Suy niệm:
Khi nghĩ đến cái chết sắp đến của mình,
Đức Giêsu lại nghĩ đến thân phận hạt lúa mì.
Ngài nói một điều mà ai cũng biết như một định luật tự nhiên,
một điều chẳng làm ai ngỡ ngàng kinh ngạc.
“Nếu một hạt lúa rơi xuống đất và không chết đi, nó trơ trọi một mình;
nhưng nếu nó chết đi, nó mới mang nhiều hoa trái” (c. 24).
Đức Giêsu ví mình như hạt lúa đem gieo.
Điều kiện để đời Ngài đơm bông kết trái, đó là cái chết.
Không chấp nhận chết đi, hạt lúa vẫn chỉ là hạt lúa trơ trọi.
Đức Giêsu không muốn mình là thứ hạt lúa ấy,
được bao bọc vững chắc bởi lớp vỏ,
cố giữ cho mình được nguyên vẹn,
vì thế cũng chẳng chịu vươn ra khỏi mình,
chẳng dám đánh mất chính mình để nảy mầm sinh hạt.
Đức Giêsu đã đón lấy cái chết như con đường để sự sống sinh sôi.
Cái chết của Ngài trên thập giá
có khả năng kéo được mọi người lên (Ga 12, 32),
và thu hút cả vũ trụ về với Thiên Chúa.
Có một hạt lúa mang tên Giêsu.
Hạt lúa ấy đã chấp nhận chịu mục nát,
để cả thế giới trở thành đồng lúa thơm trĩu hạt.
Mỗi Kitô hữu cũng là một hạt lúa,
được mời gọi để sống như hạt lúa Giêsu.
“Ai yêu mạng sống của mình, thì sẽ mất nó;
còn ai ghét mạng sống của mình ở trần gian này,
thì sẽ giữ được nó cho sự sống đời đời” (c. 25).
Vấn đề là yêu hay ghét cuộc sống ở đời này.
Kitô hữu không phải là những kẻ chán đời hay khinh rẻ cuộc đời tại thế.
Ghét mạng sống ở đây chỉ có nghĩa là không đặt nó lên chỗ cao nhất,
không để nó chiếm chỗ của Thiên Chúa.
Chính khi nhận ra giá trị tương đối của cuộc đời trần thế này,
chúng ta mới có hy vọng giữ được nó mãi mãi.
Ngược lại, thái độ bám chặt vào đời này, gắn bó với nó một cách lệch lạc,
lại dẫn đến việc đánh mất hạnh phúc, cả đời này lẫn đời sau.
Thánh Laurensô đã bị thiêu sống ở Rôma trên một chiếc giường sắt,
sau khi ngài đã phân phát tài sản của cộng đoàn cho người nghèo.
Thầy phó tế Laurensô đã sống như người phục vụ cho Đức Kitô (c. 26)
bằng cuộc sống và cái chết tử đạo năm 258.
Được ở bên Thầy Giêsu mãi mãi và được Cha Thầy quý trọng,
đó là điều Laurensô được hưởng và cũng là hy vọng của chúng ta.
Cầu nguyện:
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế Người là tất cả của tôi.
Chỉ mong ý muốn trong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi cảm thấy Người ở mọi nơi,
đến với Người trong mọi sự,
và dâng Người tình yêu trong mọi lúc.
Chỉ mong tôi chẳng còn gì,
nhờ thế tôi không bao giờ muốn tránh gặp Người.
Chỉ mong mọi ràng buộc trong tôi chẳng còn gì,
nhờ đó tôi gắn bó với ý muốn của Người
và thực hiện ý Người trong suốt đời tôi.
(R. Tagore)
Lm Antôn Nguyễn Cao Siêu, SJ