Suy tư - Chia sẻ

Mục tử nhân lành (Chúa nhật IV Phục Sinh)

Cập nhật lúc 10:24 01/05/2012

 

Ngài luôn cổ võ sự đối thoại và giải pháp hoà bình, không bao giờ ủng hộ biện pháp vũ trang nổi dậy, và tình nguyện làm trung gian hòa giải giữa hai bên, dù điều đó khiến chính ngài bị giam cầm và chịu biết bao khó khăn, đau khổ. Việc chọn lựa hiến thân vì người nghèo đã đưa ngài vào một tình thế hiểm nguy, khiến đôi lúc ngài có cảm giác bất lực, ngài từng thốt lên lời nguyện thảm thiết như chính Chúa Giêsu trước khi bước vào khổ nạn: “Con không thể, Chúa ơi. Con phải làm gì đây ! Xin soi sáng cho con”.
Những bài giảng thuyết cuối cùng của ĐTGM.Romêrô ngày càng hùng hồn, mạnh mẽ và thống thiết hơn. Đó là lời của một ngôn sứ khẩn nài đoàn chiên trở về với lề luật của Chúa. Chính vì những lời kêu gọi ấy, ngài đã phải trả giá bằng chính mạng sống của mình. Ngài bị hạ sát đúng lúc dâng cao Chén Máu Thánh trong khi cử hành Thánh lễ vào ngày 24-3-1980. Quả vậy, ngài đã được kết hợp sâu xa hơn bao giờ hết với hiến tế của Đức Kitô, được hòa trong Chén Thánh những giọt máu của chính mình, những giọt máu “đổ ra cho anh em và mọi người được ơn cứu độ”. Nhưng với ngài, đó chính là giờ ân huệ, giờ hiến tế mà ngài đã sẵn sàng và chờ đợi.
Câu chuyện về tấm gương hy sinh một lòng vì đoàn Dân Thiên Chúa đã được trao phó của Đức Tổng Giám Mục Romêrô thật quen thuộc với chúng ta, đây là một mẫu gương phản chiếu trung thực hình ảnh của Chúa Giêsu mục tử mà Chúa Nhật IV Mùa Phục Sinh, Giáo hội mời gọi chúng ta chiêm ngắm và suy niệm.
Nghề chăn chiên thật quen thuộc với người dân trên đất nước Do Thái. Quan hệ giữa người chăn chiên và đàn chiên thật sâu đậm. Chúa Giêsu đã dùng chính hình ảnh thường nhật và gần gũi này để nói lên tương quan mật thiết của Người với đoàn Dân Thánh mà Người coi sóc, hướng dẫn. Mục tử, tức là người chăn chiên, là hình ảnh rất quen thuộc đối với dân Do Thái du mục ngày xưa nói riêng, và cả xã hội Do Thái cho tới thời Chúa Giêsu nói chung. Vì vậy, hình ảnh người chăn chiên trở thành một trong những biểu tượng phong phú và sống động nhất, được dùng để diễn tả tương quan giữa Thiên Chúa và dân Do Thái. Họ như một đoàn chiên riêng của Thiên Chúa, được Người nuôi nấng, chăn dắt, săn sóc đặc biệt.
Chúa Giêsu áp dụng hình ảnh đó cho chính Ngài và đoàn chiên của Ngài là chúng ta. Chúa Giêsu đã long trọng tuyên bố: “Tôi là mục tử nhân lành”, và hơn thế nữa, là vị mục tử sẵn sàng “Hy sinh mạng sống vì đoàn chiên của mình”. Mục Tử nhân lành là biết hy sinh mạng sống mình vì đoàn chiên nghĩa là bằng mọi cách người mục tử phải biết luôn sẵn sàng bảo vệ, quan tâm, chăm sóc đoàn chiên của mình, cho dầu phải hy sinh chính mạng sống mình đi nữa. Chính vì điều này vị chủ chăn mà khác với kẻ làm thuê. Điều này muốn nói lên sự hy sinh, lòng yêu thương mà Chúa Giêsu muốn dành cho nhân loại.
Thánh Gioan Tông đồ đã khắc họa một chân dung về người mục tử với trái tim nhân hậu, hết mình vì đàn chiên. Đây là đề tài cổ điển nhưng rất quen thuộc của Cựu Ước nhằm nói lên mối tương quan giữa Thiên Chúa và dân của Người. Kinh Thánh trình bày rất nhiều hình ảnh về đức ái của người mục tử: đó là người chăn dắt, lo lắng và chăm sóc chu đáo đàn chiên của mình “Chiên thất lạc, Ta sẽ tìm kiếm, chiên tản mác, Ta sẽ lùa về. Chiên xây xát, Ta sẽ băng bó, bệnh hoạn Ta bổ sức…” (Ed 34,16), và hơn hết đó là người dám hy sinh mạng sống mình cho đàn chiên. Hình ảnh ấy được thể hiện một cách rõ nét nơi Chúa Giêsu Kitô. Người chính là mục tử nhân lành được Thiên Chúa Cha sai đến để chăn dắt đàn chiên dân Ngài. Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đã tự giới thiệu “Tôi chính là Mục Tử nhân lành. Mục Tử nhân lành hy sinh mạng sống vì đoàn chiên” (Ga 10,11).
Chỉ có một đoàn chiên và một mục tử”: Với sứ vụ của Đấng Cứu Thế, Chúa Giêsu muốn qui tụ tất cả muôn dân qua mọi thời đại dưới sự hướng dẫn, chở che của Ngài.“ Tôi cũng phải đưa chúng về” và tất cả phải nhìn nhận Ngài là một mục tử duy nhất.
Với sứ mệnh được sai đến để chăn dắt đoàn chiên xuất phát từ cung lòng Ba Ngôi, cung lòng từ bi nhân hậu của Chúa Cha, trong nỗi niềm thương cảm của Thiên Chúa, trái tim Chúa Giêsu luôn luôn khắc khoải về đàn chiên, mãi nhìn đoàn chiên với cái nhìn thương cảm, lo lắng. Đỉnh cao của tình yêu là cái chết của Chúa Giêsu trên thập giá để cứu thoát đoàn chiên nhân loại ra khỏi sự nô lệ, lầm than, khốn khổ của tội lỗi và tuôn đổ muôn vàn ơn phúc để đàn chiên ấy được vui sống trong đồng cỏ xanh tươi bên dòng suối mát trong của Nước Thiên Chúa.
Chúa nhật Chúa Chiên Lành hôm nay, Giáo hội mời gọi mọi thành phần Dân Chúa cầu nguyện cách đặc biệt cho ơn gọi dâng hiến, linh mục và tu sỹ. Căn tính của người linh mục là nên giống Chúa Giêsu mục tử. Tông huấn Pastores Dabo Vobis khẳng định: “căn tính linh mục, cũng như bất cứ căn tính nào của người kitô hữu, bắt nguồn từ Mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi” (PDV 12). Như thế, dù là người giáo dân hay sống ơn gọi linh mục, mọi người đều có một ơn gọi chung là được thông dự vào sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi. Nói khác đi, ơn gọi ấy mời gọi sống lời Chúa Giêsu đã dạy: “Anh em hãy nên trọn lành như Cha anh em trên trời là Đấng trọn lành” (Mt 5,48). Từ ơn gọi nền tảng ấy, khi chịu chức linh mục do sự đặt tay và lời nguyện thánh hiến của Giám mục, người linh mục được thông ban một ơn gọi mới, một tương quan mới. Đó chính là “mối dây hữu thể loại biệt nối kết người linh mục với Chúa Kitô, Linh mục tối cao và Mục tử nhân lành” (PDV 11). Sự biến đổi tận căn mang tính bí tích đưa người Linh mục trở nên “đồng hình dạng với Chúa Kitô, Đấng là đầu và mục tử của dân ngài, để sống và hoạt động trong sức mạnh của Chúa Thánh Thần, nhằm phục vụ Giáo hội và cứu độ thế giới.” (PDV 12).
Trong hành trình theo Chúa, người tín hữu chúng ta, nhất là những ngừời sống đời dâng hiến không thể đi con đường nào khác, không thể sống căn tính nào khác ngoài căn tính “nên giống Đức Kitô mục tử nhân lành”. Không phải chỉ có các giám mục, linh mục mới là mục tử, nhưng mọi tín hữu cũng là “mục tử” theo gương người Mục Tử nhân lành là Chúa Kitô, vì Ngài đã trao phó trách nhiệm chăn dắt đàn chiên cho chúng ta, cho từng người tín hữu trong phạm vi, trong lãnh vực của mình.Bởi thế, chuỗi ngày sống của mỗi chúng ta là chuỗi ngày rèn luyện con tim, khối óc trở nên giống Chúa hơn. Để được như thế, trước hết và trên hết ta cần phải có một đời sống kết hiệp với Chúa là nguồn sống dồi dào và sung mãn. Chỉ khi có sức sống từ Chúa, ta mới có thể làm cho nhịp tim, suy nghĩ và hành động của mình nên giống Chúa. Đây là hành trình lâu dài và lắm gian nan đòi hỏi mỗi người chúng ta phải kiên trì và nỗ lực không ngừng.
Đức Kitô là vị mục tử nhân lành, hy sinh mạng sống vì chúng ta. Chúng ta phải noi gương Ngài và tập sống hy sinh vì tha nhân. Chúng ta đã thực hiện được điều đó chưa? Trong từng ngày sống của cuộc đời, chúng ta được mời gọi hãy làm một việc hy sinh nào đó cho tha nhân để đáp trả tình yêu Đức Kitô dành cho chúng ta. Chúng ta cũng được mời gọi mở rộng lòng mình với những anh em chưa tin nhận Chúa Kitô và Giáo hội của Người đó là “những chiên khác không thuộc ràn này”. Chúng ta hãy luôn quan tâm đến họ, hãy cầu nguyện cho họ sớm nhận ra được tình yêu của Đức Kitô cũng đặc biệt dành cho họ.
Với ý thức trách nhiệm mục tử, người tín hữu không còn sống cho riêng mình nữa, không còn được phép mưu lợi cho cá nhân mình nữa. Là Kitô hữu, linh mục, tu sĩ hay giáo dân, tôi phải là mục tử, tôi phải chăn dắt đàn chiên Chúa giao phó cho tôi: gia đình tôi, cộng đoàn tôi, giáo xứ tôi, giáo phận tôi, đồng nghiệp, đồng bào tôi. Có hoàn thành trách nhiệm chăn dắt theo ý Chúa, tôi mới tìm được hạnh phúc đích thực hoàn toàn.
Thiên Ân
Thông tin khác:
MỤC TỬ NHÂN LÀNH (29.4.2012 – Chúa nhật 4 Phục sinh - Chúa nhật Chúa chiên lành) (01/05/2012)
Anh em cũng muốn bỏ đi sao? (28.4.2012 – Thứ bảy Tuần 3 Phục sinh) (01/05/2012)
Nhờ tôi mà được sống (27.4.2012 – Thứ sáu Tuần 3 Phục sinh) (01/05/2012)
Chúa Cha lôi kéo (26.4.2012 – Thứ năm Tuần 3 Phục sinh) (01/05/2012)
Loan báo Tin Mừng (25.4.2012 – Thứ tư - Thánh Marcô, tác giả sách Tin Mừng) (01/05/2012)
Bánh ban sự sống cho thế giới (24.4.2012 – Thứ ba Tuần 3 Phục sinh) (01/05/2012)
Lương thực thường tồn (23.4.2012 – Thứ hai Tuần 3 Phục sinh) (01/05/2012)
ANH EM LÀ CHỨNG NHÂN (22.4.2012 – Chúa nhật 3 Phục Sinh, Năm B) (01/05/2012)
Chính Thầy đây (21.4.2012 – Thứ bảy Tuần 2 Phục sinh) (01/05/2012)
Ủy ban Đoàn kết Công giáo Việt Nam
Số giấy phép: 183/GP-TTĐT cấp ngày 31/05/2017. Trưởng ban biên tập: Vũ Thành Nam
Địa chỉ ban biên tập: 59 Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Điện thoại: (04) 39363013 - Email: mariadohoa@gmail.com
Website ubdkcgvn.org.vn được phát triển bởi đơn vị MIP™(mCMS).
log