Một trong những hoạt động chính yếu được cử hành trong Năm Thánh 2010 đó là Đại Hội Dân Chúa, diễn ra vào tháng 11 năm 2010 tại Trung tâm mục vụ Tổng Giáo phận Tp.Hồ Chí Minh. Kết thúc Đại Hội này là bản Sứ Điệp được long trọng công bố và gửi tới toàn thể mọi thành phần Dân Chúa, như một tổng kết cho hành trình lịch sử đã qua, và mở ra những chương mới cho hành trình sắp tới của Giáo hội Công giáo tại Việt Nam. Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa kết thúc với lời cầu nguyện tha thiết hướng về Chúa Kitô: Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22,20). Lời kinh nguyện tha thiết được trích từ câu cuối cùng của Kinh Thánh, trong sách Khải Huyền, diễn tả trọn tâm tình của Dân Chúa, và càng ý nghĩa hơn khi chúng ta hướng tâm tình về những ngày chuẩn bị đón mừng đại lễ Giáng sinh.
Sứ Điệp Đại Hội Dân Chúa đã diễn tả tâm tình cầu nguyện như sau: “Xin Chúa ngự đến trong mỗi gia đình công giáo, để gia đình trở thành cộng đoàn thờ phượng Chúa, hiệp nhất yêu thương nhau và cùng nhau làm chứng cho Tin Mừng Nước Trời. Xin Chúa ngự đến và hiệp nhất tất cả chúng con trong cùng một sứ mạng yêu thương và phục vụ, quyết tâm xây dựng nền văn hóa sự sống và văn minh tình thương, để dung nhan Chúa bừng sáng trên quê hương Việt Nam chúng con. “Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến”(số 8). Đây vừa là lời cầu xin vừa diễn tả niềm khao khát và hi vọng của đại hội Dân Chúa. Nhờ lời chuyển cầu của Đức Mẹ La Vang và các Thánh Tử Đạo tại Việt Nam, xin Chúa ngự đến trong tâm hồn mỗi người và biến đổi cho trở nên những môn đệ trung kiên của Chúa giữa cuộc đời, trong mọi cảnh huống của đời sống thường nhật.
Chúng ta đã đi qua gần hết hành trình của Mùa Vọng. Giáo Hội Công Giáo cử hành Mùa Vọng với lời mời gọi mọi thành phần Dân Chúa dọn lòng và sẵn sàng chờ mong Chúa đến. Tâm tình ấy được diễn tả phần nào qua lời Thánh Ca quen thuộc, được cất lên trong Phụng vụ Mùa Vọng: Xin cho lòng chúng con luôn mở rộng chờ mong Chúa đến, xin cho lòng chúng con luôn thắm đượm một tình yêu mến, xin cho lòng chúng con luôn ước ao, luôn khát khao, một thế giới sướng vui dạt dào, một thế giới không còn khổ đau. Lời Thánh Ca ấy cũng nói lên ý nghĩa của việc chờ mong, việc dọn lòng như thế là: Để Chúa đến trong cuộc đời, để Chúa đến mang ơn trời, nguồn hạnh phúc cho con người, nguồn cứu rỗi cho mọi nơi.
Càng gần đến đại lễ Chúa Giáng Sinh, lòng mỗi tín hữu nói riêng và của mọi thành phần Dân Chúa khắp nơi rộn rã niềm hân hoan, sự sẵn sàng và tâm tình sốt mến. Lời kinh nguyện tha thiết: Maranatha, lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến! (Kh 22,20) càng vang lên cách sâu lắng và cảm động hơn. Như Sứ điệp của Đại Hội Dân Chúa đã diễn tả, trong lời cầu nguyện đó, toàn thể Hội Thánh Công Giáo bày tỏ tâm tình chờ mong Chúa đến. Chúa đến để ban bình an, chúc lành và nâng đỡ Giáo hội. Chúa đến để đồng cảm, chia sẻ và nâng đỡ nhân loại. Chúa đến để xua tan những bất công lan tràn và nâng đỡ những cảnh đời bất hạnh. Chúa đến để làm cho nhân loại được trở về với Ngài, và cùng hiệp thông với nhau trong tâm tình của những người con trong một mái nhà Thiên Chúa yêu thương.
Nhân loại chờ mong Chúa Kitô ngự đến, bởi chính Người là Ngôi Lời Thiên Chúa Nhập Thể: “Ngôi Lời là Ánh Sáng Thật, ánh sáng đến thế gian và chiếu soi mọi người” (Ga 1, 9). Thiên Chúa là nguồn mạch của sự sống và là khởi nguồn tình yêu. Chúa Giêsu ngự đến chính là Tin Mừng Sự Sống và Tình Yêu. Chính Người đã long trọng tuyên bố: Ta là Đường, là Sự Thật, và là Sự Sống. Chúa Giêsu đem đến cho con người chính Tin Mừng của Sự Sống và Tình Yêu. Sự sống và Tình yêu đích thực phát xuất từ chính Thiên Chúa. Với sứ điệp yêu thương rộng mở, Người luôn kêu mời mọi người thiện tâm cùng chung sức kiến tạo nền văn hoá sự sống và văn minh tình thương theo mẫu mực của Ba Ngôi Thiên Chúa. Lời các Thiên thần ca mừng trong đêm Giáng sinh được vang lên thật đánh động lòng người: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, Bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Lời ca khen hát mừng của các sứ thần trong ngày Chúa Giêsu giáng sinh vẫn còn đó, vang lên trong mọi tâm hồn của người tín hữu, và biến thành lời ca vang chúc bình an trên môi miệng của chúng ta với ước mong rằng, tất cả mọi người đều làm sáng danh Thiên Chúa và đem bình an cho tha nhân trong cuộc sống của mình.
Mỗi người Kitô hữu luôn hướng lòng mình về sự chờ đợi lời hứa cứu độ đã được thực hiện trong lịch sử và sẽ hoàn tất sau lịch sử. Đó là niềm hy vọng chắc chắn. Hy vọng luôn gắn liền với lòng xác tín. Đó là sự xác tín sâu xa. Niềm hy vọng làm cho chúng ta đi tới cùng đích của cuộc đời là chính Thiên Chúa.Thiên Chúa hy vọng vào con người là để cho con người được hy vọng vào Thiên Chúa, và bởi Thiên Chúa luôn hy vọng vào con người qua những đường đến bất ngờ, nên con người chỉ có cách là hy vọng vào Thiên Chúa qua niềm tỉnh thức sẵn sàng không mỏi mệt của mình.
Niềm hy vọng và sự tỉnh thức trong sẵn sàng đòi hỏi phải có một tình yêu và lòng sốt mến nồng nàn. Tín thác và tin tưởng vào Chúa Kitô qua Tình yêu của Người sẽ trở nên nguồn động lực to lớn cho chúng ta. Thánh Phaolô đã viết: "Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực, hiện tại hay tương lai, hoặc bất cứ sức mạnh nào, trời cao hay vực thẳm hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Đức Ki-tô Giê-su, Chúa chúng ta" (Rm 8,38-39). Do đó, chúng ta chờ đợi Chúa ngự đến trong một tâm tình sẵn sàng với trọn tình yêu, sự tỉnh thức và lòng tín thác. Chúa đến đem bình an cho nhân loại. Chúa đến đem tình yêu và sự hiệp nhất giữa con người với nhau, và giữa toàn thể nhân loại với Thiên Chúa.
Lời cầu nguyện Lạy Chúa Giêsu xin ngự đến vẫn vang lên trong tâm tình của mỗi tín hữu trong mùa Giáng Sinh này, nhưng nhiều khi chúng ta quên đi việc chính là đón Chúa đến trong tâm hồn mình, mà chỉ chú tâm chờ đợi Người đến qua những hình thức bề ngoài. Trong những lời mở đầu Tin Mừng thánh Gioan có một câu nói lên tâm trạng thật buồn: "Người đã đến nhà của mình. Nhưng người nhà chẳng chịu đón nhận Người" (Ga 1,11). Sự kiện đáng buồn đó đã xảy ra thuở ấy. Nhưng chẳng may sự kiện này vẫn tiếp tục xảy ra đó đây hiện nay. Người ta tưởng Chúa sẽ đến trong cảnh sang trọng giàu có, vinh quang lẫy lừng, uy quyền hùng mạnh. Thế nhưng, Chúa đã đến trong thân phận khó nghèo, hèn mọn, bé bỏng, khiêm hạ. Người ta chờ đợi Chúa đến trong những gì là lớn lao vinh dự nhưng Người đến trong tất cả những gì tầm thường, bình dị nhất của cuộc đời con người. Thiên Chúa là Chủ Tể của vũ trụ, mà lại chọn sinh ra trong cảnh khó nghèo để dạy chúng ta một bài học: Sống đơn giản, bình dị và nghèo khó sẽ làm cho chúng ta dễ dàng trông cậy vào Thiên Chúa và nhận ra những nhu cầu của tha nhân hơn.
Chúa đến để cảm thông và chia sẻ với những gì là bình thường nhất của cuộc sống con người. Người đến để trở nên một con người giống chúng ta mọi đàng, chỉ trừ tội lỗi. Do đó, khi cầu nguyện xin Chúa ngự đến, mỗi người được mời gọi tỉnh thức sẵn sàng và mau mắn đón tiếp Chúa. Chúa đến trong những người nghèo hèn thống khổ quanh ta, trong nhưng người bất hạnh và bị đẩy ra ngoài lề xã hội. Chúng ta được mời gọi chia sẻ và cùng với Chúa nâng đỡ những anh chị em ấy. Đó là cách đón Chúa đến đẹp nhất và mang nhiều ý nghĩa. Cần mở lòng và sẵn sàng đón nhận ơn Chúa. Ơn Chúa có thể đến bất cứ từ nơi đâu, trong mọi cảnh huống cuộc đời, lúc vui mừng hay đau khổ, lúc thành công hay khi thất bại. Ðiều quan trọng là chúng ta biết nhận ra đó là ân ban của Chúa. Người có niềm tin nhìn tất cả chỗ nào cũng là ân sủng, và mỗi một ân ban là một cuộc viếng thăm của Chúa trên cuộc đời chúng ta.
Chờ mong Chúa đến cũng đồng nghĩa với việc mặc lấy tâm tình của Chúa và sống như Chúa dạy. Người Công Giáo Việt Nam được mời gọi hãy chung sức xây đắp nếp sống hiếu trung và tín thác đối với Thiên Chúa là Cha trên trời, đồng thời hiệp thông huynh đệ đối với mọi người anh em đồng đạo, đồng bào và đồng loại, nhằm chung sức vun đắp nếp sống văn hoá sự sống và văn minh tình thương trên quê hương đất nước hôm nay. Người Công Giáo cũng được mời gọi xây dựng sự hiệp thông trong Giáo Hội, đó là chìa khoá loan báo Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, hướng đến hạnh phúc và hòa bình cho con người thời đại hôm nay.
Tất cả những tâm tình đó sẽ làm nên ý nghĩa và xác tín cho ngày Chúa đến, để chúng ta cùng ra nghênh đón Người với trọn tình yêu của mình.
Maranatha! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!