tiếng hô vui mừng của Phêrô, của Gioan, của Phaolô và của mọi thế hệ Kitô hữu. Đó là niềm tin của Giáo hội. Cho dù cuộc sống có muôn vàn khó khăn và ai cũng phải chết, nhưng cái chết không phải là tiếng nói cuối cùng, bởi vì sau khi chết là sống lại, và ai chết trong Chúa thì sẽ được sống lại với Ngài. 
Ánh sáng Lời Chúa của bài đọc một trích sách Công vụ Tông đồ đã nói về lời rao giảng của Phêrô được các nhà Thánh Kinh gọi là Kerygma, tức là bài giảng truyền giáo. Lần đầu tiên ngõ lời với một nhóm thính giả mới, các tông đồ luôn giảng Kerygma. Mỗi Kerygma, cho dù có khác nhau trong những chi tiết phụ, nhưng luôn gồm những yếu tố chính về Đức Giêsu: 
a/ Tóm tắt cuộc sống trần thế của Đức Giêsu;
b/ Cái chết của Ngài; 
c/ Việc Ngài sống lại; 
d/ Kêu gọi tin vào Ngài để được cứu độ. 
Vì thế, khi tin vào nội dung Kerygma là bước đầu tiên và là điều quan trọng cơ bản để trở thành một Kitô hữu.
Qua bài Tin Mừng, theo thánh Gioan, chúng ta thấy khi đứng trước ngôi mồ trống của Đức Giêsu, có hai cái nhìn, dẫn đến hai cái thấy khác nhau: Thứ nhất là cái nhìn của bà Maria Magdala là cái nhìn tự nhiên, bị ảnh hưởng bởi tình cảm: chỉ mới nhìn tảng đá đã lăn khỏi mộ, tình cảm của bà bị tác động ngay khiến bà không còn thấy thêm điều gì khác mà chỉ nghĩ đến tình huống xấu nhất: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ !” Cái nhìn tình cảm này không giúp cho bà thấy được sự thật mà chỉ làm cho bà thêm buồn rầu, lo lắng và khóc lóc.
Thứ hai là cái nhìn của người môn đệ Chúa yêu được đức tin hướng dẫn: Ông nghe nói tảng đá đã lăn khỏi mộ, ông chạy đến nơi để xem và xem xét rất kỹ. Ông cúi xuống nhìn vào trong, quan sát những tấm khăn liệm và dừng lại để suy nghĩ. Rồi ông nhớ lại những lời Thánh Kinh mà Đức Giêsu đã dạy. Cái nhìn này giúp ông thấy được sự thật: Đức Giêsu đã sống lại. Cái nhìn đức tin này đem lại cho ông niềm vui: “Ông đã thấy và đã tin”.
Chúng ta có thể so sánh cái nhìn đức tin giống như người ta nhìn các sự vật trong đêm tối bằng ánh sáng của tia hồng ngoại, nên có thể thấy được những điều mà mắt thường không trông thấy. Theo định nghĩa, “Tín hữu” là người tin. Vì thế, tín hữu vừa có cái nhìn tự nhiên như mọi người, vừa phải có cái nhìn đức tin. Ai biết nhìn sự việc bằng đức tin thì sẽ thấy mọi sự rất thanh thản và lạc quan.
Đức Giêsu phục sinh đã chiếu một luồng sáng mới lên tất cả mọi sự. Thiết tưởng, việc đầu tiên mà chúng ta cần cố gắng và cũng là ơn đầu tiên mà chúng ta cần xin trong mùa Phục sinh là biết nhìn mọi sự bằng cặp mắt đức tin. Có như thế, trong tất cả mọi sự chúng ta mới đều có thể lạc quan cất lên tiếng hát đặc trưng của Mùa Phụng vụ này: Halleluia!
Lời Chúa hôm nay, buộc ta phải điều chỉnh lại đức tin ấy: phải có thêm chiều kích hiện sinh nữa: Không chỉ tin bằng trí óc mà còn bằng cả cuộc sống. Không chỉ nhắm tới cuộc sống mai sau, mà phải nghĩ tới cuộc sống hiện tại. Thánh Phaolô dạy: “Sự sống mới của anh em hiện đang tiềm tàng với Đức Kitô”. 
Như vậy, chúng ta phải làm chứng như thế nào? Bởi vì, Chỉ có các tông đồ là những “chứng nhân” đúng nghĩa: các ngài đã cùng sống với Đức Giêsu, đã thấy Ngài chết và thấy Ngài sống lại. Việc làm chứng của các ngài dựa trên điều các ngài đã thấy.
Nhưng lời chứng xuất phát từ cảm nghiệm cũng có giá trị, nhiều khi lại còn có sức thuyết phục hơn. Chúng ta có thể làm chứng cho Đức Giêsu phục sinh theo cách thứ hai này: sống làm sao cho người ta biết chúng ta đang sống một cuộc sống mới, chúng ta hạnh phúc, chúng ta tự do, chúng ta vui mừng trong cuộc sống mới đó, và trong bất cứ hoàn cảnh nào lòng chúng ta cũng tràn trề hy vọng.
Bởi vì, cửa mộ đã mở toang, và thánh Gioan của chúng ta đã “cúi xuống và nhìn thấy những băng vải còn ở đó”. Ông đã thấy và đã tin. Thế nhưng ông đã thấy gì ? Xin thưa, ông chẳng thấy gì hết. Có gì đâu mà thấy. Tuy vậy, điều ông thấy khi còn đang sống với Chúa Giêsu nơi trần gian qua Lời Chúa đã nói, đã làm những việc lớn lao và đã dẫn ông tới chỗ tin.
Thật bất ngờ thay, khi đến nơi, các bà đã thấy tảng đá được lăn ra một bên, và xác Thầy cũng không còn nữa. Chỉ còn đó sứ thần chờ để loan báo Tin Mừng: “Đấng bị đóng đinh đã sống lại rồi, Người hẹn gặp lại các môn đệ tại Galilê” (x. Mc.16,7). Từ ngôi mộ trống, nơi tối tăm và chết chóc, sự sống đã bừng lên.
Như thế, thánh Phaolô trong thư gửi tín hữu Côlôxê dạy cho chúng ta cách sống của người thực sự tin vào việc Đức Giêsu sống lại là một Tin mừng trọng đại rằng: Kitô hữu chúng ta là những người đã chết với Đức Giêsu và sống lại với Ngài trong vinh quang. Cho nên, chúng ta đừng có mất công và mãi mê đi tìm những của phù vân nơi trần gian này, mà hãy tìm kiếm những gì thuộc thượng giới nơi mà Đức Kitô đang ngự trị trong vinh quang; hãy hướng cả con người và lòng trí của chúng ta về những gì thuộc về Thiê Chúa.
Vì vậy, chúng ta hãy cầu xin Chúa Giêsu Kitô Phục sinh luôn ban cho ta niềm xác tín rằng: mỗi lần chúng ta biết ăn năn thống hối, từ bỏ hết mọi lỗi lấm mà trở về sau những lần phạm tội, chính là lúc ta đang Phục sinh với Chúa. Mỗi lần chúng ta tin tưởng sau những lần phản bội niềm tin, là chúng con đang sống lại với Người.
Linh mục Phêrô Vũ Tuân
Thông tin khác:
Cha khát (27/03/2024)
Đau khổ dẫn đến ơn cứu độ (20/03/2024)
Yêu thương và hy sinh (20/03/2024)
Đôi nét về Kinh cầu Thánh Giuse (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (07/03/2024)
Trở nên gánh nặng (07/03/2024)
Chết đi để nảy sinh sự sống mới (07/03/2024)
Mùa Chay - Những tập tục và truyền thống (04/03/2024)
Ánh sáng thế gian (04/03/2024)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log