Suy niệm Lời Chúa
Các môn đệ mang nặng ý tưởng về Đấng Cứu Thế với quyền lực thế trần, nên các ông đã tranh luận với nhau xem ai sẽ là người lớn nhất, nhân cơ hội này Chúa Giêsu đã dạy các ông về bài học khiêm nhường.
Sau khi loan báo lần thứ hai về cuộc thương khó mà Người sắp chịu, Chúa Giêsu đã dạy cho các môn đệ của Ngài về một bài học khiêm nhường phục vụ.
“Con Người sẽ bị nộp vào tay người đời, và họ sẽ giết người”
“Con Người” nhấn mạnh về nhân tính của Chúa Giêsu, để nói lên ý nghĩa Người nhận lấy thân phận của một tội nhân, tuy Người vô tội.
“Sẽ bị nộp vào tay người đời” có nghĩa là Thiên Chúa sắp nộp Chúa Giêsu Con Một của người vào tay người trần. Thánh Phaolô đã xác quyết điều này rằng: “Ngài đã không tha cho chính Con của Ngài nhưng đã phó nộp Người cho chúng ta hết thảy” (Rm 8, 32) và thánh Gioan cũng nói: “Thiên Chúa quá yêu thương thế gian đến nỗi đã ban Con của Ngài” (Ga 3, 16)
“Ai muốn làm người lớn nhất”: đây là lời nhắn nhủ những ai có ý muốn, có lòng khao khát được vinh dự đích thực, thứ vinh dự không do người trần ban tặng, nhưng do Thiên Chúa ban.
“Hãy tự làm người rốt hết”: nghĩa là tự huỷ mình đi trước mắt người ta theo thân phận tôi tớ để phục vụ.
“và làm tôi tớ mọi người”: trở nên con người rốt hết để phục vụ mọi người không trừ một ai. Ở đây có sự trái nghịch giữa “lớn nhất” và “rốt hết” diễn tả sự đảo lộn trần thế và Nước Trời, và tinh thần đánh giá là tinh thần khiêm nhường phục vụ như người tôi tớ của mọi người. Giá trị của người lớn nhất là phục vụ mọi người.
“Rồi Người đem một em bé lại đặt giữa các ông”: để làm ví dụ cụ thể cho bài học khiêm nhường, Chúa Giêsu đã đặt một em bé làm điển hình.
“Ai tiếp nhận một trong những trẻ nhỏ như thế này vì danh Thầy là đón tiếp chính Thầy”: trẻ nhỏ ở đây không có ý nói đến sự vô tội, đơn sơ, nhưng muốn lấy làm điển hình của cái không quan trọng, không đáng kể, “trẻ nhỏ” ở đây gợi lên ý nghĩa của những kẻ bị bỏ rơi, bị khinh bỉ như những kẻ nghèo khó tàn tật, đui mù, què quặt…
“Ai đón tiếp Thầy… là đón tiếp Đấng đã sai Thầy”: Chúa muốn đề cao giá trị siêu nhiên của việc phục vụ trong tinh thần khiêm nhường.
Giáo Hội muốn dùng bài Tin Mừng hôm nay để chúng ta nhìn ngắm gương khiêm nhường tự hạ của Chúa Giêsu trong việc chịu thương khó, chịu chết và phục sinh để nhờ đó ta biết thực hành bài học khiêm nhường trong việc phục vụ phần rỗi các linh hồn.
Trong cuộc sống trần gian hôm nay, ai ai cũng muốn mình được thành đạt, muốn chứng tỏ cho người ta thấy mình là “người lớn” lớn về khả năng, lớn về trí óc, lớn về sức mạnh… Trái lại, trong đời sống Nước Trời Chúa dạy cho chúng ta phải trở nên như trẻ nhỏ, là đầy tớ.
Là người tín hữu, tôi cũng sống Nước Trời ở ngay trần gian, vì thế tôi có thật sự sống bài học khiêm nhường phục vụ mà Chúa dạy cho tôi không?
Theo mắt thế gian, công việc của Đức Mẹ rất tầm thường việc ở máng cỏ, việc giúp bà Isave, việc ở Nazarét, việc đi chầu lễ ở Giêrusalem, việc chôn cất thánh Giuse, việc bị sỉ nhục đau đớn ở Calvariô. Theo mắt siêu nhiên, đời Đức Mẹ phi thường, vì tất cả những việc ấy Mẹ đã làm với lòng khiêm nhường và mến Chúa Giêsu. (ĐHV 808)
Bài học áp dụng
Người tín hữu chúng ta phải có lòng khiêm nhường, tin tưởng phó thác, cậy trông vào Chúa, sẵn sàng phục vụ anh em thì mới xứng đáng là môn đệ đích thực của Chúa Kitô.