Suy niệm
Một trong những bức tranh nổi tiếng của danh họa Rembrandt, người Hà Lan, sống vào thế kỷ 17, đó là bức tranh “ba thập giá”.
Nhìn vào tác phẩm ai cũng bị thu hút ngay vào trung tâm giữa thập giá của hai người bất lương, thập giá của Chúa Giê-su trổi lên một cách ngạo nghễ. Dưới chân thập giá là cả một đám đông mà gương mặt nào cũng biểu lộ hận thù oán ghét… Tác giả như muốn nói rằng: không trừ một người nào mà không dính líu vào việc đóng đinh Chúa Giê-su
Nhìn kỹ vào đám đông, người ta thấy có một gương mặt dường như mất hút trong bóng tối. Đó chính là khuôn mặt của Rembrandt. Ông muốn thú nhận rằng: chính tội lỗi của ông đã đóng góp vào việc treo Chúa Giê-su lên thập giá. Vậy còn tôi, tôi đã có bao giờ ý thức rằng những lần tôi phạm tội là tôi đã trở nên người lý hình đóng đinh Chúa vào thập giá hay không?
*
Trình thuật của Lu-ca về cuộc thương khó. Thánh sử giới thiệu Chúa Ki-tô là Đấng hay thương xót và khoan dung, đối với những kẻ hành hình Ngài.
Bài thương khó cho chúng ta thấy cách thức Chúa Giê-su đáp lại những gì người ta đã đối xử với Ngài. Ngài đón nhận tất cả sự dữ, biến đổi nó thành tình yêu và sự tha thứ. Trong Ngài không có gì ngoại trừ tình yêu.
“Thầy những khao khát ăn Lễ Vượt qua này với anh em trước khi chịu khổ hình”. Đây là bữa ăn cuối cùng của Đức Giê-su tại trần gian. Người biết điều đó, do đó, ta không thể ghi nhận sự bình an tuyệt vời trong tâm hồn Đức Giê-su vào hôm trước ngày Ngài biết chắc mình sẽ phải chết.
Nhìn lên thập giá Chúa không phải để thất vọng vì gánh nặng của tội lỗi, mà trái lại để cảm nếm được hồng ân bao la của Chúa, để cho tâm hồn được phấn khởi, tin yêu hơn… Nhìn lên thập giá Chúa để can đảm nếm được ơn tha thứ của Ngài. Chúng ta cũng được mời gọi để cảm thông, để tha thứ đối với người anh em.
Bài học áp dụng
Không có tình yêu nào cao cả hơn tình yêu của người đã thí mạng sống vì bạn hữu của mình.
Chỉ khi nào bạn nhìn Đức Giê-su trên thập giá, bạn mới hiểu Ngài yêu thương bạn.