Suy tư - Chia sẻ

Môn đệ đích thực

Cập nhật lúc 08:55 17/07/2017
Trước khi về trời, Chúa Giêsu đã truyền lệnh cho các môn đệ: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).
Sứ mạng đó không chỉ dành riêng cho các Giám mục, linh mục hay các tu sĩ nam nữ nhưng là dành cho hết tất cả mọi người, những ai đã được lãnh nhận Bí tích Thánh tẩy. Bởi vì chúng ta đã thực sự trở thành môn đệ Chúa Giêsu khi cùng chịu mai táng và sống lại với Người trong Bí tích Rửa tội. Và để xứng đáng với danh hiệu đó, trong các lựa chọn hàng ngày, người môn đệ phải luôn đặt tình yêu đối với Thầy Giêsu lên hàng đầu và đem tình yêu đó đến với tha nhân, với những con người bất hạnh hơn hết.

1. Yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự

Chúa Giêsu đã nói với những người đi theo Ngài: “Ai yêu cha mẹ hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy. Ai yêu con trai con gái hơn Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,37). Điều này không đi ngược lại với tinh thần đạo hiếu của người Á Đông, cũng không trái nghịch với điều răn thứ tư: “Thảo kính cha mẹ”. Nhưng Chúa Giêsu muốn người môn đệ phải biết thiết lập một trật tự ưu tiên trong những lựa chọn của mình. Chúa không cấm các tình cảm tự nhiên và chính đáng, nhưng đừng để chúng cản trở những công việc và sứ mạng của một người môn đệ. Đã là môn đệ Đức Kitô là phải nhìn nhận sự tối thượng tuyệt đối của Người, phải sẵn sàng từ bỏ mọi ràng buộc cản trở việc theo Ngài.

Người môn đệ đi theo Chúa không phải để được “ăn sung mặc sướng”, không phải để tránh khỏi những lo lắng của cuộc sống trần gian, mà theo Chúa thì cũng phải vác Thập giá như Chúa: “Ai không vác Thập giá mình mà theo Thầy, thì không xứng đáng với Thầy” (Mt 10,38). Thập giá là những khó khăn, thử thách mà người môn đệ phải phấn đấu, hi sinh và quảng đại để làm theo ý Chúa. Hơn nữa, Ngài còn đòi hỏi một sự hi sinh triệt để: “Ai tìm giữ mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì Thầy, thì sẽ tìm thấy được” (Mt 10,39).

Trong một xã hội luôn đề cao tính hưởng thụ như hôm nay, để đánh giá sự thành đạt, hạnh phúc của con người, người ta thường căn cứ vào những giá trị vật chất mà người ấy có như nhà cửa, xe cộ, tiền tài, danh vọng; vợ đẹp, con khôn… Cuộc sống của người thành đạt là một cuộc sống không phải thiếu thốn điều gì, “muốn gì được nấy”. Chính vì thế, theo Chúa, sống như Lời Chúa đòi hỏi là một thách đố đối với người Kitô hữu. Bởi vì, con đường theo Chúa dường như là đi ngược lại với những xu hướng, những tiêu chuẩn đánh giá của xã hội con người thời nay.

“Ngược lại” vì Chúa muốn người môn đệ phải có tinh thần từ bỏ thay vì cứ thu góp cho mình. “Ngược lại” vì Chúa muốn người môn đệ chấp nhận đau khổ, vác Thập giá mỗi ngày mà theo Chúa thay vì tận hưởng cuộc sống đầy tiện nghi và thoải mái. “Ngược lại” vì con người ta làm tất cả để mình được sống, còn người môn đệ phải dám chấp nhận hi sinh mạng sống vì Chúa và vì Tin Mừng.

Vậy, phải chăng cuộc đời theo Chúa chỉ là những sự từ bỏ và mất mát? Không phải thế!Một điều chắc chắn rằng: chỉ khi dứt khoát với những của cải, danh vọng, lạc thú ở đời này người môn đệ mới xứng đáng với ơn mà Chúa đã gọi. Thay vào đó, Chúa hứa ban hạnh phúc Nước Trời và đảm bảo cho những ai theo Ngài: “Thầy bảo thật anh em: chẳng hề có ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, mẹ cha, con cái hay ruộng đất, vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ, ở đời này, lại không nhận được nhà cửa, anh em, chị em, mẹ, con hay ruộng đất, gấp trăm, cùng với sự ngược đãi, và sự sống vĩnh cửu ở đời sau” (Mc 10,29-30).

Người môn đệ dám chấp nhận từ bỏ tất cả để đi theo chúa, không những không bị mất mà còn nhận được gấp trăm. Để rồi nhờ việc đón nhận những hồng ân cao cả từ Thiên Chúa, người môn đệ cũng biết chia sẻ và đón tiếp anh chị em của mình.

2. Yêu tha nhân như chính mình

Câu chuyện gia đình ở Sunêm, họ nhận ra ông Êlisa là người của Thiên Chúa, một vị thánh. Bởi vì họ lo sợ ông phải bơ vơ ở một miền đất lạ, nên đã làm cho ông một căn phòng và chu cấp những vật dụng cần thiết. Chính vì thế, họ đã nhận được một phần thưởng quá sức mong chờ đối với hai vợ chồng già, là có một đứa con trai. Phần thưởng đó là nhờ ông bà đã tiếp đón và đối đãi tử tế với vị ngôn sứ của Chúa, là phần thưởng dành cho bậc ngôn sứ.

Tiếp đón không chỉ là đón người vào trọ trong nhà mình, cho họ ăn, cho họ nghỉ, mà còn biết quan tâm tới nhu cầu của người khách và đáp ứng theo khả năng của mình. Khi tiếp đón, đồng nghĩa với việc chúng ta phải mất mát: mất thời giờ, mất tiền của… Tuy nhiên, người ta vẫn thường nói rằng: “của cho không bằng cách cho”. Cho nên, giá trị vật chất mà chúng ta đối đãi, tiếp đón tha nhân không quan trọng bằng cách thức chúng ta đón tiếp họ. Điều đó nói lên tình yêu, sự chân thành mà chúng ta dành cho họ. Chính Chúa Giêsu cũng đã khẳng định: “Ai cho một trong những kẻ bé nhỏ này uống, dù chỉ một chén nước lã thôi, vì kẻ ấy là môn đệ của Thầy, thì Thầy bảo thật anh em, người đó sẽ không mất phần thưởng đâu” (Mt 10,42).

Những kẻ bé mọn là những người bên cạnh chúng ta, ở chung quanh chúng ta. Họ là những người ăn xin, những người neo đơn, nghèo hèn, khốn khổ. Họ là những người già cả, những kẻ không nhà không cửa, những cô gái lỡ lầm, những kẻ nghiện ma túy, những người bị nhiễm HIV… Họ là những con người bị lãng quên, bị xã hội xua đuổi và loại trừ. Chúa Giêsu mời gọi môn đệ của Người nhận biết Chúa trong những kẻ bần cùng, khốn khổ: “Ai đón tiếp anh em là đón tiếp Thầy, và ai đón tiếp Thầy là đón tiếp Đấng đã sai Thầy” (Mt 10,40).

Một chén nước lã thôi, một đứa trẻ cũng có thể cho người khác. Nhưng điều cốt yếu hệ tại ở tình yêu của chúng ta dành cho anh em mình. Một công việc được làm với tinh thần nào, làm cho ai và trong trường hợp nào không quan trọng bằng chúng ta đặt vào đó bao nhiêu tình yêu mến. Chén nước lã mà Chúa mời gọi chúng ta cho người khác có thể đến với chúng ta nhiều lần trong ngày. Đó là những sự giúp đỡ nhỏ bé đối với người anh em đang thiếu thốn, một lời động viên cho người đang mất niềm tin, hay làm một việc tốt âm thầm chỉ một mình mình biết… Chúng ta phải coi việc đón tiếp, giúp đỡ anh em như là bổn phận của mình. Đức Giáo hoàng Phanxicô đã chỉ ra rằng: trước dòng xoáy của nền kinh tế thị trường hiện nay, người ta đang dần trở nên vô cảm trước tiếng kêu của người nghèo, không còn có thể khóc trước nỗi đau của người khác hay cảm thấy cần cứu giúp họ, coi như tất cả là trách nhiệm của một ai khác chứ không phải của chính chúng ta (Tông huấn Niềm Vui của Tin Mừng, số 54).

Rao giảng Tin Mừng bằng lời nói và tuyên xưng danh Chúa bằng việc làm, nhằm mưu tìm hạnh phúc và nâng cao phẩm giá con người. Đấy là sứ mạng Đức Kitô ủy thác cho các Tông đồ hôm xưa và cho chúng ta hôm nay. Một sứ mạng không êm ả, vì lắm khi bị chống đối, bị cản trở và bị bách hại. Nhưng một khi ý thức rằng mình thuộc về Chúa, mình chia sẻ số phận của Đấng đã sai mình, thì chính ý thức này sẽ giúp người môn đệ được vững vàng và can đảm thi hành sứ vụ. Luôn ý thức sự mình yếu hèn và tội lỗi của mình, người môn đệ biết đến với anh chị em bằng sự khiêm tốn, lòng xót thương và tình thông cảm. Nhờ đó mà Tin Mừng có thể thấm nhập vào tâm hồn con người.

 
GB.M. NGUYỄN DUY
Thông tin khác:
Đức Mẹ ở bên tôi (13/07/2017)
Đấng luôn quan phòng (05/07/2017)
Những cảm nhận về khóa thường huấn (03/07/2017)
Thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống (26/06/2017)
Viếng thăm và chào chúc (23/06/2017)
Cội nguồn tình yêu (15/06/2017)
Những thay cho mà Chúa muốn (14/06/2017)
Hãy giao rảng Lời Chúa đến với muôn dân (12/06/2017)
Thánh Thần nguồn ơn đổi mới (10/06/2017)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log