1.
Lúc này hơn bao giờ hết, Chúa cho tôi thấy: Cũng như mọi người, tôi đang ở trong một tình hình cực kỳ nguy hiểm. Tôi cần được Chúa cứu.
Để được Chúa cứu, tôi phải góp phần vào việc Chúa cứu. Chúa dạy tôi việc đầu tiên phải làm là sám hối. Sám hối. Rồi lại sám hối. Sám hối suốt đời.
Tôi xin Chúa thương giúp tôi sám hối. Tôi thực sự không biết thế nào là sám hối theo ý Chúa. Mà sám hối là việc phải làm ngay, không nên trì hoãn.
2. Nhờ ơn Chúa giúp, tôi thấy sám hối đòi rất nhiều điều kiện thuộc lãnh vực tâm linh, như niềm tin vào Chúa, niềm tin vào cõi sau, niểm tin vào sự khiêm nhường. Những niềm tin đó phải thực sự sống động, thực sự tha thiết. Lúc đó, sám hối mới trở thành một bước trở về với Chúa.
3. Khi sám hối là trở về với Chúa trong lòng khao khát Chúa, trong niềm tin tưởng vào Chúa, thì sám hối, dù có đau đớn, sẽ luôn ngọt ngào. Nhất là khi sám hối đi tới lúc gặp được Chúa.
4. Như vậy, sám hối là một hành trình trở về với Chúa. Suốt hành trình này, tôi luôn cầu nguyện, để vững bước đi về phía trước, cho dù con đường trở về trắc trở, gian nan.
5. Hành trình trở về có thể dài, có thể vắn. Dù vắn, dù dài, hành trình vẫn mệt mỏi, không thiếu những bất ngờ. Tôi phải cầu nguyện, xin ơn bền vững.
6. Với những kinh nghiệm trên đây, lúc này tôi hiểu sám hối không hề là việc dễ dàng.
Từ đó, tôi sợ sám hối trở thành một việc đạo đức chỉ còn là hình thức, mà thiếu vắng nội dung.
Nếu sám hối chỉ còn là một nghi thức, một công thức, như một thứ trang trí cho các nghi lễ, thì sẽ không biến đổi được con người.
7. Biến đổi con người, mới chính là việc của sám hối đích thực. Nhờ sám hối, con người được nhẹ nhõm hơn, được thấy mình là người có hạnh phúc đích thực.
8. Riêng tôi, tôi coi việc sám hối trở thành một yếu tố rất quan trọng trong tôn giáo, mà cũng cả trong xã hội nữa. Nhiều người đã làm lại được cuộc đời nhờ sám hối chân thành.
9. Riêng tôi, khi sám hối trở về với Chúa, tôi luôn có cảm nghiệm này là: Chính Chúa Giêsu đã tìm tôi để cứu tôi. Chúa Giêsu là đấng cứu độ. Chúa Giêsu là điểm tựa. Tôi quy chiếu về Chúa Giêsu là tôi đón tiếp Chúa Giêsu vào con người của tôi, vào cuộc đời tôi.
10. Với cảm nhận sâu đậm đó, tôi tự nhiên lo cho những người, mà Chúa Giêsu gọi là những kẻ cứng lòng, mất khả năng sám hối.
Họ sẽ phải sống khổ, chết khổ, và đời sau phải khổ đời đời mãi mãi.
Tôi sợ cho tôi và cho những người thân của tôi. Xin Chúa đừng bao giờ để chúng tôi mất khả năng sám hối.
11. Sám hối đúng là một hành trang cần thiết cho hành trình cuộc sống con người tội lỗi của tôi.
Trong sám hối, tôi đã gặp được Chúa Giêsu. Tôi đã cảm nhận được Chúa Giêsu là đấng xót thương tôi.
12. Cảm nhận đó lại tăng thêm sau này, khi Chúa Giêsu đi sâu vào thân phận con người tự nhiên của tôi.
Thân phận con người tự nhiên của tôi là rất mong manh. Thân xác thì hay yếu đau, bệnh nạn. Tâm hồn thì hay sợ hãi, lo âu, buồn phiền.
Chúa Giêsu đã đi sâu vào thân phận đó của tôi. Ngài đã tỏ ra xót thương tôi. Tôi nhận thấy thế này:
13. Chúa Giêsu quan tâm đến tôi trong từng những chi tiết rất nhỏ.
Tôi đau, Ngài an ủi.
Tôi sợ hãi, Ngài trấn an.
Tồi buồn sầu, Ngài ấp ủ.
Cả trong giấc ngủ, tôi vẫn cảm nhận được sự hiện diện của Ngài.
14. Chúa Giêsu lại dạy tôi biết dùng những việc rất nhỏ để phục vụ Hội Thánh, Tổ quốc, đồng bào, nhất là những người thân.
15. Từ đó, tôi càng cảm nhận rõ hơn Chúa Giêsu là Đấng hay xót thương. Ngài giúp tôi nhận ra Thiên Chúa là tình yêu cứu độ giàu lòng thương xót.
16. Tôi sống rất thân mật với Chúa Giêsu. Lúc nào cũng qui chiếu về Ngài. Làm gì cũng qui chiếu về Ngài.
“Tôi sống, nhưng không phải là tôi sống, mà là Chúa Giêsu sống trong tôi.” (Gl 2, 20).
17. Tới đây, tôi nhớ tới thánh Gioan Baotixita, bổn mạng của tôi.
Thánh Gioan Baotixita là con người giảng sám hối, suốt đời qui chiếu về Chúa Giêsu. Ngài kêu gọi mọi người hãy đón nhận Chúa Giêsu. Ngài giới thiệu Chúa Giêsu là con chiên hiền lành của Thiên Chúa, đến để xóa tội cho trần gian.
18. Tôi bắt chước thánh bổn mạng của tôi, cũng làm như Ngài; theo khả năng của tôi. Tôi làm, mà tôi không chờ đợi thành quả. Bởi vì, tôi biết tôi chỉ là tiếng kêu trong sa mạc như thánh Gioan Baotixita xưa. Tôi mang trong mình bao gánh nặng.
Tôi tin vào lời Chúa hứa: “Tất cả những ai đang vất vả mang gánh nặng nề, hãy đến với Ta, Ta sẽ cho nghỉ ngơi bồi dưỡng.” (Mt 11,28). Tôi đã gặp Chúa. Tôi bám chặt vào Chúa.